Tết năm nay không trọn vẹn với nhiều người, nhưng chúng ta có cơ hội để mang sự trọn vẹn đó trở lại vào Tết năm sau.
Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hầu như tất cả mọi người, kể cả những người nhiễm bệnh lẫn người không nhiễm bệnh. Gây nguy hiểm đến tính mạng là một chuyện, nhưng thứ khiến con người ta khó chịu nhất lại chính là cảm giác xa cách, héo hon tinh thần, khi không được tiếp xúc xã hội, không được gặp gỡ người thân, bạn bè trong thời gian dài.
“Vài tháng đầu tiên, tôi nghĩ mình có thể ổn khi một mình. Nhưng sau đó tình trạng này cứ kéo dài. Một ngày nọ, tôi nhận ra đã 3 tháng tôi không chạm vào người khác”, Gagan Bhatnagar, 35 tuổi, nhà tư vấn ung thư lâm sàng ở London, chia sẻ với tờ New York Times.
Bhatnagar có lẽ không phải người duy nhất. Khi chia sẻ về chủ đề này trên mạng xã hội vào tháng 12/2020, Bhatnagar nhận được hàng nghìn phản hồi, bày tỏ sự đồng cảm với hoàn cảnh tương tự. Hơn một năm Covid trôi qua, đối với nhiều người, những cái ôm, sự tiếp xúc hàng ngày hay thậm chí là bắt tay, đập tay cũng là điều hiếm hoi.
“Lần tiếp xúc thể xác gần nhất mà tôi có được là với một nhân viên thu ngân. Tôi không nghĩ rằng bản thân nhận ra mình cần nó đến mức nào", Marc Fein, 35 tuổi, nói với New York Times. Thậm chí, Fein từng tự đẩy tay mình vào tường chỉ để mường tượng cái cảm giác được đụng chạm cơ thể hoặc ngủ với gối ôm để bớt trống vắng.
Tuy nhiên, Fein cũng thấu hiểu những khó khăn trong mùa dịch. Từ bỏ sự ủ dột về tinh thần, anh quyết định sẽ hành động tích cực hơn. Fein bắt đầu gọi điện thoại cho những người bạn từ lâu không liên lạc, tham gia các bữa tiệc ảo trên mạng, gặp gỡ bạn mới quen qua trò chuyện video.
"Không dễ dàng gì khi sống một mình vào thời điểm này, với việc không có chỗ dựa về vật chất hay tinh thần. Song, mỗi người đều có thể tự tạo ra năng lượng để sống tích cực hơn", Fein nói.
Đối với nhiều người Việt Nam, năm 2021 có lẽ là cái Tết đặc biệt và có lẽ cũng rất đáng nhớ. Tết là đoàn viên, Tết là về nhà. Nhưng có những người năm nay phải tạm hoãn các cuộc vui, tạm hoãn tụ họp, chào tạm biệt gia đình để “ăn Tết” trong khu cách ly tập trung nhằm phòng dịch Covid-19.
Ngày thường ít được tiếp xúc với mọi người đã buồn, ngày Tết nỗi buồn còn nhân lên gấp nhiều lần. Vì Tết cũng chỉ một năm có một lần. Tết với ai cũng là dịp không muốn bỏ lỡ. Thế nhưng, chống dịch thì tinh thần phải lạc quan. Lạc quan để đoàn kết và lạc quan để tinh thần sảng khoái, chống chọi với bệnh tật.
Mấy ngày qua, trên mạng đã lan truyền nhiều hình ảnh vui tươi, tích cực về các hoạt động đón Tết ở các khu cách ly phòng Covid-19. Đặc biệt được yêu thích nhất là đoạn clip ghi lại hình ảnh 3 cha con đứng trước cửa khu cách ly để hát cho vợ, mẹ nghe sáng mùng 1 Tết.
Trong nỗi nhớ nhung ngày đoàn viên, chồng nhớ vợ, con nhớ mẹ, 3 cha con xách theo chiếu để trải, mở loa đài rồi đứng ngoài hát cho vợ, mẹ nghe. Chồng nhìn thấy vợ, con được nhìn thấy mẹ. Một niềm vui đơn giản nhưng cũng đủ làm ấm lòng người cô đơn trong khu cách ly.
Đoạn video được ghi lại ở ban công của trường THCS Chu Văn An, một trong những khu cách ly tập trung tại Hải Dương, khu vực năm nay có rất nhiều ca nhiễm Covid-19. Nhiều người dùng trên các mạng xã hội đã không khỏi xúc động và để lại lời động viên đến những người đang ở trong khu cách ly.
Thế mới thấy rằng, đôi khi hạnh phúc chỉ đơn giản là những điều nhỏ nhoi mà chúng ta thường bỏ qua trong cuộc sống. Những giây phút gặp nhau thường ngày coi đó là điều nhàm chán nhưng khi cách xa nhau mới lại khao khát giây phút tương phùng đến thế.
Bài hát của người chồng, người con, có thể không hay, hành động có thể sến súa, thậm chí không có gì đặc sắc, nhưng đó là liều thuốc tinh thần vô giá đối với người vợ, người mẹ buồn tủi vì xa nhà, hoang mang vì sợ nhiễm bệnh.
Covid-19 đã cướp đi của chúng ta rất nhiều thứ, nhưng cũng mang đến khoảng lặng để ai đó nhìn lại về những điều đã qua.
Điều quan trọng vẫn là giữ sự lạc quan đong đầy. Tết đã kết thúc, giờ là lúc tiếp tục chung tay chống dịch, để dập tắt dịch hoàn toàn, để năm sau ai cũng sẽ được đón một cái Tết trọn vẹn; để gặp nhau không còn là cơ hội hiếm hoi - và để cái ôm, cái nắm tay không còn là điều xa xỉ.
* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.