Giao dịch liên quan đến vàng là giao dịch đặc thù và chịu sự quản lý chặt chẽ của nhà nước, trực tiếp là Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Để tạo khung pháp lý trong việc quản lý hoạt động này, Chính phủ đã ban hành các văn bản như: Nghị định số 202/2004/NĐ-CP ngày 10/12/2004 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng; Nghị định số 95/2011/NĐ-CP ngày 20/10/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202/2004/NĐ-CP. Ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng ban hành các văn bản quản lý như: Thông tư số 11/2011/TT-NHNN ngày 29/4/2011 về chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng; thông tư số 24/2012/TT-NHNN ngày 23/8/2012 sửa đổi bổ sung thông tư 11/2011/TT-NHNN.
Và mới đây nhất là Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã quy định rõ hơn về quyền sở hữu vàng của cá nhân. Tại Điều 4 nguyên tắc quản lý, quyền sở hữu vàng được khẳng định “Quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật”.
Nhưng tổ chức, cá nhân cũng chịu một số hạn chế như:
- Chỉ được thực hiện việc mua bán vàng miếng tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
- Cấm mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân vượt mức quy định không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp.
- Cấm sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.
Ngoài một số hạn chế trên thì đến thời điểm này, chưa có văn bản pháp luật nào cấm cá nhân được cho vay vàng với cá nhân khác.
Như vậy thì đến thời điểm này pháp luật vẫn chưa cấm giao dịch cho vay vàng giữa các cá nhân nên giao dịch này vẫn hợp pháp và có quyền yêu cầu công chứng.
Tuy nhiên, khi vay vàng, các bên cần lập thành hợp đồng, ghi rõ những nội dung chủ yếu như thời hạn trả, trả lại vàng hay tiền, mức lãi suất (nếu có)... để đảm bảo quyền lợi chính đáng của các bên và tránh tranh chấp về sau.
Hoàng Mai