Cơ duyên của trận

Cơ duyên của trận "long tranh hổ đấu"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Trận đấu là cơ duyên giúp những người tiền nhiệm tạo ra Hắc Hổ Thiết Quyền Đạo, truyền lại cho đời sau.

Nói về Hắc Hổ Thiết Quyền Đạo, không phải đến khi chưởng môn đời thứ ba, võ sư Trần Hữu Hoàng thách đấu Sư đoàn bộ binh Mãnh Hổ Đại Hàn, phải võ này mới nổi tiếng.

Thực ra, phái võ trên từng nức danh Sài Gòn xưa với giai thoại và sức mạnh, kỹ nghệ võ công. Đặc biệt là giai thoại về trận "long tranh hổ đấu" ba ngày liền giữa cố võ sư Trần Văn Đầy (ông nội võ sư Trần Hữu Hoàng) và võ sư Thuận Tường người Sơn Đông thuộc phái Thiếu Lâm Trung Hoa.

Ngoài ra, theo võ sư Hoàng thì ông nội và cha ông đã từng mang đệ tử đi đánh đài khá nhiều nơi, đặc biệt nhất phải kể đến sân Tinh Võ Môn (quận 5, TP.HCM ngày nay), nơi tụ hội của dân võ đánh đài thời đó.

"Không đánh không quen"

Mang trong mình dòng dõi đất võ Bình Định (người gốc An Thái, nổi tiếng với những đường quyền "roi Thuận Truyền, quyền An Thái"), cố võ sư Trần Văn Đầy (1877-1949) đã vào khu vực Bà Điểm - Hóc Môn (TP.HCM ngày nay) gây dựng cơ nghiệp. Khi thực dân Pháp xâm chiếm vùng Gia Định, ông đã dạy võ công cho nhân dân địa phương để có thể tự vệ và đánh giặc.

Thời ấy, có rất nhiều người dân khu 18 thôn vườn trầu đã tìm đến lò võ của võ sư Trần Văn Đầy để thọ giáo võ nghệ. Một phần vì họ mê võ, phần vì căm thù với giặc, muốn đem hết nghĩa khí của người dân Việt, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đuổi bọn thực dân xâm lược về nước.

Nghe đồn, ông Đầy có võ nghệ cao cường, lại thêm có nhiều người đến học võ, một số cao thủ đã đến vùng Bà Điểm - Hóc Môn để tỷ thí, phân tài cao thấp theo kiểu giang hồ xưa. Võ sư Trần Hữu Hoàng kể lại giai thoại: "Nghe danh, một cao thủ vùng Sơn Đông (Trung Quốc) tên Thuận Tường thuộc Bắc phái Thiếu Lâm đã tìm đến để tỷ thí.

Nói một chút về cao thủ vùng Sơn Đông, ông Thuận Tường nổi tiếng thời ấy với chiêu thức sở trường là Thiết Trảo Công. Ông này có biệt danh trên giang hồ là Thanh Long. Võ sư Trần Hữu Hoàng nghe kể lại rằng, ông Thuận Tường phải chạy sang vùng Thất sơn (bảy núi, An Giang ngày nay) cũng có nguyên do.

Số là, trong một trận thượng đài, thách đấu với thiếu tá, kiêm võ sư Kawaguchi, mang ngũ đẳng Karate và Judo, do không kiềm chế được máu hăng nên ông Thuận Tường đã tung cú "Long vĩ cước" (rồng vẫy đuôi) trúng vào tử huyệt khiến đối thủ không thể qua khỏi lưỡi hái tử thần.

Chính vì thế, ông đã bị quân đội Nhật Bản tầm nã. Nửa đêm, ông này phải băng rừng, vượt suối chạy sang vùng Thất sơn mai danh, ẩn tích. Đây cũng chính là cơ duyên để ông gặp võ sư Trần Văn Đầy.

Nghe/Xem - Cơ duyên của trận 'long tranh hổ đấu'

Nhiều năm qua, phái Hắc Hổ Thiết Quyền Đạo đã cho ra lò nhiều võ sư, huấn luyện viên tài danh.

