Chiêu trò

Chiêu trò "cân điêu" của hàng đông lạnh

Chủ nhật, 06/01/2013 | 10:41
0
Trên thực tế, không có quy định nào bắt buộc ghi rõ khối lượng tịnh sau rã đông trên bao bì nên nhiều nhà sản xuất lợi dụng khe hở này để "cân điêu" cho người tiêu dùng một cách hợp pháp.

Trước tình trạng thực phẩm tươi sống bán tràn lan ở các chợ liên tục có thông tin bị nhiễm khuẩn, nhiều người tiêu dùng chuyển sử dụng hàng đông lạnh, hàng thực phẩm đóng gói sẵn. Tại các cửa hàng, siêu thị..., trào lưu săn lùng hàng đóng gói trở nên rầm rộ hơn bao giờ hết. Với điểm cộng là chất lượng sản phẩm được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm trước khi đóng gói, khối lượng được công bố đầy đủ trên bao bì, nhưng trên thực tế nhiều nhà sản xuất có những mánh khóe "rút chất" của khách rất tinh vi về chỉ tiêu đo lường.

Trăm chiêu "rút ruột" sản phẩm

Tại khu siêu thị của trung tâm thương mại I. (Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội), hầu hết các mặt hàng thiết yếu đều được bày bán. Riêng quầy hàng đông lạnh bố trí ở phía cuối gian phòng, được bảo quản theo đúng quy định, với đầy đủ các loại hải sản, thịt... Hầu hết các sản phẩm đều ghi quy cách đóng gói và khối lượng tịnh từ 450g - 900g khi chưa rã đông. Sản phẩm đều trong tình trạng có chứa nước hoặc được mạ băng.

Xã hội - Chiêu trò 'cân điêu' của hàng đông lạnh

Mực ống là sản phẩm có mức hao hụt sau rã đông "khủng" nhất

Đơn cử một gói cá basa đông lạnh của doanh nghiệp ở An Giang có khối lượng 650gr gồm 5 - 6 khúc cá/gói. Xung quanh những miếng cá này có khá nhiều tuyết trắng bám vào, thậm chí có những khúc lượng tuyết còn phủ kín hết phần thịt cá. Một sản phẩm khác là vỉ nguyên liệu cho một nồi lẩu hải sản, lẩu thập cẩm. Sản phẩm này có khối lượng là 450g (cho nồi lẩu nhỏ) và 900g (cho nồi lẩu lớn). Qua tham khảo, thành phần của sản phẩm này bao gồm: Ốc, mực, cá, tôm... cùng vài lát cà chua, cà rốt và một số hương liệu cơ bản tạo mùi thơm.

Chị Ngọc Linh - một khách hàng đang chọn mua sản phẩm này tỏ ra khá sành sỏi cho biết, hầu hết những mặt hàng hải sản đều có tính chất trữ nước nhiều hơn các loại thực phẩm khác. Khi đưa ra ngoài môi trường để rã đá, sản phẩm sẽ tiết nước nên khối lượng không bao giờ chuẩn được như nhà sản xuất công bố trên bao bì. Nếu không trừ hao cẩn thận rất dễ bị thiếu thức ăn cho gia đình. Chị Linh nói thêm: "Đặc biệt là các sản phẩm mực tươi, trong đó mực ống hay các loại mực càng nhỏ thì sau khi rã đá, khối lượng càng bị hao hụt nặng".

Còn đối với các mặt  hàng như bánh kẹo, đồ uống... thì chiêu trò "rút chất" lại không nằm ở chỉ tiêu đo lường mà sẽ được các nhà sản xuất cắt giảm tinh vi ở những thành phần trong đó. Chị Ngọc Linh cho biết: "Một gói bim bim trước đây có trọng lượng 280g nhưng giờ chỉ còn 270g hay một chai nước ngọt trước có thành phần đường là 25% thì giờ được rút xuống 22%. Tương tự như thế, các thành phần khác trong chai nước ngọt cũng bị cắt giảm 1% - 3%. Về giá cả thì không thay đổi nhưng rõ ràng về chất lượng đã không còn được như ban đầu".

