Công khai điểm thi: Có một sự minh bạch không công bằng và vô cảm

Công khai điểm thi: Có một sự minh bạch không công bằng và vô cảm

Thứ 2, 10/07/2017 | 15:19
0
Theo nhà văn Hoàng Anh Tú, việc công khai điểm số trên mạng để ai cũng có thể tra cứu khiến những đứa trẻ phải nếm trải thất bại đời chúng không khác gì việc đóng cái gông “học sinh điểm liệt” đưa đi

Từ ngày 6/7, điểm thi của hàng triệu thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT được bộ Giáo dục và Đào tạo công khai trên mạng. Chỉ cần lên một số trang tra cứu điểm thi, gõ thử vài cái tên ngẫu nhiên là có ngay điểm số bốn môn thi, xếp hạng cụm thi, xếp hạng tổng, số báo danh, và ngày sinh của thí sinh. 

Không chỉ điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi vào lớp 10 cũng được công khai trên mạng internet, điều này khiến nhiều người lo ngại rằng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý của các em học sinh. Những em điểm cao sẽ rất phấn khởi, nhưng những em điểm thấp, kết quả bị liệt thì sẽ bị đả kích, có sự ảnh hưởng về tâm lý, tệ hơn là tự tử, vì xấu hổ với bạn bè, thầy cô, hàng xóm. Thậm chí có nhiều ý kiến cho rằng, việc công khai điểm thi là vi phạm quyền riêng tư cá nhân.

Dậy sóng mạng - Công khai điểm thi: Có một sự minh bạch không công bằng và vô cảm

 Ảnh minh họa.

Nhà văn Hoàng Anh Tú cũng có những chia sẻ thể hiện quan điểm về vấn đề này. Báo điện tử Người Đưa Tin xin trân trọng đăng tải bài viết của anh:

Có 4.220 điểm 10 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm nay và sẽ là hơn 4.000 niềm vui từ các thí sinh và gia đình họ. Nhưng ngược lại, có đến 6.805 điểm liệt, cao gấp 1,6 lần số điểm 10, và cũng có nghĩa là gần 7.000 nỗi buồn từ các thí sinh và gia đình họ. Câu hỏi được đặt ra: Nếu trong số gần 7.000 nỗi buồn kia, có những nỗi buồn không thể san sẻ hoặc nảy sinh suy nghĩ tiêu cực dẫn đến tự tử thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Ngài Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo liệu có biết hay nghĩ đến điều đó không, thưa ngài???

Chủ đề thảo luận nổi bật tháng 6/2017 có đến hơn 1 triệu lượt thảo luận về kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, xếp thứ 4 trong top 5 các chủ đề được quan tâm nhất trên mạng xã hội. Và tôi tự hỏi: Ai sẽ kiểm duyệt những lời châm chọc, chế giễu giữa các phụ huynh có con điểm cao với các phụ huynh có con điểm liệt? Ai sẽ chịu trách nhiệm với việc những đứa trẻ bị đưa lên “đoạn đầu đài” trong cuộc tranh đua điểm số? Bao nhiêu cha mẹ, thú thật đi, có thể bình thản coi như không nếu con mình bị điểm kém (mà bạn bè họ, đồng nghiệp họ cũng đều biết khi điểm ấy bị công khai)?

Trẻ em ở Việt Nam (tạm gọi vậy với những cô bé, cậu bé từ 18 tuổi trở xuống), đã trải qua 12 năm học với những thứ được “tung hô” là minh bạch trong thi cử. Có nghĩa là điểm số của em nào cũng phải được minh bạch hết. Thậm chí nhiều lúc minh bạch bằng cách giáo viên đọc điểm công khai trước lớp, tạo cho học trò tâm lý ganh đua, cay cú với nhau. Thậm chí nhiều lúc minh bạch bằng việc kiểm tra miệng đầu giờ, đứa nào “xui xẻo” bị gọi đúng khi quên học bài thì trở thành mục tiêu của những lời nhạo báng (một hình thức khác của bạo hành) từ bạn bè, hoặc có khi từ chính các thầy cô với lời bao biện rằng “làm vậy là để con thấy xấu hổ mà cố gắng học cho tốt”. 

Làm trẻ con xấu hổ để chúng học cho tốt là thứ giáo dục kỳ quặc nhất, chắc chỉ có ở Việt Nam. Nên mới có những hình phạt nhằm mục đích “làm cho trẻ xấu hổ”. Như phê bình trước toàn trường. Như bắt đứng phạt trong góc lớp. Thậm chí ngay cả đến “điểm hạnh kiểm” cũng thành “vũ khí sát thương” tâm lý học trò. 

Trở lại với việc công khai minh bạch điểm số trên mạng để ai cũng có thể tra cứu (thậm chí miễn phí để khuyến khích tra cứu nhiều hơn). Sự hân hoan của công nghệ một cách vô cảm như thế, buồn thay, lại quá nhiều. Công nghệ của thế kỷ 21 nhưng được dùng bằng tư duy của thời trung cổ, phong kiến khiến những đứa trẻ phải nếm trải thất bại đời chúng không khác gì việc đóng cái gông “học sinh điểm liệt” đưa đi giễu khắp đường phố vậy. 

