Công nhân “mượn” người ngoài “giải quyết” mâu thuẫn ở chỗ làm

Công nhân “mượn” người ngoài “giải quyết” mâu thuẫn ở chỗ làm

Thứ 3, 05/12/2017 | 20:15
0
Mỗi khi xảy ra xích mích, va chạm, nhiều công nhân lại nhờ người nhà, bạn bè can thiệp, mượn người ngoài “giải quyết” mâu thuẫn.

Mượn người ngoài “giải quyết” mâu thuẫn

Nhiều người còn bị chính đồng nghiệp thuê giang hồ đến “giải quyết”, đe dọa, hành hung. Tình trạng bị đe dọa, đánh ghen nhầm, chặn đường “dằn mặt”, diễn ra khiến không ít công nhân hoang mang, lo lắng.

Qua nhiều câu chuyện của những người làm trong khu Công nghiệp (KCN) Tân Tạo (quận Bình Tân, TP.HCM) tôi biết được, cuộc sống công nhân ở đây có rất nhiều “sóng ngầm”.

Chị Nguyễn Thị T. (ngụ Nghệ An, công nhân tại KCN Tân Tạo) cho biết, chị vào TP.HCM làm công nhân được gần 20 năm. Chị là người hiền lành, chỉ biết đi làm rồi về chăm chồng con. Nhưng cách đây 3 tháng, trong lúc làm việc, chị kéo thùng hàng lỡ va vào một chị đồng nghiệp tên M.. Dù đã xin lỗi, nhưng không hiểu sao M. vẫn ấm ức và mắng chửi, xúc phạm chị.

Xã hội - Công nhân “mượn” người ngoài “giải quyết” mâu thuẫn ở chỗ làm

Chị T. từng bị đồng nghiệp nhờ người ngoài tát dằn mặt.

Chị T. kể: “Tôi và chị M. làm chung đã hơn 10 năm, không thân nhưng cũng chẳng có gì để ghét nhau cả. Chỉ vì tôi va hàng vào người mà chị ấy ấm ức, sau đó chửi tôi bằng những lời lẽ thô tục. Tôi bực quá nên có nói lại vài câu. Không ngờ chiều hôm sau, khi tôi ra bãi giữ xe để lấy xe thì bị một đối tượng xăm trổ lao vào hành hung. Tôi sợ quá chạy vào nhà dân gần đó trốn. Tên côn đồ đe dọa tôi rằng, nếu “còn láo với chị M. nữa là có ngày banh xác””.

Quá sợ hãi, chị T. phải xin nghỉ phép, về phòng trọ nằm không dám đi đâu. Biết không thể trốn tránh mãi, chị đến công an phường trình báo sự việc. Công an phường đã kết hợp với lãnh đạo công ty làm việc với chị M.. Trước bằng chứng không thể chối cãi, M. thú nhận vì tức giận chị T. nên đã nhờ một người bạn đến “dằn mặt”.

Cũng theo chị T.: “Sau đó, lãnh đạo công ty đã đuổi chị M.. Nhưng như thế, tôi càng sợ hơn. Bởi, chị M. mất việc, tôi sợ chị ấy sẽ trả thù. May mắn là tôi không bị gì nữa. Giờ nghĩ lại, tôi vẫn còn sợ. Ở công ty có nhiều trường hợp bực nhau trong công việc rồi ra mượn người ngoài đứng đón trước cổng để đánh. Tuy chỉ đánh dằn mặt, đe dọa nhưng cũng làm cho chúng tôi sợ”.

Chị T. nói thêm, khi báo sự việc với công an, đơn vị này đã giải quyết rất kịp thời: “Tôi cũng ghi nhận bên công an xử lý rất nhanh. Khi tôi trình báo, các anh ấy đã nhanh chóng xuống điều tra, rồi kết hợp với công ty tôi để làm việc. Họ còn bảo đảm cho tôi đi làm mà không lo sợ gì”, chị T. chia sẻ.

