Cẩm Mịch

Ngay trước thềm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô giáo Mường “từ vườn chuối, nhìn ra thế giới” nhận được món quà bất ngờ khi lọt top 10 giáo viên toàn cầu theo công bố của Varkey Foundation. Bật khóc trước niềm vinh dự lớn, song, cô vẫn muốn mình mãi là “cô giáo làng” gần gũi của học trò.

sutit

Khi ngày tôn vinh nhà giáo 20/11 đang đến thật gần, ngành giáo dục Việt Nam đón nhận một món quà bất ngờ, khi cô giáo Hà Ánh Phượng (29 tuổi), đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách 10 giáo viên toàn cầu năm 2020. Giải thưởng vinh danh giáo viên trên toàn cầu được ví như “giải Nobel dành cho giáo dục” do Varkey Foundation tổ chức thường niên nhằm tôn vinh thầy cô có đóng góp đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục trên toàn thế giới.

Sinh ra ở vùng quê nghèo mang tên Yên Lập - huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, cô giáo người Mường đã nuôi ước mơ “gieo chữ” cho học sinh ngay từ khi còn nhỏ. “Nhà tôi ở đối diện trường học và khu tập thể của các thầy cô giáo, mỗi ngày nhìn thấy thầy cô tận tụy bên học trò, tôi vô cùng yêu mến và ước mơ trở thành giáo viên trong tôi lớn lên từ lúc nào không hay…” - cô giáo Hà Ánh Phượng mở đầu câu chuyện.

Nhìn cô giáo trẻ năng động và tự tin với nụ cười “tỏa nắng” trước mặt, có lẽ ít ai biết được, đây từng là một cô bé nhút nhát. Cô Phượng tâm sự: “Tôi còn nhớ, thuở nhỏ, điều tôi mong mỏi nhất là có một chiếc đài để luyện nghe tiếng Anh, thậm chí, có lúc, tôi còn nằm mơ gặp người nước ngoài để nói chuyện… Có lẽ chính vì một phần là học sinh dân tộc thiểu số sinh ra ở miền núi, không có nhiều điều kiện học tập nên tôi khá tự ti, rụt rè. Có lúc tôi còn ngại làm quen, ngại tiếp xúc với mọi người.

Phải đến khi lên lớp 6, bắt đầu chuyển vào môi trường mới ở trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Yên Lập, xa gia đình, tôi mới dần thoát khỏi “vỏ ốc”. Ở đó, thầy cô giống như cha mẹ, bạn bè giống như anh chị em trong gia đình, tôi dần mạnh dạn hơn. Để có thể tự tin được như thế này là cả một quá trình cho đến tận khi tôi bước vào giảng đường đại học, tôi trở thành một con người khác… Cũng xuất phát từ chính điều này, tôi luôn tâm niệm, môi trường sống ảnh hưởng đến môi trường dạy học. Giống như tôi vẫn thường nói “Anh ngữ là sinh ngữ”, tiếng Anh là một ngôn ngữ sống, nếu không có môi trường sống thì tự khắc ngôn ngữ đó sẽ… chết!”.

Nhắc đến bước chuyển “lột xác” của bản thân, cô giáo trẻ bồi hồi nhớ lại: “Một trong những bước ngoặt lớn nhất thay đổi tôi chính là ở ngôi trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Yên Lập. Cô giáo chủ nhiệm của tôi hồi đó thực sự là một người có tâm, có tầm, mà đến bây giờ, trong tôi vẫn vẹn nguyên ý nghĩa. Không với riêng tôi, mà cô đối với tất cả học sinh đều dành sự quan tâm rất đỗi thân thương, nên trong mắt chúng tôi, cô luôn là người mẹ vĩ đại.

Đến nay, cô vẫn luôn dõi theo mỗi hành trình của tôi, khi tôi nhận được những tin vui, cô cũng chia sẻ và thường kể cho học trò về tôi, để truyền cảm hứng cho các em, rằng có quyết tâm thì có thể làm được…”.

