Theo Sức khỏe & Đời sống, bệnh nhi 4 tuổi vào viện trong tình trạng rách mi dưới mắt, gia đình chia sẻ, bệnh nhi bị chó cắn vào mắt, đã đưa trẻ đi thăm khám và kiểm tra tại bệnh viện gần nhà, tiêm phòng dại, uốn ván và chẩn đoán vết thương mi dưới, đứt lệ quản.
Các bác sĩ kiểm tra các cận lâm sàng cần thiết và hội chẩn thống nhất chẩn đoán vết thương mi dưới, đứt lệ quản dưới mắt phải do chó cắn.
Nhờ sự nhanh chóng, kịp thời của các bác sĩ, ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp, đường dẫn nước mắt được nối thành công và đã ra viện.
Từ trường hợp này các bác sĩ chuyên khoa mắt khuyến cáo, bệnh nhân đứt lệ đạo không được nối sẽ gây tình trạng chảy nước mắt, ảnh hưởng đến sinh hoạt, gây viêm nhiễm tại mắt.
Thời gian gần đây, các ca tai nạn do chó cắn xảy ra nhiều ở trẻ mà nguyên nhân chủ yếu là do sự bất cẩn của người lớn. Cần nuôi nhốt và rọ mõm chó, mèo, không thả rông, không nên cho trẻ em tiếp xúc gần với các loại động vật nguy hiểm để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Đặc biệt, bố mẹ nhớ cho con em tiêm phòng trong khoảng 24 giờ sau khi bị chó cắn. Đối với những trường hợp sau khi bị chó cắn, cần rửa kỹ vết thương trong vòng 15 phút với nước và xà phòng hoặc nước sạch. Sau đó, sát khuẩn bằng cồn 45°-70° hoặc cồn i ốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn.
Những điều người lớn nên dạy trẻ để tránh bị chó cắn
Trao đổi với báo Lao Động Ths.BS Huỳnh Cao Nhân - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, người lớn cần làm những việc dưới đây để bảo vệ trẻ nhỏ khỏi những nguy cơ trên.
- Không đến gần những con chó lạ.
- Tuyệt đối không quấy rầy một con chó đang ăn, đang ngủ hoặc đang chăm sóc chó con của nó.
- Khi trẻ phát hiện chó lạ ở gần nhà, phải báo cho người lớn biết.
- Dạy trẻ không được trêu chọc chó.
Trẻ con cần làm gì khi một con chó đến gần?
- Trẻ không được bỏ chạy, la hét.
- Dạy trẻ đứng im, hai tay để hai bên thân người, hai bàn tay áp gần hông lưng, không nhìn trực tiếp vào mắt con chó để chúng biết con người không phải mối đe dọa.
- Nếu không may bị chó cắn phải nói với người lớn biết ngay dù là vết thương rất nhỏ.
Làm gì khi bị chó tấn công?
- Dùng balo, áo khoác hay bất cứ thứ gì có trong tay để xua đuổi.
- Hãy nắm chặt bàn tay lại để bảo vệ các ngón tay.
- Chẳng may bị chó vật ngã xuống đất, cuộn tròn người lại, đặt hay tay áp sát cổ và lỗ tai để bảo vệ khỏi tổn thương mạch máu lớn hay bị cắn vào lỗ tai.
- Khi trẻ bị chó cắn, cha mẹ cần sơ cứu vết thương và lập tức đưa trẻ đến cơ sở ý tế để được điều trị, tiêm phòng kịp thời. Người lớn nên nhớ để trẻ tránh xa những con chó lạ.
Trúc Chi (t/h)