Chế tài đã có, 'tin vịt' vẫn... 'bay'

Chế tài đã có, 'tin vịt' vẫn... 'bay'

Chủ nhật, 16/07/2017 | 07:56
0
Việc loan truyền thông tin thất thiệt không những tác động trực tiếp đến tâm lý, làm đảo lộn cuộc sống của người dân mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác…

Gần đây, trên mạng xã hội, Facebook liên tiếp xảy ra những vụ việc tung tin đồn, bịa đặt gây hoang mang trong dư luận. Đặc biệt, sau vụ án mạng kinh hoàng ở Vĩnh Phúc, một thanh niên đã sử dụng Facebook tung tin: “Lại thêm một vụ án mạng chém cụt đầu tại Việt Trì – Phú Thọ do nợ tiền mua điện thoại” khiến dư luận hoang mang. Cùng thời gian này, thông tin về hai cô gái hiếp dâm nam thanh niên đến chết tại Bình Thuận (kèm hình ảnh cụ thể 2 cô gái) xuất hiện rầm rộ trên mạng đã gây “bão” dư luận...

Những sự việc trên cho thấy, nhiều người sử dụng mạng xã hội, Facebook như một “sân chơi” thích đăng gì thì đăng, bình luận gì cũng được, thậm chí họ coi đó là trò câu like mà không lường trước hết hậu qủa. Xung quanh vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với LS.Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

LS.Truyền nhận định: “Việc loan truyền thông tin thất thiệt không những tác động trực tiếp đến tâm lý, làm đảo lộn cuộc sống của người dân mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế, chính trị, tình hình an ninh, trật tự…”

Xã hội - Chế tài đã có, 'tin vịt' vẫn... 'bay'

 Hình ảnh hai cô gái bị tung tin bịa đặt hiếp một thanh niên đến tử vong (Ảnh Internet).

PV: Ông nhận định như thế nào trước thực trạng thông bịa đặt, thất thiệt xuất hiện dày đặc trên cộng đồng mạng hiện nay?

LS.Nguyễn Thế Truyền: Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, việc cung cấp, đưa tin không đúng sự thật, không có căn cứ hay còn gọi là tin đồn thất thiệt đã và đang gây nên những hệ lụy khôn lường.

Từ việc tung tin đồn hai nữ sinh hiếp dâm nam thanh niên đến chết khiến họ đã nghĩ đến việc tự tử, xấu hổ không dám ra đường; việc tung tin thêm một vụ án mạng chém cụt đầu tại Việt Trì – Phú Thọ khiến dư luận hoang mang vì tình hình an ninh trật tự không được đảm bảo hay việc bịa đặt, loan truyền thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm cá nhân, ảnh hưởng đến uy tín kinh doanh của doanh nghiệp….

Tôi cho rằng người bịa đặt thông tin,  phát tán một cách vô tình hay có chủ ý đều cần phải xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

PV: Với những trường hợp tung tin đồn, bịa đặt sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông? 

LS.Nguyễn Thế Truyền: Dưới góc độ pháp luật, tôi cho rằng những vụ việc bịa đặt, loan truyền thông tin không đúng sự thật cần phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Bởi nó ảnh hưởng đến quyền con người được Hiến pháp ghi nhận và trên tinh thần bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm con người thì theo quy định của pháp luật hiện hành cũng đã có những chế tài xử phạt cụ thể.

Theo đó hành vi của người vi phạm tùy theo tính chất và mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị khởi tố, truy tố theo quy định của Bộ luật hình sự:

Căn cứ Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng một trong những hành vi bị cấm đó là việc: Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân…. Theo đó việc tung tin sai sự thật về cá nhân, tổ chức làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức đó là hành vi trái pháp luật. Người có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào mức độ, tính chất và hậu quả của hành vi đó gây ra. Cụ thể:

Tại khoản 3 Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện có quy định:

…“3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

  …..

g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;

Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự cũng quy định hành vi lăng mạ, bịa đặt, loan truyền thông tin sai sự thật nếu có dấu hiệu thỏa mãn yếu tố cấu thành tội phạm có thể bị khởi tố về tội Làm nhục người khác hoặc tội Vu khống theo quy định của Bộ luật Hình sự.

PV: Chế tài xử phạt đã có nhưng theo ông vì sao thực trạng tung tin đồn, bịa đặt không được ngăn chặn, thậm chí ngày càng báo động ở mức độ nguy hiểm hơn?

