Chuyển đối số doanh nghiệp vận tải còn nhiều điểm nghẽn

Chuyển đối số doanh nghiệp vận tải còn nhiều điểm nghẽn

Nguyễn Hương Anh

Nguyễn Hương Anh

Thứ 6, 28/10/2022 09:15

Việc chuyển đổi số không chỉ giúp doanh nghiệp vận tải tiết kiệm chi phí vận hành, tăng doanh thu, mà còn giúp các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường công tác giám sát hoạt động vận tải.

Chuyển đổi số là cần thiết 

Trong buổi tọa đàm với chủ đề "Quy định mới về lệnh vận chuyển với xe khách" do Báo Giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) tổ chức mới đây, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, khi có các thông tin từ doanh nghiệp cập nhật lên phần mềm, đơn vị quản lý bến xe sẽ cho xe xuất bến. Xe xuất bến sẽ gắn với việc giám sát hành trình. Đây là một trong những yếu tố giúp công tác quản lý được chặt chẽ hơn. Chuyển đổi số là một trong các yêu cầu đối với doanh nghiệp khi tham gia thị trường. Hiện nay, khi thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ thì vận tải hành khách cũng phải phát triển tương ứng. Cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp vận tải phải xây dựng lộ trình phù hợp để triển khai.

Ông Trịnh Văn Tùng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, việc này hết sức cần thiết trong điều kiện hiện tại. Việc chuyển đổi số không những tốt cho doanh nghiệp mà còn hiệu quả cho các cơ quan quản lý nhà nước và hoạt động thanh tra, kiểm tra. Thông qua quy định về chuyển đổi số, hoạt động thanh tra, kiểm tra sẽ nhanh và chính xác hơn. Ví dụ, trước đây, lực lượng Thanh tra giao thông khi kiểm tra phương tiện phải kiểm tra rất nhiều hồ sơ, nhưng khi áp dụng chuyển đổi số thì chỉ cần tra cứu thông tin trên máy tính sẽ có kết quả ngay và chính xác.

Ủng hộ phải đẩy mạnh chuyển đổi số, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) Nguyễn Tuyển thông tin, đối tượng áp dụng lệnh vận chuyển đối với vận tải cố định trên địa bàn thành phố là khoảng 50 đơn vị với trên 700 đầu phương tiện; còn các đơn vị của địa phương khác đăng ký hoạt động trên địa bàn Hà Nội là khoảng 300 đơn vị với 3.500 phương tiện. Việc áp dụng lệnh vận chuyển điện tử là đúng đắn. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ tham mưu triển khai để thành phố vào trong tốp những địa phương có đơn vị, phương tiện vận tải sử dụng lệnh điện tử dẫn đầu.

"Việc áp dụng lệnh vận chuyển điện tử lúc đầu có thể khó khăn nhưng sau một thời gian, khi làm được, các đơn vị sẽ thấy đây là quyết định đúng để quy trình trở nên bài bản, có quy mô hơn, áp dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải, góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông", ông Nguyễn Tuyển nói trong buổi tọa đàm. 

Kinh tế vĩ mô - Chuyển đối số doanh nghiệp vận tải còn nhiều điểm nghẽn

Việc chuyển đổi số không những tốt cho doanh nghiệp mà còn hiệu quả cho các cơ quan quản lý nhà nước và hoạt động thanh tra, kiểm tra. 

Doanh nghiệp vẫn chần chừ

Chuyển đổi số không chỉ giúp doanh nghiệp vận tải tiết kiệm chi phí vận hành, tăng doanh thu, mà còn giúp các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường công tác giám sát hoạt động vận tải. Song, đến nay, phần lớn các doanh nghiệp vẫn "chần chừ".

Đại diện nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải cho biết, chi phí ban đầu để mua phần mềm thực hiện việc chuyển đổi số (bao gồm hợp đồng điện tử, hoá đơn điện tử, vé điện tử và lệnh vận chuyển điện tử) tốn khá lớn, lên tới cả trăm triệu đồng. Đối với các doanh nghiệp có hàng trăm đầu xe, chi phí đầu tư ban đầu phục vụ chuyển đổi số còn nhân lên nhiều lần.

Thêm vào đó, từ đầu năm đến nay, chịu ảnh hưởng của bão giá nhiên liệu đầu vào, nên nhiều doanh nghiệp còn chưa ổn định hoạt động, lợi nhuận sản xuất kinh doanh, chưa kể trên cùng một tuyến vận tải hiện có sự khác nhau ở giá vé, các nhà xe lại có các tuyến vận tải riêng, chi phí vận hành khác nhau... vì vậy, chủ trương này chưa nhận được đồng thuận từ phía các nhà xe.

