Cô giáo bớt suất ăn: Cả ngành đớn đau “miếng nhục”

Cẩm Mịch

Mới đây, chuyện Hiệu trưởng trường tiểu học Đông Thành (Ninh Bình) “ăn chặn” suất ăn bán trú và thu học phí sai quy định lại một lần nữa dấy lên sự hoang mang về những biểu hiện phi đạo đức của một bộ phận nhà giáo. Đã có nhiều vụ việc tương tự, nhưng vì sao một số người vẫn chọn cách “ăn không từ thứ gì” dù họ có đủ trí tuệ để hiểu “miếng ăn là miếng nhục”?

Thoái hóa đạo đức, bôi nhọ nghề giáo

Liên quan đến vụ việc này, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ: “Việc Hiệu trưởng trường tiểu học Đông Thành cùng một số người dưới quyền vừa bị công an khởi tố, bắt giam vì tội rút khẩu phần ăn, thu học phí trái quy định thật đáng lên án! Điều này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn là hành vi thoái hóa về đạo đức, phẩm chất nhà giáo”.

“Nhìn từ góc độ pháp lý, các cơ quan chức năng chắc chắn sẽ căn cứ số tiền chiếm đoạt, phương thức chiếm đoạt; làm rõ vai trò của từng người trong việc ăn bớt, ăn chặn tiền của học sinh để xem xét và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đây là nỗi đau của ngành giáo dục, pháp luật cần nghiêm minh, để làm gương cho người khác.

Nhìn từ góc độ xã hội, hành vi cắt xén suất ăn của học sinh là hoàn toàn trái với đạo đức nghề giáo, trái với lương tâm nhà giáo. Lâu nay, chúng ta đã từng bức xúc trước tình trạng tham nhũng vặt, hành vi cắt xén, xà xẻo vì vụ lợi cá nhân trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Do vậy, khi đây là hành vi ăn bớt khẩu phần ăn bán trú của các em học sinh tiểu học, và những người thực hiện hành vi ấy là những người làm công tác quản lý tại cơ sở giáo dục thì điều đó lại càng không thể biện minh, không thể tha thứ...

Trường học là nơi ươm những mầm non tương lai cho đất nước; các thầy cô giáo là những tấm gương sáng về nhân cách, về sự chuẩn mực, tình thương và trách nhiệm để giáo dục học sinh nên người, không được phép vì chút lợi ích vật chất tầm thường mà đánh mất phẩm chất, nhân cách của người thầy. Rõ ràng, hành vi trên không phải là phổ biến, nhưng tính chất và hậu quả là vô cùng nghiêm trọng, vì đã làm ảnh hưởng tới danh dự ngành giáo dục; đồng thời giảm sút niềm tin của phụ huynh dành cho nhà trường, làm tổn thương tình cảm tôn trọng của các em học sinh dành cho thầy cô giáo”, vị ĐBQH phân tích.

Trước sai phạm của nhiều đồng nghiệp trong ngành giáo dục, bà Nguyễn Thị Bích Huyền, Hiệu trưởng trường tiểu học Ái Mộ A (Long Biên, Hà Nội) tỏ ra bức xúc: “Tôi cho rằng đây là hành vi không thể chấp nhận được ở bất kỳ lĩnh vực nào, chứ đừng nói đến xảy ra trong giáo dục, trong nhà trường. Đầu tiên, suất ăn của trẻ liên quan trực tiếp đến việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, điều mà tất cả các ban ngành đều đang hướng đến. Đối với một người làm giáo dục nói chung, một người hiệu trưởng nói riêng, phải đặt sức khỏe và quyền lợi của học sinh lên hàng đầu, phải cam kết với phụ huynh làm được điều đó! Những nhà giáo kia dường như đang tư duy đi ngược lại với những mục tiêu mà giáo dục đang hướng đến, quả đúng là “con sâu làm rầu nồi canh”, chỉ khiến dư luận có thêm những cái nhìn tiêu cực về ngành.

Tôi thật không hiểu, trước đó đã xử lý nhiều vụ việc tương tự, vì sao những người này phải nhìn vào bài học đau lòng ấy để tránh? Chỉ có thể trách, công tác tự đào tạo, tự bồi dưỡng bản thân của các đồng chí cán bộ quản lý chưa thực sự nghiêm túc”.

Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, Ủy viên hội đồng Quốc gia Giáo dục & Phát triển nhân lực cũng chia sẻ quan điểm: “Chúng ta có hàng triệu thầy cô giáo, không ít những tấm gương tận tụy, yêu nghề khiến hình tượng nghề giáo thiêng liêng, cao cả hơn. Tuy nhiên, mỗi khi xuất hiện những tiêu cực như thế này, lại giống như những “cú sốc” ghê gớm đối với toàn ngành. Mặc dù chỉ là một thiểu số rất nhỏ, nhưng lại vô tình “bôi nhọ” danh dự của biết bao đồng nghiệp mẫu mực. Việc đầu tiên là phải đưa ra khỏi ngành để giữ được thanh danh cho những nhà giáo khác.

