Phận đời cô gái tâm thần sinh con rồi... đoạt mạng

Phận đời cô gái tâm thần sinh con rồi... đoạt mạng

Thứ 2, 13/05/2013 | 14:16
0
Mặc dù Thái Kim Tài bị nghi ngờ giết chết đứa cháu ngoại, nhưng bà C. vẫn không tin con gái nuôi của mình mắc bệnh tâm thần.

Hàng ngày, bà phải chịu không ít những cú đấm đá của con gái mà không một lời oán trách. Điều đáng nói là, Tài đã hai lần sinh con mà không ai biết bố của những đứa trẻ ấy là ai.

Hai lần sinh con không có cha

Trong không khí ồn ào của những bệnh nhân tâm thần tại bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, PV gặp bà Thái Kim C. (SN 1951, tạm trú không cố định tại TP.HCM) để tìm hiểu về hoàn cảnh của mẹ con bà. Những lo toan, vất vả của cuộc sống theo thời gian đã in hằn trên khuôn mặt đầy nếp nhăn của bà. Nói về cuộc sống của mình, bà ngậm ngùi kể lại: "Tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Sài Gòn. Từ bé, tôi đã phải lăn lộn kiếm sống bằng đủ thứ nghề. Vì hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật nên năm 1980, tôi phải bán căn nhà nhỏ duy nhất. Và cũng kể từ đó, cuộc sống của tôi gắn liền với kiếp ở trọ và những công việc làm thuê nay đây, mai đó".

Xã hội - Phận đời cô gái tâm thần sinh con rồi... đoạt mạng

Bà Thái Kim C. chia sẻ với PV về hoàn cảnh đau thương của mình (ảnh Thơ Trịnh).

Bà C. cho biết thêm: "Năm 1990, tôi nhận Tài ở bệnh viện Từ Dũ (TP. HCM) về nuôi khi con bé chưa đầy một tháng tuổi. Hoàn cảnh của tôi lúc đó chẳng mấy khá giả gì nhưng vì thương cháu mất mẹ ngay khi vừa mới chào đời. Người thân duy nhất của cháu lúc đó là bà cụ hơn 80 tuổi. Hàng ngày, nhìn hai bà cháu họ nằm ngoài đường mà tôi không cầm lòng được. Tôi tận mắt chứng kiến không biết bao nhiêu người đến xin cháu về nuôi nhưng chỉ được vài ngày lại trả lại. Bởi nhìn cháu rất đen và gầy yếu. Vì thế, tôi đã quyết định nhận cháu về nuôi. Vì không lập gia đình nên tôi cũng chỉ mong khi nó lớn lên có thể lo cho tôi lúc ốm đau nằm một chỗ.

Cuộc sống của hai mẹ con lay lắt từng ngày. Mỗi ngày, tôi đều phải ẵm cháu đến chỗ làm thuê vừa trông con, vừa kiếm tiền. Thời gian trôi qua, cháu cũng lớn dần lên như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng, năm 13 tuổi, cháu bắt đầu có biểu hiện bất thường, hay bỏ nhà đi lang thang. Cũng có khi cháu nằm ở nhà ngủ li bì rồi lựa giữa trưa nắng hoặc lúc trời mưa to, gió lớn là đi biệt tăm tới tối mới về. Nhiều hôm, cháu bắt xe ôm về nhà mà không có tiền trả nên tôi đành ngậm ngùi để họ lấy đi cái nồi cơm điện, tài sản duy nhất trong nhà có giá trị. Rồi cả cái kính cận duy nhất tôi tích góp mãi mới mua được cho cháu cũng bị người ta lấy để trả tiền xe. Cuộc sống của mẹ con tôi cứ thế trôi qua đầy sóng gió. Nhiều khi mệt mỏi và kiệt sức, tôi đã buông xuôi theo số phận. Mặt khác, vì hoàn cảnh túng thiếu nên tôi cũng không có điều kiện dẫn cháu tới bệnh viện khám, chữa bệnh".

