Chuột

Chuột "độc" sinh sôi, phát triển là do người

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
0
Theo nhiều chuyên gia môi trường, nguyên nhân khiến số lượng chuột tại TP.HCM, Hà Nội sinh sôi, phát triển nhiều là do người dân vứt rác bừa bãi ra ngoài đường, cống rãnh, khu dân cư... một cách vô tội vạ.

Người dân đang tự "hại mình"

Một số chuyên gia y tế tại TP.HCM cho biết, hiện nay, các cơ quan y tế và người dân tại thành phố này đang dồn hết tâm lực vào việc làm sao để tiêu diệt chuột và ngăn ngừa các ca bệnh nhiễm virus Hanta mới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, để tiêu diệt được chuột, các cơ quan y tế phải tuyên truyền cho người dân biết nguyên nhân vì sao lũ chuột sinh sôi, phát triển một cách nhanh chóng như vậy.

Từ đó, việc phát động người dân TP.HCM tiêu diệt chuột mới hiệu quả. Bởi thực tế cho thấy nhiều người dân tại đây vứt rác rất bừa bãi. Vào các thời điểm trong ngày, tại các khu dân cư, cống rãnh, kênh rạch..., rác thải do người dân vứt bỏ xuống rất nhiều. Dù đơn vị môi trường tổ chức thu gom, nhưng sau đó mọi chuyện lại trở lại như cũ. Đây là thực trạng vô cùng nhức nhối.

TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu, giám đốc trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, vừa rồi cơ quan y tế phát hiện ở khu vực quận 3 có nhiều người bị nhiễm virus Hanta là do người dân đổ vứt rác, thức ăn thừa ra cống và kênh rạch quá nhiều.

Từ nguồn thức ăn đó, số lượng chuột tăng lên nhanh chóng và xâm nhập vào nhà dân gây nên các ca nhiễm bệnh. Người dân lại có tâm lí cho chuột thức ăn thừa thì chuột sẽ không vào nhà nhưng thật ra lại trái ngược hẳn. Đối với loài chuột, thức ăn với chúng là không bao giờ đủ. Thức ăn càng nhiều chúng sẽ sinh sôi càng nhanh.

Ngoài ra, một số quán hàng rong, quán ăn, nhà hàng đổ thức ăn xuống cống vô tình cung cấp lượng thức ăn dồi dào cho đàn chuột, khiến chúng tăng nhanh dẫn đến đến việc diệt chuột trở nên khó khăn.

Xã hội - Chuột 'độc' sinh sôi, phát triển là do người

Bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu.

Hiện nay nhiều người đang tiến hành diệt chuột bằng thuốc độc hay dùng bẫy. Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ là tạm thời.

TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu cho biết: "Trên thị trường hiện bán nhiều loại thuốc diệt chuột rất độc hại. Những loại thuốc này không mấy tác dụng với loài chuột vì chúng rất tinh ranh, ngược lại thú nuôi và con người rất dễ bị nhiễm độc do tiếp xúc với các loại thuốc này, nhất là nhà nào có trẻ con.

Về lâu dài, người dân không nên dùng thuốc tiêu diệt chuột mà cần dùng các biện pháp phòng ngừa sự phát triển của đàn chuột. Nếu người dân quản lí tốt nguồn rác thải, chuột sẽ không thể phát triển được. Từ đó nguy cơ người dân nhiễm các loại bệnh từ chuột sẽ giảm đi". Cũng theo vị này, ngoài những biện pháp trên, người dân TP.HCM cũng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình bằng cách giữ vệ sinh sạch sẽ trong nhà, làm sao cho nhà của mình thoáng mát, sạch sẽ và không có nơi cho chuột trú ngụ.

Không phải cứ hễ bị chuột cắn là nhiễm bệnh

Các bác sĩ khuyến cáo, trường hợp nào bị chuột cắn hay tiếp xúc với chuột thấy sức khỏe biểu hiện bất thường thì nên nhanh chóng đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị.

Theo TS Trần Ngọc Hữu, viện trưởng viện Pasteur thông tin, viện đã phối hợp với sở Y tế TP.HCM có kế hoạch diệt chuột và tuyên truyền cho người dân phòng bệnh nhưng chuột quá nhiều, khôn và sống dưới hệ thống cống, đặt thuốc nhiều nhưng không hiệu quả...

Cũng do ý thức người dân kém, xả rác, vứt lung tung nên đã trở thành mầm dịch đáng lo ngại các loại ruồi, muỗi, côn trùng độc hại phát triển mạnh do cuối năm mưa to dồn dập, nước ngập. Nhiều khu vực trong thành phố, người dân vẫn dùng nước ngầm..do đó nguy cơ các loại bệnh tiêu chảy cấp, chân tay miệng, sốt xuất huyết... gia tăng mạnh.

Vì vậy, để phòng bệnh, ngày 19/11, sở Y tế TP.HCM đã họp, khuyến cáo người dân phải có ý thức phòng bị chuột và các loại côn trùng cắn, đốt bằng cách ngủ màn, dọn dẹp vệ sinh môi trường thật tốt, tránh để rác trong nhà. Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo các ban, ngành chức năng siết chặt quản lý các quán hàng rong, xe đẩy, tăng cường thu gom rác thải, tránh để số lượng lớn rác sinh hoạt lưu cữu lâu ngày làm lây lan mầm bệnh...

Người dân Sài Gòn rỉ tai các "tuyệt chiêu" đuổi chuột

Ngoài ra, nhiều chuyên gia y tế tại TP.HCM còn chia sẻ một số "tuyệt chiêu" để đuổi chuột ra khỏi nhà vô cùng hiệu quả. Đó là việc dùng dầu bạc hà được bán nhiều trên thị trường vẩy quanh các khu vực ngóc ngách, hang ổ có chuột sinh sống. Chỉ sau thời gian ngắn, chuột không chịu được mùi dầu sẽ tự động bỏ đi. Thêm một cách khác là người dân có thể mua các viên thuốc được luyện từ nước tiểu của mèo, cáo và chồn. Các viên thuốc này được chế biến bằng cách gom nước tiểu của những con vật này hòa với một vài hóa chất khác để chế thành. Khi có thuốc, người dân bỏ vào khu vực có chuột sinh sống, chuột nghe mùi là sợ ngay.

C.Thư - C.Đại