Nỗi lo thường trực

Cũng như chị T., chị Phan Thị K. rời Thanh Hóa vào TP.HCM lập nghiệp được 6 năm. Chị kể: “Học xong trung học phổ thông là tôi vào đây làm việc. Cuộc sống công nhân tuy vất vả nhưng chi tiêu tiết kiệm cũng có tiền gửi về cho bố mẹ ở quê. Tuy nhiên, việc bị đánh ghen nhầm cách đây vài hôm đã khiến tôi rất lo sợ”.

Chị cho biết, ở công ty, chị chơi với một nhóm bạn. Trong nhóm có anh tên L.. Người này tính tình vui vẻ nên ai cũng quý mến. Anh L. lấy vợ làm chung công ty nhưng khác xưởng chị K. đang làm. Có một lần chị K. và anh L. được công ty giao đi sửa hàng bên ngoài, nên hai người đi chung một xe. Không hiểu ai đó đã nói cho vợ anh L. nên chị này đã thuê hai tên xăm mình đứng trước cổng đón chị K. đe dọa.

Chị K. kể lại: “Em vừa lấy xe ra cổng thì 2 người đó lao xe tới, nói: “Mày có phải con K. không? Từ nay tao mà thấy mày gần thằng L. nữa thì mặt mày nát đấy con ạ”. Em sợ quá vội chạy đi nhưng, hai người này đuổi kịp. Họ tát em một cái rồi rồ ga bỏ chạy. Sau đó, em gọi điện thoại cho anh L. kể lại sự việc. Anh L. xin lỗi em rồi nói có lẽ vợ anh ghen”.

Không bị đánh vì ghen tuông như chị K., anh Nguyễn Ngọc P. lại bị dằn mặt, cũng bởi nhắc nhở công nhân làm chăm chỉ. Anh P. là tổ trưởng, vì công việc nên anh có trách nhiệm nhắc nhở mọi người làm việc.

Anh chia sẻ: “Tôi chỉ làm cái chức tổ trưởng bé tẹo, trên có sếp, dưới có cả mấy chục công nhân. Đơn hàng thì sếp bắt làm cho kịp tiến độ, công nhân thì lười nên mình phải thúc giục. Mình cũng không xúc phạm gì ai, chỉ có lúc hàng tồn nhiều quá tôi có mắng. Vậy mà có hôm bị mấy tên giang hồ lao đến đánh dằn mặt. Chúng đe là sống đừng có cậy chức quyền có ngày mất mạng”.

“Thấy chúng đe dọa vậy, tôi sợ quá nên xin xuống làm công nhân chứ không làm tổ trưởng nữa. Lương hơn có mấy trăm ngàn mà trách nhiệm nặng nề, làm không trách nhiệm thì bị sếp mắng, mà làm tích cực bị công nhân ghét. Nghe đến việc bị đe dọa ai cũng sợ. Nhiều người cũng từng vì mâu thuẫn ở công ty mà đâm chém nhau đến mất mạng. Sợ quá nên tôi xin làm công nhân luôn”, anh P. cho biết thêm.

Cũng theo lời anh, nhiều trường hợp vì tức giận nhau các công nhân thuê giang hồ hoặc người nhà đến đánh “dằn mặt”. Anh P. nói: “Dù tôi chỉ bị đe dọa nhưng đành chịu vì đi báo công an sợ bị trả thù”.

Trong khi đó, chị T. tâm sự: “Cùng là công nhân với nhau, đi làm cũng chỉ mong gom góp chút tiền chứ không muốn xảy ra chuyện này chuyện nọ. Nhưng rất nhiều người không nghĩ như vậy, môi trường công nhân cũng phức tạp lắm. Đa số đều hiền lành chất phác, nhưng có một số người cũng không muốn nhường nhịn, một chút là hơn thua, muốn cho mọi người biết ta đây không phải dạng vừa. Nên hở chút là mượn người ngoài đe dọa. Tuy số này cũng ít, nhưng là nỗi lo của tôi và một số người. Sau lần bị đánh, tôi cũng chẳng muốn nói chuyện với ai, sợ nói chuyện rồi lại xảy ra va chạm, lại bị đánh. Tôi đi làm và về phòng ngủ cho khỏe”.

