Có con bằng cách hiếp dâm thì không có quyền làm cha

Có con bằng cách hiếp dâm thì không có quyền làm cha

Thứ 4, 17/07/2013 | 14:06
0
"Việc sinh con từ tội phạm hiếp dâm không làm phát sinh quan hệ cha và con giữa người thực hiện tội phạm hiếp dâm với người con được sinh ra từ tội phạm hiếp dâm" là một trong những ý kiến thú vị góp ý về dự thảo luật hôn nhân và gia đình.

>>Vụ án kỳ cục 'độc nhất vô nhị' trong số án hiếp dâm

Theo số liệu thống kê của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) năm 2011, cả nước có 1.453 trẻ bị xâm hại tình dục, tính trung bình 5 năm gần đây thì mỗi năm có khoảng gần 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục. Trong đó, riêng số vụ hiếp dâm trẻ em lên tới 80%, đặc biệt nghiêm trọng có nhiều vụ cha hiếp con, ông hiếp cháu,…Nhiều vụ làm nạn nhân có thai sinh con, khi xét xử thì buộc đối tượng hiếp dâm phải cấp dưỡng cho con với tư cách là cha của đứa con sinh ra từ việc hiếp dâm.

Trong khi luật pháp coi hiếp dâm là tội phạm có mức độ từ nghiêm trọng trở lên, hành vi hiếp dâm bị nghiêm cấm và trừng phạt nghiêm khắc. Thế nhưng đối tượng hiếp dâm lại được pháp luật công nhận quyền làm cha với đứa con sinh ra từ việc thực hiện tội phạm (hiếp dâm). Như vậy vô hình chung pháp luật đã cho phép công dân có quyền làm cha qua việc có con bằng cách phạm tội hiếp dâm!

Luật sư - Có con bằng cách hiếp dâm thì không có quyền làm cha

Ảnh minh họa.

Đối chiếu với quan điểm xây dựng pháp luật của nhà nước ta thì: pháp luật chỉ bảo vệ những quyền lợi được tạo nên từ những việc làm hợp pháp của công dân, những quyền lợi được tạo nên từ việc làm phạm pháp đều bị pháp luật tước bỏ ( như thu nhập, lợi ích từ việc buôn bán hàng cấm, làm hàng giả, lừa đảo,…). Nhưng trong trường hợp này thì pháp luật lại cho phép công dân có quyền lợi làm cha khi có con bằng việc làm phạm pháp (hành vi hiếp dâm)! Như vậy trường hợp này pháp luật đã xử lí mâu thuẫn với quan điểm chung của pháp luật.

Cũng cần lưu ý là pháp luật đã quy định nguyên tắc người gây ra thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Cho nên trong trường hợp này rõ ràng không cần phải cho phép đối tượng hiếp dâm có quyền làm cha với đứa trẻ (sinh ra từ việc hiếp dâm) thì mới phải cấp dưỡng cho đứa trẻ. Mà theo nguyên tắc trên thì đối tượng hiếp dâm đã gây ra hậu quả có thai sinh con cho người bị hiếp dâm thì đối tượng đó đương nhiên phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị hiếp dâm bằng việc cấp dưỡng cho người bị hiếp dâm nuôi con đến khi con đủ 18 tuổi, chứ không phải cấp dưỡng cho đứa bé sinh ra từ việc hiếp dâm với tư cách là cha hợp pháp của đứa bé đó.

Bởi lẽ không thể chấp nhận quyền làm cha bằng cách phạm pháp (hiếp dâm). Và xét thực tế thì khi đối tượng hiếp dâm có quyền làm cha đứa bé thì được đi lại thường xuyên thăm nom sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc tương lai của người đã bị hiếp dâm làm cho có con (thường là trẻ em gái, và sau việc bị hiếp dâm các em vẫn cần phải lập gia đình để có tương lai hạnh phúc, cho nên không thể bị đối tượng đã hiếp dâm tiếp tục đi lại quấy rầy về quá khứ).

Và đối chiếu với khoản 3 Điều 63a của dự thảo quy định về “Xác định cha, mẹ trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản” thì có quy định: “Việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha, mẹ và con giữa người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi với người con được sinh ra.”

Vì vậy cần có điều luật quy định về trường hợp con sinh ra từ tội phạm hiếp dâm trong phần “xác định cha, mẹ, con” như sau: “Xác định cha trong trường hợp sinh con từ tội phạm hiếp dâm: Việc sinh con từ tội phạm hiếp dâm không làm phát sinh quan hệ cha và con giữa người thực hiện tội phạm hiếp dâm với người con được sinh ra từ tội phạm hiếp dâm.”.

Theo Phạm Mạnh Hà (Trường đại học Luật Hà Nội)

Mang thai hộ không phải là đẻ thuê

Thứ 3, 09/07/2013 | 08:45
Trên thực tế có những phụ nữ vì nhiều nguyên nhân không thể mang thai nhưng có khả năng nhờ người khác mang thai hộ (MTH) bằng trứng của mình. Thế nhưng pháp luật hiện hành cấm tiệt điều này.

Mang thai hộ: Con sinh ra là con của ai?

Thứ 5, 04/04/2013 | 09:57
Mang thai hộ hay đẻ thuê là những cụm từ không còn xa lạ trong thời gian gần đây. Pháp luật Việt Nam cũng đã có những quy định nhằm ngăn chặn việc mang thai hộ.

Ly thân thì chồng không có quyền đòi hỏi 'chuyện ấy'

Thứ 5, 27/06/2013 | 14:08
Ông Dương Đăng Huệ, vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho rằng việc ghi nhận chế định ly thân trong Luật hôn nhân mang nhiều ý nghĩa tích cực, trong đó có một ý nghĩa rất quan trọng là bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ.