Cú nổ lớn ngay trước ngày thi của nhóm nam sinh yêu kỹ thuật và môi trường

Cẩm Mịch

“Đêm ngay trước ngày thi sơ tuyển, sau khi cắm sạc sản phẩm dự thi, cả nhóm yên tâm đi ngủ, nhưng chưa đầy 30 phút, đã nghe một tiếng nổ lớn vang trời. Ai nấy nhốn nháo bật dậy, thấy pin đã văng ra khắp sàn nhà… cảm giác muốn “đứng tim” luôn… Sau đó là nguyên đêm không ngủ để tìm ra “then chốt” giành giải trong cuộc thi”, Trưởng nhóm Green Solution tiết lộ.

“Giải pháp xanh” vì môi trường

Từ niềm đam mê khoa học kỹ thuật cùng mối quan tâm đặc biệt dành cho môi trường, những chàng trai trẻ bất ngờ có cơ duyên hội tụ và “bắt nhịp” với cuộc thi “Thiết kế kỹ thuật chủ đề môi trường không khí 2019”.

Gặp nhóm bạn trẻ tại sân trường đại học Bách khoa Hà Nội vào một buổi chiều tháng Sáu, gương mặt ai cũng đều lấm tấm mồ hôi nhưng vẫn không khó để nhận ra niềm vui rạng rỡ khi vừa được xướng tên giành giải Nhất trong cuộc thi Thiết kế kỹ thuật chủ đề môi trường không khí 2019 do trường đại học Bách khoa phối hợp với một số đơn vị tổ chức. Nhóm Green Solution với 8 thành viên đều là những sinh viên năm 3 và năm 4 tại viện Điện, trường đại học Bách khoa Hà Nội.

Chia sẻ về ý tưởng dự án, sinh viên Lê Văn Tiến (SN 1998), Trưởng nhóm Green Solution bật mí: “Chúng tôi đều có niềm đam mê kỹ thuật từ rất sớm. Như bản thân tôi, cũng rất hay tò mò với những mô hình kỹ thuật từ khi còn nhỏ, thường xuyên phá hỏng một chiếc ô tô đồ chơi mới mua chỉ để lấy mô-tơ chuyển qua làm chiếc thuyền chạy dưới nước... Có lẽ chính vì có chung niềm đam mê lớn mà cả nhóm có cơ duyên hội tụ cùng với nhau.

Đặc biệt, trong nhiều tháng trở lại đây, những thống kê về chỉ số ô nhiễm không khí thường xuyên ở mức đáng báo động, sáng sớm ra đường mà bụi phủ mù mịt như những màn sương... trong khi những sản phẩm trên thị trường vừa có giá thành cao lại không có nhiều chức năng, khiến cả nhóm nảy ra ý tưởng về một sản phẩm đo thông số ô nhiễm và cải thiện chất lượng không khí chính xác và có giá thành rẻ hơn trên thị trường”.

Bắt nguồn từ những ý tưởng ban đầu, những chàng sinh viên miệt mài hơn ba tháng để tạo ra sản phẩm ưng ý, tham dự cuộc thi “Thiết kế kỹ thuật chủ đề môi trường không khí 2019”.

Những khó khăn là điều không thể thiếu khi bắt đầu một dự án, Trưởng nhóm Lê Văn Tiến thừa nhận, cả nhóm đều bỡ ngỡ khi chưa từng có kinh nghiệm phối hợp làm nên một sản phẩm ý nghĩa và thực tế. “Đồng thời, những linh kiện mà nhóm thiết kế trong sản phẩm cũng đều được đặt mua trên các trang uy tín bên Mỹ, nên ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trở thành một khó khăn lớn, cả dự án chững lại vì linh kiện bị kẹt ở trời Tây.

Bản thân là một Trưởng nhóm nhưng về chuyên môn, kiến thức thì tôi cũng còn kém hơn một số bạn nên cũng gặp khá nhiều khó khăn. Nhưng có lẽ, khó khăn nhất chính là vai trò đứng giữa trong những cuộc tranh cãi căng thẳng của các thành viên. Tranh cãi là điều không thể tránh khỏi trong mỗi dự án, dù là lớn hay nhỏ, vì vậy, tôi luôn phải giữ nhịp hài hòa, nếu không, sự bất đồng không được giải quyết sẽ rất dễ dẫn đến sự tan rã”, Tiến khẽ bật cười với hành trình chinh phục cuộc thi.

