Chuyện về nghệ nhân gần nửa thế kỷ làm đồ chơi Trung Thu truyền thống

THÁI PHƯƠNG – PHƯƠNG LY  

Làng Ông Hảo thuộc xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên là ngôi làng có nghề làm đồ chơi Trung Thu truyền thống có từ lâu đời. Ngày nay, khi người ta không còn mặn mà với cái nghề sơn vẽ mặt nạ giấy bồi, thì ông Vũ Huy Đông (69 tuổi) vẫn miệt mài gắn bó hơn suốt 40 năm.

Kỳ công món đồ chơi truyền thống

Tìm về làng Ông Hảo (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) vào một buổi chiều thu, không khí Tết Trung Thu sớm đã xuất hiện ở nơi đây, những người thợ thủ công đang tất bật sản xuất những mặt hàng đồ chơi truyền thống như mặt nạ giấy bồi, đầu lân. Đi sâu vào làng hỏi thăm, chúng tôi được biết chỉ còn vài nhà trong làng còn làm nghề truyền thống này. Trong đó, nhà ông Vũ Huy Đông là một trong hai hộ cuối cùng làm mặt nạ bồi qua nhiều thế hệ.

Dẫn chúng tôi vào tham quan khoảng sân rộng trước nhà xếp đầy những chiếc mặt nạ, ông Đông cho biết, làm đồ chơi Trung Thu là nghề gia đình ông đã theo được hơn 40 năm nay. Gia đình ông làm những món đồ chơi truyền thống quanh năm, nhưng dịp tất bật nhất vẫn là gần Tết Trung Thu, tầm tháng 6, tháng 7 âm lịch.

Ông Đông chia sẻ với PV ĐS&PL.

Giải thích về tên gọi, ông Đông cho biết, đồ chơi truyền thống này được làm bằng giấy và bồi bằng tay nên gọi nôm na là mặt nạ giấy bồi. Theo ông Đông, gia đình ông làm hơn 20 loại mặt nạ giấy bồi khác nhau, đủ các hình dáng từ truyền thống như đầu lân, đầu sư tử, mặt nạ chú Tễu, ông Địa, thằng Bờm đến sáng tạo mặt Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới hay các loại con vật trâu, thỏ, mèo,... 

Các công đoạn làm nên một chiếc mặt nạ bồi vô cùng tỉ mỉ và tốn công sức do làm thủ công hoàn toàn. Ông Đông chia sẻ: “Để hoàn thiện một chiếc mặt nạ giấy bồi phải qua ba công đoạn cơ bản: Tạo khuôn, bồi thô và sơn vẽ. Trong đó khâu bồi thô, ông Đông thuê thợ làm, nhưng phải đảm bảo bồi sát khuôn, nhẵn thì vẽ mới đẹp. Khâu quan trọng nhất và khó nhất là vẽ tạo hình. Vì thế, khâu này chủ yếu do ông và người con trai tự tay thực hiện”.

Mặt hàng chủ yếu của gia đình ông là mặt nạ giấy bồi.

 Ngồi xem mọi người tỉ mẩn tạo dáng đầu sư tử, nắn nót từng nét vẽ trên chiếc mặt nạ giấy bồi mới thấy được sự kỳ công và vất vả của người thợ. Ban đầu, mặt nạ được tạo hình bằng cách bồi giấy bìa, giấy trắng lên khuôn đúc sẵn bằng đất hoặc xi măng. Người thợ sử dụng hồ bột sắn để kết dính các lớp giấy, cứ thế cặm cụi lần lượt dán từng lớp giấy mỏng để tạo ra phôi mặt nạ rồi mang đi phơi nắng khoảng một ngày.

Lý giải về tên gọi mặt nạ giấy bồi, ông Đông cho hay, do đồ chơi truyền thống được làm bằng giấy và bồi bằng thủ công nên được người dân nôm na gọi là mặt nạ giấy bồi.

Sau khi phơi khô, mặt nạ giấy trắng được vẽ tay bằng màu nước. Tới lúc này, già trẻ gái trai trong nhà đều trở thành họa sĩ. Mỗi người thợ lại có cách vẽ riêng, vì vậy mà khó có thể tìm ra được hai cái giống nhau y hệt. Thông thường, một chiếc mặt nạ có thể vẽ từ 5 đến 6 màu, nhưng không phải vẽ xong được một lượt mà vẽ từng lớp màu rồi đem đi phơi mới được vẽ thêm màu khác vào. Sự khéo léo, óc thẩm mỹ tinh tế được thể hiện trong từng công đoạn để làm nên một chiếc mặt nạ.

