Chợ Cầu Muối của tôi

Chợ Cầu Muối của tôi

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
(Nguoiduatin) Cảm động nhất là mỗi khi báo đài đăng tin tỉnh nào bị bão lụt mất mùa, họ chờ sinh viên của tỉnh đó ra để hỏi thăm gia đình ở quê nhà.

Năm vào học diễn viên, viện cớ phải tập luyện khuya, tôi xin ba mẹ vào ký túc xá ở cho tiện. Đêm đầu tiên ở ký túc xá, tôi được cảm nhận ngay mùi tanh đặc trưng của chợ Cầu Muối khi những cơn gió từ sông thổi mạnh vào cửa sổ phòng.

Xã hội - Chợ Cầu Muối của tôi

5h30, ký túc xá mở cửa, tôi ào ra đường đi bộ về phía chợ. Xe lam, xe xích lô, xe gắn máy chất đầy ắp rau quả tủa ra các ngả đường. Nhiều bãi rác ngay trên đường đi, thoáng nghe đâu đó tiếng chửi thề.

Buổi chiều tan học, tôi không về ngay ký túc xá mà đi luôn ra chợ. Tôi thích các giỏ cá hấp, đó là những con cá bạc má rất tươi nhờ hấp khi còn sống.

Tùy con lớn nhỏ mà mỗi giỏ từ 3 tới 6 con, bán đồng giá 1000 đồng. Hầu như đây là món ăn quanh năm của sinh viên ký túc xá Trần Hưng Đạo thời ấy bởi không còn món nào rẻ hơn nữa. Tôi thường mua rau, củ của các bà già hay trẻ con, họ bán như cho không vì đây là loại dạt, loại hư mà các vựa bỏ đi.

Càng đi xuống mé sông, chợ càng có vẻ lầy lội. Mùi hôi của cá, ốc, nghêu, sò bốc lên, quyện thành một mùi hôi đặc trưng. Người bán dưới này ít nhộn nhịp. Họ có vẻ trầm lặng, thong dong hơn. Tôi nhìn mặt từng người, cũng chưa thấy ai có vẻ gì là dữ.

Men theo bờ sông, tôi đi ngang qua các sạp bán nghêu, sò, ốc, hến. Mấy cậu bé chừng mười hai, mười ba tuổi sử dụng xe đẩy thành thạo, lạng lách rất tài tình. Miệng lên giọng mũi rao hàng làm khuấy động bầu trời bắt đầu sụp tối.

Tôi đã quen một cậu bé như vậy khi xe đẩy của cậu đâm vào tôi. Cậu cười hồn nhiên “Chị có sao không?

Em la quá trời sao chị hổng tránh? Chị mới vô ở ký túc xá phải không? Chị nào mới lên cũng lơ ngơ vậy đó”. Cậu bé nói nhanh và đẩy xe cũng nhanh, thoắt cái đã đi rất xa. Cậu tên Đũi, tự xưng mình là dân bụi đời, ngủ chợ.

Tôi ở ký túc xá chừng một tháng thì đã quen khá nhiều các bà các chị bán rau củ nhỏ lẻ ngoài chợ Cầu Muối. Họ nhận diện sinh viên trong ký túc xá rất nhanh, và thường bán rất rẻ, vừa bán vừa cho với vẻ thông cảm.

Dĩ nhiên, tôi quen gần hết nhóm nhóc đẩy xe của Đũi. Chính Đũi đã dắt tôi thị sát chợ đêm, chỉ cho tôi biết vựa này là của bà nào, ông nào, họ từ đâu tới đây lập nghiệp, làm giàu ra sao.

Tôi cũng biết uống cà phê lúc nữa đêm, biết sơ sơ về các ông tài xế xe tải chở hàng, ông xích lô, ông xe ôm, bà bán ớt, bán rau, chị bán thuốc lá, đám em gái bán chanh ớt… Nhưng Đũi không kể về em cho tôi nghe.

Em chỉ nói muốn được một lần vô rạp hát ngồi hàng nhất coi cho đã mắt!

Sau bốn năm, tôi có cảm giác khu chợ này là phần ký túc xá mở rộng của mình. Từ những người chạy xe ôm, xích lô, bán thuốc lá, ngày nào xa lạ giờ thành thân thiết, nụ cười thay cho câu chào. Cũng lạ, sinh viên đi chợ buổi chiều ở đây thường đi cả đôi, nên họ cũng nhớ cả cặp, thấy vắng là hỏi ngay.

Cảm động nhất là mỗi khi báo đài đăng tin tỉnh nào bị bão lụt mất mùa, họ chờ sinh viên của tỉnh đó ra để hỏi thăm tình hình gia đình ở quê nhà. Mọi thứ diễn ra dung dị, chân tình lạ lùng.

Khi Nhà nước quyết định di dời chợ Cầu Muối ra Tam Bình Thủ Đức, hầu hết cuộc sống của họ bị xáo trộn rất lớn. Nhìn thấy cảnh buồn rầu, đau khổ của họ tôi thương lắm, nhưng không biết phải làm sao.

Ngày nay, mỗi ngày đi về, xuyên qua chợ Cầu Muối xưa, tôi chạy xe thật chậm để nhớ lại vị trí của những sạp hàng, hình dung ngày xưa ai đã đứng bán ở vị trí nào, và để đưa mắt tìm, lỡ Đũi có quay về đây chơi.

Con đường Nguyễn Thái Học giờ rộng sạch, thông thoáng. Một cây cầu mới được xây nối liền quận 4, và quận 7.

Lòng kênh được nạo vét, đại lộ Võ Văn Kiệt rộng lớn khang trang. Tôi dắt con gái đi vòng quanh và kể về Chợ Cầu Muối ngày xưa. Tôi tiếc mình chưa kịp quay những thước phim về khu chợ lạ lùng này.

Dulichgiaitri