Sinh viên Bùi Minh Đức (SN 1998) thay mặt cả nhóm thuyết trình và cũng là người lên nhận giải bồi hồi nhớ lại: “Khi cái tên của nhóm mình được xướng lên, thực sự niềm vui như vỡ òa. Các thành viên ngồi phía dưới cũng reo hò phấn khởi, ôm chầm lấy nhau.

Chúng tôi tự hào khi được tham gia một cuộc thi giống như một sân chơi bổ ích cho học sinh, sinh viên đam mê kỹ thuật, được sự đồng hành của những người thầy, người anh mang đến những trải nghiệm quý giá, đóng góp những ý tưởng thiết thực để nâng cao chất lượng môi trường”.

Cú nổ “may mắn” ngay trước đêm thi

“Nói về kỷ niệm đáng nhớ nhất, ngay trước hôm thi vòng sơ loại của cuộc thi, cả nhóm được phen “tá hỏa”. Gọi là “phòng thí nghiệm” nhưng thực chất đó là căn chung cư được trang bị khá đầy đủ phục vụ nghiên cứu của người anh Ngô Anh Tuấn, cũng là người hướng dẫn nhóm. Hôm đó, khoảng 18h, sau khi cùng nhau ăn hết những suất cơm hộp, cả nhóm bắt đầu hoàn thiện phần vỏ sản phẩm để sáng hôm sau kịp mang đi dự thi.

Đến hơn 23h, cả nhóm vẫn bị vướng ở một số vấn đề mà không thể tìm ra giải pháp, lúc đó, màn hình không hiển thị các thông số như ban đầu, các chỉ số đo đạc được không đúng như thực tế. Chúng tôi chỉ biết ngồi nhìn nhau, “vò đầu bứt tai” vì chỉ còn mấy tiếng nữa là cuộc thi vòng sơ loại bắt đầu. Có bạn cũng bắt đầu nản chí...

Nhưng sau đó, lấy lại bình tĩnh, tôi động viên cả nhóm quyết tâm không bỏ cuộc. Hì hụi đến gần 2h sáng, mọi vấn đề được giải quyết, nhóm yên tâm cắm sạc cho pin tích hợp trong gói sản phẩm.

Khi cả nhóm vừa chợp mắt được chưa đầy 30 phút thì xuất hiện một tiếng nổ lớn vang trời. Cả nhóm nhốn nháo bật dậy, thấy pin đã văng ra khắp sàn nhà... cảm giác “đứng tim”... chỉ thầm cầu mong cho sản phẩm không bị nổ hỏng mất. May mắn là sau khi khắc phục, sản phẩm vẫn hoạt động bình thường. Vậy là cả nhóm đã có một đêm không ngủ để tìm nguyên nhân. Lại xuất hiện những ý kiến khác nhau, nhưng cuối cùng cũng thống nhất được giải pháp là không sử dụng pin nữa. Đó cũng là yếu tố then chốt giúp Green Solution giành giải trong cuộc thi lần này”, Trưởng nhóm Lê Văn Tiến bật mí.

Chia sẻ thêm về kế hoạch sắp tới, Nguyễn Quang Huy (SN 1999), thành viên trẻ nhất trong nhóm bày tỏ: “Chúng tôi dự định sẽ phát triển sản phẩm theo hướng IOT tích hợp các chức năng của nhà thông minh vào sản phẩm, nhằm tạo ra một ngôi nhà mang đầy sức sống với không khí trong lành và các chức năng tiện lợi đến từ sản phẩm của nhóm mình. Đồng thời, trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn sẽ cùng nhau thực hiện thêm những sản phẩm, mang đến những giải pháp có ích hơn đối với xã hội”.

TS. Ngô Anh Tuấn, trung tâm Phát triển khoa học & công nghệ cho biết: “Trong quá trình đồng hành cùng nhóm Green Solution, điều khiến tôi đặc biệt ấn tượng ở các thành viên trong nhóm là sự chăm chỉ, cầu tiến. Và ấn tượng lớn nhất là mong muốn thể hiện “chất xám”, sự sáng tạo mang dấu ấn riêng trong sản phẩm, chứ không đơn giản chỉ là lắp ráp các linh kiện. Đồng thời, thiết kế của nhóm cũng mang tính tối giản, cô đọng và có thể phục vụ rộng rãi trên thị trường”.

C.M