Chuyện về người

Chuyện về người "vác"loa thùng ra thế giới

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
1
Với hơn 30 năm làm nghề đóng loa thùng, nghệ nhân này có một niềm vui là trực tiếp mày mò, tìm hiểu, tháo dỡ củ loa của tất cả các hãng loa nổi tiếng trên thế giới. Sau đó, lão ông đặt củ loa vào trong chiếc thùng loa mang thương hiệu Việt Nam do chính tay mình làm ra.

Bố đẻ của loa thùng "ma trận"

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, ông Hiên làm nghề thợ mộc chuyên đi thiết kế đồ gỗ nội thất cho các ngôi nhà. Bỗng một ngày, thấy chiếc loa của gia đình để trên gác tủ bị chuột cắn rách vỏ, ông lấy xuống và dỡ tách ra hí hoáy chữa. Thế rồi, ông tự mày mò từ đường âm thanh, kích thước của loa để đóng một chiếc thùng bên ngoài cho phù hợp với củ loa bên trong.

Nổi tiếng là người rất khéo tay, nhưng lần đầu khi ghép thùng gỗ vào củ loa, âm thanh mà ông thu được méo mó khiến người khác phải bật cười. Chưa chịu thua, ông lại bắt đầu tìm từng sợi dây dẫn âm thanh trong loa và chỉnh từng đường âm. Loay hoay mãi, 3 tháng sau, ông Hiên cũng sửa thành công chiếc loa đầu tay.

Công nghệ - Chuyện về người 'vác'loa thùng ra thế giới

Người nghệ sỹ bên bộ sưu tập của mình trong căn phòng nhỏ.

Ông Hiên cho biết, những tay chơi loa tên tuổi khắp nơi thường tìm đến nhờ ông tư vấn về mẫu mã và chất lượng âm thanh. Trên thị trường, các loại loa đắt tiền của thế giới thường bán rời củ loa và thân loa. Tuy nhiên, chất lượng âm thanh chưa đáp ứng được cái thú những người sành chơi. Hơn nữa, giá của chúng rất đắt, phải "đại gia" mới có đủ khả năng chơi được. Như giá một củ loa chính hãng, thị trường hiện bán khoảng 1.000 USD thì thùng loa cũng phải có giá không dưới 10.000 USD. Vì thế, những tay chơi loa thùng từ bình dân đến cao cấp thường tìm đến nhờ ông "chế" loại loa mình ưng ý.

Với kinh nghiệm trong nghề, giờ đây, khi cầm bất kỳ củ loa sản xuất tại bất cứ nước nào trên tay, ông có thể ghép với đúng loại thùng hợp với nó. Trước đây, đã làm thử rất nhiều loại loa, nhưng theo ông Hiên, khó nhất vẫn là loa ma trận. Nhìn bề ngoài thì cấu tạo loa ma trận rất đơn giản. Nhưng người nghệ nhân làm sao loa vừa đảm bảo về mặt thẩm mỹ, lẫn chất lượng âm thanh mới khó. Bên trong loa phải tạo ra các đường gấp khúc. Các đường này dẫn hơi cho âm thanh đi ra ngoài, trên đường đi âm thanh sẽ tạo sự cộng hưởng với nhau: Âm trung và âm tét.

Theo ông Hiên, thông thường trong một bộ loa, chịu trách nhiệm chính trong giàn âm thanh là âm trầm. Tiếng trầm sẽ ra muộn hơn so với tiếng trung tét nên tiếng trầm là nền cho tiếng trung tét. Còn tiếng bass nằm phía sau sẽ ra muộn nhất.

Được biết, công đoạn chọn gỗ để làm thùng cũng được ông Hiên chọn rất kỳ công. Phải mất 5 năm ông mới tìm được chất gỗ hợp với mọi dòng loa. "Chất liệu gỗ zăm bào ép là ăn đứt hơn cả. Tuy phải nhập khẩu từ Đức, Canada về với giá đắt gấp đôi các loại gỗ trong nước nhưng loại này rất chắc, dễ pha chế khi làm, phù hợp với khí hậu nóng ẩm ở nước ta. Và quan trọng hơn cả là khi âm thanh phát ra trung thực, sắc nét. Nhiều loại gỗ dán, ép, kể cả gỗ đắt tiền như lim, lát tôi đã dùng nhưng âm thanh không giòn và sâu lắng bằng anh gỗ zăm bào ép", "vua" loa thùng tiết lộ.

Nói chuyện với chúng tôi, "vua" loa thùng cho biết: "Nhiều củ loa rất "khó thuần". Khi thử lúc đầu thì được, đến khi lắp thùng vào thì âm thanh nhiễu loạn, chập chờn. Nhiều đêm trằn trọc không ngủ được, tôi mò dậy thử lại, bắt mạch các đường dẫn âm thật chuẩn. Sau đó bật lên nghe âm thanh du dương, tôi khoái chí ngồi nghe tới tận sáng. Ngày trước, tôi phải mất tầm 30 phút để tét âm nhưng giờ chỉ cần 15 phút đã tét xong đôi loa".

