Quy hoạch hạ tầng gắn với quy hoạch phát triển KT-XH
Sau 2 ngày, 4 Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lần lượt đăng đàn trả lời chất vấn các vấn đề "nóng" được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. Sáng 12/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Là đại biểu đầu tiên đặt câu hỏi tới Thủ tướng, ĐBQH Vương Thị Hương (Đoàn Hà Giang) nêu: Việc đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng là mong muốn, kỳ vọng của cử tri với nhiệm kỳ Chính phủ để đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội. Xin Thủ tướng cho biết giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng trong thời gian tới?
Trả lời đại biểu Vương Thị Hương, Thủ tướng cho biết, phát triển hạ tầng là vấn đề mà trong những ngày vừa qua, trong thảo luận và chất vấn, có rất nhiều đại biểu đề cập. Hạ tầng bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng phát triển KTXH như y tế, giáo dục, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu…
Về giải pháp phát triển hạ tầng, trước hết phải tổng kết, rà soát lại việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua, cái gì đã làm được, cái gì chưa làm được, nguyên nhân khách quan, chủ quan ở đâu, trên cơ sở đó, xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển hạ tầng phù hợp, nhất là quy hoạch hạ tầng gắn với quy hoạch, phát triển KT-XH, chủ trương đường lối chính sách của Đảng tại Đại hội XIII.
Thứ nhất, phải rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định, quy trình liên quan phát triển hạ tầng, những điểm còn vướng mắc cần bổ sung hoàn thiện để có hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ điều kiện để chúng ta phát triển hạ tầng. Nội dung nào thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương thì chính quyền địa phương phải lo, nội dung nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ phải lo, nội dung nào vượt thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ đề xuất cấp có thẩm quyền, đề xuất Quốc hội xem xét, quyết định, ban hành, từng bước hoàn thiện thể chế phát triển hạ tầng.
Thứ hai, qua phân tích thực trạng đầu tư công, có các nguyên nhân như các đại biểu đã phân tích trong những ngày vừa qua, có nguyên nhân từ Trung ương và từ địa phương. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là từ nguồn nhân lực, do đó, phải tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực trong phát triển hạ tầng.
Thứ ba, vấn đề huy động nguồn vốn để phát triển hạ tầng gồm cả vốn nhà nước và tư nhân. Trong đó, nguồn vồn nhà nước làm vốn mồi, kích hoạt, dẫn dắt mọi nguồn vốn.
Thứ tư, phải có công nghệ phát triển hạ tầng đáp ứng yêu cầu, nâng cao chất lượng, giảm giá thành…
Thứ năm, về quản trị trong phát triển hạ tầng phải bảo đảm quản trị để không lãng phí, chống tiêu cực, công khai minh bạch trong phát triển hạ tầng.
Cùng với đó, còn có các giải pháp khác phối hợp với nhau để phát triển hạ tầng.
Tránh trục lợi, tiêu cực trong thực hiện chính sách
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh) đặt câu hỏi: Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, Chính phủ đã chủ động chỉ đạo điều hành thực hiện đồng bộ hiệu quả kịp thời, ban hành các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng các chính sách và việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân về lao động thời gian qua còn nhiều bất cập. Xin Thủ tướng cho biết giải pháp khắc phục tình trạng này, sắp tới sẽ có thêm những chính sách hỗ trợ nào?
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng cho biết: Vừa qua chúng ta thực hiện các chính sách hỗ trợ rất tích cực, nhất là sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 30 tạo hành lang pháp lý rất quan trọng để cho Chính phủ,các cơ quan liên quan tiếp tục đề xuất các chính sách, chủ động chính sách theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, còn nhiều bất cập. Trong thời gian tới, chúng ta phải rà soát, đánh giá lại các ưu điểm, hạn chế các chính sách vừa qua và tìm ra nguyên nhân từ đâu. Trên cơ sở đó, rà soát lại các đối tượng, phạm vi, mức độ hỗ trợ.
Trên cơ sở đó, làm căn cứ đề ra các chính sách cho phù hợp, tránh những trục lợi, tiêu cực trong thực hiện chính sách.
Hiểu rõ hơn về dịch bệnh
ĐBQH Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) cũng đặt câu hỏi đến Thủ tướng: Đến nay, tình hình dịch bệnh ở nước ta về cơ bản được kiểm soát, nhưng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Nước ta đã chuyển sang trạng thái thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh. Đây là cách làm đúng, hiệu quả phù hợp với thông lệ quốc tế. Xin Thủ tướng cho biết chương trình hành động ứng phó với Covid-19 trong thời gian tới là gì?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Thuý, Thủ tướng cho hay, dịch bệnh Covid-19 không những ảnh hưởng ở nước ta mà còn ảnh hưởng tới cả trên thế giới. Sau 2 năm thực hiện chống dịch, chúng ta rút được những kinh nghiệm chống dịch, hiểu rõ hơn về dịch bệnh để dần dần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Tuy chưa tổng kết đầy đủ toàn diện nhưng chúng ta đã đưa ra được các trụ cột phòng chống dịch như là: Cách ly nhanh chóng; xét nghiệm khoa học, hiệu quả tiết kiệm, an toàn, tốc độ xét nghiệm nhanh hơn tốc độ lây lan của virus.
Các biện pháp điều trị phải từ sớm, từ xa từ cơ sở để ngăn chặn chuyển nặng, giảm tử vong.
Trên cơ sở ba trụ cột trên chúng ta hình thành công thức: 5K + vắc-xin + thuốc điều trị + các biện pháp điều trị + công nghệ + ý thức người dân + cổ truyền và hiện đại + doanh nghiệp với công nhân để phòng chống dịch. Có thể đánh giá phương thức này là bài bản để chúng ta tự tin mở cửa.
Thủ tướng cũng chỉ ra: “Dịch bệnh làm bộc lộ yếu kém về y tế dự phòng và y tế cơ sở, cần củng cố bằng các biện pháp khác nhau. Nhưng quan trọng nhất là, Tôi lo nhất nguồn nhân lực, phải đầu tư cho nguồn nhân lực. Trong thời gian tới phải chú trọng đào tạo nguồn nhân lực và kèm theo đó là chính sách hiệu quả thu hút nguồn nhân lực này tới cơ sở”.
Tạo sinh kế, công ăn việc làm mang tính quyết định
ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn Vĩnh Long) nêu từ đầu tháng 11 đến nay, tình hình Covid-19 có dấu hiệu diễn biến phức tạp tại 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là sau làn sóng người lao động di chuyển về quê từ các thành phố lớn. Trước thực tế này các cấp, các ngành cùng các địa phương đã quyết liệt vào cuộc, nỗ lực khống chế dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của người dân. Cùng với đó là áp lực về khả năng thu dung, điều trị, an sinh xã hội và an ninh trật tự. Xin Thủ tướng cho biết, giải pháp cũng như các gói hỗ trợ của Chính phủ đối với các tỉnh và trong thời gian tới thì quyết sách nào của Thủ tướng về chính sách phát triển cơ chế điều phối vùng và liên vùng đối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giúp Đồng bằng sông Cửu Long phát huy thế mạnh của vùng và để kinh tế của vùng thật sự là cơ sở, là nền tảng và người dân sẽ an cư, lạc nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình?
Thủ tướng Phạm Minh Chính phủ cho biết, hiện tượng dịch chuyển thị trường lao động là hiện tượng bình thường trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, điều không bình thường ở đây là sự quản lý Nhà nước còn bất cập, cho nên, khi có sự dịch chuyển lao động tại các tỉnh phía Nam thì gây áp lực cho các địa phương.
Vậy giải quyết áp lực này như thế nào? Thủ tướng nêu rõ, thứ nhất, Trung ương phối hợp với địa phương để nâng cao năng lực y tế. Thứ hai, là tăng cường năng lực cung cấp vaccine. Thứ ba, là bảo đảm an sinh xã hội. Thứ tư, là kêu gọi sự hỗ trợ của các thành phần kinh tế để giúp giảm áp lực cho các tỉnh, thành phố ĐBSCL.
Về các chính sách căn cơ, theo Thủ tướng tạo sinh kế, công ăn việc làm mang tính quyết định. Muốn vậy, phải giải quyết nút thắt về hạ tầng, bao gồm: Đường bộ, giao thông thủy nội địa; hạ tầng chống biến đổi khí hậu và hạ tầng y tế, giáo dục. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 cho vùng ĐBSCL, tuy nhiên, để nghị quyết đi vào cuộc sống phải có các cơ chế, chính sách hiệu quả.
Thủ tướng cho biết, các bộ, ngành xây dựng cơ chế, chính sách để trình cấp có thẩm quyền, trình Quốc hội để giúp ĐBSCL giải quyết vấn đề về 3 hạ tầng này, tạo sinh kế, công văn việc làm cho người dân.
“Khi có công ăn việc làm thì người dân sẽ yên tâm ở lại quê hương”, Thủ tướng nói.
Lấy người dân là chủ thể, trung tâm trong phòng chống dịch
Trong khi đó, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) đánh giá cao việc chuyển trạng thái chống dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt để kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 gắn với phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trạng thái bình thường mới đã được thiết lập ở một số địa phương. Vậy, với vai trò là người đứng đầu Chính phủ, người tổng chỉ huy thời gian qua, xin Thủ tướng có thể khái quát, tổng kết, rút ra những bài học kinh nghiệm gì, cả về lý luận và thực tiễn để định hướng cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển đất nước ta trong thời gian tới?