Ông Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ (Ảnh: NVCC)

“Cô giáo Hà Ánh Phượng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ đồng nghiệp trên cả nước trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Riêng trong giai đoạn học sinh phải tạm dừng đến trường do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cô Phượng cùng đội ngũ giáo viên cốt cán của tỉnh đã tham gia dạy học online, biên soạn tài liệu ôn thi tốt nghiệp THPT... Việc cô giáo Hà Ánh Phượng lọt top 10 giáo viên toàn cầu cũng là niềm vui, niềm tự hào của ngành giáo dục Đất Tổ, với những cống hiến góp phần khích lệ tinh thần học hỏi, vượt mọi khó khăn để hoàn thành sứ mệnh trồng người”.

sutit

Năm thứ tư đại học, cô sinh viên Hà Ánh Phượng được một công ty dược của Pakistan mời về làm giám đốc đại diện kiêm phiên dịch viên với mức lương hấp dẫn, nhưng điều đó không làm chệch hướng ước mơ đứng trên bục giảng của cô gái trẻ. Cô tiếp tục theo đuổi ngành sư phạm Tiếng Anh và nhận bằng thạc sĩ năm 2016.

Chia sẻ về điều này, cô giáo trẻ không ngại giãi bày: “Thời điểm khi tôi quyết định từ chối cơ hội việc làm trong ngành dược để tiếp tục nuôi đam mê với sự nghiệp “cầm phấn”, trong lúc nhiều bạn bè còn trêu tôi “dở hơi”, thật may mắn, tôi nhận được sự ủng hộ từ gia đình. Công việc của bố mẹ tôi đều liên quan đến y dược, nếu giống như nhiều gia đình khác, chắc hẳn, họ sẽ mong mỏi tôi theo nghề, nhưng bố mẹ tôi đã mỉm cười: “Chỉ cần là một nghề đứng đắn, đem lại lợi ích cho xã hội và khiến con cảm thấy hạnh phúc, thì bố mẹ sẵn sàng ủng hộ”.

Năm 2016, cô giáo Hà Ánh Phượng được tuyển đặc cách về trường THPT Hương Cần (Thanh Sơn, Phú Thọ), cách khá xa trung tâm thành phố, nhưng điều đó không làm cô nao núng: “Một trong những người bạn thân của tôi thậm chí còn lo lắng tôi sẽ bị “tụt hậu” nếu trở về quê hương, nhưng tôi lại tìm thấy những cánh cửa mới ngay trên con đường mình lựa chọn.

Mô hình lớp học không biên giới chính là một trong những cách để tôi tránh được sự tụt hậu, bởi, ngay khi cần học hỏi một kinh nghiệm nào đó, tôi chỉ cần trao đổi với các thầy cô ở các quốc gia khác là đã có thể nhận được hàng chục, hàng trăm ý kiến để phát triển chuyên môn. Chẳng hạn, ngay khi lùm xùm của Zoom trong dạy học trực tuyến, tôi cũng tham khảo ý kiến từ các thầy cô và được hướng dẫn với rất nhiều phần mềm khác, mang lại hiệu quả dạy và học cao hơn…”.

“Mô hình lớp học không biên giới đã được nhen nhóm ý tưởng từ hồi tôi còn là sinh viên, đi làm thêm ở các trung tâm ngoại ngữ. Ý tưởng kết nối với giáo viên được áp dụng ngay từ những ngày đầu đi dạy, nhưng lúc đó vẫn chỉ quanh quẩn ở những giáo viên mà mình quen… Đến năm 2018, tôi mới thực sự tìm được đáp số, khi kết nối cho học sinh với các lớp học ở nước ngoài. Tôi tham gia cộng đồng giáo viên sáng tạo, nơi có thể tìm được hàng nghìn, hàng triệu thầy cô thuộc mọi lĩnh vực trên thế giới. Lúc này, mô hình lớp học không biên giới mới bắt đầu được áp dụng một cách bài bản…

Một buổi trưa Chủ nhật vào đầu năm 2018, khi tôi đang kết nối và sinh hoạt chuyên môn với các thầy cô trên thế giới qua mạng thì nhà bị mất điện. Nhà hàng xóm thì có máy nổ phát điện, nhưng đang giữa trưa, tôi ngại qua làm phiền. Thế nên tôi đã chạy ra vườn chuối sát nhà hàng xóm, vừa ngồi mát lại vừa sử dụng nhờ được wifi.

