Chuyện kể của những người ăn Tết sau song sắt

Chuyện kể của những người ăn Tết sau song sắt

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
0
Với người Việt Nam, gia đình sum họp, quây quần bên bàn thờ tổ tiên, cùng nhau ăn bữa cơm tất niên trong ngày Tết là chuyện hết sức bình thường. Riêng với những phạm nhân trong trại giam, hai tiếng gia đình là cái gì đó rất thiêng liêng và xa vời trong những ngày Tết đến, xuân về.

PV báo Nguoiduatin.vn đã đến nhiều trại giam, ghi lại những cảm xúc chân thực về cái Tết đầu tiên xa gia đình của nhiều phạm nhân có án tù dài.

Gã phạm nhân có tài nấu bánh chưng

Mưa xuân lây rây như sợi tơ trời trắng muốt, rắc đều trên những nụ đào rừng chúm chím, báo hiệu nàng xuân đã hiển hiện trên núi rừng Tây Bắc. Cũng như nhiều phạm nhân khác đang thụ án tại trại giam Nà Tấu ở tỉnh Điện Biên, Lường Văn Út (SN 1968) thấy lòng nao nao khi Tết đến, xuân về.

Tâm sự với chúng tôi, Út kể: "Đây là năm thứ ba tôi ăn Tết xa nhà. Những ngày giáp Tết này là mùa làm ăn của gia đình tôi. Nhà tôi chuyên gói bánh chưng, bán cho thực khách gần xa, lãi thu về cũng đủ cho cả nhà chi tiêu mấy ngày Tết. Nếu lúc này tôi ở nhà, chắc chắn đang ngồi gói bánh chưng cùng vợ con. Tôi gói bánh nhanh lắm. Cái nào cũng vuông chằn chặn. Biết tôi có cái "tài lẻ" này, mấy năm qua, ban giám thị đều giao trách nhiệm cho tôi phụ trách nồi bánh chưng của trại giam. Phạm nhân nào ăn bánh cũng khen tấm tắc bánh chưng của trại vừa dền, vừa ngon".

Sự kiện - Chuyện kể của những người ăn Tết sau song sắt

Với Út, lần đầu tiên ăn Tết trong trại giam Nà Tấu là một kỷ niệm không thể nào quên. Mâm cỗ ngày Tết ở trong trại cũng không thiếu thứ gì, cũng có bánh chưng, thịt, rượu, hoa quả, bánh kẹo..., nhưng với Út, nỗi nhớ vợ con lại cồn cào hơn bao giờ hết. Út thổ lộ: "Ngày trước, chiều 30 Tết nào, bố mẹ, vợ chồng, con cái tôi cũng quây quần bên bữa cơm tất niên. Lần đầu tiên ăn Tết trong trại với các anh em phạm nhân và cán bộ trại giam, tôi nhớ gia đình kinh khủng. Đêm giao thừa, nằm trong nhà giam, tôi đã khóc hết nước mắt vì nhớ vợ, thương con..." - giọng Út như nghẹn lại.

Biết đã vô tình chạm đến nỗi buồn thẳm sâu trong lòng Út, tôi gợi lại chuyện gói bánh chưng trong trại giam. Út bảo, ngay từ cái tết đầu tiên, Út đã được ban lãnh đạo trại giam giao việc "đạo diễn" nồi bánh chưng. Ngày giáp Tết, Út cùng mấy anh em phạm nhân rửa lá dong, vo gạo, sàng đỗ, mổ lợn... Mọi người làm việc trong không khí vui vẻ, như để khỏa lấp nỗi nhớ nhà da diết, luôn thường trực trong tâm trí.

Đúng 7h sáng 30 Tết, nồi bánh chưng được bắc lên luộc. Bên ánh lửa bập bùng, xung quanh là cảnh núi rừng trùng điệp, âm u, tĩnh mịch, mấy anh em phạm nhân hàn huyên chuyện gia đình, nhân tình thế thái, về quá khứ lỗi lầm để phải chịu án phạt tù. Nghĩ về gia đình có 7 anh chị em đều làm việc trong cơ quan Nhà nước, chỉ “nảy nòi” mỗi mình nghiện hút, rồi mua bán trái phép chất ma túy, để rồi phải lĩnh án 7 năm tù, Lường Văn Út đã nhận ra cái sai của mình, đang cố gắng cải tạo tốt, làm lại cuộc đời.

Câu chuyện về nồi bánh chưng của Út như một ngọn lửa nhỏ sưởi ấm tôi trong cái giá lạnh đặc trưng vùng Tây Bắc những ngày giáp Tết Nhâm Thìn. Nhưng lời chia sẻ của đại tá Ngô Văn Trù - giám thị trại giam Nà Tấu, rằng: trại đang quản lý, giáo dục gần 1.000 phạm nhân, trong đó có khoảng 200 phạm nhân bị gia đình bỏ rơi, ngày Tết, Ban giám thị phải động viên, tặng quà cho những phạm nhân này, cho họ có cái Tết vui vẻ, mà chạnh lòng xót xa...

Vào tù mới biết cây nêu ngày Tết

Với án tù dài đằng đẵng 20 năm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tính đến nay, phạm nhân Nguyễn Văn Chung (SN 1952) đã ăn trọn 13 cái Tết ở trại giam số 3 (Tân Kỳ, Nghệ An).

