Chuyện về một cựu binh đứng lên bằng nửa cơ thể

Chuyện về một cựu binh đứng lên bằng nửa cơ thể

Thứ 5, 21/02/2013 | 14:40
0
Đùng! Sau tiếng mìn chát chúa, Nguyễn Tiến ngất lịm không còn biết gì nữa. Lúc tỉnh dậy anh bàng hoàng chết lặng khi một phần cơ thể đã hoàn toàn mất đi. Những thớ thịt nát bét trộn cùng bùn đất, anh tự xé áo cầm máu, rồi trườn bò đi tìm đồng đội. Sau lần trúng mìn đó, Tiến mất hẳn đôi chân. Anh tưởng như sẽ phải vĩnh viễn sống cảnh tàn phế.

Đứng lên bằng nửa cơ th

Đã 43 năm trôi qua, vết thương kéo thịt liền da, tạm khép lại quá khứ chiến tranh, người cựu binh già Nguyễn Tiến (64 tuổi, thôn 2, xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) không chấp nhận với một nửa cơ thể của mình mà âm thầm vượt lên thành trụ cột gia đình, niềm tự hào của vợ con và là tấm gương tiêu biểu của xã hội. Chúng tôi tìm đến nhà khi ông đang bận bịu đi rẫy xới cỏ cho vườn khoai mì. Các con ông cho biết, rất hiếm khi ông ngơi tay chịu ngồi không trong nhà, không lên nương thì cũng bày biện công việc khác để làm cho đỡ nhớ. Chúng tôi tìm lên rẫy, nơi ông đang làm đất. Lúi húi trong luống mì xanh mướt mát, người đàn ông tóc muối tiêu gầy guộc, bận bộ áo quần bộ đội cũ sờn đang cặm cụi cầm cuốc xới đất. Bàn tay đi đến đâu, luống khoai mì lại sạch cỏ, đất tơi xốp như vừa được cày xới. Nếu không tận mắt chứng kiến, người ta khó tin nổi, chủ nhân khu rẫy là một thương binh hạng nặng.

Gạt mồ hôi lấm tấm trên trán, người thương binh già tâm sự: "Mất chân thì còn đôi tay, còn trí óc và còn niềm tin chứ có phải nằm liệt giường đâu, còn sức là phải lao động”. Lời người cựu binh dứt khoát, ánh lên niềm tin và quyết tâm, bản lĩnh anh bộ đội cụ Hồ trong ông vẫn hừng hực như thuở nào. Ông Tiến tự hào rằng, tuy chỉ còn nửa cơ thể, nhưng phần lớn công việc của người lành lặn ông đều có thể làm được, không những thế mà còn làm rất tốt. Là thương binh tàn nhưng không phế, không những không là gánh nặng cho gia đình mà ông còn góp phần cùng vợ con xây dựng kinh tế gia đình vượt qua đói nghèo. Vậy nên, ở quê ông là tấm gương tiêu biểu, luôn được dân làng kính phục.

Nhắc về ký ức thời chiến, đôi mắt người cựu binh lại ánh lên niềm tự hào. Ông bảo, việc mất đôi chân cũng đơn giản như gửi gắm một kỷ vật lại chiến trường mà thôi, đó là sự đánh đổi tất yếu để có ngày bình yên độc lập. Trong ký ức của ông, những năm tháng đau thương đó vẫn còn rõ nét lắm, đó là vào năm 1970, khi vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi trở thành bình địa của bom đạn.

Sau tết Mậu Thân 1968, Mỹ- Ngụy ở miền Nam tăng cường lực lượng, trong đó sử dụng lực lượng đánh thuê Nam Triều Tiên (đồng minh của Mỹ lúc đó). Những tên lính chân giày đinh, tay lưỡi lê hằm hè khát máu, đi tới đâu chúng cũng châm lửa đốt phá nhà, giết hại người vô tội, gieo bao đau thương tang tóc cho quê hương. Năm đó Nguyễn Tiến vừa tròn 21 tuổi, như bao người con bất khuất khác, anh đã tình nguyện cầm súng tham gia đội du kích địa phương, cùng đồng đội tổ chức những trận đánh rất oanh liệt ngay sau lũy tre làng.

Trong một lần anh cùng hai đồng đội truy kích vào hang ổ địch, không may Tiến giẫm phải quả mìn địch gài sẵn. Bất ngờ một tiếng nổ chát chúa vang trời, Tiến bị hất tung lên cùng bùn đất rồi bất tỉnh. Lúc tỉnh dậy thì đôi chân đã biến mất, máu chảy ướt đẫm, phần cơ thể còn lại cũng không có chỗ lành lặn. Nén nỗi đau, anh tự xé áo quần, thắt lại vết thương để cầm máu rồi dùng hết sức lực trườn đi tìm đồng đội.

