"Chuột tuyệt chủng 11 triệu năm" bị bán làm mồi nhậu

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
0
Một loài chuột đá được các nhà khoa học cho là quý hiếm đã bị tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm, không ngờ lại được phát hiện tại Lào và huyện miền núi heo hút của tỉnh Quảng Bình.

Thậm chí, người dân ở đây còn đổ xô đi đánh bẫy đem bán công khai ở chợ làm thức ăn và mồi nhậu.

Mới đây, tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) công bố, một nhóm các nhà khoa học người Việt Nam vừa phát hiện một loài thú rừng từng bị cho là đã tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm đang sinh sống tại bản Ó thuộc huyện Minh Hóa, một huyện miền núi heo hút nằm giữa đại ngàn Trường Sơn của tỉnh Quảng Bình.

Sau đó, các nhà khoa học đã tiến hành kiểm tra mẫu nghiên cứu và đưa ra kết luận ban đầu về loài thú rừng này. Loài chuột đá này có tên khoa học là Laonastes aenigmamus (Jenkins, Kilpatrick, Robinson, Timmins, 2005), tức là chuột đá Lào.

Chuột đá được bán đầy rẫy tại các chợ để làm mồi nhậu.

Dù là phát hiện gây xôn xao, nhưng thực tế theo tìm hiểu của PV, là loài chuột này đang được bán đầy rẫy tại các chợ tại Lào, Việt Nam và được đồng bào người Rục, huyện Minh Hóa vẫn vào rừng bẫy về làm mồi nhậu. Ông Trần Xuân Tư, Trưởng bản Ó cho biết: Khi còn sống trong hang đá, thức ăn chính của người Rục là một loại lá cây đem phơi khô rồi nấu lên chà nhuyễn làm cơm. Còn thức ăn chủ yếu vẫn là thịt rừng, trong đó có loài chuột này (người dân ở đây gọi là Ninh Cùng).

Đây là một giống thú chỉ sống trong hang đá và ban đêm mới ra ngoài nên rất khó để bắt chúng. Theo ông Tư, loài Ninh Cùng rất khôn và tinh ranh, để bẫy được chúng rất khó. Khi đi đặt bẫy phải làm sao để chúng không phát hiện ra con người, nếu không chúng đánh hơi được thì không còn bẫy được con nào nữa. Chúng thường xuyên chuyển chỗ ở để đánh lạc hướng con người.

Ninh Cùng thường thích sống yên tĩnh, thoáng mát và sạch sẽ. Chúng có màu lông đen tuyền, mượt và đuôi thì rất dài trông giống như đuôi sóc. Chúng có tai to, móng phát triển giống móng loài mèo, đi lại chậm và trông hiền hơn loài chuột thường. Thịt Ninh Cùng mềm và có mùi vị giống với loài khỉ.

GS. Đặng Huy Huỳnh - Chủ tịch Hội động vật học Việt Nam cho biết: "Dãy Trường Sơn thì chúng tôi cũng đã đi nghiên cứu rồi và phát hiện có nhiều tiềm ẩn về sinh học, cũng như phát hiện thêm được nhiều loài mới lạ. Tuy nhiên, khi phát hiện phải có mẫu nghiên cứu về giá trị của nó. Cứ nói nó là loài chuột, tức là thuộc về loài gặm nhấm, trong dãy Trường Sơn cũng có nhiều loài gặm nhấm, nhưng không cực kỳ quý hiếm lắm, giống như các nhóm thú khác mà thôi. Trong khi, hiện nay họ lại đưa thông tin ở Quảng Bình có loài chuột như thế, với một loài rất lạ lùng thì cần phải tìm hiểu thêm. Còn nếu để đánh giá nó quý hiếm hay không, thì theo tôi không nên, kẻo làm cho người dân lại đổ xô đi bắt".

TS. Nguyễn Xuân Đặng - Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật có quan điểm: Vì mới chỉ được biết qua thông tin đại chúng nên tôi chưa thể nói thêm được vì chưa có nghiên cứu. Bây giờ mới phát hiện ra, đúng ra phải có thời gian nghiên cứu thì mới nên đưa những thông tin chính xác.

Ngoài ra, Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng nằm trong hệ rừng Trường Sơn được biết đến với nhiều giá trị đặc biệt, nhiều loài động thực vật quý hiếm. Đã có nhiều loài được phát hiện, nhưng cũng có loài chưa phát hiện hết như: Ếch, nhái. Vì thế rất cần các nhà khoa học, sau khi phát hiện ra sẽ nghiên cứu và đưa ra các đề xuất bảo tồn, nếu họ thấy rằng, loài này cần bảo tồn và bảo tồn như thế nào để nhà nước có giải pháp bảo tồn thích hợp.

V.H