Chuyện của thám tử về gián điệp công nghệ

Chuyện của thám tử về gián điệp công nghệ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Thuê gián điệp kinh tế "ăn cắp" công nghệ, kế hoạch kinh doanh... của đối thủ tuy “du nhập” vào Việt Nam không lâu nhưng đã được nhiều doanh nghiệp vận dụng. Để đỡ mất thời gian và công sức, một số doanh nghiệp tìm đến các công ty thám tử tư để “đặt hàng”.

Theo phó giám đốc Trung tâm thám tử Sài Gòn, trung bình mỗi tháng, Trung tâm phải từ chối khoảng 30 “đơn đặt hàng” dạng này.

“Ăn cắp” cả công thức muối dưa, cà

Một thám tử thuộc Trung tâm thám tử Sài Gòn kể, có một vị khách tìm đến nhờ tìm hiểu công thức pha chế cafe của một hãng cafe nổi tiếng, khách hàng chịu mọi chi phí. Nhận đơn "đặt hàng" của khách, thám tử lên đường... xin vào làm công nhân rang cafe. Tuy nhiên sau khi xâm nhập thực tế mới biết hãng cafe này rất cảnh giác, chỉ có một người duy nhất của hãng (là người nhà) mới được vào phòng pha chế. Sau hơn một tháng lân la, nhân viên chỉ ghi chép được một công thức chung chung và một kết quả phân tích thành phần mẫu sản phẩm”. Trong khi yêu cầu của khách hàng lại quá cao, đòi hỏi chi tiết hàm lượng, thành phần. Khách không có sự kiên nhẫn chờ đợi nên hai bên đã không đi hết được hợp đồng.

Xã hội - Chuyện của thám tử về gián điệp công nghệẢnh minh họa

Vị thám tử lại sực nhớ đến một vụ “đánh cắp” công thức tương tự rất hay mà công ty đã thực hiện thành công cho khách hàng, đó là vụ copy công thức muối dưa cà. “Một chủ nhà hàng ăn uống tìm đến công ty, nhờ tìm hiểu về cách muối dưa cà của một khách sạn. Thám tử được làm hồ sơ xin làm phụ bếp, sau ba tuần đã có công thức chi tiết về quy trình muối dưa, cà “độc chiêu” của khách sạn”, thám tử Tiến kể.

Tuy nhiên, trong phi vụ điều tra tại sao công thức nấu ăn của một nhà hàng trên phố Bà Triệu (Hà Nội) bị lọt ra ngoài, vị thám tử đã suýt phải bỏ của chạy lấy người. “Bếp trưởng rất trái tính, phũ mồm. Tôi làm phụ bếp liên tục bị chửi thậm tệ. Tôi xin rút lui nhưng nhờ được động viên nên cuối cùng tôi cũng vượt qua, hoàn thành nhiệm vụ”, vị thám tử “bất đắc dĩ” tham gia vụ này kể.

Các công ty thám tử sẵn sàng nhận những hợp đồng “đánh cắp” công thức, công nghệ theo yêu cầu của khách hàng nếu công ty đối thủ không có đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm. “Bởi lúc đó việc “đánh cắp” thực chất chỉ là “copy” mà thôi và không vi phạm pháp luật".

Thám tử cũng cần... "thư tay"

Trung tâm thám tử Sài Gòncũng thực hiện nhiều hợp đồng “truy tìm gián điệp” cho khách hàng. Ông L.K.Bình, người phụ trách thám tử và cũng thường xuyên “cầm quân lâm trận” đã tham gia truy tìm “gián điệp hai mang” cho một ngân hàng tại Hà Nội.

Sau một thời gian phát hiện ra những chiến thuật kinh doanh của mình liên tục bị đối thủ cạnh tranh đi trước một bước, ngân hàng nghĩ ngay đến... thám tử. Công ty của ông Bình vào cuộc, nhân viên được “cài cắm” vào ngân hàng với nhiều thiết bị đặc dụng kèm theo... Những hành động của các đối tượng khả nghi đều nằm trong tầm kiểm soát. Khoảng ba tháng sau, thám tử xác định chính vị chuyên viên cao cấp người nước ngoài là “kẻ hai mang”.

Tương tự, một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chế tác kim hoàn đã liên tục bị mất cắp những mẫu chế tác còn chưa kịp tung ra thị trường vào tay đối thủ. Trước những thiệt hại lớn, doanh nghiệp đã phải “cầu cứu” tới sự trợ giúp của thám tử…

Để nhập cuộc, một thám tử phải đi học hai tháng nghề chế tác kim hoàn. Sau đó, để tránh nghi ngờ, công ty phải bố trí cho thám tử vào làm việc tại bộ phận chế tác sản phẩm mới theo kiểu có “thư tay” giới thiệu.

“Sau nhiều tháng điều tra, theo dõi, gián điệp bị lộ diện lại chính là một nhân viên chế tác có quan hệ họ hàng với một lãnh đạo công ty. Do có quan hệ thân thiết, không bị giám sát chặt, anh ta đã bí mật đem điện thoại di động vào khu chế tác và chụp hình sản phẩm để bán cho doanh nghiệp khác”, ông Bình kể. (Còn nữa).

> Ngày 21/12, giao lưu trực tuyến với tiến sỹ Trần Đình Triển, tiến sỹ Trịnh Hòa Bình và nữ nhà văn trinh thám Di Li.

Hồng Trà