Người thầy là những tấm gương! Mỗi thầy cô phải tự nhủ như vậy, tự giữ mình trong sạch, không cần đợi tập thể, không đợi kỷ luật, tự mình nhắc nhở mình phải là tấm gương sáng, tấm gương mà “ô uế” thì không đủ tư cách làm thầy nữa”.

Truy tìm “lỗ hổng” nằm ở đâu?

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam khẳng định: “Ngành giáo dục cũng đã có những quy định rất chặt chẽ về đạo đức nhà giáo, cũng như những quy định về quản lý kinh tế. Chúng tôi cho rằng, việc cắt bớt khẩu phần ăn của học sinh để tham nhũng là một việc làm rất đáng lên án. Sau khi xác minh đầy đủ chứng cứ, cần phải xử lý nghiêm, để làm gương cho người khác”.

Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam cho biết: “Những quy định của bộ GD&ĐT, quy định cụ thể về tiêu chí, trách nhiệm, quyền hạn của lãnh đạo, quy định về đạo đức nhà giáo... đều đã rất đầy đủ, rõ ràng trong Luật Giáo dục, trong các Thông tư, Nghị định... Vấn đề là người tổ chức thực hiện như thế nào? “Lỗ hổng” xuất hiện chính tại khâu tổ chức thực hiện.

Theo tôi, trước hết, phải tăng cường vai trò tổ chức Đảng để quản lý hoạt động của nhà trường, trong đó có việc kiểm soát quyền lực, cũng như công khai ở mỗi đơn vị, mới có thể ngăn chặn được tiêu cực. Thứ hai, tổ chức công đoàn tại cơ sở giáo dục cũng phải phát huy được vai trò giám sát trong quá trình tổ chức thưc hiện các hoạt động của nhà trường.

Đồng thời, tôi cho rằng, quan trọng nhất là việc thực hành dân chủ tại mỗi cơ sở giáo dục. Về vấn đề công khai, minh bạch trong nhà trường, bộ GD&ĐT cũng đã có quy định rõ ràng. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần tăng cường tham gia quá trình kiểm soát các hoạt động tài chính trong nhà trường. Có công khai, minh bạch được hay không, phụ thuộc rất nhiều ở người đứng đầu. Một khi người đứng đầu đã có ý đồ tiêu cực, thì cơ chế kiểm soát phải thật sự tốt, trong đó, phát huy được vai trò của cấp ủy Đảng, của ban Giám hiệu, tổ chức công đoàn, thanh tra nhân dân thì mới có thể thực hiện được”.

Đồng quan điểm đó, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa cũng chỉ ra, để tránh xảy ra các vụ việc đáng tiếc tiếp theo, cần có những giải pháp toàn diện, mạnh mẽ, quyết liệt để hạn chế những sai phạm trong công tác quản lý trường học.

Bà cho rằng: “Trước hết, cần tiếp tục tăng cường quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo. Mặc dù bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản về các quy tắc ứng xử trong nhà trường, nhưng nếu không thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện thì khó tránh được sai phạm như từng xảy ra trong thời gian qua ở một số địa phương.

Vì vậy, điều quan trọng mà ngành giáo dục cần làm là xây dựng, thực hiện cơ chế kiểm soát, đánh giá nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chặt chẽ, thường xuyên để ngăn chặn, đẩy lùi và chấm dứt tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo. Thậm chí, nếu có tình trạng bớt xén khẩu phần ăn của học sinh ở một số cơ sở giáo dục, Bộ cũng nên phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương tiến hành rà soát, đánh giá và có giải pháp chấn chỉnh kịp thời.

Tôi được biết, ở Thái Lan, sau khi xuất hiện tố cáo về nạn cắt xén tiền cơm của học sinh, Văn phòng Ủy ban Giáo dục cơ bản Thái Lan yêu cầu các Sở, phòng giáo dục cả nước rà soát chương trình bữa trưa miễn phí cho trẻ mầm non và tiểu học”.

“Bên cạnh đó, cần tăng cường tính dân chủ trong nhà trường đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông. Hiện nay, quy chế dân chủ trong nhà trường đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019; cùng với đó, Luật Giáo dục mới cũng đã quy định cụ thể về cơ cấu của hội đồng trường đối với từng cấp học. Phát huy dân chủ, tăng cường vai trò của hội đồng trường là cách kiểm soát quyền lực trong trường học một cách hiệu quả nhất. Rõ ràng, nơi nào có sự vào cuộc mạnh mẽ của hội cha mẹ học sinh, sự giám sát chặt chẽ từ cơ quan chức năng, ngành giáo dục thì nơi ấy khó xảy ra sai phạm...”, vị ĐBQH nhấn mạnh thêm.

