Chiêu trò từ các phòng khám 'nhập lậu' bác sỹ

Chiêu trò từ các phòng khám 'nhập lậu' bác sỹ

Thứ 3, 04/06/2013 | 10:31
0
Hàng loạt những phòng khám có sai phạm được phát hiện; người bệnh bị lừa phỉnh phải trả những chi phí với giá trên trời mà không khỏi bệnh; thậm chí có bệnh nhân đã phải bỏ mạng tại những phòng khám thiếu chuẩn này.

Đó là thực trạng rất đáng lo ngại tại một số phòng khám chữa bệnh có yếu tố nước ngoài trong thời gian qua. Những người liên quan đã bất chấp nỗi đau, bệnh tật, thậm chí cả sự nguy hại đến tính mạng của người bệnh mà cấu kết, dã tâm "tận diệt" người bệnh. Vậy đâu là những “nhân tố” tiếp tay cho những sai phạm này?  

Mối họa nhãn tiền

Ngày 8/5/2013, thanh tra sở Y tế TP.HCM phối hợp với phòng Quản lý xuất nhập cảnh (công an TP. HCM) cùng các cơ quan chức năng bất ngờ kiểm tra phòng khám Hiệp Hòa (số 31A, 31, 31B đường Trường Sơn, Phường 4, Q.Tân Bình, TP. HCM), phát hiện 8 người Trung Quốc đang hoạt động trái phép. Qua kiểm tra, phát hiện những "thầy thuốc" này từng làm việc tại phòng khám trên đường Thành Thái (Q10, TP. HCM), đã bị đình chỉ hoạt động năm 2012.

Khi bị kiểm tra, những người Trung Quốc ở phòng khám Hiệp Hòa đã tháo chạy, nên thanh tra không phạt được. Qua tìm hiểu được biết, phòng khám này được sự đầu tư của người Trung Quốc, vốn điều lệ 2 triệu USD và thuê một bác sỹ người Việt (81 tuổi) đứng tên, còn mọi hoạt động đều do nhóm người Trung Quốc điều hành. Qua kiểm tra có đến 7 trong số 8 người Trung Quốc không xuất trình được bằng cấp, giấy phép hành nghề. Những máy móc ở phòng khám Hiệp Hòa toàn bằng chữ Trung Quốc!

Trước những sai phạm kể trên, đoàn thanh tra đã tiến hành lập biên bản tạm giữ các hồ sơ bệnh án, sổ khám bệnh đồng thời yêu cầu phòng khám Hiệp Hòa ngưng hoạt động cho đến khi có đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định của pháp luật và giao phòng y tế quận giám sát việc đình chỉ nêu trên.

Vì sao một số người ngoại quốc, không bằng cấp, không chứng chỉ hành nghề, lại ngang nhiên hoạt động trái phép như vậy? Liên quan đến vấn đề này, hẳn nhiều người chưa thể quên vụ việc gây chết người xảy ra tại phòng khám Maria (đường Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội) cách đây gần một năm.

Xã hội - Chiêu trò từ các phòng khám 'nhập lậu' bác sỹ

Bệnh nhân Ph. đã tử vong tại phòng khám Maria (Hà Nội) do “bác sỹ không phép” người Trung Quốc thăm khám gây bức xúc dư luận.

Theo đó, chiều 14/7/2012, thấy người mệt mỏi, chị Nguyễn Thị Thu Ph. (SN 1978, quận Hà Đông - Hà Nội) đã đến phòng khám đa khoa Maria để khám. Cuối giờ chiều, chị Ph. gọi điện về nhà cho biết mình đang trong tình trạng không ổn. Tuy nhiên, khi gia đình chị Ph. đến phòng khám thì bị một số nhân viên ở đây ngăn cản không cho vào phòng chị Ph. đang điều trị. Gần 1 giờ sau, một nhân viên phòng khám mới cho biết chị Ph. đã tử vong.

Theo thông tin, chị Ph. thanh toán tiền khám, điều trị vào khoảng gần 19h ngày 14/7/2012, sau đó được chỉ định truyền 3 chai dịch, làm điện tâm đồ và một số thủ thuật khác với tổng số tiền gần 9 triệu đồng... Công an quận Đống Đa đã vào cuộc, triệu tập những người tham gia điều trị cho bệnh nhân Ph. Tuy nhiên, hai bác sỹ người Trung Quốc điều trị chính đã không có mặt và khi công an đến nơi tạm trú của hai bác sỹ này thì cửa khóa?

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định, ba vị bác sỹ người Trung Quốc trực tiếp khám, làm thủ thuật, kê đơn cho chị Nguyễn Thị Thu Ph. đều không có tên trong hồ sơ cấp phép hành nghề của sở Y tế Hà Nội. Sở Y tế chưa từng cấp phép cho bác sỹ người Trung Quốc nào làm việc tại phòng khám Maria. Vì thế, bác sỹ người Trung Quốc trực tiếp khám, kê đơn cho bệnh nhân tại phòng khám này là sai luật, là hoạt động chui. Sở Y tế chỉ cấp phép cho hai người Trung Quốc là Lôi Hồng và Hoàng Đình Lập với chức danh giúp việc bác sỹ. Những người này không được trực tiếp khám, không được kê đơn, không được thực hiện thủ thuật mà chỉ giúp việc cho bác sỹ khám bệnh được cấp phép như: Giúp bác sỹ ghi chép sổ sách, thay băng, cắt chỉ, đo nhiệt độ, huyết áp...

Và chiêu trò lừa đảo?

Trên thực tế, nhiều phòng khám Trung Quốc (bao gồm PK đa khoa, PK y học cổ truyền) quảng cáo theo hướng thái quá với quá nhiều cái "nhất": Tiên tiến nhất, hiện đại nhất, hiệu quả nhất hoặc không tái phát, không nằm viện, không đau, không chảy máu... nhằm tập trung thu hút người bị mắc những bệnh mãn tính, bệnh khó nói, khó chữa như bệnh trĩ, bệnh nam khoa, bệnh phụ khoa... Những bệnh này ngay cả những giáo sư, bác sỹ đầu ngành cũng khó có thể khẳng định chắc chắn chữa khỏi hoàn toàn, không gây biến chứng.

Anh Nguyễn Văn Hùng (Mê Linh, Hà Nội) đến Phòng khám T.G của Trung Quốc (đường Giải Phóng, Hà Nội) để điều trị căn bệnh viêm xoang mãn tính. Trực tiếp khám bệnh cho anh là một bác sỹ "thuần" Trung Quốc. Sau khi nghe bệnh nhân trình bày triệu chứng: Hay hắt hơi, sổ mũi, đau sống mũi và vùng trán..., thông qua phiên dịch, bác sỹ này đã "phán" anh bị viêm mũi dị ứng và để điều trị nó trước hết phải mất 3 triệu đồng tiền điều trị theo phương pháp DNR. Để quảng cáo thêm, vị bác sỹ ngoại này còn khẳng định, điều trị viêm xoang theo phác đồ của phòng khám T.G, bệnh nhân có thể khỏi bệnh ít nhất... 20 năm?

Chẳng biết phương pháp DNR là gì và vẫn còn băn khoăn, phòng khám đông y tại sao lại điều trị theo phương pháp nghe đậm chất tây y ,nhưng anh Hùng vẫn quyết định rút hầu bao. Khi điều trị, anh Hùng mới biết phương pháp DNR nghĩa là người ta nhét hai mẩu giấy tẩm thuốc tê vào hai lỗ mũi rồi lấy một dụng cụ như cái que "đốt" bên trong mũi. Những tưởng chỉ điều trị bằng phương pháp DNR thôi, nào ngờ "đốt" mũi xong, anh Hùng được chỉ định tiếp truyền dịch 3 ngày và tiếp tục uống thuốc. Sau đó, anh lại được chỉ định truyền dịch tiếp 5 ngày, rồi 7 ngày nữa...

Cảm thấy có chuyện không bình thường, anh Hùng liền tìm hiểu những người xung quanh cũng đến phòng khám T.G. chữa bệnh như anh và được biết, hầu như người nào cũng được điều trị theo phác đồ này. Thậm chí có người truyền dịch tốn tới 20 triệu đồng mà vẫn chưa khỏi bệnh và đang phải tiếp tục truyền dịch...

Thấy vậy, anh Hùng chấp nhận "bỏ cuộc giữa đường" còn hơn là tiếp tục theo đuổi điều trị mà chẳng biết bao giờ khỏi bệnh, lại còn tốn không biết bao nhiêu tiền. Chỉ hơn chục ngày điều trị tại phòng khám T.G, tính ra anh Hùng đã tốn hết 16 triệu đồng chủ yếu là tiền... truyền dịch. Anh bức xúc: "Điều trị như vậy có khác nào là lừa đảo. Mới đầu thì nói là chỉ truyền dịch 3 ngày, sau lại thêm 5 ngày, rồi lại thêm 7 ngày nữa... Nếu tiếp tục điều trị ở đó, không biết tôi sẽ phải truyền dịch thêm bao nhiêu ngày. Vì khi tôi hỏi bao giờ mới hết truyền dịch, một y tá ở đây đã trả lời: "Khi nào bác sỹ chỉ định không truyền nữa thì thôi"...

