Chuyên gia chia sẻ giải đề thi Vật lý, Hóa học

Chuyên gia chia sẻ giải đề thi Vật lý, Hóa học

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
0
Cô Lê Thị Ánh, phó hiệu trưởng Trường THPT Kim Bảng B Hà Nam, thầy Trương Minh Lương, giảng viên khoa Hóa Trường ĐH sư phạm Hà Nội khuyên thí sinh (TS) nắm chắc những kiến thức cơ bản về tính chất hóa học của từng chất, từng hợp chất của hóa học hữu cơ và hóa học vô cơ.

Kinh nghiệm làm bài môn Vật Lý.

TS nên chú ý việc phân bổ thời gian làm bài thi với từng câu hỏi. Do thời gian làm bài thi chỉ có 92 phút mà có 50 câu hỏi nên TS nên chú ý việc phân bổ thời gian làm bài với từng câu hỏi. Với loại câu hỏi kiến thức nhận biết TS chỉ nên làm trong khoảng 1 phút, với câu hỏi kiến thức thông hiểu và vận dụng thì nên làm trong khoảng thời gian 2 phút.

Thí sinh làm bài thi (Ảnh: minh họa)

Đối với môn Vật lý, việc chuẩn bị đồ dùng phục vụ cho việc làm bài thi là rất quan trọng, nhất là bút chì mềm và máy tính. TS đặc biệt lưu ý về kỹ năng bấm máy tính. Điều này mới nghe tưởng chừng rất dễ, nhưng nhiều TS sau khi làm xong bài thi, cứ đinh ninh là mình đúng nhưng rồi kết quả lại không cao, tìm ra nguyên nhân thì đó là do khi làm bài thi, do vội vàng nên khi dùng máy tính đã bấm nhầm lẫn các con số dẫn đến kết quả sai lệch.

Bên cạnh đó, khi làm bài thi, TS nên làm theo lượt, không nên làm theo kiểu truyền thống là dễ làm trước, khó làm sau, như vậy rất dễ xảy ra sai sót cũng như bỏ quên câu hỏi.

Quy trình làm bài thi, TS nên làm theo 3 lượt, đầu tiên là rà soát một lượt câu hỏi, sau đó làm lần lượt từng câu, không được bỏ sót câu nào. Khi làm bài, câu nào chắc chắn thì điền luôn đáp án, câu nào chưa chắc thì ghi ra nháp số thứ tự câu hỏi, sau đó làm tiếp. Khi đã làm xong các câu chắc chắn về kết quả thì quay lại các câu đã đánh dấu ở nháp để làm tiếp. Như vậy sẽ không xảy ra trường hợp bỏ sót câu hỏi, vừa chắc chắn được phần đã làm, vừa có thời gian suy nghĩ các câu sau.

Kinh nghiệm làm bài môn Hóa học

Thầy Trương Minh Lương, giảng viên khoa Hóa Trường ĐH sư phạm Hà Nội khuyên thí sinh nắm chắc những kiến thức cơ bản về tính chất hóa học của từng chất, từng hợp chất của hóa học hữu cơ và hóa học vô cơ.

Thí sinh giải đề thi (Ảnh: minh họa)

Trong tính chất hóa học ngoài tính chất hóa học chung, còn bao gồm tính chất hóa học riêng. Điều này thí sinh thường không để ý, nên bỏ qua những kiến thức quan trọng, dẫn đến làm bài thi kết quả không cao. Điều quan trọng là thí sinh nắm được những nguyên tắc cơ bản để vận dụng và tìm ra đáp án của câu hỏi. TS nên đọc kỹ từng đáp án, phân tích rõ ràng, sau đó chọn phương án tối ưu.

Thí sinh có thể vận dụng 2 phương pháp để làm bài: Một là căn cứ vào câu hỏi để tiến hành các bước giải tìm ra đáp án rồi sau đó tích vào đáp án đúng. Hai là, căn cứ vào 4 đáp án đưa ra để tìm ra đáp án đúng, vì thông thường những đáp án này na ná nhau, tìm ra điểm sai của mỗi đáp án để chọn đáp án đúng còn lại.

Một điều lưu ý đối với thí sinh là nên dùng giấy nháp trong khi làm bài thi. Thực tế cho thấy, không ít trường hợp phương pháp làm thì đúng nhưng do không kiểm tra, tính toán cẩn thận dẫn đến hậu quả là tìm ra đáp án sai.

Một lưu ý đặc biệt quan trọng đó là thí sinh không chỉ chú trọng vào kiến thức lớp 12. Dù kiến thức lớp 12 chỉ chiếm 30- 40% bài thi nhưng kiến thức lớp 10, 11 cũng không thể bỏ qua vì Hóa học là môn tập hợp tất cả kiến thức của chương trình phổ thông, muốn giải được thì cần vận dụng tất cả kiến thức của lớp 10 và 11. Kiến thức sẽ không ra ở một chương cố định mà sẽ tập hợp nhiều chương.

Báo điện tử Nguoiduatin.vn phối hợp với Trung tâm đào tạo Lập trình viên quốc tế Bachkhoa - Aptech giải đề thi tuyển sinh đại học năm 2011.

Phan Chính

Tag: Hà Nam