Công nhân Việt khốn khổ vì chủ doanh nghiệp nước ngoài “bỏ của chạy lấy người”

Thu Huyền

Nhà đầu tư nước ngoài bỏ trốn, để lại đống nợ nần đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người lao động và kinh tế địa phương. Sự việc xảy ra với hơn 800 công nhân đang làm việc tại công ty TNHH Shop-Vac Việt Nam, có trụ sở tại khu công nghiệp Phú Thái, xã Kim Lương, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.

Hơn 800 công nhân mất việc, mất lương

Nhiều ngày nay, anh Nguyễn Văn Hưng (27 tuổi, quê Hải Dương) đều đặn đến công ty TNHH Shop-Vac Việt Nam (công ty Shop-Vac), nhưng thay vì được làm việc, anh chỉ biết đứng trước trụ sở cùng hơn 800 công nhân của công ty để đòi tiền lương.

Làm việc tại công ty này từ năm 2015, năm nào anh Hưng cũng tham gia đóng bảo hiểm đầy đủ. Thời điểm dịch Covid-19, công ty vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, thời gian gần đây, anh được đồng nghiệp nói rằng trên mạng có thông tin trụ sở công ty ở nhiều quốc gia đã bị phá sản. Bất ngờ, anh nhận thông báo nghỉ làm với lý do chờ nguyên liệu để sản xuất. Sốt ruột vì vẫn chưa được nhận lương tháng Chín, anh đến công ty để hỏi thì nhận được tin “sét đánh” khi lãnh đạo công ty đã “biệt tích”.

"Ngày nào cũng đến, nhưng không ai gặp được đại diện của công ty để nói chuyện. Hàng trăm công nhân trong công ty đang hoang mang vì vừa mất việc lại mất tiền lương và tiền bảo hiểm. Bây giờ chúng tôi chỉ biết trông cậy vào cơ quan chức năng hỗ trợ”, anh Hưng nói.

Công nhân tập trung tại trụ sở công ty TNHH Shop-Vac Việt Nam để đòi lương và tiền bảo hiểm (ảnh: Nguyễn Hoàn).

Khi trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Nguyễn Văn Chuẩn – Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương cho biết: Công ty TNHH Shop-Vac Việt Nam có 7 lãnh đạo là người nước ngoài. Những người này hiện không còn ở địa phương. Sau khi sự việc xảy ra, ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã có báo cáo lên UBND tỉnh. Đồng thời, cũng đã có văn bản đề nghị phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Hải Dương phối hợp trích xuất dữ liệu để biết người đại diện pháp luật công ty này đã xuất cảnh khỏi Việt Nam chưa.

Ông Chuẩn cũng thông tin thêm, công ty TNHH Shop-Vac Việt Nam hoạt động từ năm 2013, chuyên gia công sản xuất máy hút bụi với mức tổng đầu tư khoảng 14 triệu USD. Trong suốt 7 năm vừa rồi, công ty này chưa từng xảy ra vấn đề gì bất thường.

“Chúng tôi đang phối hợp để xác minh làm rõ thông tin công ty nợ tiền thuê xưởng sản xuất, nợ tiền lương và bảo hiểm công nhân gần 20 tỷ đồng. Ngoài ra còn khoản nợ hàng chục tỷ đồng của các đối tác cung ứng nguyên liệu”, ông Chuẩn cho hay.

Người lao động thiệt đơn thiệt kép

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đơn vị đã nhận được thông tin về sự việc, và đã có chỉ đạo ngành công đoàn địa phương ưu tiên giải quyết các vướng mắc cho người lao động.

Nhìn nhận về sự việc, bà Trần Thị Thanh Hà - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, sự việc các công ty nước ngoài bỏ trốn, để lại số nợ hàng tỷ đồng đã xảy ra quá nhiều, gây bức xúc dư luận vì hậu quả để lại rất nặng nề.

Bà Trần Thị Thanh Hà - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Bà Hà phân tích: Doanh nghiệp nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động, đến kinh tế của địa phương, chưa kể, còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy xã hội. Đến nay, vẫn chưa có một văn bản pháp luật nào quy định rõ về việc doanh nghiệp có chủ bỏ trốn và cũng chưa có quy định xử lý tài sản đối với doanh nghiệp bỏ trốn.