Trao đổi với PV báo điện tử Người đưa tin, chị Đ.T.K.Q. (35 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, chị đã từng viết đơn tố cáo một phòng khám Trung Quốc gửi thanh tra sở Y tế TP. Hà Nội. Theo đơn tố cáo, sau khi đi kiểm tra vòng tránh thai, chị Q. được một bác sỹ người Trung Quốc chẩn đoán bị sùi mào gà và có dấu hiệu ung thư. Chị đã phải chi trả gần 24,4 triệu đồng cho 4 ngày điều trị. Sau đó, bác sỹ người Trung Quốc yêu cầu điều trị thêm 15 ngày nữa nhưng do không đủ sức chi trả, chị Q. đến một bệnh viện Nhà nước kiểm tra thì được kết luận sức khỏe hoàn toàn bình thường...

Không chỉ quảng cáo “siêu thực”, các phòng khám tư còn ngang nhiên thuê người Trung Quốc không bằng cấp làm bác sỹ điều trị cho người bệnh, dẫn tới bệnh nhân tử vong. Sự việc xảy ra cách đây hơn một năm, tại phòng khám Maria Hà Nội vẫn chưa bị xử lý, đang gióng lên hồi chuông về việc người Việt đang tiếp tay cho các bác sỹ người nước ngoài làm hại chính người Việt Nam. Và trong chuyện này cá nhân nào, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm?                             

Ông Vũ Sỹ Vân - phó chánh thanh tra bộ Y tế cho biết: "Lãnh đạo bộ Y tế rất quan tâm tới công tác quản lý các cơ sở hành nghề y tế tư nhân nói chung, đặc biệt chú ý tới các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có yếu tố nước ngoài. Tại Kế hoạch công tác Thanh tra y tế năm 2013, số 1395/KH-BYT, ngày 24/12/2012 đã được Bộ trưởng bộ Y tế phê duyệt đã giao cho Thanh tra bộ Y tế và Thanh tra sở Y tế các tỉnh và Thành phố trực thuộc Trung ương thanh tra, kiểm tra những cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có yếu  tố nước ngoài trong toàn quốc. Đối với những người nước ngoài hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ở các cơ sở y tế mà không có chứng chỉ hành nghề sẽ bị xử lý hành chính. Những cơ sở vi phạm đều bị xử lý hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam. Nếu vi phạm quy chế chuyên môn hoặc vi phạm quy tắc hành chính gây hậu quả chết người sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét xử lý hình sự".

Hoàng Sa  - Thu Hà

Nữ sinh lớp 12 tố bác sĩ sàm sỡ thân thể

Thứ 4, 29/05/2013 | 17:50
Cho rằng trưởng khoa tâm thần của Bệnh viện đa khoa Sóc Trăng có thái độ thiếu đứng đắn với mình, bệnh nhân là nữ sinh lớp 12 tố bác sĩ sàm sỡ.

Bác sĩ Sài Gòn đền 223 triệu vì làm 'rụng' ngực phụ nữ

Chủ nhật, 12/05/2013 | 21:22
Đặt túi ngực hỏng gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng sức khỏe của bệnh nhân, một bác sĩ bị TAND TP.HCM tuyên phạt phải bồi thường số tiền hơn 223 triệu đồng.

Bác sĩ Trung Quốc núp danh bác sĩ nội

Thứ 2, 15/04/2013 | 16:22
Những tờ rơi quảng cáo của Phòng khám đa khoa Thanh Trì (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đều khẳng định do bác sĩ Việt Nam ở các bệnh viện lớn như Quân y 108, 103, Bệnh viện Bạch Mai khám, chữa bệnh. Nhưng PV phát hiện, có nhiều vị trí từ lễ tân, nhân viên phòng xét nghiệm, phòng X quang đến bác sĩ đều nói tiếng Trung Quốc!

Bác sĩ khiến hàng ngàn bệnh nhân phơi nhiễm HIV

Thứ 3, 09/04/2013 | 19:54
Làng y học thế giới vừa gặp phen chấn động khi một sự việc được cho là vô tiền khoáng hậu xảy ra tại Oklahoma, miền Nam Hoa Kỳ. Hơn 1.200 bệnh nhân bỗng nhiên phát hiện bị phơi nhiễm HIV và viêm gan do... bác sĩ mất vệ sinh.