Nỗi đắng chát của người đàn bà 17 năm lưu lạc xứ người

Nỗi đắng chát của người đàn bà 17 năm lưu lạc xứ người

Thứ 2, 12/08/2013 | 17:12
0
Vượt biên sang đất Trung Quốc với mộng thoát nghèo, bà Lan không ngờ lại sa chân vào địa ngục. 17 năm ở xứ người, bà phải chấp nhận lấy hai đời chồng, ngậm đắng nuốt cay mong có ngày trở lại quê nhà.

Vỡ mộng đi tìm miền đất hứa

Người phụ nữ tóc rối bời, da đen nhẻm đang xếp lại đống củi sắn ngoài sân, chuẩn bị bữa cơm chiều. Ba người con trai, người đã lấy vợ, người đi làm ăn xa, chỉ còn lại bà Lê Thị Lan (52 tuổi) lặng lẽ sống trong căn nhà nhỏ, bao bọc bởi những đồi chè cuối xóm 1, xã Thọ Bình (Triệu Sơn, Thanh Hóa).

Vấn lại mái tóc bù xù, người phụ nữ ấy kể lại quãng thời gian 17 năm làm vợ xứ người bên đất Trung Quốc, trải qua hai đời chồng và tìm mọi cách để trở về Việt Nam. Năm 1985, bà theo chị gái vào nông trường Sông Bé làm ăn rồi kết hôn với một người đàn ông xứ Nghệ. Cuộc sống vợ chồng cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt khi ba đứa con trai lần lượt ra đời. Những cuộc cãi vã xảy ra liên miên. Rồi cuộc hôn nhân ấy cũng sớm đứt gánh khi người chồng có hình bóng khác. Ký đơn ly dị, bà Lan cùng các con dắt díu nhau về quê sinh sống. Không nghề nghiệp, không ruộng nương, cuộc sống của người đàn bà một nách ba con trở nên tăm tối.

Xã hội - Nỗi đắng chát của người đàn bà 17 năm lưu lạc xứ người

Bà Lan nhớ lại quãng thời gian 17 năm cơ cực nơi xứ người

Năm 1995, người phụ nữ ở làng bên đi Trung Quốc về, thấy bà cảnh nghèo, lại nuôi con nhỏ, liền rỉ tai bằng những lời ngon ngọt: "Sang đó đi làm với tôi, được ăn sung mặc sướng. Nếu không thích thì tôi sẽ  cho tiền quay về". Những lời đó khiến bà Lan như người chết đuối vớ được cọc, vội gật đầu đồng ý ngay. "Nó lừa cho tiền xe quay về thì tôi mới đồng ý đi. Cũng không nghĩ là người cùng xã với nhau mà nhẫn tâm lừa mình", bà phân trần. Người đàn bà đáng thương không mường tượng sau cái gật đầu ấy là đằng đẵng 17 năm chìm nổi, chịu bao cay đắng và khát khao quay trở lại quê nhà.

17 năm chìm nổi

Bán mớ dây khoai lang được 7 nghìn đồng, bà vội gửi hai con trai lớn cho người bác cả nuôi rồi dắt thằng út mới 2 tuổi tìm đường vượt biên tới vùng đất hứa. Xe từ thị xã Thanh Hóa (bây giờ là TP.Thanh Hóa) ngược lên Cao Bằng, cả nhóm người đi bộ vượt rừng sang đất Trung Quốc. Đưa mẹ con bà Lan đi ngoài người phụ nữ làng bên, còn có một người nữa tên Liên, người Cao Bằng.

Sang đến nơi, họ dẫn hai mẹ con bà vào một làng nghèo ở tỉnh Quảng Tây. Ở đây có nhiều phụ nữ Việt Nam cũng vừa mới đến. Qua những cuộc trò chuyện của người dẫn đường, họ biết mình sắp bị bán. Khi đó, bà Lan mới vỡ lẽ người đàn bà mình quen cũng từng bị bán sang Trung Quốc, phải nương dựa vào người chồng già nua, xấu xí để sống qua ngày.           

“Chúng đưa người đến xem mặt, ngã giá giữa đường như bán trâu, bán bò”, bà Lan cho hay. Vì có con trai đi theo, bà được một người đàn ông ngoài 50 tuổi mua với giá hơn 4 nghìn nhân dân tệ. Số tiền bán được, hai người đàn bà đi cùng chia nhau, chỉ đưa bà Lan một phần rất nhỏ.

Không còn con đường nào khác, bà về làm vợ Trần Tao Dùng cũng là bắt đầu bước chân vào cửa địa ngục. "Người đàn ông ấy từng có hai đời vợ nhưng không sinh được con, lại mắc thói nghiện rượu nặng. Ngày nào lão cũng uống rượu, mà cứ rượu say vào là đánh đập. Thế nên hai người vợ trước đã phải nhanh chóng xa chạy cao bay", bà Lan vẫn còn rùng mình khi nhớ lại.