Xã hội - Chuyện về một cựu binh đứng lên bằng nửa cơ thể

Ông Tiến trên đường lên rẫy mì

Được cấp cứu tại bệnh viện Dân Y Quảng Ngãi, sau một thời gian điều trị thì bác sỹ thông báo tin buồn, chân phải của Tiến phải cắt tới đầu gối, riêng chân trái coi như mất hẳn. “Lúc đó tôi buồn dữ lắm, đang hừng hực sức trẻ, lại chưa vợ con cùng bao dự định tương lai ngày đất nước toàn thắng. Tôi từng nghĩ, vậy là từ đây cuộc đời đã rẽ vào bi đát, nhưng điều đau buồn nhất với tôi là không còn được tiếp tục cầm súng để đánh đuổi quân thù xâm lược nữa”, người cựu binh hồi tưởng. Thế nhưng cùng chung cảnh ngộ đau thương lúc đó là vô số đồng đội, người mất hết tứ chi, thủng bụng, mù mắt... Tiến chợt nghĩ, bản thân còn may mắn hơn nhiều. Anh còn đôi tay, đôi mắt có nghĩa vẫn chưa hết hi vọng. Không còn đôi chân, Tiến quyết tâm đứng dậy bằng đôi bàn tay.

Là thương binh hạng nặng, không thể trở lại chiến trường, Nguyễn Tiến được sinh hoạt ngay trong bệnh viện. Dù được ưu tiên nhiều thứ, thế nhưng trong điều kiện đất nước khó khăn, anh không ngồi chờ phụ cấp từ Nhà nước mà tự nhủ, phải chuẩn bị để bản thân thích nghi với  cuộc sống khi đôi chân không còn. Anh quyết định tập đi bằng 2 tay, tự thiết kế hai miếng gỗ làm đế thay dép để tránh tiếp xúc những vật nhọn. Những ngày đầu, hễ lê được đoạn đường thì y như rằng bàn tay và cùi chân rớm máu, có những lúc tưởng chừng như không vượt qua nổi. Thế nhưng, với quyết tâm sắt đá, anh thương binh trẻ không cho phép bản thân gục ngã. Thế rồi những đoạn đường ngắn, đơn giản anh tự đi. Sau đó anh chuyển sang tập đi đường dốc, khó hơn.

Và anh lại thành công, đôi tay ngày nào còn bỡ ngỡ, nay đã bước đi thoăn thoắt như chân. Anh tiếp tục tập làm những công việc mới. Anh đi học nghề cắt tóc, đầu tiên là để lấy lại niềm tin cuộc đời, sau đó vừa kiếm tiền mưu sinh. Khắp nẻo đường làng, dù nắng hay mưa gió, ngày nào cũng in dấu đôi bàn tay của anh thương binh trẻ. Ngày tháng mưu sinh đã đưa duyên để Tiến tìm thấy một nửa cuộc đời. Trong lần ghé vào một quán cơm nhỏ hớt tóc cho khách, Tiến được cô gái Ngô Thị Liệu cùng làng cảm mến rồi đem lòng thương yêu.

Hạnh phúc đơm hoa

Từ ngày có người để ý, trái tim anh thương binh trẻ như rung lên vì hạnh phúc. Mỗi lần Tiến đi cắt tóc ngang qua lại ghé quá cơm, cả hai tranh thủ tâm sự những chuyện buồn vui, thương nhớ, lúc bận quá cả hai lại gửi gắm tình cảm qua những cánh thư. Liệu thương Tiến vì anh là người đàn ông cứng cỏi, giàu nghị lực không chịu gục trước số phận. Tiến yêu Liệu vì đó là người con gái giàu tình cảm, rộng lòng bao dung. 5 năm trôi qua, tình yêu càng thêm nồng thắm. Thế nhưng tiếng nói con tim đâu phải bao giờ cũng đồng điệu với hiện thực nghiệt ngã. Tiến nhà nghèo, lại không có đôi chân, thua thiệt trăm ngàn lần người khác, cưới thì biết lấy gì nuôi vợ, nuôi con? Nghĩ như thế thôi sự tự ti trong Tiến lại trào lên. Anh kìm nén tình cảm, sự khát khao yêu thương của mình. Anh lánh mặt Liệu, chạy trốn con tim. Nhưng Tiến càng cố tránh trong lòng lại cồn cào nồng cháy. Còn phần Liệu, lúc đó biết bao chàng trai lành lặn vây quanh, nhưng cô đều lắc đầu khước từ, trong lòng chỉ có mỗi hình ảnh chàng thương binh nghị lực.