Điều khiến bà chới với nhất đó là năm Tài lên 18 tuổi thì bỗng dưng mang bầu và sinh ra một bé trai kháu khỉnh mà không biết là con của ai. Tuy nhiên, bà chỉ cố gắng nuôi cháu bé được đến lúc 3 tháng tuổi thì đành nuốt lệ gửi cháu vào một nhà chùa trên Bình Dương, nhờ sự chăm sóc của các ni cô. Cho đến bây giờ, cháu đã hơn hai tuổi rồi nhưng bà cũng chưa một lần thấy mặt mũi cháu ngoại mình có thay đổi gì không. Những tưởng mọi khó khăn của hai mẹ con bà sẽ dừng lại ở đó. Ai ngờ, giữa năm 2012, Tài lại tiếp tục mang bầu, sinh thêm một bé trai nữa, cũng không biết là của ai. Bản thân Tài cũng không nói cho bà về bố của thằng bé.

Không tin con nuôi mắc bệnh tâm thần

Bà C. chia sẻ: "Đứa bé thứ hai chào đời khiến người làm mẹ như tôi đau đớn vô cùng vì đã không làm trọn trách nhiệm của một người mẹ. Tôi cố gắng dằn lòng mình để không gục ngã trước thảm kịch của hai mẹ con. Hàng ngày, tôi phải gạt nước mắt để đi làm thuê ở một quán cơm. Mặc dù thu nhập hàng ngày chỉ được 100.000 đồng nhưng lần này tôi quyết định giữ lại đứa cháu ngoại này. Bởi thấy Tài sinh nở khó khăn, đau đớn nên không nỡ chia rẽ tình máu mủ và hơi ấm của mẹ con nó".

Tuy nhiên, lúc này biểu hiện bệnh của Tài ngày càng nặng hơn. Mọi người xung quanh ai cũng nói là Tài bị bệnh tâm thần, nhưng bà đã cố chấp không tin vào điều đó. Sở dĩ bà C. không tin là vì Tài khá khôn ngoan không chỉ trong câu nói mà còn ngay cả trong cách ăn mặc. Hậu quả là, hàng ngày bà phải lãnh không ít những cú đấm đá túi bụi của con gái mình. Thậm chí, nhiều bữa đi làm về, bà bị Tài quát nạt, không cho vào nhà tắm. Mọi đồ đạc trong nhà cũng vì thế mà tan tành trong tay Tài. Mỗi lần bà C. mua được ít chén bát về ăn là Tài lại đập phá hoặc mang ra đường vứt. Vì Tài phá dữ quá nên trong nhà chẳng còn thứ gì đáng giá. Bà C. chán nản và không muốn sắm sửa gì thêm nữa. Trước khi Tài sinh đứa bé thứ hai, bà đã mang Tài đến bệnh viện Nhiệt đới khám. Tại đây, các bác sĩ nói Tài bị thần kinh. Tuy nhiên, vì không có tiền nên bà chỉ có thể mua thuốc về cho con uống chứ không thể để con ở lại điều trị.

Vì miếng cơm, manh áo, nhất là khi có thêm cháu ngoại, bà C. phải để hai mẹ con Tài ở nhà, đi làm thuê kiếm tiền nuôi 3 miệng ăn. Thế nhưng, bà bàng hoàng và hoảng sợ bởi nhiều hôm đi làm về thấy Tài đang nắm đầu, dứt tóc, đá đít đứa con của mình. Thậm chí có lần, chỗ kín của thằng bé bị Tài nhéo tím bầm. Ngày 24/4 vừa qua, Tài bóp cổ cháu bé, cầm vật lên vật xuống như quăng đồ vật trước sự chứng kiến của nhiều bà con lối xóm. "Chính vì thế, ngày 25/4, tôi đã làm đơn kêu cứu khẩn cấp gửi UBND phường 7 (quận 8. TP.HCM) và các ban ngành liên quan đề nghị chính quyền địa phương giúp đỡ đưa Tài đi bệnh viện điều trị tâm thần", bà C. kể.

Nhưng chính quyền chưa kịp can thiệp thì đã xảy ra thảm cảnh kinh hoàng. Chiều 26/4, bà C. đi làm giấy khai sinh cho cháu ngoại trở về lúc 4h chiều thì thấy đứa cháu hơn một tháng tuổi nằm bất động. Bà vội ẵm cháu đi bệnh viện cấp cứu nhưng không kịp vì cháu đã chết trước đó. Bà đau đớn nhìn Tài ngơ ngác và hỏi: "Con của con chết rồi hả? Vậy đến bao giờ nó sống lại?".

Xã hội - Phận đời cô gái tâm thần sinh con rồi... đoạt mạng (Hình 2).