Trả lời đại biểu về kinh nghiệp phòng, chống dịch, Thủ tướng cho biết, có 5 bài học kinh nghiệm được Chính phủ rút ra từ đợt phòng chống dịch vừa qua.
Thứ nhất đó là cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch. Từ đó, triển khai các chính sách đều hướng đến người dân, nhưng ngược lại người dân cũng phải tham gia vào phòng, chống dịch một cách tích cực, chủ động.
Trên thực tế vừa qua khi chúng ta gặp dịch bùng phát mạnh ở Thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta triển khai phương châm "lấy xã, phường, thị trấn làm pháo đài". Tuy nhiên, có nơi hiểu pháo đài như lô cốt. Thủ tướng cho rằng, đây là cách hiểu không đúng, pháo đài là để tổ chức công việc chứ không phải làm lô cốt, bao vây lại, gây ra ách tắc.
Thứ hai, trong tiếp cận toàn dân trong đó có tinh thần đại đoàn kết dân tộc và vừa qua chúng ta huy động được đại đoàn kết dân tộc.
Thêm một kinh nghiệm nữa được Thủ tướng nêu đó là chúng ta ứng phó rất linh hoạt, vì đây là một việc làm không có tiền lệ. Thủ tướng nêu ví dụ, khi năng lực y tế của cơ sở yếu thì ngay lập tức chúng ta điều quân đội và công an vào. Đây cũng là một bài học. Chúng ta xây dựng một lúc hơn 500 trạm xá di động ở Tp. Hồ Chí Minh.
Thứ tư, khi chưa đủ vắc-xin để ngăn chặn dịch bệnh, các chính sách an sinh xã hội đã góp phần giúp người dân an tâm, phối hợp cùng chính quyền chống dịch.
Thứ năm là kinh nghiệm nữa huy động sự giúp đỡ quốc tế, Thủ tướng cho biết, lãnh đạo Đảng, Nhà nước tất cả các cuộc tiếp xúc, hội nghị trực tiếp và trực tuyến đều kêu gọi hỗ trợ vắc-xin “vũ khí” quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh.
Bên cạnh đó, thúc đẩy sản xuất vắc-xin trong nước. Về phía quản lý Nhà nước, sẽ tiến hành thủ tục hành chính nhanh gọn mà Nghị quyết 30 cho phép, còn mặt chuyên môn thì do 2 hội đồng là hội đồng đạo đức và hội đồng cấp phép. Với vắc-xin, vấn đề an toàn là rất quan trọng, là do các nhà chuyên môn quyết định.
“Vắc-xin là vũ khí quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh, nên chúng ta phải làm mọi biện pháp để đạt được. Có thể nói, chúng ta đang đi hai chân trong vấn đề vắc-xin, vừa đàm phán mua từ quốc tế vừa nghiên cứu sản xuất trong nước”, Thủ tướng nêu.
134 lượt đại biểu tham gia chất vấn
Kết thúc phiên trả lời chất vấn của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận sau 2,5 ngày làm việc, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XV trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi.
Cùng với các Bộ trưởng chịu trách nhiệm trả lời chính, Chủ tịch Quốc hội cho biết có 13 thành viên Chính phủ liên quan tham gia làm rõ thêm vấn đề đại biểu quan tâm, gồm Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và 12 Bộ trưởng, trưởng ngành. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã báo cáo làm rõ nhiều vấn đề đại biểu quan tâm và trực tiếp trả lời chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong 2,5 ngày chất vấn, có 134 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn (trong đó có 12 lượt đại biểu dành câu hỏi chất vấn Thủ tướng), 24 đại biểu tranh luận để làm rõ hơn vấn đề.
“Trong 2,5 ngày có tổng số 171 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường”, Chủ tịch Vương Đình Huệ khái quát và đánh giá việc chất vấn đã đổi mới, các đại biểu nắm chắc thực tiễn nên chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, tranh luận sôi nổi để làm rõ vấn đề cũng như yêu cầu làm rõ trách nhiệm và đưa ra giải pháp.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận các thành viên Chính phủ trả lời nghiêm túc, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp, giải trình làm rõ nhiều vấn đề, đại biểu nêu. Đồng thời, nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của mình, của ngành mình và lĩnh vực mình, đưa ra các cam kết khắc phục để tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Chủ tịch Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh chất vấn là hoạt động giám sát trực tiếp hiệu quả của Quốc hội, góp phần tạo dấu ấn, lan tỏa cảm hứng hành động trong nỗ lực đổi mới hoạt động giám sát.
Hoàng Bích - Hồng Bích