Xã hội - Nỗi đắng chát của người đàn bà 17 năm lưu lạc xứ người (Hình 2).

Xếp lại đống củi để chuẩn bị nấu cơm, chỉ còn mình bà Lan sống trong căn nhà nhỏ ở xóm 1, Thọ Bình, Triệu Sơn, Thanh Hóa

Ngày đầu tiên về nhà chồng, bà phải làm việc quần quật từ sáng đến tối mịt mới được ăn cơm. Chặt mía, trồng cỏ, cấy lúa, thậm chí đi làm thuê quanh vùng để sắm bò, sắm lợn. Lão chồng giữ khư khư thằng cu Thủy nên bà không có cách nào chạy trốn. Thậm chí bà đi vệ sinh hắn cũng đi theo sau. Ban ngày đi làm, đêm về lại phải hầu hạ chồng nghiện rượu. Tủi nhục, nghĩ phận mình không bằng con ở cho nhà giàu nhưng bà vẫn cắn răng chịu đựng, tìm cách đưa hai mẹ con trở về quê nhà. Trần Tao Dùng không cho vợ nói chuyện với người trong làng để ngăn việc bà học tiếng Trung Quốc. Bạc ác với người mẹ nhưng hắn tỏ ra rất quý thằng cu Thủy, còn dạy nó nói tiếng Trung. Thế là bà giấu chồng, mỗi khi tắm rửa, vệ sinh cho Thủy, bà lại học mót tiếng từ nó.

Muốn sống tiếp thì phải biết... quên

Ký ức về hai người chồng Trung Quốc trong bà Lan không còn lại nhiều. Bà bảo muốn sống tiếp thì phải quên đi những ngày tháng làm vợ xứ người. "Về đến quê cha đất tổ, được sống chết trên chính mảnh đất quê hương là mừng rồi", người đàn bà lặng lẽ khóc trong buổi chiều nhá nhem.

Bà Lan nghĩ, đi làm cả ngày không có thời gian tiếp xúc với người khác, tiền làm ra bị chồng giữ hết, phải tìm cách đưa con trai thứ hai là Bùi Xuân Tâm sang bên này, rồi cho nó đi học, đi làm mới mong có ngày trở về được. Khi bà đề đạt nguyện vọng, Trần Tao Dùng đồng ý ngay. Bà Lan tìm gặp người đã lừa bán mình, không những không trách mà bà còn nói khéo, đồng thời đưa hết số tiền dành dụm được cho người đàn bà ấy, nhờ mang Tâm sang bên này. Viết thư tay về nhà, bà Lan không dám nói cho anh trai biết tình cảnh cơ cực của mình, chỉ nói dối là vẫn sống tốt, nhờ gửi thằng cả cho anh trai nuôi và đưa Tâm sang bên này.

Năm 1997, Bùi Xuân Tâm sang Trung Quốc đoàn tụ với mẹ và em. Thằng bé mới 10 tuổi còng lưng đi rửa chai bia thuê cho nhà hàng. Hai mẹ con làm quần quật như trâu ngựa, phần đưa tiền cho lão Dùng, phần giấu thật kỹ, chờ ngày hồi hương. Gần 10 năm ở Trung Quốc, ba mẹ con bà có thể nghe và hiểu được những gì người dân bản địa nói. Đúng lúc này, bà Lan bị mắc bệnh lạ, bụng trướng lên, đau nhức khắp người.

Thấy vợ bị bệnh, Trần Tao Dùng nhất quyết không bán bò, bán lợn để bà chữa bệnh. Như vắt quả chanh hết nước, hắn bảo bà muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm. Hắn nghĩ bị bệnh nặng như thế, sẽ không có ai dám chứa bà. Những cơn đau hành hạ cùng với thái độ bạc ác của người đàn ông khiến con đường trở về Việt Nam của ba mẹ con bà Lan xa xăm, mờ mịt hơn. Bước đường cùng, bà lại cầu cứu người phụ nữ năm xưa, nhờ chị ta bán thêm một lần nữa. Với điều kiện phải chia cho bà một nửa số tiền bán được và không được nói cho người ta biết mình đang có bệnh.

