Người hoạ sỹ vẽ tranh bằng dây điện

Người hoạ sỹ vẽ tranh bằng dây điện

Thứ 2, 04/02/2013 | 14:09
0
Họa sĩ Đỗ Năm sống trong một căn nhà nhỏ ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ cùng với vợ. Khi chúng tôi tìm đến, họa sĩ Đỗ Năm đang mày mò làm một chiếc hộp bằng nhựa hình chữ nhật, ông bảo là để tạo hình cho những trái bầu hồ lô đang độ lớn ở trước hiên nhà, xem chúng nó còn giữ được dáng vẻ như bản ngã hay không đặng đến Tết bỏ ra chơi.

Cả đời đau đáu với nghề

Họa sĩ Đỗ Năm ngồi trên võng cho chúng tôi biết: "Tôi mê sáng tác còn hơn mê vợ, mê con, nhiều khi còn bỏ ăn, bỏ uống, cứ một mình lọ mọ ở nhà kho để chăm chút từng li cho những bức tranh, bức tượng....". Sau một tuần trà, chúng tôi được biết, năm nay ông đã 74 tuổi nhưng thân hình và giọng nói còn chắc khỏe. Sinh ra và lớn lên ở huyện Ý Yên, Nam Định, ngay từ nhỏ, Đỗ Năm đã thích vẽ vời những bông hoa, rặng liễu. Lớn lên một chút, ông biết phác họa, mô phỏng cảnh vật, con người nhưng do gia đình khó khăn nên các phác thỏa của cậu bé được vẽ trên đất và cát mà thôi.

Xã hội - Người hoạ sỹ vẽ tranh bằng dây điện

Họa sĩ Đỗ Năm với những tác phẩm còn lưu giữ lại bằng hình ảnh của mình

Năm 1959, họa sĩ Đỗ Năm tham gia quân đội. Nhân lúc rảnh rang, ông thường lấy giấy bút (xin được của người ta) mà sao lại chân dung, phong cảnh làm niềm vui. Những đồng đội thấy ông vẽ rất đẹp và giống hệt bức ban đầu nên nhờ ông vẽ lại chân dung của người yêu, gia đình, bạn bè để lưu giữ. Niềm vui đến với ông từ những lời khen càng nung nấu giấc mơ được theo học mỹ thuật từ thời thơ ấu. Khi hết thời hạn phục vụ quân ngũ, ông đăng ký thi vào trường trung cấp Mỹ thuật Hà Nội và trúng tuyển.

Họa sĩ Đỗ Năm nhớ lại: "Thời gian này, ý tưởng vẽ tranh bằng dây điện bắt đầu nhem nhóm trong tôi. Chuyện là thế này, trong một đợt thi đua sáng tác ý tưởng mỹ thuật, nhận thấy các sợi dây điện có đủ các màu sắc cần thiết của ngành hội họa, đặc biệt là những vỏ bọc màu này rất bền, khó phai trước những điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên, nên tôi muốn thực hiện ý tưởng vẽ tranh bằng dây điện. Thế nhưng, hồi đó những sợi dây dài và to quá, lại chưa nghĩ ra cách làm thế nào để nó dính vào được giấy vẽ mà thành một bức tranh hoàn chỉnh, nên tôi để ý tưởng lại trong đầu và vẽ vội một bức sơn dầu nộp cho thầy để “chống móm”. Sau khi học xong xuôi, tôi vào Cần thơ công tác. Năm 1982, tôi mới tìm thấy chất liệu ưng ý để thực hiện ý tưởng độc của mình. Đó là ruột của các dây điện thoại và một chất lỏng có thể dính chặt chúng trên giấy vẽ mà lại có độ bền cao. Tôi thử nghiệm và đã thành công".

Xã hội - Người hoạ sỹ vẽ tranh bằng dây điện (Hình 2).

Họa sĩ Đỗ Năm với tác phẩm điêu khắc trên quả bầu hồ lô

Những bức tranh độc nhất vô nhị

Họa sĩ Đỗ Năm cho biết, dây điện có cả thảy 9 màu (xanh, vàng, trắng, đỏ, lam...), mỗi loại lại có kích cỡ to nhỏ khác nhau, tuy không pha trộn linh hoạt như màu nước hay sơn dầu nhưng nếu khéo léo vẫn có thể tạo màu như ý muốn. Để có được những bức tranh chinh phục lòng người trong nước và quốc tế (Úc, Hà Lan, Thái Lan, Singapore, Nhật, Pháp...), ông phải cắt từng sợi dây điện ra thành từng mẩu nhỏ xíu (cái nhỏ nhất 1milimet, lớn nhất là 10milimet) đồng thời phân loại màu ngay lúc cắt. Tiếp đến, ông vẽ hoàn chỉnh bức tranh trước, sau đó can những đường nét hình vẽ xuống tấm bìa các tông để tạo khối, rồi đổ từng phần (bôi keo đến đâu thì đính dây điện đến đấy) lớp keo dính mà ông gọi đó là chất lỏng (kiểu như chất dính trên ảnh (hình) khi mới rửa xong) lên nền vẽ.

