Chủng virus SARS-CoV-2 mới xuất hiện ở Việt Nam có đáng lo ngại?

Thanh Lam - Hải Yến

Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, những bệnh nhân mắc Covid-19 ghi nhận tại Đà Nẵng cho thấy virus SARS-CoV-2 đã biến đổi gen, tuy nhiên chưa ghi nhận biến đổi liên quan đến độc lực, người dân không nên quá hoang mang.

Chủng virus biến đổi gen

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng bộ Y tế cho biết, chủng virus ở bệnh nhân Đà Nẵng là chủng mới so với các chủng đã tồn tại ở Việt Nam, là chủng xâm nhập từ bên ngoài. Kết quả phân tích nguồn gen của virus từ các bệnh nhân cho thấy đây là chủng virus mới xuất hiện ở Việt Nam. Trước đây, Việt Nam đã phát hiện ra 5 chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau, đây là chủng SARS-CoV-2 thứ 6.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phân tích, giải mã trình tự gen virus SARS-CoV-2 trên mẫu bệnh phẩm các bệnh nhân mắc mới. Kết quả cho thấy, virus SARS-CoV-2 đã biến đổi gen, tăng khả năng bám dính vào cơ thể cũng như khả năng lây nhiễm, làm lây lan nhanh hơn nhưng chưa ghi nhận biến đổi liên quan đến độc lực.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng bộ Y tế cho biết chủng virus ở bệnh nhân Đà Nẵng là chủng mới.

Thông tin về chủng virus mới này khiến dư luận bày tỏ sự lo lắng về độ lây lan nhanh. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, ThS.BS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch hội Truyền nhiễm Việt Nam, cho biết: “Vấn đề quan trọng là phải tìm ra được nguồn gốc của virus này có phải từ những chủng đợt đầu còn sót lại hay là chủng mới nhập vào. Chủng virus này là biến chủng có thay đổi rất nhỏ trong bộ gen của virus. Bên cạnh đó, nhiều người dân đang hiểu nhầm khó có thể phát hiện được bệnh vì virus biến chủng, tuy nhiên tôi cho rằng việc xét nghiệm không bị ảnh hưởng. Khi biết chủng virus này là chủng mới xâm nhập vào thì chúng ta sẽ tìm ra nguồn gốc xâm nhập để có cách phòng chống. Bên cạnh đó, việc lây lan có tác hại như thế nào cần phải có thời gian theo dõi xem có thay đổi gì hay không”.

Trong khi đó, phân tích thêm về chủng virus mới này, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết: “Trong tự nhiên, không rõ chủng virus từ đâu về, trong quá trình lan tràn ra toàn thế giới thì virus này vẫn tiếp tục biến đổi, bản chất virus SARS là luôn luôn đột biến. Vì vậy, khó khăn là hiện nay xác định có những biến chủng và hiện gần 99 chủng đã được biết đến khi nó lan tràn trên thế giới. Trong số đó, Việt Nam mới xuất hiện 6 chủng virus”.

GS. Kính cũng cho hay, điều quan trọng có thể xác định được đó là chủng virus mới này có độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần, nhưng độc lực so với virus ban đầu không tăng lên. Nói về hậu quả, GS. Kính cho rằng: “Có thể có nhiều người nhiễm chủng mới này nhưng sẽ có khoảng 5% trong số đó diễn biến thành nguy kịch. Đấy cũng là điều mà vì sao ở thế giới vọt lên 1 triệu ca trong 3 ngày và cán mốc hơn 16 triệu người mắc, số tử vong đang dần kiểm soát được. Chứng tỏ độc lực so với virus ban đầu không tăng”.

Từ những phân tích này, GS. Kính cũng thông tin nắm được điều này để cố gắng truy vết, cách ly từ F0 đến F3: “Cố gắng cắt đứt đường lây truyền, không để lây lan nhanh. Bên cạnh truy vết, những vùng có nhiều bệnh nhân có thể phong toả tạm thời quy mô nhỏ, ở địa bàn gần đó phải giãn cách xã hội, tăng cường hoạt động dự phòng như đeo khẩu trang thường xuyên, sát khuẩn tay, khuyến cáo mọi người dân không tụ tập đông người”.

Người dân không nên hoang mang

Trao đổi thêm với PV, BS. Ngô Việt Hùng, chuyên gia về các bệnh nhiễm trùng và nhiệt đới, nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp, cho rằng chủng virus mới từ bệnh nhân ở Đà Nẵng cần phải được xác định chính xác từ các nhà khoa học và gen học, tất cả những thông tin đó chưa có một nghiên cứu chính thức nào được đưa ra và đăng trên các tài liệu khoa học nên chúng ta cần chờ đợi thêm.

“Virus SARS-Cov-2 nguy hiểm là lây qua đường hô hấp với mức độ lan truyền rất nhanh và rất rộng. Vì vậy, người dân mặc dù ở nơi không có ca nhiễm bệnh nhưng nằm trong khung cảnh, hoàn cảnh của đại dịch như hiện nay thì nên đeo khẩu trang thường xuyên, rửa tay sát khuẩn, đặc biệt là tuân thủ khoảng cách tiếp xúc khi ra ngoài”, BS. Hùng cho biết.