Theo nhiều bà nội trợ phản ánh, những loại nước chấm, dầu ăn, đồ hộp có nước... là những mặt hàng thường thiếu trọng lượng nhiều nhất. Các sản phẩm này đều được đóng trong những vỏ hộp bằng nhựa, sắt tây... nên khá nặng cân. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các sản phẩm đều được các nhà sản xuất cố tình "lờ" việc trừ trọng lượng bao bì. Hay nhiều trường hợp trên nhãn hàng hóa ghi không đúng xuất xứ để nâng giá, như: Cá biển của Đài Loan nhưng doanh nghiệp đóng gói lại ghi xuất xứ từ Nhật Bản để hợp thức hóa việc "thổi giá" (!?)…

Theo anh P.V.C (công ty cổ phần C.N Việt Nam), hiện công ty đang có một số thực phẩm phục vụ ăn nhanh như: Xúc xích, thịt xông khói... Do tính chất của mặt hàng này là đồ trữ lạnh nên việc mạ băng là một trong những biện pháp bảo quản sản phẩm. Tuy nhiên, sản phẩm của mặt hàng đã qua sơ chế, không phải mặt hàng tươi sống đưa vào đóng băng, người dùng chỉ việc làm nóng bằng cách đảo qua dầu ăn hay lò vi sóng nên khi đưa vào sử dụng khối lượng hầu như vẫn được bảo toàn như quy chuẩn trên bao bì".

Cũng theo vị đại diện này chia sẻ, hiện nay chưa có quy chuẩn nào cho mức mạ băng sản phẩm. Khe hở này dễ dẫn đến tình trạng nhiều cơ sơ sản xuất mạ băng vô tội vạ. Người tiêu dùng có lăn tăn thì cũng không thể biết cụ thể tỷ lệ mạ băng so với thực tế sản phẩm mình mua là bao nhiêu.

Theo bật mí của anh P.V.C, sản phẩm cá trứng được nhà sản xuất khi khối lượng tịnh là 200g/vỉ, nhưng thực tế sau khi rã đông chỉ còn khoảng 160g/vỉ. Như thế, tỷ lệ mạ băng lên tới 20%, nhưng lại không được thể hiện trên bao bì. Thậm chí, nhiều sản phẩm hải sản có độ xuống nước nhanh thì tỷ lệ mạ băng còn lên tới 25%. "Một chiêu trò "ăn gian" của nhà sản xuất là nhanh chóng đưa sản phẩm vào mạ băng ngay khi thực phẩm còn tươi. Với cách làm này, nhà sản xuất vừa được tiếng là cung cấp hàng ngon, đảm bảo, nhưng bên cạnh đó, sản phẩm chưa kịp ráo nước sẽ nặng cân hơn, từ đó họ sẽ thu lời nhiều hơn...", anh P.V.C cho biết.

Xã hội - Chiêu trò 'cân điêu' của hàng đông lạnh (Hình 2).

Quầy hàng đông lạnh luôn tấp nập người mua

Người tiêu dùng tự bảo vệ mình?

Khảo sát tại siêu thị Citimart (tầng 3 - toà nhà Indochina - Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội), nguồn hàng ở đây khá phong phú. Riêng quầy hàng đông lạnh có tới vài chục mẫu sản phẩm, chủ yếu là các mặt hàng thủy hải sản: Cá basa đóng gói, cá hồi, tôm, mực… Qua quan sát thấy, các mẫu bao bì sản phẩm vẫn còn nguyên nhãn mác và đều được mạ băng theo quy định bảo quản của mặt hàng đông lạnh. Định lượng hàng hóa được ghi thông số đầy đủ bên ngoài bao bì sản phẩm đều là khối lượng tịnh khi chưa rã đông. Khi kiểm tra bằng cân điện tử tại siêu thị, hầu hết các sản phẩm đều có khối lượng chuẩn như đã ghi trên bao bì.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số người tiêu dùng, mặt hàng thủy hải sản luôn là mặt hàng bị rút cân nhiều nhất. PV Người Đưa Tin đã tiến hành cân thử một vỉ mực trứng được nhập về của một doanh nghiệp chuyên sản xuất đóng gói tại xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) thì thấy cân chỉ khối lượng khớp với khối lượng tịnh sau khi rã đông là 0,302kg. Tuy nhiên, khi tiến hành rã đông khối lượng mực trứng trên thực tế chỉ còn 0,280kg.