Bước tiếp theo là dùng kẹp, gắp từng mẩu dây điện rồi sắp xếp theo ý định về màu sắc và hình khối trên bề mặt bìa các tông đã được bôi một lớp keo dính. Sắp xếp xong, ông phủ lên chúng một lớp keo đặc biệt khác có màu trong suốt mà không thấm nước. Ông bảo, làm như thế tranh mới sống động, độ màu lên như ý muốn lại tăng độ bền của tranh. Khi bức tranh khô lại thì bức vẽ coi như hoàn thành, ông chỉ việc tỉa tót, đóng khung là xong.

"Tùy vào khổ tranh, nếu vật liệu (dây điện) đã chuẩn bị sẵn thì thời gian để tôi hoàn thành một bức khổ 50cm x 70cm khoảng từ 5 đến 6 ngày. Trong các thể loại tranh khác, người họa sĩ muốn thể hiện độ đậm nhạt trong một bức tranh không khó nhưng tạo hình cho một bức tranh mà chất liệu là những sợi dây điện nhỏ thì không phải chuyện một sớm một chiều là làm được. Vì màu của dây điện màu nào ra màu đó, rất khó pha chế ra màu thứ ba để kết hợp. Do vậy, việc kết hợp chúng (dây điện) để tạo màu sắc như mong muốn phải có cái nhìn tổng thể thật tinh tế, hài hòa thì bức tranh mới có hồn, khâu này khó nhất trong công việc vẽ tranh bằng dây điện đây”, ông tâm sự.

Xã hội - Người hoạ sỹ vẽ tranh bằng dây điện (Hình 3).

Tranh vẽ chân dung Bác Hồ bằng dây điện

Một lòng sáng tác để tri ân

Khi học xong Trung Cấp Mỹ thuật Hà Nội, họa sĩ Đỗ Năm nhận công tác tại Ty Văn hóa tỉnh Nghệ An. Thời gian này, ông nhận nhiệm vụ trong Bảo tàng Hồ Chí Minh ở quê Bác. Nhờ vậy, ông được tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời sự nghiệp của Bác. Tấm gương của Bác chính là động lực để ông tự hoàn thiện bản thân hơn nữa. Chính vì vậy, ông viết đơn xin đi học đại học. Năm 1969, ông thi đỗ vào trường ĐH Mỹ Thuật Hà Nội. Có thể nói, trong thành công của ông có bóng hình Bác. Họa sĩ Đỗ Năm tâm sự: "Cả cuộc đời tôi muốn tái hiện lại hình ảnh Người như là lòng biết ơn sâu sắc và cũng là để lưu giữ những hình ảnh gần gũi, thân thương, cao cả cho thế hệ mai sau. Ông cũng khẳng định, vẽ lại chân dung Bác bằng chất liệu dây điện sẽ lưu giữ được lâu hơn vì nó có tuổi thọ gấp nhiều lần so với các chất liệu khác trong hội họa. Bác là cảm hứng của đời tôi, sáng tác về Người bao nhiêu cũng không đủ".

"Tất cả bức tranh vẽ về Bác, tôi đã tặng hoặc bán rẻ (chỉ bằng 40 - 50% giá thành so với các tác phẩm cùng chất liệu) cho các Bảo tàng Hồ Chí Minh ở các tỉnh để trưng bày, triển lãm. Hiện nay, tôi chỉ còn những tấm hình chụp lại những tác phẩm của mình. Tranh vừa ra lò là người ta mua hết, hoặc đặt trước tôi mới làm, vì tuổi già, lại không có kinh nghiệm quảng bá nên tôi chỉ làm số lượng ít, không mở chương trình trưng bày hoặc kinh doanh", ông Năm cho hay. Các tác phẩm ông từng vẽ về Bác như: Bác Hồ với thiếu nhi, Bác nghe điện thoại ở Điện Biên Phủ, Bác trồng cây hay Bác cưỡi ngựa... Tính tới nay họa sĩ Đỗ Năm đã sáng tác hơn 60 tác phẩm bằng dây điện, trong đó, số tác phẩm vẽ về Bác chiếm hơn 85%, và chân dung của Bác chiếm phần lớn trong sự nghiệp sáng tác của ông trên các chất liệu hội họa như: Sơn mài, sơn dầu, điêu khắc...