Nói chuyện với chúng tôi, Chung cho hay: 13 năm qua, Chung không thể nào quên được cái Tết đầu tiên ở trong trại giam. Theo thông lệ, đúng ngày 23 Tết tiễn Táo quân lên trời, ban lãnh đạo trại giam lại tổ chức lễ dựng cây nêu. "Sống ở Hà Nội, từ bé đến lớn, tôi chưa từng được trông thấy cây nêu. Hôm ấy, anh em dựng lên một cây nêu (làm bằng tre) rất cao, xung quanh có dán giấy màu với các các hình thù kỳ dị, có kính chiếu yêu, bầu rượu. Đúng 23h ngày 23 tháng Chạp, cả trại làm lễ chăng đèn, kết hoa, mời ông Táo về chầu trời", Chung tâm sự.

Sự kiện - Chuyện kể của những người ăn Tết sau song sắt (Hình 2).

Phạm nhân Nguyễn Thanh Tuyền và Lường Văn Út

Sau ngày dựng cây nêu, không khí đón Tết trong trại hiện diện khắp nơi, cành đào khoe sắc, cây quất quả chín vàng khiến Chung nhớ vợ con, bố mẹ ghê lắm. Nhớ cái lạnh se se ngày Tết của Hà Nội, nhớ mùi hương trầm, mùi rượu, mùi bánh chưng, tiếng anh em chúc nhau ngày Tết... Rồi lại nghĩ, giờ này vợ con có nhớ đến mình, như mình đang nhớ đến mọi người không?

Để vượt qua những nỗi nhớ da diết trong những ngày Tết, Chung đành dồn hết tâm lực vào công việc của bộ phận văn hóa, văn nghệ của trại. Năm ấy, chiều 29 Tết, con cháu, người thân trong gia đình đến trại thăm Chung. 1h đồng hồ nói chuyện với người thân không khỏa lấp hết được thương nhớ, mong chờ của người đang thụ án.

Từng là một trí thức đất Hà thành, Chung luôn đau đáu về nếp nhà, chuyện nuôi dạy con cái khi vắng người trụ cột trong gia đình. Dù biết là thừa, nhưng sau khoảnh khắc gặp gỡ ngắn ngủi, mừng mừng tủi tủi, Chung vẫn nhớ dặn vợ con rằng, ngày mùng 1 Tết phải sang chúc phúc, sức khỏe cho ông bà. Rồi Chung chỉ tay về phía cây đào trồng giữa vườn, bảo: "Hàng ngày tôi chăm sóc cây đào này, nụ đào đầu tiên nở là tôi biết Tết sắp đến. Những lúc đó, trong tôi có một cảm giác bâng khuâng khó tả, mong lắm được ăn một bữa cơm tất niên sum họp gia đình, con cháu đề huề. Giờ tôi gần 60 tuổi đầu, thèm lắm một cái Tết với gia đình, bạn hữu...".

Gần 8 năm gặm nhấm lỗi lầm sau song sắt tại trại giam số 5 (Yên Định, Thanh Hóa), nữ phạm nhân Nguyễn Thanh Tuyền (SN 1983) đã thấm thía giá trị của hai chữ "tự do". Chỉ vì nghe theo lời dì ruột Trương Thị Chung (dân tộc Nùng, SN 1972, trú tại phường Thịnh Đán, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) - người đã có 3 tiền sự về hành vi mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, mà Tuyền đã nhúng chàm. Đến khi bị TAND TP.Hà Nội tuyên phạt án tù chung thân về tội mua bán trái phép chất ma túy, Tuyền mới giật mình tỉnh ngộ nhưng đã muộn.

Vốn là sinh viên khoa Văn - Đại học ngoại ngữ Hà Nội (nay là trường Đại học Hà Nội), Tuyền được đọc nhiều sách văn học nổi tiếng thế giới. Trước khi bị bắt, nữ phạm nhân này có một đời sống tinh thần khá phong phú. Tâm sự với chúng tôi về chủ đề ngày tết, Thanh Tuyền giọng bùi ngùi: "Với nhiều người, ăn Tết với những người thân trong gia đình là chuyện hết sức bình thường. Đối với em, tương lai là một án tù chung thân dài đằng đẵng, biết ngày nào mới được về nhà, ăn một cái Tết trọn vẹn với bố mẹ, ông bà?. Ăn Tết trong trại cũng có đầy đủ mọi thứ, chị em san sẻ tâm sự với nhau. Nhưng mấy ngày tết, em lại buồn tủi, nhớ nhà nhất. Tủi thân vì không có quần áo mới, không được đến nhà ông bà, bạn bè chúc Tết, không được tiền mừng tuổi... Nằm trong trại giam ngày Tết, em biết, với em, những điều giản dị đó hiện đang quá xa vời...".

Theo lời Tuyền kể, những ngày tết trước khi cô bị bắt giam, cô thường cùng mẹ đi chợ, nấu những món ăn ngon cho cả nhà. Dù gia đình có khó khăn đến đâu, Tết nào, Tuyền cũng được bố mẹ mua quần áo mới để diện với bạn bè. Cắm hoa trong ngày Tết là sở thích của cô cựu sinh viên khoa văn năm thứ 3 này.

Nghe nữ phạm nhân 28 tuổi này nói chuyện, chúng tôi thấy vừa giận vừa thương và tiếc cho một tương lai xán lạn đã bị chính cô và người dì của mình tước bỏ. Lỗi lầm đã đi vào dĩ vãng, Nguyễn Thanh Tuyền đang cố gắng cải tạo tốt, mong được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước để có ngày được trở về nhà thực hiện ước nguyện: ăn Tết cùng gia đình.

Thiên Long