Chỉ với một buổi kết nối với thầy giáo người châu Phi ngày hôm ấy đã khiến tôi ngộ ra được rất nhiều điều. Tôi học hỏi được phương pháp học từ mới từ thầy giáo đó và tự đúc kết, điểu chỉnh cho phù hợp với học sinh của mình. Tôi biết được, đất nước của thầy ấy có nền kinh tế nghèo hơn Việt Nam rất nhiều, nhưng lại có chỉ số phát triển năng lực ngoại ngữ cao hơn hẳn của Việt Nam.

Từ hôm đó, tôi bắt đầu kết nối và học hỏi, chia sẻ với rất nhiều giáo viên dạy tiếng Anh, xem cách dạy ở các nước như thế nào... Đó là buổi học mà đến thời điểm hiện tại tôi vẫn học được rất nhiều và cũng là câu chuyện tôi thường chia sẻ với các thầy cô trong các buổi tập huấn” - câu chuyện “từ vườn chuối, nhìn ra thế giới” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng dường như đã trở thành thương hiệu của cô giáo người Mường như vậy.

Lớp học của cô Phượng bắt đầu trở thành một lớp học cộng đồng. Qua mạng xã hội, cô Phượng đưa học sinh của mình vào môi trường học tập không biên giới, khắc phục được những hạn chế của mô hình lớp học truyền thống. Ban đầu, nhiều học sinh còn rụt rè, nhút nhát, vẫn đùn đẩy nhau mỗi lúc cô trao cơ hội tương tác, chỉ dám vẫy tay, nói “Hello”, nhưng sau khi áp dụng phương pháp mới này, học sinh thay đổi và tiến bộ nhiều hơn.

Những tiết học tiếng Anh của cô giáo Phượng trở nên hấp dẫn, học sinh được phát triển toàn diện cả 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết, và tự tin hơn khi rèn luyện được kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin.

Từ huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, những học sinh trường THPT Hương Cần có thể tự tin thuyết trình, giới thiệu về những nét văn hóa đặc trưng dân tộc với các thầy cô và bạn bè quốc tế qua buổi học trực tuyến. Chỉ với một chiếc laptop được kết nối mạng, giáo viên hoàn toàn có thể đưa học sinh “đi tới khắp năm châu”.

Không chỉ dừng lại ở những trao đổi, kết nối trong tiết học xuyên biên giới, cô cùng học trò còn thực hiện nhiều dự án có sức lan tỏa đến cộng đồng. Cô Phượng chia sẻ về quan điểm dạy học dự án là phương pháp dạy học kiểu mới, có thể phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất của học sinh: “Khi thực hiện dự án, ngoài những kiến thức trong sách vở, học sinh sẽ phải áp dụng kiến thức liên môn… và tôi đang phấn đấu để mỗi năm cho học sinh hoàn thiện một dự án”.

Năm học 2019 - 2020, học sinh của cô Phượng đã thành công với dự án “Nói không với ống hút nhựa” và cô trò đang thực hiện dự án mới là “Chống bạo lực trên không gian mạng” trong bối cảnh 4.0. Theo đó, sản phẩm dự án là hoàn thiện một bộ câu hỏi, xử lý tình huống khi bị bắt nạt qua mạng, sau đó, học sinh sẽ đi tuyên truyền đến từng bạn trong trường và trên địa bàn, để biết cách bảo vệ mình cũng như sử dụng Internet an toàn.

sutit

Vượt qua hàng chục nghìn ứng viên để vào top 10 giáo viên toàn cầu do Varkey Foundation công bố, cô giáo Hà Ánh Phượng không giấu nổi giọt nước mắt hạnh phúc. Với cô, điều này không chỉ là niềm vinh dự mang ý nghĩa cá nhân, mà còn góp phần khẳng định vị trí của giáo dục Việt Nam và năng lực của giáo viên, công dân Việt Nam trên trường quốc tế.

