Trở lại ngôi mộ thiêng dưới chân Hang Hòn huyền thoại

Trở lại ngôi mộ thiêng dưới chân Hang Hòn huyền thoại

Thứ 5, 07/03/2013 | 09:19
0
Chị Phan Thị Ràng là người được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Cuộc đời chị là bản hùng ca bất tử, biểu tượng của người con gái Nam bộ kiên trung, gan dạ, trung thành với cách mạng.

Tôi đứng trước nấm mồ chị Ràng, thắp nén hương nguyện cầu linh hồn chị yên bình nơi chín suối. Không phải sinh ra và lớn lên ở Hòn Đất, nhưng linh hồn chị, tên tuổi chị đã gắn với những ngách hang, vỉa đá chốn này. Chị ngã xuống khi tuổi vừa đôi mươi, lời hẹn ước với người yêu còn dang dở. Vì thế, người dân trong vùng bảo rằng mộ chị linh lắm, ai đến viếng nguyện gì sẽ được nấy...

Người có hai quê hương

Từ trung tâm TP. Rạch Giá theo QL80 khoảng 30km, rồi tiếp tục rẽ trái 10km nữa thì đến Hòn Đất, địa danh gắn liền với nữ AHLLVTND Phan Thị Ràng, nguyên mẫu nhân vật chị Sứ trong tác phẩm Hòn Đất của nhà văn Anh Đức viết vào giữa thập niên 60 của thế kỷ trước. Đường vào Hòn Đất bây giờ đã phẳng phiu, không còn gồ ghề hố bom, bãi mìn, dấu tích đau thương một thời mưa bom, bão đạn nữa, nay được thay bằng những ruộng lúa màu xanh mướt mát, thấm đượm sức cần lao.

Xã hội - Trở lại ngôi mộ thiêng dưới chân Hang Hòn huyền thoại

Quang cảnh mộ chị Phan Thị Ràng dưới chân hang Hòn.

Từ xa, Hòn Đất nhô lên ở mép biển như một đụn đất khổng lồ, phủ kín màu xanh trong khiết. Chúng tôi men theo con đường ngoằn ngoèo dưới chân Hòn Đất, xuyên qua những rặng cây xoài mát rượi, loài cây đặc trưng của miền đất Hòn, thời gian đầu mùa nắng xoài đang ra quả, đi đến đâu cũng thấy mùi thơm mỡ màng. Dẫn chúng tôi đi, anh Nguyễn Duy Thanh (27 tuổi), cán bộ ban quản lý Di tích lịch sử - Thắng cảnh Hòn Đất nói trong niềm tự hào: "Hòn Đất chủ yếu có cây xoài thôi, loài cây gắn với bao kỷ niệm những năm tháng đau thương, có những thân xoài cổ thụ còn in vết bom, đường đạn.

Qua bao trận càn của địch, xoài vẫn hiên ngang đội hòn vươn lên như một hình tượng bất khuất. Đọt lá xoài, quả xoài giúp cán bộ lót lòng những năm kháng chiến. Ngày hòa bình, xoài Hòn Đất trở thành thứ trái cây có thương hiệu, góp phần thu nhập cho người dân. Cũng thật lạ, xoài ở chốn khô cằn sỏi đá này, rễ cứ chọc sâu, bám chắc vào từng thớ đất, đá. Có lẽ, đất này từng thấm máu bao người ngã xuống nên cây xoài nào cũng trĩu quả, dày thịt và vị ngọt như mật.

Cũng cách đây hơn 50 năm, cây xoài từng tiễn đưa người con gái Nam bộ Phan Thị Ràng về với đất mẹ. Bọn giặc ác ôn đã lấy tóc chị treo trên nhánh xoài, rồi tra tấn dã man cho đến lúc chị không còn quậy cựa. Biết chị đã chết, chúng mới chặt tóc hạ xác xuống, bà con trong Hòn phải đi trộm xác chị về chôn mà trong lòng ngút ngàn thù hận. Giờ thì mong ước của chị đã thành hiện thực, hòa bình lập lại, Nam - Bắc một nhà, tại nơi chị hi sinh năm xưa, một khu tưởng niệm mang tên chị được xây cất khang trang, ngày nào cũng có người đến viếng.

Mộ chị Ràng nằm ngay dưới chân Hang Hòn, mặt nhìn ra con lộ nơi có chợ Thổ Sơn khá sầm uất. Bên trong cổng khu di tích chừng 100m là hồ nước rộng điểm hoa sen. Đó là một trong muôn ngàn hố bom còn lại được chính quyền nơi đây cải tạo thành hồ nước, khi du khách tới viếng mộ chị có thể du ngoạn. Mộ chị vuông vức khang trang, trên mái che, dưới ốp đá ngày ngày được người dân quét dọn, chăm nom hương khói. Sau lưng mộ là 37 bậc thang để đi lên Hang Hòn, nơi chứa bao kỷ niệm những năm tháng đau thương của quân dân Thổ Sơn. Đôi bên là hai tấm bảng dài tựa lưng vào núi, khắc ghi tên gần 1.000 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc tại Hang Hòn.

