Nga chưa đủ sức thắng NATO
Trong một báo cáo mới do Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại Mỹ đăng tải, Đại tá Lục quân Mỹ nghỉ hưu Robert E. Hamilton đã nhận định về hiệu quả của chiến dịch Nga ở Syria.
Tác giả lưu ý rằng sự can thiệp quân sự của Nga vào cuộc xung đột Trung Đông đã trở thành một bước ngoặt đối với cả Điện Kremlin nói riêng và thế giới nói chung. Lần đầu tiên trong lịch sử hậu Xô Viết, Nga sử dụng sức mạnh ở bên ngoài Liên Xô cũ.
Mặc dù quyết định này đã giúp đảo ngược cán cân cuộc chiến, duy trì quyền lực của Tổng thống Bashar al-Assad, chuyên gia quân sự Mỹ đã nhấn mạnh những hạn chế trong các hành động của Nga.
“Moscow không mong muốn hỗ trợ chính quyền Assad giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Syria. Nga cũng không có phương tiện và mục tiêu tái thiết đất nước sau khi chiến tranh kết thúc”, tờ Reporter dẫn lời Hamilton.
Báo cáo nhấn mạnh, Moscow "đã cho thấy khả năng thích ứng và linh hoạt ấn tượng” ở chiến trường Syria. Phân tích hoạt động quân sự của Nga ở Syria, chuyên gia quân sự Mỹ nhấn mạnh một số đặc điểm, trong đó lưu ý số lượng máy bay chiến đấu và trực thăng triển khai tương đối thấp.
Số lượng ít như vậy đòi hỏi cường độ hoạt động cao của máy móc, nhưng về cơ bản Nga đã quản lý tốt mà không gặp bất kỳ vấn đề kỹ thuật đáng chú ý nào.
Nhiệm vụ của hải quân cũng ở mức hạn chế, chủ yếu cho mục đích cung cấp, cũng như thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình nhằm vào các mục tiêu đặc biệt quan trọng.
Nhìn vào hoạt động ở Syria, tác giả lưu ý rằng Nga về cơ bản có thể dàn xếp tốt một cuộc xung đột kéo dài với cường độ thấp. Nhưng điều này hoàn toàn trái ngược với học thuyết của phương Tây vốn tìm cách đạt được chiến thắng cuối cùng trước kẻ thù.
Từ điều này, theo nhà nghiên cứu Mỹ, những lo ngại về việc Nga có thể “xâm lược” bất kỳ quốc gia NATO nào là điều vô căn cứ, vì một khi chiến tranh nổ ra, kết quả là chiến thắng dành cho liên minh và thất bại cho Nga. Hơn nữa, Moscow rõ ràng không hề tìm cách thách thức trực tiếp NATO.
Chỉ có ở các khu vực ngoại vi, bao gồm Đông Địa Trung Hải, Nga mới có thể cạnh tranh tốt với phương Tây. Đây cũng là lý do tại sao Nga đến Syria, nơi họ thể hiện thành công đáng chú ý.
Đòn bẩy
Bất chấp những khó khăn trong nước, giới phân tích nhận định Nga vẫn tăng dần ảnh hưởng ở Syria, Libya và Đông Địa Trung Hải trong vài tháng qua. Động thái này đã được thúc đẩy một phần bởi những diễn biến gần đây, đặc biệt là sự mở rộng quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, điều này cũng được xây dựng dựa trên nền tảng vị thế hiện có của Moscow ở Syria và nhiều năm âm thầm mở rộng ảnh hưởng ở Libya. Mục đích lâu dài của Điện Kremlin là chống lại sự bao vây của phương Tây bằng cách củng cố hiện diện chính trị và quân sự ở sườn phía Nam của NATO.
Theo chuyên gia Anna Borshchevskaya từ Viện Washington, kể từ khi bắt đầu sự can thiệp của quân đội vào năm 2015, Nga đã giành được quyền kiểm soát không phận Syria bằng cách thiết lập chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD), sử dụng tên lửa đất đối không S-400, tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hành trình, tên lửa hành trình chống hạm và thiết bị tác chiến điện tử.
Thời gian gần đây, hạm đội Địa Trung Hải của Nga cũng tăng cường sức mạnh khi bổ sung một số tàu chiến đến khu vực, bao gồm tàu tuần dương tên lửa Moskva – được NATO gọi là sát thủ diệt tàu - đến hội tụ với ít nhất mười tàu được trang bị tên lửa Kalibr uy lực khác.
Không những vậy, Moscow cũng đang rục rịch thành lập thêm căn cứ không quân mới ở tỉnh Raqqa, quản lý cùng với quân đội Syria. Căn cứ này có khả năng giúp Nga đẩy lùi sự bành trướng của Thổ Nhĩ Kỳ gần đó, tăng vị thế của chính mình hơn nữa.
Thành trì Idlib là trở ngại cuối cùng trong cuộc chiến Syria. Thười gian qua, Moscow đã gửi khoảng một chục máy bay chiến đấu MiG-29 tiên tiến tới căn cứ Hmeimim để tiếp ứng cho quân đội Syria.
Chính phủ Nga cũng coi hoạt động ở Syria là cơ hội để thử nghiệm và quảng bá vũ khí (điều mà các nhà xuất khẩu vũ khí lớn khác như Mỹ và Israel cũng đã làm trong khu vực). Vào năm 2017, bộ Quốc phòng Nga cho biết, khoảng 600 vũ khí mới đã được thử nghiệm trong các hoạt động quân sự ở Syria.
Chiến tranh Syria cũng đã thúc đẩy hoạt động kinh doanh với các hợp đồng dầu khí giữa Nga với Damascus. Tuy nhiên cho đến nay mới chỉ có một vài công ty tham gia vào cuộc chơi vì không có cơ hội kinh tế và thương mại lớn nào cho hoạt động kinh doanh của Nga ở Syria, nơi có trữ lượng dầu và khí đốt khiêm tốn hơn nhiều so với Iraq.
Trong khi các cơ hội kinh tế ở Syria không có nhiều ý nghĩa đối với nền kinh tế Nga, đòn bẩy chính trị mà Nga có được khi can thiệp vào Syria đã mở ra cánh cửa để tăng cường hợp tác kinh tế với các nước khác trong khu vực.