Tận cùng của phi đạo đức!

GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng trường đại học Sư phạm Hà Nội cũng bày tỏ: “Hành vi của những vị này thực sự không còn gì để nói! Ăn cắp thì ngay đến bất kỳ ai cũng không thể chấp nhận chứ đừng nói đến là nhà giáo. Đạo đức là vấn đề hàng đầu của nhà giáo, trong khi đó, ăn cắp lại là một hành vi rất phi đạo đức. Thậm chí, là tận cùng của phi đạo đức! Không thể chấp nhận những con người như vậy đứng trong ngành giáo dục.

Để “chẩn đoán”, sàng lọc đội ngũ giáo viên đúng nghĩa, thì phải có một quá trình, không những phải tăng cường giáo dục đạo đức trong nhà trường, mà ngay trong hoạt động nghề nghiệp của một đơn vị, cũng phải thường xuyên rà soát để kịp thời phát hiện những hành vi lệch chuẩn. Tương tự như việc, con người ta mỗi ngày đều phải rửa mặt, chứ không thể nói là chỉ cần rửa mặt một lần trong đời là sạch...”.

Trách nhiệm quản lý trực tiếp thuộc về UBND thành phố

PV Người Đưa Tin Pháp luật có cuộc trao đổi với ông Đỗ Văn Thông, Phó Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình.

Xin ông cho biết quan điểm của Sở đối với những hành vi tiêu cực như thế này trong ngành giáo dục?

Trước hết, đối với vụ việc của trường tiểu học Đông Thành, hiện tại, cơ quan công an đang vào cuộc điều tra nên Sở cũng chưa có nhiều thông tin liên quan. Việc quản lý trực tiếp con người, cụ thể là các thầy cô, nếu vướng vào các vụ việc theo chiều hướng tiêu cực thì thuộc trách nhiệm quản lý trực tiếp của UBND thành phố.

Về phía ngành giáo dục, Sở là cơ quan quản lý chung về chuyên môn trong toàn ngành, chúng tôi vẫn phải theo dõi và đôn đốc, nhắc nhở, chỉ đạo công tác quản lý nhân sự tại các nhà trường, đảm bảo trách nhiệm theo ngành dọc.

Thưa ông, Sở có những chuẩn bị và chỉ đạo phòng GD&ĐT thành phố như thế nào để khắc phục những hậu quả mà những người đứng đầu trường tiểu học Đông Thành đã gây ra?

Khi Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng bị tạm giam, nhà trường vẫn phải hoạt động bình thường. Sở đã yêu cầu phòng GD&ĐT thành phố phải tổ chức và ổn định tư tưởng cho các cán bộ, giáo viên khác trong nhà trường, cho phụ huynh và cả học sinh, đảm bảo các hoạt động của nhà trường đều được diễn ra bình thường. Đồng thời, tham mưu với UBND thành phố phải cử ngay một đồng chí phụ trách trưởng. Về lâu dài, nếu tình tiết xảy ra theo chiều hướng tiêu cực, phải kịp thời chuẩn bị đội ngũ thay thế.

Chúng tôi cũng đề nghị phòng GD&ĐT thành phố phải cử cán bộ, chuyên viên, thậm chí, lãnh đạo phòng thường xuyên kiểm tra tại trường, động viên, nhắc nhở và giám sát tổ chức hoạt động tại trường trong bối cảnh như hiện nay.

Một số vụ việc tương tự đã từng xảy ra và đã bị xử lý nghiêm, tuy nhiên, dường như những vị lãnh đạo tại cơ sở giáo dục này vẫn chưa nhận ra bài học. Vậy, Sở đã có những hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể như thế nào để phóng chống những tiêu cực tương tự, thưa ông?

Từ trước đến nay, đặc biệt là thời điểm vào đầu năm học, Sở đã có những văn bản hướng dẫn chuẩn bị cho việc thu các khoản thu trong nhà trường, đặc biệt liên quan đến công tác xã hội hóa... Công tác thanh tra, kiểm tra cũng được chủ trương tiến hành thường xuyên. Trong năm học này, chúng tôi đã thành lập đoàn kiểm tra phủ khắp các cấp học trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ ra các văn bản chấn chỉnh gửi đến các nhà trường. Đồng thời, sắp tới đây, chúng tôi cũng cử thêm các đoàn kiểm tra đến các cơ sở giáo dục, không chỉ về vấn đề thu chi mà còn kiểm tra chuyên môn và các công tác liên quan đến chuẩn bị kết thúc năm học 2019-2020.

Trân trọng cảm ơn ông!

C.M