Ông Đặng Quang Ánh (quản lý siêu thị Citimart) khẳng định, nguồn hàng siêu thị nhập về luôn đảm bảo về khối lượng cũng như chất lượng ghi trên bao bì sản phẩm. Xét ở vị trí nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng, siêu thị luôn tìm những nguồn hàng tốt nhất đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Về hiện tượng khối lượng hàng sau khi rã đông bị rút đi so với khối lượng tịnh nhà sản xuất công bố, ông Ánh cho biết: "Trong vòng nửa tháng nữa, siêu thị sẽ có lịch tiếp đoàn quản lý thị trường đến kiểm tra nên đến thời điểm này chưa có kết luận về những hiện tượng trên. Bản thân siêu thị cũng chỉ biết nhập những mặt hàng ăn khách, có giấy tờ đảm bảo về chất lượng được các cơ quan chức năng chứng nhận. Bên cạnh đó, nhân viên siêu thị, đăc biệt là nhân viên quầy đông lạnh trước khi vào làm việc đã được qua một khóa đào tạo ngắn ngày về các phương pháp nhận biết hàng đạt chuẩn hay không bằng mắt thường. Hiện nay, chúng tôi chưa nhận được thông tin, quy định cụ thể của các cơ quan chức năng về mức mạ băng chuẩn cho từng nhãn hàng để căn cứ vào đó kiểm tra nên cơ sở nhập hàng chỉ dựa trên các tiêu chí về: Giá cả, giấy tờ kiểm định an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng, khối lượng có khớp với nhà sản xuất công bố hay không...".

Bên cạnh đó, ông Ánh còn tư vấn thêm cho người tiêu dùng khi mua các sản phẩm đóng gói phải lưu ý tính chất từng nguồn hàng. Ví dụ, mặt hàng thủy hải sản như tôm, mực... sau khi rã đông bao giờ cũng bị rút nước nhiều hơn so với những mặt hàng khác. Bằng mắt thường, khách hàng cần quan sát kỹ lượng băng được mạ dưới đáy khay hay bao quanh sản phẩm. Đối với những sản phẩm kém chất lượng thường được các nhà sản xuất phủ băng nhiều hơn nhằm "ngụy trang" đánh lừa người tiêu dùng. 

 Trước tình trạng thực phẩm tươi sống bán tràn lan ở các chợ liên tục có thông tin bị nhiễm khuẩn, nhiều người tiêu dùng chuyển sử dụng hàng đông lạnh, hàng thực phẩm đóng gói sẵn. Tại các cửa hàng, siêu thị..., trào lưu săn lùng hàng đóng gói trở nên rầm rộ hơn bao giờ hết. Với điểm cộng là chất lượng sản phẩm được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm trước khi đóng gói, khối lượng được công bố đầy đủ trên bao bì, nhưng trên thực tế nhiều nhà sản xuất có những mánh khóe "rút chất" của khách rất tinh vi về chỉ tiêu đo lường.

Linh Nhi

Điểm mặt thực phẩm Trung Quốc khiến người tiêu dùng 'hoảng sợ'

Thứ 7, 05/01/2013 | 09:52
Kẹo “thuốc lá”, “hổ khô” siêu rẻ, lê “vô sinh”, nho “giả Mỹ", ô mai “ung thư”…đều có xuất xứ từ Trung Quốc và khiến người tiêu dùng “hoảng sợ” nhất trong năm 2012.

Người tiêu dùng trước tiên phải tự bảo vệ mình

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
Ngày 1/7/2011, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bắt đầu có hiệu lực, trong khi đó các vấn đề sử dụng các chất phụ gia tạo đục DEHP, phẩm màu hóa học… gây nguy hại tới sức khỏe của người tiêu dùng đang rộ lên.

Các hãng sữa "lách luật" móc túi người tiêu dùng?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
Thời gian qua, các sản phẩm sữa trên thị trường Việt Nam đồng loạt tăng giá. Vậy cơ chế nào cho sự tăng giá ồ ạt đó, phải chăng các doanh nghiệp đang "lách luật"?