Trả lời lo lắng của nhiều người về việc bệnh viện phát hiện nhiều ca lây nhiễm Covid-19 trong Đà Nẵng liệu có trở thành Bạch Mai thứ 2 như ở Hà Nội, BS. Hùng cho rằng: “Một khi dịch lây nhiễm trong bệnh viện thì bệnh viện phải áp dụng biện pháp bao vây và dập tắt ổ dịch”.

Trước đó, nhiều người cho rằng thời tiết nắng nóng sẽ khiến virus chậm phát triển, tuy nhiên giải thích rõ hơn về điều này BS. Hùng cho hay: “Chúng ta đã có kinh nghiệm về Corona virus. Sau SARS đã có MERS (dịch viêm phổi và hô hấp cấp) ở Trung Đông, bên Trung Đông thì nóng và hanh hơn Việt Nam nhiều. Vì vậy, đừng tin vào chuyện đó. Hãy chủ động ngăn cản và đừng cho virus xâm nhập vào mình là tốt hơn cả, đừng hy vọng thời tiết sẽ ủng hộ mà nên tự bảo vệ mình. Những nghiên cứu về vấn đề này chưa cho kết quả đồng nhất. Có người cũng đã nghiên cứu được thời gian virus tồn tại như thế nào, bám dính trên các bề mặt ra sao, tuy nhiên tất cả điều đó mới chỉ là số ít những nghiên cứu nhỏ lẻ, chưa phải nghiên cứu lớn đạt được sự đồng thuận cao của các nhà khoa học”.

Người dân không nên quá hoang mang, lo lắng.

Từ những ý kiến nêu trên, BS. Hùng cho rằng người dân tránh hoang mang và nên tin tưởng vào Chính phủ: “Thực tế trên thế giới, ở thời điểm hiện tại, tỉ lệ người nhiễm virus cần phải nhập viện đạt 1%, tỉ lệ người tử vong chỉ đạt 6%, thế nhưng đây vẫn là một đại dịch, nguy hiểm nhất là tính chất mới của nó. Thứ hai là virus mới lan rộng nhanh và nhiều, ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội, làm rối loạn trật tự xã hội, đặc biệt là kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang làm rất tốt, Chính phủ đã đưa ra những giải pháp rất kịp thời, quyết liệt. Vì vậy, người dân nên tránh tâm lý hoang mang mà cần làm theo hướng dẫn từ các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn”.

Cùng với đó, GS. Kính nhấn mạnh thêm về việc mở cửa phát triển kinh tế ai cũng mong muốn, nhưng cần cân bằng giữa phát triển kinh tế và dịch bệnh. “Tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, nên Việt Nam cũng khó tránh khỏi không còn ca lây nhiễm. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên hoang mang, sợ hãi mà bình tĩnh xử lý. Bởi, chúng ta cũng đã có kinh nghiệm trong đợt phòng, chống dịch giai đoạn đầu”, GS. Kính khuyến cáo.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

BS. Ngô Việt Hùng: “Chúng ta không thể dự đoán nguy cơ lây nhiễm nếu không có sự đồng thuận của tất cả mọi người, của nhân dân. Nếu không tuân thủ theo các quy trình, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thì việc dịch bệnh lây lan ra cộng đồng sẽ gây ra những nguy hại, hậu quả khó lường. Người dân phải hiểu được rằng, tất cả những người bên cạnh họ ai cũng có thể nhiễm Covid-19, có như vậy mới có thể phòng chống tốt được, phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Thời tiết nắng nóng có làm virus giảm?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm- Thần kinh (bệnh viện Nhi đồng 1, TP.Hồ Chí Minh) cho biết: “Về nguyên tắc virus nào cũng vậy, thay đổi rất nhanh, lây được từ người sang người sẽ biến đổi để làm sao phù hợp với con người hơn. Nên, khả năng lây lan sẽ nhanh hơn, nhưng độc lực của virus mới này ít hơn. Bên cạnh đó, mọi người đang hiểu sai về việc thời tiết nắng nóng sẽ khiến virus hạn chế lây lan hơn. Tôi nhắc lại nắng nóng thì môi trường sống của virus sẽ giảm đi, nhưng nếu ở trong khu vực khép kín, mặt đối mặt không phòng ngừa thì chắc chắn vẫn có thể lây. Vì vậy, khi tiếp xúc với người lạ bắt buộc phải đeo khẩu trang thường xuyên chứ không được nới lỏng. Đây là điều quan trọng nhất trong phòng ngừa, khẩu trang phải đeo đúng cách, rửa tay, hạn chế đưa bàn tay nên vùng mũi miệng... Phải làm đúng thì mời hạn chế lây lan, còn không làm đúng sẽ hại bản thân, người nhà và cả cộng đồng”.

T.L-H.Y