Chuyện chưa biết về “ông hoàng” thủy tinh Đông Dương

Chuyện chưa biết về “ông hoàng” thủy tinh Đông Dương

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
Nắm bắt những cơ may, vận hội đến trong cuộc đời, "ông hoàng" thủy tinh Đông Dương Trịnh Đình Kính đã làm nhiều doanh nhân Pháp quên đi thị trường bán đồ thủy tinh tại Việt Nam.

Đến khi cách mạng thành công, ông cùng với gia đình không những tiếp tục sản xuất thủy tinh mà còn sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, một lòng ủng hộ cách mạng đến ngày giành thắng lợi.

Sự kiện - Chuyện chưa biết về “ông hoàng” thủy tinh Đông Dương

Giường tủ, sập gụ tủ chè được huy động làm chiến lũy trên những con phố của Thủ đô (Ảnh minh họa)

“Buộc” Pháp phải “từ bỏ” thị trường Đông Dương

Dù đã nắm được hầu hết thị phần các nước Đông Dương, ông Trịnh Đình Kính vẫn phải đối mặt với nhiều thử thách về công nghệ sản xuất thủy tinh. Ông Trịnh Đình Tiến cho biết: "Thủy tinh sản xuất thời đó cứ gặp nước sôi là rạn, vỡ. Khi nhận hàng của xưởng Thanh Đức, nhà Gô - đa đã ngâm sản phẩm thủy tinh vào nước đá và sau đó đổ nước sôi vào. Sau khi đã công nhận sản phẩm của xưởng Thanh Đức, nhà Gô - đa ký hợp đồng nhận hàng của cha tôi. Họ dán tem Gô - đa và bày bán trên thị trường Đông Dương. Mỗi chiếc ly uống cà phê do xưởng Thanh Đức sản xuất lúc đó bán ở ngoài giá tám xu, nhưng Gô - đa nhập cho ông với giá hai hào".

Ông Trịnh Đình Kính đã nghiên cứu và thành công trong việc làm ra những sản phẩm thủy tinh và không bị rạn hay vỡ trong nhiệt độ khác nhau. Nồi nấu thủy tinh ở trên có bọt. ông lấy phần có bọt đó làm hàng thường còn thủy tinh ở dưới làm hàng cao cấp. Ông Trịnh Đình Kính là người đầu tiên làm ra thủy tinh màu ở Việt Nam. Uy tín sản phẩm của xưởng Thanh Đức mỗi ngày một vững mạnh. Nhà Gô - đa và những nơi khác trên xứ Đông Dương tràn ngập những sản phẩm của Thanh Đức. Người Pháp và những người giàu ở Việt Nam đã dần dần quên đi sự phân biệt hàng Pháp và hàng Việt Nam.

Các nước thuộc địa Pháp bắt đầu đặt hàng trực tiếp với Thanh Đức. Lúc này, Thanh Đức bắt đầu một thời kỳ sản xuất theo đơn đặt hàng với những mặt hàng ngày một phong phú và phức tạp hơn như bóng đèn lớn với đường kính tới 45cm, rồi những sản phẩm thủy tinh màu trắng sứ, sản phẩm thủy tinh có khắc hoa văn.

Ông Kính là người đầu tiên ở xứ Đông Dương nằm dưới sự cai trị của người Pháp đã chế ra máy vẽ hoa văn trên thủy tinh. Tiếp đó ông đã thành công trong một công nghệ mới: Công nghệ gọt thủy tinh. Với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học ngày nay thì việc vẽ văn hoa hay gọt thủy tinh được thực hiện khá dễ dàng. Nhưng lúc đó, những năm đầu của thế kỷ XX, những kỹ thuật ấy quả là một cuộc cách mạng quan trọng trong ngành thủy tinh.

"Cha tôi kể lại rằng, khi đó nhiều người làm nghề thủy tinh không hiểu ông được ai truyền "bí kíp" cho. Họ đâu biết cha tôi thường phải thức trắng đêm với nồi thủy tinh, mày mò thêm bớt từng chút phụ gia để cho ra sản phẩm ưng ý nhất", ông Tiến tâm sự.

Tạo ra những sản phẩm độc đáo, bắt mắt, nhiều vật dụng thủy tinh của xưởng Thanh Đức đã vào tận cung vua Bảo Đại. Danh tiếng, chất lượng sản phẩm đã làm nên thành công cho ông. ông Trịnh Đình Kính đã làm cho những người Pháp từ bỏ ý định đưa sản phẩm thủy tinh của họ quay lại Đông Dương một lần nữa. Và ông Trịnh Đình Kính đã được Vua Bảo Đại tặng Nam Long Bội Tinh, vì những cống hiến của ông đã làm sáng mặt người Việt Nam trong kiếp nô lệ.

Sản phẩm thủy tinh Thanh Đức từng bước chinh phục khách hàng và 16 lần được tặng huy chương vàng Hội chợ Đông Dương. Sau Gô - đa và thị trường các nước thuộc địa của Pháp, đến lượt các bệnh viện và Viện Pasteur Hà Nội và Sài Gòn đặt hàng xưởng Thanh Đức sản xuất các sản phẩm thủy tinh để đựng thuốc và dùng cho phòng thí nghiệm.