Chính nút thắt đó đã khiến cho các cơ quan chức năng lúng túng trong việc xử lý tài sản của doanh nghiệp. Khi đó, người lao động sẽ thiệt hại nghiêm trọng về quyền lợi như việc làm, tiền lương, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…

Chưa có chế định pháp luật

Nhìn nhận về sự việc, luật sư Nguyễn An Bình - Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn An Bình và Cộng sự (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, quy định về doanh nghiệp bỏ trốn trong pháp luật hiện hành nói nói chung và luật Doanh nghiệp nói riêng đang bị bỏ ngỏ.

Luật sư Nguyễn An Bình - Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn An Bình và Cộng sự (đoàn Luật sư TP.Hà Nội).

Hiện chưa có chế định về doanh nghiệp bỏ trốn trong luật Doanh nghiệp. Thực trạng hiện nay đang xảy ra nhất nhiều trường hợp doanh nghiệp “mất tích” hoặc “bỏ trốn”, mất liên lạc trong khi còn nợ thuế, nợ lương lao động… Chính xuất phát từ vấn đề này nên trong dự thảo luật Doanh nghiệp sửa đổi đang đặt ra vấn có chế định pháp luật về việc doanh nghiệp bỏ trốn.

Luật sư Bình chỉ rõ: Thời điểm này, mới chỉ có Thông tư liên tịch 06/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 27/2/2009 của bộ LĐ-TB&XH và bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg ngày 23/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế thì có nêu đến việc doanh nghiệp bỏ trốn như sau: Doanh nghiệp có chủ doanh nghiệp bỏ trốn là doanh nghiệp không có người đại diện hợp pháp đứng ra giải quyết quyền lợi của người lao động và được UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan được UBND cấp tỉnh ủy quyền xác định.

“Bên cạnh đó chưa có sự kiểm tra sát sao việc thực hiện pháp luật lao động, bảo vệ môi trường, thực hiện nghĩa vụ về thuế đối với Nhà nước. Nhất là việc thực hiện trả lương, thưởng, nộp các khoản bảo hiểm cho người lao động”, luật sư Bình nhìn nhận.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc công ty Luật S&B (đoàn Luật sư TP.Hà Nội).

Giải thích về việc khó khống chế hiện tượng doanh nghiệp nước ngoài bỏ trốn, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc công ty Luật S&B (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, nguyên nhân quan trọng và cơ bản nhất là luật chưa quy định chặt chẽ về hoạt động hậu kiểm tra và quản lý sau khi thành lập doanh nghiệp.

“Việc các doanh nghiệp bỏ trốn sau một thời gian hoạt động có nguyên nhân từ việc quy định thành lập doanh nghiệp quá dễ dàng như không cần vốn pháp định, vốn điều lệ chỉ cam kết đóng và không có các quy định cũng như chế tài hậu kiểm tra việc góp vốn này. Bên cạnh đó các quy định khi phá sản doanh nghiệp phức tạp cũng là một trong những lý do khiến các doanh nghiệp không mặn mà với việc thực hiện các quy định này”, luật sư Hà nói.

Vị luật sư cũng nhấn mạnh, trong định hướng thu hút FDI thời gian tới, siết chặt khâu hậu kiểm tốt sẽ hạn chế tình trạng chủ đầu tư bỏ trốn.

“Trong luật Doanh nghiệp cần phải có chế định về “doanh nghiệp bỏ trốn”. Ngoài ra, cần có thêm những quy định biện pháp, chế tài đối với vấn đề này, trong đó nêu rõ quy định về hành chính do Nhà nước quản lý và những quy định mang tính dân sự đối với nhà đầu tư; Xây dựng các chế tài cấm tham gia hoạt động, thành lập và quản lý doanh nghiệp khác đối với đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bỏ trốn; Xây dựng các quy định về giải thể doanh nghiệp, phá sản doanh nghiệp đơn giản các thủ tục hành chính. Phải tạo hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể cho các doanh nghiệp thực hiện”

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

T.H