Công nghệ - Chuyện về người 'vác'loa thùng ra thế giới (Hình 2).

Ông Hiên đang say sưa sáng tạo.

Mang thương hiệu loa thùng ma trận ra thế giới

Ông Hiên tâm sự, trong đời làm nghề của mình, điều ông tự hào nhất là được tự tay đem những củ loa của các hãng nổi tiếng trên thế giới để đặt vào thùng loa do tự mình thiết kế. Và điều đặc biệt, những bộ loa ông "chế" được rất nhiều người chơi nhạc nước ngoài biết đến. "Vua" loa thùng cho biết thêm, ở nước ta, số lượng những người chơi nhạc bằng loa thùng “ma trận” chưa nhiều. Có thể một phần do tầm hiểu biết âm nhạc còn hạn chế và chưa có điều kiện để chơi.

Các loại thùng loa của ông được nhiều nước ngoài như Anh, Pháp, Đan Mạch biết đến. "Những người sành nhạc khi nghe âm thanh từ những chiếc loa thùng này phát ra họ "say" lắm và không tiếc tiền khi bỏ ra chơi. Tuy nhiên, nhiều người có tiền chưa chắc đã mua được. Chính vì thế nên họ hiểu được giá trị đích thực của những chiếc loa thùng, hiểu được âm trầm, thanh phát ra từ loa. Nhiều khách nước ngoài tâm sự với tôi rằng, được sở hữu những thùng loa này là giấc mơ của họ. Nhìn thấy loa thùng làm cầu kỳ, lắp ghép từ các bộ phận là họ mê ngay, bởi bên nước ngoài giá phải gấp đôi, gấp ba mà âm thanh không thể chuẩn bằng mình làm", ông Hiên kể lại.

Chính vì thế nhiều người nước ngoài đã tìm đến nhà và mang bản thiết kế nhờ ông làm. Ông Hiên bảo: "Nhiều loại mẫu mã mình có biết gì đâu, chưa từng làm bao giờ nên rất khó mường tượng. Nhưng họ cứ mang bản vẽ thiết kế đến, hướng dẫn và dịch ra tiếng Việt, tôi lại mày mò, thử nghiệm từng phần... rồi hoàn thiện".

Như chiếc loa lowther của một người Anh đặt ông Hiên làm thùng. Trên thế giới hiện nay cũng chỉ có vài chiếc. Ở Việt Nam, chỉ có "vua" loa thùng làm được 3 chiếc từ thùng gỗ. Được biết, thùng loa này ở nước ngoài bán cũng phải lên tới 20.000 USD nhưng ở Việt Nam ông Hiên chỉ bán với giá 2.000 USD. Khách sành nhạc rất thích được "vua" loa thùng đất Bắc tự tay thiết kế để họ mang về nước sử dụng. "Loại mẫu loa này rất khó tìm và ít người làm theo kiểu thủ công như tôi. Bởi nó có quá nhiều đường cong, đoạn gấp khúc rất khó tính toán để cho loa được cân đối", ông Hiên cho biết.

Để trở thành một nghệ sỹ đóng loa thùng "thành danh" như ngày nay, ông đã phải học hỏi rất nhiều qua sách vở và qua sự trải nghiệm của bản thân. Nói về quá trình sáng tạo ông cho biết: "Cái khó của nghề là ở nước ta không có bất kỳ một tài liệu nào nói về nghề. May mắn là tôi được rất nhiều bạn bè trong và ngoài nước tặng cho những cuốn sách hết sức quý hiếm. Thấy tôi làm nghề nhưng ít có tư liệu để học hỏi, mọi người thấy sách hay lại dịch ra tiếng Việt để tặng...".

Trong căn phòng nhỏ có hàng trăm mẫu mã loa thùng do chính bàn tay "vua loa thùng" mày mò sáng tạo ra, với mẫu mã và chủng loại hết sức đa dạng. Mọi người chơi nhạc từ Móng Cái đến Sài Gòn hết sức thán phục bởi tài nghệ đóng thùng loa của ông. Mỗi khi có khách đến nhà, ông lại bật bản nhạc yêu thích và say sưa kể về từng chất nhạc trong mỗi bộ loa mà ông đang sở hữu. "Không phải là nghệ sỹ âm nhạc nhưng tôi rất say mê "cầm kỳ thi họa", ông bộc bạch. Như để minh chứng cho điều mình nói, ông lấy trong tủ hai tập sách văn học mà ông vừa ra mắt công chúng và các bản nhạc tự tay ông ghép.

Trước lúc chúng tôi về, ông Hiên trải lòng: "Từ nhỏ tôi rất mê âm nhạc, tôi thích rất nhiều thể loại, nhưng nhạc cổ điển của Bettoven vẫn là thể loại tôi khoái nhất. Đó là thứ âm nhạc tinh túy nhất của mọi thời đại. Mỗi khi tôi tét loa, bản nhạc Bettoven bật lên đã giúp tôi có thể lấy độ chuẩn về âm cho loa".

Hà Khê