Chuyện cảm động sau ca ghép thận không cùng huyết thống

Chuyện cảm động sau ca ghép thận không cùng huyết thống

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Bệnh viện 198 (Bộ Công an) vừa thực hiện thành công một ca ghép thận không cùng huyết thống. Bệnh nhân được ghép thận là ông N.Q.H (46 tuổi, ở Từ Liêm, Hà Nội) và người cho thận là anh Võ Văn S. (20 tuổi, cháu vợ ông H.).

Ca phẫu thuật lạ lùng

PV Người đưa tin đã tiếp xúc với bác sỹ chuyên khoa II Phạm Quốc Cường (Trưởng khoa Thận khớp, Bệnh viện 19-8 sau thời điểm kết thúc ca phẫu thuật vừa tròn một tuần. Lắng nghe những tâm sự của vị lương y này, chúng tôi không khỏi xúc động trước tấm chân thành của những người tham gia kíp phẫu thuật, đặc biệt là chàng trai trẻ là anh Võ Văn S. (20 tuổi, ở Cần Giờ, TP.HCM) là người tình nguyện hiến thận trong ca phẫu thuật này.

Lặn lội ra Hà Nội để làm các thủ tục hiến tặng quả thận của mình, anh S. đã khiến các y bác sỹ bệnh viện không khỏi ngạc nhiên bởi thái độ bình tĩnh và vui vẻ đến lạ kỳ.

Từ ánh mắt đến nụ cười đều toát lên sự vô tư, hứng khởi khiến nhiều người lầm tưởng anh là bệnh nhân may mắn được nhận thận của người khác hiến tặng. Đặc biệt, trong lúc chờ đợi ghép thận, anh S. còn hăng hái chạy đi giúp đỡ và chăm sóc những người chạy thận nhân tạo…

Trong quá trình phẫu thuật, người bệnh phải dùng thuốc thải ghép và mổ rất nguy hiểm nên tâm lý của các y bác sỹ rất căng thẳng. Theo bác sỹ Cường, chia sẻ về kinh nghiệm điều trị, việc trấn an tâm lý người cho thận bao giờ cũng là áp lực đối với các y bác sỹ nên tâm lý thoải mái của anh S. đã góp phần làm an lòng người bệnh, đồng thời giảm áp lực căng thẳng cho các y bác sỹ trực tiếp điều trị.

Thậm chí, nhiều bệnh nhân đang điều trị chạy thận tại khoa cũng vì thế mà tăng thêm sự hi vọng vào một tương lai đang chờ mình ở phía trước.

Xã hội - Chuyện cảm động sau ca ghép thận không cùng huyết thống

Bác sỹ chuyên khoa II Phạm Quốc Cường, Trưởng khoa Thận khớp, Bệnh viện 19-8

Để chuẩn bị cho ca phẫu thuật đầy thử thách, bệnh viện đã chuẩn bị kíp lấy thận và ghép thận gồm 6 người, kíp phụ trách khâu nhận thận gồm 6 người. Công tác chuẩn bị thuốc chống thải ghép ngày thứ nhất và ngày thứ 4 cũng được chú trọng cẩn thận, bởi sau khi hậu phẫu sẽ có thể có rất nhiều phát sinh mà nguy hiểm nhất là thải ghép cấp.

Bác sỹ Cường cho biết, nếu trường hợp người cho thận và người ghép thận cùng huyết thống và hòa hợp tốt trong nhiều trường hợp có thể không cần dùng đến loại thuốc này. Với loại thuốc chống thải ghép, bệnh nhân được sử dụng 2 lọ cho 2 ngày, bởi vì hết ngày thứ nhất nếu có dấu hiệu tốt đẹp thì vẫn phải để qua ngày thứ 2 và thứ 3 cho ổn định để sang ngày thứ 4 tiếp tục dùng lọ thứ 2.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân được theo dõi 24/24h trong vòng 5 ngày đầu, vì sau khi ghép thận, bệnh nhân có khả năng vô niệu hoàn toàn (không có nước tiểu) nên bắt buộc phải theo dõi. Đối với trường hợp bệnh nhân H., sau ca phẫu thuật kéo dài 5h căng thẳng, đã xuất hiện nước tiểu ngay trên bàn mổ. Điều này khiến cả ekip bác sỹ trực tiếp tham gia phẫu thuật mừng rơi nước mắt.

2h sau đó, lượng nước tiểu đo được là 500 ml và từ ngày thứ 2 trở đi, hoạt động của quả thận mới đã dần ổn định. Cũng theo bác sỹ Cường, kết quả bệnh nhân H. trong ngày thứ 7 cho thấy: Thể trạng bệnh nhân căn cứ vào số lượng nước tiểu, huyết áp, chỉ số hồng cầu... đều cho kết quả khả quan. Dự kiến ban đầu, với tình trạng sức khỏe tiến triển tốt như hiện nay, khoảng 1 - 2 tuần nữa, bệnh nhân có thể làm thủ tục xuất viện.

Chính lòng tốt và đức hi sinh một cách vô tư đó đã khiến ai chứng kiến cũng phải rưng rưng xúc động, giữa họ dường như không còn khoảng cách mà như chính là anh em ruột thịt vậy. Thậm chí, đích thân bác sỹ Cường phải lên tận nơi động viên kèm lời hứa sẽ cho phép anh S. được xuống dưới khu điều trị để trực tiếp thăm ông H. cũng như những bệnh nhân đang điều trị thận nhân tạo mà anh mới kịp làm quen trong vòng vài ngày ở đây...

Khó khăn nguồn hiến tạng

Từ trước tới nay, Bệnh viện 19-8 đã ghép 9 ca trong cùng huyết thống và trường hợp thứ 10 tìm đến đây lại là một sự mạo hiểm lạ lùng bởi giữa người cho và người nhận không cùng huyết thống.

Theo bác sỹ Phạm Quốc Cường, công tác tuyên truyền cho việc hiến tặng tạng vẫn vấp phải một số rào cản, bởi đa số người Việt Nam còn nhiều định kiến nặng nề về quan niệm chết toàn thây. Vì thế, công tác tuyên truyền đến người cho thận phải được coi là công việc vô cùng quan trọng để họ và gia đình hiểu rằng, hiến tặng tạng là nghĩa cử hết sức có ý nghĩa. Đó cũng là cách giúp họ hiểu theo hướng tích cực về một cuộc sống trở lại sau cái chết.

Được biết, hiện Khoa chạy thận nhân tạo của Bệnh viện 19-8 có 26 máy với tổng số bệnh nhân đang điều trị là 128 người, trong đó bệnh nhân làm việc trong ngành công an khoảng 30 - 40 người.

Đáng chú ý, có khoảng 20 bệnh nhân đang điều trị sau ghép, trong đó có quá nửa là bệnh nhân được ghép thận từ Trung Quốc về và tìm đến bệnh viện để điều trị và chăm sóc sức khỏe sau ghép. Những bệnh nhân này đều cho biết, do nguồn thận ở Việt Nam không đáp ứng được, mặc dù Luật hiến tạng có hiệu lực từ năm 2006.

Bác sỹ Phạm Quốc Cường cũng bày tỏ niềm hi vọng ca phẫu thuật mang số 10 tròn trịa này sẽ mở ra nhiều may mắn trong công tác ghép mổ thận cho bệnh viện nói riêng và toàn bộ nền y học nước nhà nói chung.

Linh Nhi