Ông liên tục đổi mới những mẫu mặt nạ mới để bắt kịp nhu cầu của thị trường

Vừa lấm lem vẽ màu mặt nạ ông Địa, ông Đông ví mình như “một họa sĩ”, ông vui vẻ khẳng định: “Những chiếc mặt nạ giấy bồi mang nét đặc trưng riêng, thân thuộc, gắn liền với các nhân vật trong truyện dân gian được trẻ nhỏ yêu thích. Đặc biệt, món đồ chơi này đều được làm thủ công từ những nguyên liệu thiên nhiên nên an toàn với trẻ nhỏ”.

Vất vả với nhiều công đoạn là thế nhưng những thợ thủ công như gia đình ông Đông vẫn miệt mài đúc từng chiếc khuôn, vẽ từng nét màu để tạo ra những chiếc mặt nạ sinh động, ngộ nghĩnh cho trẻ em mỗi dịp Tết Trung Thu.

Gần 6000 mặt nạ bán ra trong mùa Trung Thu đặc biệt

Theo ông Đông, gia đình ông đã gắn bó với nghề làm đồ chơi truyền thống qua nhiều thế hệ. Trước đây, dân làng Ông Hảo chủ yếu làm ruộng kết hợp làm trống thời vụ nên làng có hình thành hợp tác xã làm trống và đồ chơi Trung Thu. Sau này, khi hợp tác xã giải tán, kinh tế tư nhân phát triển, trong làng chỉ còn khoảng 20 hộ gia đình làm những món đồ chơi truyền thống.

Những đồ nghề theo ông suốt những năm tháng làm nghề.

Ông Đông bộc bạch: “Khoảng hơn chục năm trở lại đây, khi diện tích ruộng đất thu hẹp dần, các khu công nghiệp mọc lên như nấm, phần lớn người dân chuyển sang làm nghề khác có thu nhập cao hơn. Một số nhà còn giữ được nghề làm đồ chơi truyền thống, đến bây giờ thì trở thành nguồn thu nhập chính trong gia đình”.

Ngày nay, trẻ em ngày càng có nhiều đồ chơi hiện đại ngoại nhập đặc biệt đồ chơi Trung Quốc tràn lan, nhưng ông Đông tin đồ chơi truyền thống Việt Nam vẫn có một chỗ đứng riêng. Sản phẩm mặt nạ giấy bồi nhà ông Đông được bán ở nhiều nơi như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Đà Nẵng... Mọi năm, xưởng sản xuất của ông tiêu thụ được trên 7-8 nghìn chiếc mặt nạ giấy bồi. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng tiêu thụ kém hơn mọi năm 20 - 30%, chỉ bán được khoảng 5-6 nghìn chiếc.

Ông Đông luôn nặng lòng với nghề truyền thống.

Động lực lớn nhất để ông Đông vẫn bám trụ với nghề chính là niềm đam mê món đồ chơi truyền thống này. Xưởng sản xuất nhà ông Đông cũng là nơi thu hút nhiều bạn trẻ, các em học sinh ghé tham quan, trải nghiệm về món đồ chơi dân gian. Ông vui vẻ: “Thấy các đoàn học sinh, trẻ nhỏ về đây vui chơi, tìm hiểu về mặt nạ giấy bồi, tôi cảm thấy vui lắm, tự hào lắm. Dạy bọn trẻ làm, chơi cùng bọn trẻ tôi cũng thấy mình như được trẻ ra”.

Con trai ông vẫn đang tiếp nối nghề làm đồ chơi của gia đình.

Nặng lòng với nghề truyền thống, ông Đông truyền nghề cho người con trai với hy vọng gìn giữ nghề truyền thống của quê hương sang thế hệ sau.

Trao đổi với PV ĐS&PL, ông Lưu Đình Tuấn – cán bộ Văn hoá UBND xã Liêu Xá (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) cho biết: “Ông Vũ Huy Đông là một trong số ít người làm đồ chơi Trung Thu lâu năm tại thôn Ông Hảo còn giữ được nghề truyền thống. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đồ chơi Trung Quốc xâm lấn thị trường, nhiều hộ gia đình đã chuyển hướng kinh doanh những mặt hàng khác. Ông Đông là một tấm gương điển hình trong việc gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của địa phương”.

T.P-P.L