Cùng với sự lớn mạnh của thủy tinh Thanh Đức là sự biến mất dần dần của các xưởng thủy tinh người Hoa ở Hà Nội, xưởng thủy tinh do người Việt Nam sản xuất bắt đầu mọc lên mỗi lúc một nhiều. Tất cả những ông chủ thủy tinh mới người Việt đều do xưởng thủy tinh Thanh Đức đào tạo. Trong khi mọi công việc của thủy tinh Thanh Đức đang phát triển tốt đẹp thì chiến tranh Trung - Nhật nổ ra.

Một khó khăn lớn lại ập đến với ông Trịnh Đình Kính. Trước đó nồi nấu thủy tinh làm bằng đá được chuyển từ Tứ Xuyên, Trung Quốc sang Việt Nam. Nhưng do chiến tranh nên những người buôn Tứ Xuyên không thể vận chuyển nồi nấu thủy tinh sang Việt Nam được nữa. Ông Trịnh Đình Kính lại lao vào nghiên cứu và chế tạo một loại nồi nấu thủy tinh mới bằng đất chịu lửa. Thành công một lần nữa lại mỉm cười với ông.

Biến xưởng thủy tinh thành đội tự vệ

Không chỉ say mê nghiên cứu các sản phẩm thủy tinh, khi đất nước sôi sục khí thế cách mạng, "ông hoàng" thủy tinh và gia đình hòa chung vào cuộc chiến đấu. Những năm cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, cụ Trịnh Đình Kính đã bỏ tiền ra mua vũ khí về trang bị cho các công nhân trong xưởng. Xưởng sản xuất của gia đình ở Hàng Bồ cũng biến thành một đội tự vệ. 100 công nhân vừa sản xuất vừa tập luyện để có thể bảo vệ xưởng.

Sự kiện - Chuyện chưa biết về “ông hoàng” thủy tinh Đông Dương (Hình 2).

Ông Trịnh Đình Tiến, con trai cụ Trịnh Đình Kính

Kỳ họp quốc hội đầu tiên năm 1946, căn nhà của gia đình cũng là nơi đón tiếp 4 vị đại biểu quốc hội của Quảng Nam. Lúc đó cha tôi còn biếu các vị này 200 viên đạn súng trường mang về địa phương để họ làm vũ khí chiến đấu".

Sau ngày hòa bình, con cháu của cụ giờ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên trong giọng kể, điệu cười của ông Tiến tôi thấy được sự lạc quan tuyệt vời. Ông Trịnh Đình Tiến tâm sự: "Chúng tôi chịu vất vả là chuyện bình thường. Nhưng chúng tôi thương người cha của mình. Cụ sinh ra đã vất vả, bươn chải mưu sinh. Có giai đoạn khó khăn, gia đình phải mang nhiều vật phẩm cổ được cha tôi gìn giữ, sưu tầm chỉ để đi đổi lấy một bát phở, bát bún. Dù vất vả là vậy, nhưng cha tôi vẫn luôn động viên con cháu. Chúng tôi vẫn cảm nhận được một niềm tin trong lời nói của ông".

Xã hội giờ đã rất nhiều thay đổi, địa chỉ 65 Hàng Bồ trước kia là xưởng Thanh Đức, giờ đã được thay thế bằng những căn nhà hiện đại. Căn nhà khang trang nơi xưa kia từng là nơi sinh hoạt của gia đình và những người loạn lạc cơ nhỡ, giờ đây chỉ còn trong kỷ niệm. Nghề đúc thủy tinh cũng đã mai một, danh xưng "ông hoàng" thủy tinh ngày nào bây giờ ít ai biết đến. Nhưng những gì cụ Trịnh Đình Kính đã làm được như là một câu chuyện cổ tích chưa bao giờ kết thúc với những doanh nhân Việt.

Trong số những người con của "ông hoàng" thủy tinh Đông Dương, chỉ có một người theo cha tiếp tục làm thủy tinh, đó là ông Trịnh Đình Tân. Công nghệ vật liệu có nhiều bước đột phá. Nay, người dân tìm đến với những sản phẩm gia dụng sản xuất từ nhựa. Xưởng sản xuất thủy tinh nổi danh một thời đã không còn. Tuy nhiên, những nếp sống, suy nghĩ của một người cha huyền thoại vẫn là điểm tựa cho những người con của ông trong cuộc mưu sinh đời thường. Trong đó, có cô con gái Trịnh Thị Ngọ nổi tiếng với giọng nói "phù thủy" đã ám ảnh hàng nghìn lính Mỹ...

Kháng chiến bùng nổ, ông Trịnh Đình Kính nhận thấy ông có thể làm nhiều việc giúp đất nước. Với tài lực kinh tế tích cóp được, cùng với đội ngũ thợ thuyền sẵn có, ông đứng ra mở một xưởng làm giày cao su phục vụ cho bộ đội. Ông Tiến nhớ như in những ngày đó: "Khí thế cách mạng chưa bao giờ sôi sục như vậy. Cả gia đình, hàng phố như trong ngày hội. Lúc cụ Hồ phát động tuần lễ vàng cho cách mạng. Bố mẹ, chị em gái trong nhà có vàng, hoa tai đều xếp vào đỉnh ở Nhà hát lớn để góp tiền cho cách mạng...”.

Đỗ Thơm

(Còn nữa)