Thấu hiểu những khó khăn mà học sinh miền núi gặp phải khi tiếp cận với việc học ngoại ngữ, cô giáo Mường luôn kiên định với ước mơ của bản thân, không ngại khó, ngại khổ, miệt mài “gieo chữ” cho từng thế hệ học trò. Với những sáng tạo đột phá, mỗi giờ học của cô Phượng càng trở nên hấp dẫn và thu hút học sinh. “Nhìn học trò từng bước thay đổi và hoàn thiện bản thân, tự tin hơn mỗi ngày, tôi như được tiếp thêm động lực để cống hiến” - cô tâm sự.

Nhắc đến những món quà đặc biệt mà học trò dành tặng cho mình, cô giáo trẻ xúc động khi nhớ lại: “Đúng dịp sinh nhật vừa rồi của tôi, khi thấy đến 9 giáo viên trong danh sách lọt top 10 mà vẫn chưa thấy tên cô Phượng, học sinh đã bí mật tổ chức một buổi sinh nhật ngay trên lớp học, an ủi để cô không buồn... Đó có lẽ là món quà bất ngờ nhất trong thời gian gần đây mà tôi nhận được.

Nhưng cũng có những món quà mà tôi rất ấn tượng khác, như những tấm thiệp mà học sinh tự tay chuẩn bị, những bức tranh đính kèm lời chúc ngộ nghĩnh, đặt biệt danh là “Cô Phượng Hà Mã”... Đó quả thực là những món quà rất giá trị đối với tôi!”.


Chia sẻ với PV, thầy Phan Trọng Đức - Hiệu trưởng trường THPT Hương Cần - cho biết: “Cô Hà Ánh Phượng là một giáo viên trẻ, năng động, có nhiều sáng kiến và sáng tạo đột phá trong giáo dục, sẵn sàng truyền lửa đam mê cho học sinh, cũng như có ảnh hưởng đến cộng đồng của địa phương, của cả nước và đồng nghiệp quốc tế qua các hội nhóm chuyên môn về ngoại ngữ”.

Mới đây, tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Phú Thọ lần thứ VI, cô Hà Ánh Phượng cũng đã được nhận bằng khen của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Từ những ngày Varkey Foundation công bố top 50, hay mới đây nhất là top 10, cái tên Hà Ánh Phượng được truyền thông nhắc đến ngày một dày đặc hơn, song, cô giáo trẻ bộc bạch: “Tôi muốn tự cân bằng cuộc sống và biết điều gì là quan trọng đối với mình. Tôi vẫn muốn là một “cô giáo làng” giản dị, thấu hiểu và gần gũi với học sinh, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui của các em”.

Dạy tiếng Anh miễn phí qua YouTube

Với danh hiệu “giáo viên 4.0”, cô giáo Hà Ánh Phượng thường xuyên dạy online cho học sinh từ 4 lục địa (Phi, Âu, Á và Mỹ), đồng thời, là thành viên tích cực của cộng đồng giáo dục Microsoft, nơi quy tụ giáo viên toàn cầu cùng thiết kế bài giảng và tham gia phát triển chuyên môn hàng tuần. Cô giáo trẻ cũng ấp ủ dự định phát triển kênh YouTube để dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh cả nước. Trên kênh YouTube của mình, cô Phượng cũng mời các thầy cô trong top 50 giáo viên toàn cầu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp đến các thầy cô trong nước.

“Ngoài ra, trong tương lai gần, tôi sẽ dành ra nhiều thời gian để tiến hành những dự án liên quan đến 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, đây là một trong những xu hướng dạy học kiểu mới mà thế giới đang hướng tới” - cô Phượng bộc bạch.

C.M