Rồi một ngày, Liệu mạnh dạn ngỏ lời yêu. Tiến vỡ òa hạnh phúc. Anh tự nhủ sẽ cố gắng hết sức để không phụ tình cảm của người yêu dành cho mình. Chẳng bao lâu, một đám cưới nhỏ diễn ra ngay tại tiền sảnh bệnh viện Dân Y, chủ hôn là ban giám đốc bệnh viện, những thương bệnh binh là khách mời. Chú rể ngồi xe lăn, cô dâu tươi cười đứng phía sau, họ hứa sẽ sống bên nhau trọn đời. Ngày đất nước thống nhất, Tiến xin về quê, rồi cùng vợ dựng một túp lều nho nhỏ, bắt đầu cuộc sống mới, cuộc sống đúng nghĩa một túp lều tranh, hai trái tim vàng. Rồi những đứa con lần lượt ra đời, nhưng từ đó gánh nặng cơm áo lại đè nặng đôi vai anh thương binh nghèo. “Ngày trước làm một, khi có con vợ chồng tôi phải làm mười”, ông Tiến nhớ lại.

Hơn nửa cuộc đời đã qua, đôi tay người thương binh vẫn chưa ngừng nghỉ, giờ đây ông vẫn tham công tiếc việc như ngày nào, ông không ngại làm bất cứ công việc gì, miễn là nằm trong khả năng của mình. Ông cho biết: “Cuộc sống ngày hôm nay so với ngày trước thì đã khá hơn rất nhiều, chiến tranh lấy của tôi đôi chân nhưng đã cho tôi nhiều thứ. Tôi có một người vợ hết mực yêu thương, con cái siêng năng, các cháu đều ngoan ngoãn, nhất là không ai phải chịu cảnh nghèo đói nữa. Cổ tích đang hiển hiện với tôi”. Bỏ lại nửa cơ thể cho chiến trường, cho Tổ quốc để ngày hôm nay có hòa bình độc lập dân tộc, với ông không còn gì phải trăn trở.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”

Dù cuộc sống nghèo khó, kinh tế thiếu thốn, nhưng vợ chồng ông Tiến không bao giờ một tiếng nặng nhẹ. Để thoát nghèo, ông Tiến đào ao nuôi cá, phát rẫy trồng cây. Người lành lặn làm được gì, ông Tiến đều cố gắng không thua kém. Mùa đến, ông cũng ra đồng làm đất gieo ma. Không có chân, bùn lún tới ngực, ông lại lấy tấm lưới nhỏ phủ lên đầu ngăn bùn đất, rồi làm. Hết mùa lúa ông lại lên rẫy mì, trồng thêm keo tràm lấy gỗ. Ông cuốc đất, bón phân, làm cỏ thoăn thoắt như một người bình thường. Mồ hôi nhỏ xuống, đất chẳng phụ công người, chẳng bao lâu vùng đất bom đạn lỗ chỗ ngày nào xanh màu cây trái. Tình yêu của vợ chồng ông cũng kết tinh từ những giọt mồ hôi trong những ngày khổ ải.

Hải Đăng

Cựu binh chiến tranh Việt Nam trở thành ngoại trưởng Mỹ

Thứ 4, 30/01/2013 | 10:25
Thượng viện Mỹ chấp thuận đề cử của Tổng thống Obama về việc bổ nhiệm ông John Kerry trở thành ngoại trưởng mới thay cho bà Hillary Clinton.

Nỗi đau của cựu binh ba lần mất con vì chất độc da cam

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
Một gia đình cựu chiến binh đã ba lần phải tiễn những đứa con xấu số về cõi vĩnh hằng vì chất độc da cam/điôxin.

Mảnh đạn trong người cựu binh hóa thành túi kim loại

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
Gia đình cựu chiến binh đã rất sốc khi biết những mảnh kim loại đó chỉ là một phần của chiếc quan tài.

Con trai nữ cựu binh từ "người hùng" bỗng thành tội phạm

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
Giọt nước mắt người mẹ không ngừng rơi khi kể về đứa con trai đã dũng cảm đứng ra tố giác tội phạm nhưng lại bị bắt giữ và hiện đang đứng trước mức án phạt đến khó tin.