Nói về trận thư hùng này, võ sư Trần Hữu Hoàng kể: Do không phân định được thắng thua ngay trong một trận, hai bên quy định mỗi ngày sẽ đấu ba hiệp. Đấu ba ngày liên tiếp nhưng cả hai đều bất phân thắng bại nên đã kết giao thành bằng hữu. "Không đánh không quen", giang hồ xưa là thế, hai ông trở thành bạn thân, tâm giao từ đó.

Sau trận tỷ thí, vì quý nhau, ông Thuận Tường xin ở lại, còn ông Đầy trịnh trọng mời, thế là hai cao thủ có dịp trao đổi võ nghệ. Quá trình học hỏi, nghiên cứu đã giúp những khiếm khuyết của phái Hắc Hổ được bổ sung và hoàn thiện.

Giới võ thuật có câu: "Nam quyền, Bắc cước", phái Hắc Hổ chỉ mạnh về những đường quyền còn đòn tay thì vẫn là điểm yếu. Ông Thuận Tường lại là người có những yếu tố mà ông Đầy còn thiếu, đó những đòn cước phóng khoáng, nhanh, mạnh và có tính sát thương cao.

Vì thế, quyền của Hắc Hổ có thêm cước của Thiếu Lâm Bắc phái, sức mạnh càng thêm phần vượt trội. Tuy chưa hoàn thiện hẳn nhưng võ Hắc Hổ từ Bình Định kết hợp với Thiếu Lâm của Trung Hoa đã tạo ra một võ phái mới.

Sau này, võ sư Trần Hữu Hoàng cho biết, khi ông Thuận Tường mất đi, gia đình cũng chôn cất ông như một người thân trong nhà. Quãng thời gian ông Thuận Tường ở trong gia đình, võ sư Trần Hữu Hoàng lúc ấy còn bé nhưng cũng được ông Tường cùng với ông nội truyền dạy một số võ công.

Rạng danh với "ngũ hổ tướng"

Để phát triển quyền - cước một cách hoàn thiện, dựa trên hai môn phái Hắc Hổ và Thiết Quyền Đạo của Thiếu Lâm Bắc Phái thì phải nói đến cố võ sư Trần Văn Chánh, con trai của ông Trần Văn Đầy.

Được thụ hưởng những tinh hoa võ thuật của cha và người thầy Thuận Tường từ nhỏ nên ông Chánh đã nhanh chóng trở thành một cao thủ võ lâm ở khu vực 18 thôn vườn trầu. Ông cũng chính là người nghiên cứu, bổ sung các khuyết điểm của Hắc Hổ với Thiết Quyền Đạo của Thiếu Lâm Bắc Phái để tạo thành Hắc Hổ Thiết Quyền Đạo, truyền lại cho đời sau.

Ông Trần Văn Chánh có 5 người con. Ngoài Trần Hữu Hoàng là con trai cả còn có: Trần Văn Xuân, Trần Văn Hiệp, Trần Thuận Hòa và Trần Thanh Quang. Cả 5 anh em họ Trần đều theo nghiệp của cha và ông mình. Họ khá nổi tiếng, được nhiều người biết đến với biệt danh "ngũ hổ tướng" của vùng Bà Điểm - Hóc Môn.

Riêng võ sư Trần Hữu Hoàng, đến năm 15 tuổi, ông đã tham gia phụ cha mình làm công tác huấn luyện. Tuy không phải là một người to cao nhưng Trần Hữu Hoàng là một võ sĩ lỳ đòn, nhanh nhẹn, có nhiều quyền cước sáng tạo, tính sát thương cao…

Do vậy, thời hoàng kim, Trần Hữu Hoàng luôn được đánh giá cao trong các trận thượng đài. Đến năm 1970, ông được Tổng cục Quyền thuật Việt Nam cấp bằng võ sư. Đây cũng là năm, ông được tín nhiệm giao lại chức chưởng môn.