Chúng ta đang làm gì với những đứa trẻ con – em - cháu của chúng ta vậy đây hả trời? Chúng ta cứ tân tiến, cải cách biết bao nhiệu lần trong suốt những năm qua, nhưng đối tượng trung tâm của cải cách dường như chỉ nhắm vào… dư luận xã hội, chiều lòng đám đông. Ngay cả đến những cải cách được cho là vì học sinh thì cũng đầu voi đuôi chuột. Như bỏ chấm điểm thay bằng nhận xét của giáo viên nhưng nhiều trường giáo viên vẫn bị sức ép của phụ huynh mà “chấm điểm chui” vì nhiều phụ huynh lấy điểm số làm thước đo năng lực của con mình. Nhiều cha mẹ nuôi dạy con kiểu như con là thú cưng vậy. Chỉ quan tâm đến cân nặng của con, thành tích của con để so đo cùng bạn bè. Các cha mẹ kiểu đó có nhiều không? Đừng ai bảo tôi là ít nếu như quý vị chịu khó đi họp cho con nhiều hơn một chút. Rồi chưa kể những cha mẹ học thức hạn chế, nghèo, muốn “thoát nghèo” bằng việc nhịn ăn nhịn uống đầu tư để bắt buộc con phải học giỏi. Những đứa trẻ bị nhồi kiến thức chỉ vì sự muốn con đừng nghèo khổ như mình, đau đớn thay, lại rất nhiều. Rồi chưa kể đến chính các thầy cô, các nhà quản lý của các ngôi trường lấy số học sinh giỏi của trường mình, lớp mình làm tiêu chí để được “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Trời ạ, lũ trẻ Việt đang trở thành “công cụ” cho người lớn nhiều hơn bao giờ hết. Ta nói ta thương con mà sao ta cứ đối xử với chúng bằng ý muốn của ta vậy hả trời???

Tôi tin chắc rằng các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô và cả chính các cha mẹ đều có giải pháp thay đổi thực trạng này. Vấn đề chỉ là tại sao họ không làm? Liệu có phải vì sự ganh đua, cuộc chiến tranh điểm số, bệnh thành tích và lòng ham thắng, hiếu chiến trong mỗi chúng ta quá cao??? Như chính tình trạng giao thông ngoài kia, tình trạng xây dựng ngoài kia, ai cũng len lên một tí, ai cũng tranh đoạt một tí khiến tất thảy đều hỗn loạn? Thầy cô đổ lỗi cho cha mẹ ép, cha mẹ đổ lỗi cho giáo dục Việt Nam tệ, các nhà quản lý, chính sách đổ cho bộ máy vận hành bên dưới không diễn ra đúng như chính sách mình đề ra… Cuối cùng, chỉ có những đứa trẻ là nạn nhân. Những đứa trẻ không được nói lên mong muốn của chúng.

Nhiều lúc, tôi lại nghĩ quẩn rằng: Để thay đổi giáo dục Việt Nam, có lẽ cần mở trường đào tạo lại cho chính các cha mẹ, thầy cô và cả những nhà quản lý giáo dục. Cần dạy họ lại về việc dùng trái tim trước đám trẻ con thay vì dùng lý trí, ham muốn như hiện tại vậy. Vâng, nghĩ quẩn vậy mà thấy đau đớn lắm thay!

Hoàng Anh Tú

Xem thêm:

Công khai điểm thi của học sinh: Phụ huynh nói gì?

Cần nhìn nhận quyền riêng tư trong công bố điểm thi!

 Công khai điểm thi: Không bảo vệ được thông tin cá nhân của thí sinh

 

Cùng tác giả

Bí quyết thu hút "nửa kia" của cô nàng có chồng "bước ra từ ngôn tình"

Thứ 6, 01/10/2021 | 20:18
Đừng vội vàng với những điều tạm bợ bạn, vì bạn xứng đáng với những điều tốt đẹp nhất.

Cua lại vợ bầu: Phụ nữ, nếu chọn nhầm hãy chọn lại!

Thứ 6, 15/02/2019 | 08:03
Sau khi xem bộ phim Việt làm mưa làm gió tại các phòng chiếu và đọc bài viết “Cua lại vợ bầu” hay “Câu lại vợ bừa”, tôi nghĩ mình cần phải đáp trả một vài quan điểm.

Những người thầy đi qua đời tôi: Dì ghẻ

Thứ 6, 17/11/2017 | 16:06
20/11 là ngày mọi thế hệ học trò tri ân thầy cô của mình. Tôi cũng vậy, tôi dành nguyên ngày 20/11 để ở bên “người thầy đầu tiên” cũng là người mẹ thứ hai của mình.

Món ngon mỗi ngày: Công thức tự làm tương ớt cay, ngon chuẩn vị

Chủ nhật, 22/10/2017 | 09:00
Để làm được món tương ớt cay, ngon chuẩn vị ngay tại nhà, bạn chỉ cần chuẩn bị và làm theo công thức sau...

Món ngon mỗi ngày: Cách làm thịt gà rang lá chanh thơm phức, đưa cơm

Thứ 6, 29/09/2017 | 08:30
Thịt gà rang lá chanh là món dễ làm, dễ "lấy lòng" người thưởng thức. Nếu bạn chưa biết hôm nay ăn gì thì hãy làm ngay món này để "cứu cánh" nhé.