Tôi lặng người nhìn di ảnh chị cùng những dòng chữ khắc trên tấm bia: "Liệt sĩ - AHLLVTND Phan Thị Ràng, bí danh Tư Phùng (SN: 1937), quê quán: Xã Lương An, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Tham gia cách mạng năm 1950, hy sinh ngày 9/1/1962, được truy tặng danh hiệu AHLLVTND ngày 20/12/1994. Chị ngã xuống khi mới 25 tuổi, độ tuổi xuân sắc nhất của người con gái. Di ảnh trắng đen cho thấy, lúc còn trẻ, chị đẹp lắm. Gương mặt sáng tươi, đôi mắt hiền, toát lên vẻ cương trực, nghiêm nghị mà hiền thục của người con gái miền Tây Nam bộ.

Xã hội - Trở lại ngôi mộ thiêng dưới chân Hang Hòn huyền thoại (Hình 2).

Di ảnh chị Phan Thị Ràng thời con gái.

Cả gia đình theo cách mạng

Thuở thoát ly hoạt động cách mạng, chị có biệt danh Tư Phùng, vì tóc chị đen, lúc nào cũng búi phùng ra sau gáy. Quê chị ở xã Lương Phi (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), nhưng gần như nửa sau cuộc đời chị lại gắn nhiều với miền đất Thổ Sơn của tỉnh Kiên Giang. Ông cố chị là bậc giỏi võ nghệ, cương trực không chịu khuất phục, nên bỏ làng ngược lên vùng núi Lương Phi tập hợp dân chúng chống lại cường hào ác bá, sinh ra người con là Phan Văn Ký. Năm 1943, ông Ký được người dân tôn là giáo chủ của đạo Hiếu nghĩa (đạo cổ xưa ở vùng Tri Tôn). Năm 1945, ông tập hợp một đội quân gồm 30 người trang bị giáo mác, gậy, gộc... tham gia cướp chính quyền, rồi được cử làm Chủ tịch mặt trận Việt Minh xã, kiêm phụ trách đội quân cảm tử trong vùng.

Những người con của ông Ký sau này đều đi theo cách mạng, có người hi sinh lúc còn trẻ, người sống sót thì cống hiến cho cách mạng đến khi về già. Ông Ký sinh ra Phan Văn Ngọc, ông Ngọc có sáu người con là Tỏ, Rõ, Ràng, Du, Mỳ. Ràng là con thứ 4 nên anh em cũng thường gọi là Tư Ràng. Năm 1946, Pháp quay lại chiếm nước ta, Tri Tôn bị chúng đóng đồn bốt, bọn tề xã, tham quan kéo nhau đi đầu hàng địch. Biết ông Ngọc theo Việt Minh, chúng bắt về đồn Xà Toóng, đánh đập dã man, bốn tháng sau chúng mới thả về, bị trọng thương ông ho ra máu rồi chết, lúc đó vợ ông đang mang thai người con thứ sáu được bảy tháng. Chứng kiến bao kỷ niệm đau thương, cô bé Phan Thị Ràng lớn lên trong sự sục sôi, căm thù giặc.

Trong ký ức, ông Sáu Mỳ (hiện nay ở An Giang) vẫn còn nguyên vẹn những kỷ niệm năm tháng bên chị Ràng. Ông kể, sau khi ba mất, chị gần như gánh trọng trách của gia đình, giúp mẹ, nuôi em, không nề hà khó khăn nặng nhọc. Đi giăng câu, vào rừng đốn củi, đào đất thuê, miễn có tiền mua gạo cho các em ăn, Ràng đều xắn tay làm hết. Có lúc chị đi làm về, bộ quần áo rách tả tơi, chân tay rớm máu, mẹ chị thương mà không cầm được nước mắt. Gian khổ vậy, nhưng tối nào chị cũng hăng say tập hợp các thiếu niên cứu quốc tập tành ca, vũ, sống vô tư và yêu đời.