Theo đại diện doanh nghiệp vận tải Đồng Lợi (Hà Nội), chuyên chạy tuyến Hà Nội - Tây Bắc, nhà xe chưa thực hiện chuyển đổi số vì thủ tục khá phức tạp, chưa được cơ quan chức năng hướng dẫn, tập huấn chi tiết. Chi phí ban đầu để mua phần mềm triển khai hợp đồng, vé, hoá đơn điện tử khoảng từ 75 - 80 triệu đồng, cộng với 4 - 12 triệu đồng/tháng vận hành tuỳ từng nhà cung cấp dịch vụ là mức cao đối với các doanh nghiệp có ít đầu xe. Trong khi đó, hiện vẫn chưa có quy định pháp luật bắt buộc các doanh nghiệp phải chuyển đổi số; giao dịch điện tử và hệ thống chia sẻ kết nối dữ liệu thống nhất giữa các ngành, lĩnh vực vận tải cũng chưa hoàn thiện…

Cần có lộ trình 

Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đang khẩn trương hoàn thiện văn bản liên quan gửi Sở GTVT các địa phương, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam để đôn đốc các doanh nghiệp vận tải sớm chuyển đổi số, trên cơ sở rà soát vướng mắc của mỗi doanh nghiệp để có phương án tháo gỡ, hỗ trợ, hướng dẫn. 

Kinh tế vĩ mô - Chuyển đối số doanh nghiệp vận tải còn nhiều điểm nghẽn (Hình 2).

Việc chuyển đổi số không chỉ giúp doanh nghiệp vận tải tiết kiệm chi phí vận hành, tăng doanh thu, mà còn giúp các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường công tác giám sát hoạt động vận tải. Song, đến nay, phần lớn các doanh nghiệp vẫn "chần chừ". 

Trước thực tế này, nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng, chủ trương chuyển đổi số cần có lộ trình thực hiện. Vì chi phí ban đầu lớn, nên nhiều đơn vị vận tải nhỏ lẻ chưa sẵn sàng thực hiện. Việc phải đào tạo đội ngũ nhân viên vận hành tổng đài, nhân sự, kế toán, lái xe... cũng không thể trong ngày một ngày hai. Còn đối với nhà xe chỉ có dưới 5 đầu xe thì không nhất thiết phải triển khai vì mất nhiều thời gian.

Báo cáo chưa đầy đủ từ các hiệp hội cơ sở và hội viên trực thuộc Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, đến tháng 7/2022 mới chỉ có khoảng 30% các đơn vị kinh doanh vận tải và bến xe cơ sở thuộc hiệp hội thực hiện chuyển đổi số. Còn khoảng 70% các đơn vị chưa thực hiện do khó khăn về tài chính. Doanh thu của các bến xe hiện mới đạt khoảng 30 - 40%, đơn vị vận tải hàng hóa khoảng 60 - 70% so với trước dịch năm 2019.

Qua tìm hiểu, hiện nay, các doanh nghiệp vận tải chủ yếu vẫn quản lý, tổ chức bán vé theo hình thức vé giấy truyền thống. Mặc dù lợi ích mà chuyển đổi số mang lại cho các doanh nghiệp nhiều tiện ích về cập nhật, kết nối dữ liệu triển khai hoá đơn điện tử, vé điện tử, lệnh vận chuyển điện tử... nhưng bản thân nhiều hành khách cũng không quan tâm tới các vấn đề này...  

Việc chuyển đổi số không phải chỉ riêng doanh nghiệp vận tải có thể độc lập triển khai, mà phải đồng bộ với việc triển khai ở các bến xe và tiếp nhận thông tin của các cơ quan quản lý Nhà nước. Do đó, Hiệp hội Vận  tải ô tô Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính xem xét cho phép lùi thời hạn thực hiện hoá đơn điện tử, áp dụng đối với các bến xe và các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ đến hết ngày 30/6/2023

Kinh tế số đã đạt 10,41% GDP 

Tại Hội thảo "Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp" tổ chức đầu tháng 10 vừa qua tại Hà Nội, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT chia sẻ nếu coi năm 2020 là năm khởi động nhận thức về chuyển đổi số, năm 2021 là năm bắt đầu triển khai, trải nghiệm về chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch thì năm 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện. Giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Trong năm 2022, định hướng trọng tâm của công tác chuyển đổi số quốc gia là đưa người dân, doanh nghiệp lên môi trường số, thông qua phổ cập dịch vụ trực tuyến, phổ biến nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh; phổ cập nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu; phổ cập sử dụng sàn thương mại điện tử; phổ cập nền tảng dạy học trực tuyến; phổ cập nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe.

Lãnh đạo Cục Chuyển đổi số quốc gia cũng cho biết tính đến nay, chương trình chuyển đổi số quốc gia đã đạt được các kết quả quan trọng trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. 

Đáng chú ý, thống kê mới nhất của Cục Chuyển đổi số quốc gia cho thấy, tính đến tháng 6/2022, tỉ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng mạnh so với mức 9,6% tại cuối năm 2021. Tuy nhiên, con số này vẫn còn cách khá xa mục tiêu đề ra tới năm 2025 là 20% GDP.

Hương Anh (tổng hợp) 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.