LS.Nguyễn Thế Truyền: Tôi cho rằng việc xuất hiện ngày càng nhiều thông tin bịa đặt rồi những thông tin đó được loan truyền trên mạng xã hội với phạm vi rất rộng xuất phát từ nhiều nguyên nhân:

Thứ nhất, do sự thiếu hiểu biết pháp luật của những người bịa đặt, loan truyền thông tin. Những người này đơn giản chỉ mong muốn giật tít, câu like, mọi người share bài viết, gây nên sự tò mò, hiếu kỳ cho người dùng mạng xã hội. Mặt khác, có những trường hợp phát hiện ra việc thông tin cá nhân của mình bị người khác phát tán trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm cá nhân nhưng lại có tâm lý ngại va chạm nên không tố cáo tới cơ quan chức năng để xử lý hành vi vi phạm.

Thứ hai, do sự phát triển của công nghệ thông tin, việc tạo tài khoản cá nhân trên mạng xã hội như Facebook chưa được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến trường hợp có nhiều tài khoản ảo, tài khoản giả mạo nhằm mục đích bịa đặt, loan truyền thông tin sai sự thật. Việc xác định chủ sở hữu của những tài khoản này nhiều trường hợp rất khó khăn cho cơ quan chức năng…

Thứ ba, tôi cho rằng một phần do chế tài xử phạt theo quy định pháp luật hiện hành chưa đủ sức răn đe, hậu quả của việc thông tin sai sự thật trong một số trường hợp rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến kinh tế thậm chí cả tính mạng tuy nhiên một số trường hợp chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính chưa đủ sức răn đe người có hành vi vi phạm.

PV: Vậy theo ông, đâu là giải pháp xóa bỏ tình trạng này?

Luật sư Nguyễn Thế Truyền: Thứ nhất, cần nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung, pháp luật về việc sử dụng thông tin trên mạng Internet nói riêng để người dùng biết được đâu là hành vi vi phạm pháp luật từ đó có những ứng xử cho phù hợp.

Thứ hai, tăng cường công tác quản lý của các cơ quan chức năng cần có những quy định chặt chẽ trong việc đăng ký, sử dụng tài khoản trên mạng xã hội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để phát hiện và xử lý kịp thời hành vi vi phạm.

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật theo hướng bổ sung cụ thể các hành vi vi phạm, tăng cường chế tài xử phạt để tạo hành lang pháp lý trong việc xử phạt hành vi vi phạm.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Lan Thơm (thực hiện)

 

Cùng tác giả

Địa phương cần bắt tay với doanh nghiệp để giữ lao động giữa làn sóng ồ ạt về quê

Thứ 3, 05/10/2021 | 15:01
Các doanh nghiệp phải thông tin thường xuyên tới người lao động, khuyến khích họ quay về làm việc. Khi đó cần sự liên thông giữa các địa phương, phải mở cửa để không làm khó người lao động trở về nhà máy, xí nghiệp.

Hà Nội phát hiện 7 ca mắc cộng đồng: Chuyên gia cảnh báo điều gì?

Thứ 6, 01/10/2021 | 11:36
Sau nhiều ngày không ghi nhận ca nhiễm Covid-19, Hà Nội ghi nhận 7 ca cộng đồng. PGS.TS Trần Đắc Phu cảnh báo, nguy cơ dịch bệnh tại Thành phố vẫn luôn tiềm ẩn.

Tạm đình chỉ Thanh tra sở GTVT Hưng Yên gây tai nạn chết người

Thứ 3, 24/11/2020 | 09:26
Ông Vũ Văn Vương, Thanh tra giao thông, sở GTVT tỉnh Hưng Yên bị tạm đình chỉ công tác vì gây tai nạn khiến 1 nữ công nhân tử vong.

Thanh tra sở GTVT Hưng Yên gây tai nạn khiến nữ lao công tử vong

Thứ 2, 23/11/2020 | 21:27
Công an tỉnh Hưng Yên đang làm rõ vụ tai nạn giao thông khiến 1 người chết liên quan đến một cán bộ Thanh tra sở Giao thông vận tải tỉnh.

Xin đừng kiếm chác trên nỗi đau của đồng bào

Thứ 5, 22/10/2020 | 07:00
Cứu trợ đồng bào bị thiên tai, cần nhất ở tấm lòng, xin đừng toan tính thiệt hơn, kiếm chác, trục lợi!