Thời gian này, tại xã Bình Sơn, có Công binh xưởng 18 của tỉnh Long Châu Hà chuyên nhận nguyên vật liệu súng đạn, vũ khí hư về chế tạo. Nơi đây trở thành hậu cần xay xát gạo và địa chỉ liên lạc của cách mạng. Công binh xưởng này đặt cạnh nhà Tư Ràng nên hàng ngày ông Giám đốc xưởng Nguyễn Văn Hổ thường lui tới. Thấy cảnh mẹ chị đơn côi, ông đã đứng ra nhận làm cha đỡ đầu sáu anh chị em Ràng và lấy mẹ chị về làm vợ. Tư Ràng được cha dượng dạy làm sổ sách, giao dịch khách hàng, chuyên chở vũ khí và liên lạc với các xã khác. Mặt khác, chị còn được cha tác hợp, tổ chức đính hôn với anh Lê Vinh Quang, một thợ đúc kiêm phụ trách văn phòng quản trị của xưởng. Hai người đã làm đính ước, chờ đến ngày Tư Ràng lớn sẽ tổ chức cưới.

Thế nhưng, sau trận Điện Biên Phủ, Pháp thất bại và xuống bút ký với ta Hiệp định Giơ-ne-vơ về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương. Mặc dù Hiệp định đã được ký kết nhưng một nửa đất nước vẫn còn chia cắt. Vì vậy, cuộc đấu tranh gìn giữ thành quả cách mạng và thống nhất nước nhà của nhân dân miền Nam vẫn chưa trọn vẹn. Theo Hiệp định, khu vực Hòn Đất, Hòn Me và Hòn Sóc là vùng tập kết 15 ngày của tỉnh Long Châu Hà, sau đó chuyển quân xuống Cà Mau, lên tàu tập kết ra Bắc. Gia đình Tư Ràng cũng nằm trong diện tập kết, nhưng lúc này mẹ chị đang bụng mang dạ chửa... Ông Hổ mang theo các con vợ là Hai Tỏ, Năm Du ra Bắc, còn Sáu Mỳ, Tư Ràng ở lại cùng mẹ. Ngày chia ly, kẻ ở người đi đong đầy nước mắt, với lời hẹn hai năm sau sẽ sum họp. Ở miền Nam, Tư Ràng sớm trưởng thành trong những lần đấu tranh chính trị, được đồng đội tin yêu, cấp trên tin tưởng.     

Trung thành với cách mạng

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, người dân Hòn Đất bao giờ cũng theo cách mạng, theo đường lối lãnh đạo của Đảng. Người trước ngã xuống, thế hệ sau đứng lên. Thổ Sơn cũng là nơi có nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhiều liệt sỹ nhất. Có người mẹ mất con, vợ mất chồng, chấp nhận chịu tra tấn tù đày để che chở, nuôi giấu cán bộ. Trước những người ngã xuống, sự hi sinh cao cả của các mẹ, các anh, các chị, thắp nén hương người đã khuất, mắt tôi cay xè...

Kỳ Anh

(Còn nữa)

Tìm 'tên tuổi' cho 6.000 đồng đội Trung đoàn Tu Vũ anh hùng

Thứ 2, 04/02/2013 | 14:40
Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng ký ức về những năm tháng hoa lửa vẫn chưa một lần phai nhạt trong tâm thức những người lính năm nào. Đâu đó trên khắp đất Việt thân yêu, hình ảnh những cựu binh lăn lộn nơi núi cao vực thẳm tìm "tên tuổi" cho đồng đội vẫn tạc vào sử sách biểu tượng cao đẹp của người lính cụ Hồ. Đối với Trung đoàn 88 anh hùng, gần 30 năm nay, một cựu binh tuổi ngoại bát tuần vẫn lặng lẽ vào Nam ra Bắc, đi khắp các chiến trường để tìm lại danh sách những đồng đội đã hi sinh trong trận chiến thần thánh của dân tộc. Đó chính là ông Ong Thế Huệ, nguyên Chính ủy Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 lừng danh.

Chuyện về người 'anh hùng công binh quốc tế'

Thứ 5, 07/02/2013 | 08:29
Dù đã ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng dáng đi, giọng nói của ông vẫn còn sang sảng mỗi khi kể lại câu chuyện nơi chiến trường năm xưa. Có những kỉ niệm vẫn thường xuất hiện trong giấc mơ của ông như những cơn ác mộng. Cuộc chiến đã qua từ lâu, nhưng với những người đã từng sinh tử nơi trận mạc như Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Văn Trung vẫn như mới hôm qua.

Nhà băng duy nhất được phong Anh hùng lao động năm nay

Thứ 4, 23/01/2013 | 17:43
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) vừa được phong Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Thầy giáo anh hùng vượt lên số phận

Thứ 6, 18/01/2013 | 08:43
Xếp bút nghiên, thầy giáo Nguyễn Đức Thìn (Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh) lên đường chữa trị căn bệnh nan y - bệnh phong. Những cơn đau thấu xương, như khoan vào xương tủy, nhưng thầy vẫn hát, làm thơ và viết nhật ký để quên đi nỗi đau và chiến thắng bệnh tật. Thầy không cho phép mình gục ngã mà phải gắng sống để trở về với gia đình và thực hiện những công việc còn dang dở.