Chớ vội vàng

Chớ vội vàng "ném đá" những giọng ca trẻ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Ranh giới giữa phê bình góp ý cho tốt hơn và bình phẩm để hạ bệ rất mong manh.

Với cương vị là phó giám đốc nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM, hằng ngày tiếp xúc nhiều với các bạn thanh niên trẻ tuổi, hơn ai hết, nhạc sĩ Phạm Đăng Khương luôn có cái nhìn sâu sắc và thấu đáo về giới trẻ hiện nay. Anh phấn khởi cho rằng, thanh niên bây giờ rất tài giỏi. Các bạn được tiếp cận với những kỹ thuật công nghệ tiên tiến, có vốn tiếng Anh khá ổn, lại chịu khó tìm tòi học hỏi. Xu thế toàn cầu hóa, vươn xa ra ngoài thế giới đã định hình trong lớp trẻ Việt Nam, trong đó có âm nhạc. Chính vì vậy các bạn có nhiều cơ hội để tìm hiểu về các thể loại nhạc, các trào lưu, các dòng nhạc đang thịnh hành trên thế giới. Từ đó, các bạn dần dần yêu thích, say mê và thể hiện theo các bài hát đó. Đây là điều tất yếu trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay. Chúng ta nên mừng và hoan nghênh lớp trẻ.

Xã hội - Chớ vội vàng 'ném đá' những giọng ca trẻ

Nhạc sỹ Phạm Đăng Khương trong chuyến thăm đảo Trường Sa

Tuy vậy, trong thời gian qua, búa rìu dư luận ào ạt chĩa mũi vào vấn đề có quá nhiều bạn trẻ thi thố giọng hát trong các chương trình ca hát của Việt Nam mà hầu như đều chọn thể hiện các ca khúc tiếng nước ngoài. Những người phê phán cho rằng các bạn trẻ hát tiếng Anh đơn giản vì hát tiếng Việt không dễ. Phải vừa tròn vành rõ chữ vừa tinh tế trong cách nhả chữ và biểu đạt tình cảm. Còn khi thể hiện các ca khúc nước ngoài thì chỉ cần thể hiện phần giai điệu âm nhạc là chính.

Tuy vậy, theo nhạc sĩ Phạm Đăng Khương, chúng ta phải hiểu rằng, hát bằng ngôn ngữ gì không quan trọng, thể hiện thể loại nhạc nào không quan trọng, mà điều kiện tiên quyết cho một giọng ca là tiếng hát đó phải đi vào người nghe. Nếu làm được điều đó thì những điều khác liên quan chỉ là phương tiện, phương pháp để hỗ trợ cho giọng hát của mình. Vì vậy, chẳng có gì là sai trái khi mà các thí sinh chọn một bài hát tiếng Anh để trình diễn. Một khi khán giả thấy yêu thích, mến mộ họ thì họ đã thành công.

Tiếng Anh trên thế giới có nhiều kiểu phát âm địa phương khác nhau. Nói kiểu Anh - Anh sẽ khác với nói kiểu Anh - Mỹ, nói kiểu Anh - Ấn thì sẽ khác với nói kiểu Anh - Úc… Nhóm nhạc nổi tiếng với cách phát địa phương "không chuẩn" như Westlife thời gian đầu cũng bị khán giả phản ứng về chính khuyết điểm mà sau này là đặc trưng của họ. Thế nên nếu như chúng ta cứ chăm chăm bắt lỗi các em phát âm chưa chuẩn thì không nên hát. Vậy thì có lẽ, sẽ đến muôn đời, các ca sĩ nước ta mới có thể vươn được ra ngoài thế giới. Chúng ta mang tâm lý e dè, thì sao có thể tiến bộ? Nhất là khi lớp trẻ vừa có ý định vượt thoát khỏi khuôn mẫu thì chúng ta lại tìm cách kìm hãm các em. Tuổi trẻ có nhiệt huyết, hang say, người lớn cần định hướng, đừng vội vàng nhìn nhận điều gì khi chưa suy nghĩ thấu đáo.

Nhạc sĩ cũng thẳng thắn cho rằng, dù sao đi nữa, các nhạc sĩ cũng không phải là hoàn toàn vô can trong câu chuyện ồn ào này. "Chúng ta nên nhìn nhận về trách nhiệm của mình khi mà trong những năm qua, các cuộc thi sáng tác nhạc dành cho đối tượng thanh thiếu niên được tổ chức nhiều, các nhạc sĩ trẻ viết cũng nhiều, nhưng ít có bài để lại dấu ấn đặc biệt", nhạc sĩ Phạm Đăng Khương bày tỏ quan điểm. Mặt khác, anh cũng nêu lên sự lo ngại về công tác tuyên truyền những sáng tác mới, có chất lượng trên các kênh thông tin đại chúng còn hạn chế nên ít nhiều các ca khúc hay của các nhạc sĩ chưa được phổ biến đến đông đảo khán thính giả yêu nhạc.

Nhạc sĩ Phạm Đăng khương sinh ngày 13/5/1957, quê ở Quảng Ngãi, hiện là phó giám đốc Nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM. Nổi tiếng với các bài hát như: Con đường đến trường, Khung trời mơ ước, Mùa hè sinh viên, Khi Tổ quốc cần, Gọi tên mùa xuân, Mãi mãi tuổi hai mươi, Vầng trăng cổ tích… mang đậm nhiệt huyết, tính cảm của lứa tuổi thanh niên nên từ lâu anh đã được mệnh danh là nhạc sĩ của thanh niên, là nhạc sĩ làm việc và sống hết mình với giới trẻ. Không những thế, nhiều tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Đăng Khương còn được chọn là bài hát chính thức trong nhiều chương trình lễ hội lớn (Thành phố 300 năm, Thanh niên vì ngày mai…). Đặc biệt, ca khúc Khi Tổ quốc cần, được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam chọn là bài hát chính thức cho nhiệm kỳ 2010 - 2015 của hội.

Xuân Tiến