Và sau đó một năm, ông đã gây ra sự kiện chấn động giới võ thuật Sài Gòn và quân đồng minh Mỹ - Hàn khi thách đấu Sư đoàn bộ binh Mãnh Hổ Đại Hàn. Chỉ tiếc là trận thư hùng đã không diễn ra như nhiều người mong đợi nhưng qua đó cũng nói lên lòng dũng cảm của một thanh niên và các môn sinh phái Hắc Hổ Thiết Quyền Đạo lúc bấy giờ.

Sau sự kiện gây chấn động đó, võ sư Trần Hữu Hoàng tiếp tục nghiệp dạy võ tại Sài Gòn. Ông cho biết, trước giải phóng, giang hồ tứ cố vô thân nhiều vô kể. Phần vì thời cuộc, phần vì xã hội lắm nhiễu nhương…

Cho nên khi ông mở võ đường cũng có một số giang hồ đến bắt nạt, phá hoại. Có lần, hai tên lăm le xông vào và tự xưng là lính Biệt kích 81, mang theo lựu đạn đến võ đường thách đấu.

Thực ra, mục đích của chúng là nhằm phá hoại võ đường, không cho chúng tôi dạy võ. Tưởng là giang hồ hay hảo hán nào cộm cán nhưng tôi cũng cho mấy đệ tử ra "so găng". Trận đấu diễn ra chưa được bao lâu thì hai tên tự xưng "biệt kích" đã ngã lăn bò càng. Sự việc dù nhỏ nhưng cũng đủ thấy, thời ấy cũng ghê gớm thay.

Võ sư Trần Hữu Hoàng cho biết, trước giải phóng, phái Hắc Hổ Thiết Quyền Đạo đã cho ra lò nhiều môn đệ tiếng tăm. Điển hình có Nguyễn Thanh Long, quán quân giải vô địch năm 1965, rồi Lê Hải Bắc, vô địch toàn quốc năm 1966.

Cho tới nay, phái Hắc Hổ cũng có nhiều môn đệ vang danh ở các giải đấu trong và ngoài nước. Võ sư Trần Hữu Hoàng cho biết, hiện phái Hắc Hổ Thiết Quyền Đạo có 15 võ sư, 120 huấn luyện viên và khoảng trên 4.000 môn sinh theo học ở nhiều cơ sở tại TP.HCM, Long An, Bình Dương…

Dù đã bước sang tuổi 73 nhưng nhìn võ sư Trần Hữu Hoàng vẫn còn rất tráng kiện. Ông vẫn thường xuyên đi công tác tại Hà Nội, làm giám đốc cho một công ty đào tạo bảo vệ, vệ sỹ và dạy võ cho một số "đại gia" tại Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình.

Võ sư Hoàng chia sẻ, học võ là để rèn luyện thể chất và nâng cao sức khỏe nhưng cốt yếu vẫn là giáo dục cốt cách con người. Học võ phải khổ luyện để tinh xảo, như thế mới chỉ là tài. Người học võ phải không ngừng rèn luyện để đạt mức thượng thừa cả về tài lẫn đức. Chính vì thế mà ông luôn tâm niệm học trò đi tìm thầy dạy võ thì dễ, còn võ sư muốn tìm học trò để truyền cho hết nghề thì khó khăn vô cùng.

Võ sư Trần Hữu Hoàng là một trong hai người (cùng với võ sư Quách Phước, phái Lam Sơn) là thế hệ võ sư thuộc Tổng cục Quyền thuật Việt Nam còn sót lại. Với những đóng góp của mình cho nền võ cổ truyền Việt Nam, võ sư Trần Hữu Hoàng đã vinh dự được nhận Huân chương vì sự nghiệp thể dục, thể thao.

Không chỉ là một võ sư, Trần Hữu Hoàng còn từng là giảng viên diễn xuất của trường cao đẳng Sân Khấu Điện ảnh TP.HCM. Ông cũng tham gia một số bộ phim như: Tây Sơn hiệp khách, Ngọc Trản thần công, Vết thù năm tháng... rất được dư luận quan tâm.

Trung Nghĩa