Người họa sĩ già gốc Nam Định này không ngừng giới thiệu cho chúng tôi về những bức tranh mà mình đã thực hiện, phần lớn đều là những bức ông vẽ lại chân dung Bác. Ngoài ra, ông còn vẽ chân dung của song thân mình để thờ cúng, vẽ phong cảnh sông nước, con người miền Tây. Tất cả đều rất kỳ diệu, những đường nét của những bức tranh là sự kết hợp độc đáo từ hàng vạn mẩu dây điện vô tri vô giác. Hàng vạn, hàng triệu mảnh dây điện nhỏ li ti ấy được ghép rất công phu và chính xác đến từng milimet. Nếu nhìn từ xa mà không có chú thích thì không ai nghĩ nó lại được tạo thành từ một chất liệu quen thuộc là dây điện...     

Mới đây, họa sĩ Đỗ Năm đã hoàn thành tác phẩm điêu khắc trên thân gỗ mít cao 2m mang tên Trường ca hai cuộc kháng chiến. Tác phẩm tái hiện lại hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc trên con thuyền cách mạng Việt Nam dưới sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là hình ảnh những đoàn quân oai hùng, từng lớp này đến lớp khác đứng lên chiến đấu anh dũng, giành lại toàn thắng cho dân tộc. Trên cùng của con thuyền đó, hình ảnh vị cha già dân tộc đứng hiên ngang dưới cờ Tổ quốc đóng vai trò thuyền trưởng, chèo lái con thuyền cách mạng cập bến bờ chiến thắng. Ông cho biết, mất gần một năm ông mới hoàn thành tác phẩm này, hiện tại nó đang được trưng bày tại một bảo tàng ở TP. Cần Thơ. Sắp tới, ông dự định làm thêm một tác phẩm điêu khắc mới nói về vấn nạn tham nhũng ở nước ta trên nền một thân gỗ mục. Ông bảo, nếu không có sâu mọt gặm nhấm, đục đẽo thì làm sao cây mục ruỗng và chết đi được. Và nếu đất nước không còn tham nhũng thì kinh tế nước nhà sẽ nhanh chóng giàu mạnh, nhân dân no ấm, hạnh phúc...  

Đăng Văn

Họa sỹ 'vẽ' phố từ dây điện cũ

Chủ nhật, 30/12/2012 | 12:23
Tung hoành với nguyên liệu "độc" là khung tranh và dây điện, Trần Ngọc Dân mời gọi người xem trở thành chủ thể của bức tranh bằng lối thưởng tranh hai mặt độc đáo.

Nỗi niềm "làng họa sỹ"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
"Làng họa sỹ" là cụm từ mà người ta hay nhắc đến khi nhắc tới Cổ Đô, Ba Vì, Hà Nội. Một ngôi làng có khoảng 800 hộ thì có tới 11 người là hội viên Hội Mỹ Thuật Việt Nam. Bên cạnh đó còn có gần 40 chục người đã từng tốt nghiệp hoặc đang theo học các trường Mỹ Thuật.

Nữ họa sỹ và những tác phẩm “ngông” đậm tính “nữ quyền”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
Phong cách tự tin, nghệ sĩ trẻ Nguyễn Phương Linh dám dấn thân thực hiện những tác phẩm sắp đặt nhạy cảm. Sau đó, cô chuyển dần sang phong cách sáng tác đằm thắm hơn, đó là cả một quá trình biến đổi nội tâm thú vị.

Người phụ nữ tài hoa bên đời nhạc sỹ Lưu Hữu Phước

Thứ 5, 10/01/2013 | 09:09
(Nguoiduatin.vn) - Trong giới mỹ thuật Việt Nam, nữ họa sỹ Trịnh Kim Vinh cũng là một hoạ sỹ được nhiều người biết đến. Bà được ngưỡng mộ, không chỉ bởi danh xưng "phu nhân" của nhạc sỹ Lưu Hữu Phước, mà hơn thế, là nhờ chính tài năng và sự cống hiến cho sự nghiệp GPDT, giáo dục, đào tạo về tâm hồn con người và nghệ thuật tạo hình.