Lần này trời thương tình, bà được bán cho một người nông dân ở tỉnh bên. Người này hiền lành nhưng không lấy được vợ Trung Quốc vì mẹ ông ta vốn là một người phụ nữ quá cay độc. Người đàn ông đó, bà vẫn quen gọi với cái tên Cóc Chiếng.  Về ở với nhau một thời gian, bà nói thật hết bệnh tình và khẩn thiết xin chữa bệnh. Không những không đuổi đi, Cóc Chiếng nhận lời và nói với bà: "Tao chữa bệnh cho mày, mày ở lại thì tao được vợ, mày chạy thì tao cũng đành chịu. Coi như tao cứu một mạng người". Sau khi được đưa đi mổ, bà Lan luôn bị người mẹ chồng độc địa xua đuổi khỏi nhà vì sợ bà có bệnh sẽ mang xúi quẩy đến. Không hề chống cự lại, bà nhẫn nhục chịu đựng thêm một thời gian nữa, chờ cho sức khỏe ổn định hẳn rồi tính tiếp. Thi thoảng, người đàn bà ấy vẫn đạp xe về nhà chồng cũ thăm hai đứa con nhỏ. Nhưng cũng chẳng yên với lão Dùng, lão đuổi đánh khiến bà bỏ chạy thục mạng. Hai đứa con chỉ biết ôm nhau khóc mà không giúp được mẹ.

Một thời gian sau, lão Dùng qua đời. Bà Lan cũng từ biệt người chồng thứ hai và xin phép mang hai đứa con nhỏ đi tỉnh khác làm ăn, đủ tiền sẽ quay về Việt Nam. Tâm vẫn làm công việc cũ, đi rửa chai bia cho các nhà hàng, rồi học thêm nghề hàn xì, vừa nuôi mẹ, nuôi em. Nó là đứa thông minh, nhanh nhẹn nhất trong ba đứa con trai. Nhờ nó nên mẹ con mới có thể trở về Việt Nam, bà Lan thấy mình đúng khi đưa Tâm sang Trung Quốc.

Cuối năm 2012, khi dành dụm đủ tiền, ba mẹ con bà trở về Việt Nam sau 17 năm lưu lạc xứ người với bao tủi cực. Ngày về, bà đem câu chuyện của mình kể cho xóm làng nghe nhằm cảnh tỉnh những người nuôi mộng vượt biên sang Trung Quốc làm giàu. Ai cũng kinh ngạc và mừng cho ba mẹ con. Sống một thời gian dài bên kia biên giới, Tâm và Thủy nói không sõi tiếng Việt. Bà Lan giục chúng mua sách về tập đọc chữ, tập đánh vần lại từ đầu để không quên tiếng mẹ đẻ. Nhờ biết tiếng Trung, hai anh em giờ đi làm tận cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh, thi thoảng mới về thăm quê.   

Thanh Hòa

Đập 100.000 quả trứng mỗi ngày phản đối luật bảo vệ gà mái

Thứ 6, 09/08/2013 | 10:14
Phá nát và đập bỏ 100.000 quả trứng mỗi ngày, tương đương với 5% tổng số trứng của nước Pháp, người nông dân muốn phản đối chính sách của EU và bảo vệ quyền lợi của mình.

Xót xa phận đời người đàn bà hẩm phận

Thứ 5, 01/08/2013 | 10:16
10h, trời mưa tầm tã, bà B. vẫn tất tưởi khuân nốt những khay cá cuối cùng cho chủ tàu lên bờ để kịp giờ về nấu cơm trưa. Bà sợ về muộn, ông lại nổi cơn lôi đình, tống khứ bà ra khỏi nhà...

Nhọc nhằn những phận đời mưu sinh bằng nghề 'đổ máu'

Thứ 6, 26/07/2013 | 13:46
Hàng ngày, họ phải đi khắp nơi nhặt nhạnh những mảnh kính vỡ, phải chịu rách da, đổ máu với chi chít vết sẹo trên da. Nhưng người dân mang nỗi lòng xa xứ này, vẫn ngày ngày bám với nghề nhặt kính vỡ để mưu sinh.

Xe ôm đánh bom sân bay Bắc Kinh để phản đối cảnh sát

Thứ 2, 22/07/2013 | 11:22
Người ngồi trên xe lăn kích hoạt quả bom tự chế tại sân bay quốc tế thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc tối 20/7 được xác định từng làm nghề xe ôm và bị cảnh sát đánh trọng thương dẫn đến liệt cách đây vài năm.

Những phận đời ngâm mình dưới biển mưu sinh

Thứ 2, 17/06/2013 | 10:42
Tôi gặp em vào một buổi chiều tà trên biển Cửa Lò (Nghệ An), cô bé đội chiếc mũ lụp xụp che khuất tầm mắt, nhưng vẫn để lộ nụ cười rất tươi trong ánh hoàng hôn. Nhưng điều khiến tôi ám ảnh hơn cả là một cơ thể đang run vì lạnh giữa tiết trời vẫn còn hầm hập nóng của ngày hè tháng 6 miền Trung.

Phản đối việc Trung Quốc cấm bắt cá ở Biển Đông

Thứ 5, 16/05/2013 | 06:17
Việt Nam phản đối việc Trung Quốc thi hành Lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông với phạm vi bao gồm cả một số vùng biển của Việt Nam.