Trao đổi với PV về việc trên, Đại úy Phạm Minh Tuấn, phòng Điều tra Tổng hợp Công an quận Bình Tân, TP.HCM cho biết: “Trước đây, cũng có người báo về việc do mâu thuẫn trong công ty rồi xảy ra đánh nhau bên ngoài. Nhưng đa số là các công nhân họ nhờ người nhà hoặc anh em bạn bè. Tình trạng mâu thuẫn trong công ty rồi đánh nhau bên ngoài là có. Nhưng chúng tôi cũng đã cố gắng đảm bảo an ninh, nên dạo này tình trạng đó đã chấm dứt”.

Ông Nguyễn Văn Mười, Đội trưởng đội Phòng cháy chữa cháy - An ninh trật tự khu Công nghiệp Tân Tạo, TP.HCM cho biết: "Chuyện công nhân khu công nghiệp mâu thuẫn hù dọa nhau là có, nhưng đội bảo vệ khu công nghiệp đã nhanh chóng kết hợp với chính quyền sở tại giải quyết êm xuôi. Mấy năm trước, chúng tôi còn thu được mã tấu của bọn giang hồ đến lởn vởn ở trước khu công nghiệp, nhưng đã bị lực lượng bảo vệ dẹp, nên chưa có chuyện gì đáng tiếc xảy ra".

Tô Hương Sen

Bắt nữ công nhân đốt công ty vì bất mãn với công việc

Thứ 7, 02/12/2017 | 07:52
Bất mãn với công việc, Thuý nghĩ ra cách đốt công ty sau đó xin nghỉ việc. Tuy nhiên, camera an ninh đã ghi lại toàn bộ cảnh phạm tội của đối tượng.

Công nhân Hyundai tiếp tục sản xuất Kona trở lại tại Hàn Quốc

Thứ 6, 01/12/2017 | 18:01
Sau cuộc đình công kéo dài 2 ngày của công nhân Hyundai, việc sản xuất Kona đã trở lại bình thường.

Gần 100 công nhân ở Bến Tre nhập viện, nghi ngộ độc thực phẩm

Thứ 5, 30/11/2017 | 16:13
Có đến 91 công nhân ở Bến Tre phải nhập viện sau bữa ăn. Các công nhân này nhập viện với triệu chứng đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi.
Cùng tác giả

Lòng bao dung của cha mẹ "cải tạo" cuộc đời đứa con trai sa ngã

Thứ 2, 24/09/2018 | 10:33
Nghe bạn kể anh B. nói không thích mình, Hiếu sinh ra bực tức nên dùng dao đâm anh B. tử vong. Trả giá cho sự nóng giận nhất thời, Hiếu vùi chôn tương lai trong lao tù. Được sự động viên của cha mẹ, Hiếu cố gắng cải tạo tốt để sớm làm lại cuộc đời.

Chuyện đàn bà: Phụ nữ dù mạnh mẽ đến đâu cũng cần có một bờ vai

Thứ 4, 12/09/2018 | 21:00
Phụ nữ dù mạnh mẽ đến đâu vẫn cần một người đàn ông song hành sẻ chia.

Chuyện đàn bà: Có tài thường cô độc

Thứ 7, 08/09/2018 | 20:00
Vốn dĩ thói thường là vậy, đàn ông có tài lắm người theo, đàn bà có tài thường cô độc.

Sự hối hận của phạm nhân có nhiều tiền án

Thứ 4, 29/08/2018 | 13:30
Lười lao động, Long sinh ra trộm cắp và liên tiếp đi tù. Lần thứ ba thụ án, nam phạm nhân thấy hối hận khi biết người thân không thể che chở, bảo bọc mãi.

Sự hối hận của người đàn bà buôn "cái chết trắng" vì làm ăn thua lỗ

Thứ 7, 25/08/2018 | 09:13
Làm ăn thua lỗ, Hương nhiều lần cầm cố tài sản, vay mượn lãi cao để tiếp tục kinh doanh. Tuy nhiên, khi mọi nỗ lực đều bất thành, trước tình cảnh vỡ nợ, muốn lấy lại vốn, nữ phạm nhân đã tìm đến con đường buôn ma túy.