Thái Kim Tài (ảnh Thơ Trịnh).

day dứt

Trao đổi với chúng tôi, người mẹ trẻ Thái Kim Tài hồn nhiên nói: "Con em nó chết rồi. Tại lúc đó em nằm ngủ quên nên không hay biết gì". Khi chúng tôi hỏi về cha của đứa bé, Tài trả lời rất tự nhiên: "Bao lâu nay, em quen với một người tên M. làm thợ sửa xe ở quận Bình Thạnh do bạn bè làm mai. Nhưng bây giờ, anh ấy về TP. Vũng Tàu rồi".

Ngồi bên cạnh con gái, bà C. nghẹn ngào: "Tôi day dứt lắm. Chỉ vì sự chủ quan của tôi mà cháu tôi chết thảm. Hôm đó, trước khi đi, tôi đã định ẵm thằng bé đi gửi hàng xóm, nhưng đột nhiên Tài tỉnh giấc, bắt tôi phải để cháu ở nhà. Tôi nghĩ Tài có thể chăm sóc thằng bé nên để cháu ở lại với Tài. Ai ngờ lại xảy ra bi kịch như hôm nay. Tôi già yếu, sống nay chết mai. Còn tương lai của Tài cũng chẳng biết sẽ đi đến đâu nữa".              

Rối loạn tâm thần nặng

Bác sĩ Trịnh Tất Thắng, giám đốc bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM cho biết: "Theo kết quả hội chuẩn và theo dõi thì Thái Kim Tài bị rối loạn tâm thần nặng. Đây chính là lí do khiến Tài thường xuyên đập phá, đánh người. Chúng tôi đã động viên bà C. yên tâm để Tài chữa trị tại bệnh viện. Dù hoàn cảnh gia đình bệnh nhân quá khó khăn nhưng chúng tôi vẫn sẵn sàng giúp đỡ".

Chính quyền sẽ đặc biệt quan tâm

Bà Đỗ Thị Phương Thảo, cán bộ phụ trách thương binh - xã hội phường 7 (quận 8, TP.HCM) cho biết: "Vào khoảng 14h chiều hôm xảy ra sự việc, tôi nhận đơn của bà C. và được biết mẹ con bà không nhà cửa, nay đây mai đó. Không lâu sau đó, cán bộ phường đã có mặt tại nhà bà C. nhưng bà đi vắng nhốt Tài và cháu nhỏ trong phòng. Đến khoảng 16h, bà C. về mở cửa thì đứa bé đã chết. Lãnh đạo phường 7 đặc biệt quan tâm và sẽ tìm cách giúp đỡ bà C. về cả vật chất lẫn tinh thần để bà vượt qua cú sốc này".

Thơ Trịnh

Cảnh đời cơ cực người lính già bên đèo Cả

Thứ 5, 28/02/2013 | 15:43
Lang thang trên đường Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) vào một buổi tối trời mưa, chúng tôi dừng lại bên lề đường khi bắt gặp hình ảnh một ông già có đôi chân một mất, một còn. Đó chính là ông Lê Thi, một người lính trên chiến trường năm xưa (ông sinh năm 1952, ngụ tại thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, Phú Yên).

"Nhiều thân phận đi qua công lý cơ cực và đau đớn"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:59
"Nhiều đêm nằm nghĩ, lòng tôi có cảm giác không yên, nhiều thân phận đi qua cuộc định đoạt của công lý, họ cơ cực và đau đớn quá...Nhiều vụ án kéo dài đằng đãng nhiều năm trời, tôi trộm nghĩ thật sự mình lấy đâu năng lượng để chịu đựng được những sức ép khủng khiếp với thời gian cứ như đặc quánh lại", luật sư Phan Trung Hoài tiếp chuyện.

Xót xa những phận đời mưu sinh quên tuổi

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
Lẫn trong nhịp sống sôi động hàng ngày còn đâu đó những mảnh đời thiếu may mắn đang mải miết mưu sinh quên mất tuổi.

Phận đời người đàn ông cụt hai chân và bà “vợ nhặt”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
Sau khi quyết định nhập thân vào kiếp ăn mày, hàng ngày Khiển lang thang khắp các ngã tư, bến xe, góc chợ để xin chút lòng thương của mọi người. Nhưng xin mãi một chỗ ai cũng quen mặt nên Khiển phải tìm chỗ mới và đi xa hơn. Và chính tại nơi đây, Khiển đã đưa về một cô "vợ nhặt".