Cụ ông 35 năm thầm lặng vớt rác kênh đen

Cụ ông 35 năm thầm lặng vớt rác kênh đen

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
0
Xác động vật, chất thải chưa qua xử lý do các cơ sở sản xuất và người dân vô ý thức đổ xuống nhiều năm nay đã gây ô nhiễm nặng và bít gần hết dòng chảy của con kênh. Ông Phạm Văn Tân (73 tuổi) đã 35 năm thầm lặng vớt rác và nạo vét bùn đất dưới dòng kênh này.

35 năm thầm lặng vớt rác

Hàng chục năm nay người dân sống ở khu vực kênh Cầu Mé (phường 3, quận 11, TP.HCM) đã quen với hình ảnh một người đàn ông dong dỏng, khắc khổ, không có quần áo bảo hộ, chỉ với chiếc móc dài, hằng ngày vớt rác trên dòng kênh nước đen ngòm. Ông không phải là công nhân vệ sinh, cũng không được ai trả tiền, việc làm của ông chỉ xuất phát từ những điều thực tế: Thấy rác bẩn thì dọn cho sạch dòng kênh.

Đã hơn 35 năm qua, ông vẫn âm thầm làm công việc bảo vệ môi trường cho khu phố

Trước đây kênh Cầu Mé vốn là một con kênh đẹp, sạch và nước trong. Từ sau ngày giải phóng, người dân đến sống dọc theo con kênh ngày càng đông. Rác và nước bẩn từ sinh hoạt đều thải ra dòng kênh này. Không những vậy, rác bẩn và nước thải không qua xử lý từ các nhà máy sản xuất, các làng nghề dệt nhuộm, may mặc, lò luyện nhôm, xưởng sản xuất hóa chất thủ công ở quận Tân Bình và nhiều khu dân cư đông đúc ở phường 3 - quận 11 đổ về khiến con kênh ngày càng trở nên ô nhiễm.

Gặp những khi trời mưa to, nước và rác thải từ con kênh không thoát kịp đã tràn lên gây ngập và ô nhiễm nặng những khu dân cư sống hai bên bờ. Khu vực Cầu Mé tiếp giáp giữa phường 3 (quận 11) và phía sau khu B của Công viên Văn hóa Đầm Sen - là nơi trũng nhất - nên thường xuyên bị nước của con kênh này tràn vào gây ngập nặng.

Không chịu được cảnh sống chung với rác thải và ô nhiễm, ông Bảy đã nhiều năm liền lọ mọ vớt rác. Ngày nào cũng vậy, dù trời nắng hay mưa, vẫn thấy ông cần mẫn với công việc này. Rác vớt lên được phơi khô rồi gom lại một chỗ, đến khoảng 4h sáng thì ông thức dậy lo đốt rác. Những đống tro rác được ông tận dụng để trồng rau xanh, cây thuốc dọc theo hai bên bờ kênh. Ông chia sẻ: "Tôi muốn gieo lại những mầm xanh cho dòng nước nơi đây. Với lại, cũng từ những hàng rau, cây thuốc này mà bà con hàng xóm có thể dùng lúc bị đau bụng hay trái gió trở trời".

Với một chiếc gậy tre gắn móc sắt trên đầu, ông Bảy thoăn thoắt vớt lên bờ từng chiếc thùng nhựa, bọc nilon, giẻ rách, súc vật chết... trôi lềnh bềnh trên dòng kênh Cầu Mé đen ngòm và đặc quánh rác thải vào mùa mưa. Cứ mỗi lần ông vớt được một mớ rác lên bờ là dòng nước đen như nhớt lại sôi sục lên rồi nhẹ nhàng xuôi chảy qua chiếc cống vừa được khơi thông. "Đó, thấy thích chưa, nước lại chảy được rồi", ông nói.

Hết lòng vì cộng đồng

Hiện các con ông Bảy Tân đều đã có gia đình và ở riêng, chỉ còn vợ chồng ông sống trong căn nhà nhỏ (ở Khu D, phường 3, quận 11, TP.HCM) . Tuy kinh tế gia đình vẫn còn khó khăn nhưng ông Tân luôn say mê với công việc vớt rác không công của mình.

Ông Bảy tự hào chia sẻ giải thưởng "Trái tim Sài Gòn" mà ông vừa được nhận

Không chỉ dừng lại ở việc vớt rác, để những đứa trẻ qua cây Cầu Mé không bị té xuống kênh, ông đã tự bỏ tiền ra làm lan can, tay vịn hai bên thành cầu và mắc hơn chục ngọn đèn chạy dài hàng trăm mét từ khu dân cư Cầu Mé nối với phía sau khu B của Công viên Văn hóa Đầm Sen. Những khi đoạn đường nối vào khu phường 3, quận 11 bị kẹt xe, ông già 70 tuổi này còn là người đứng ra điều khiển cho dòng xe cộ được lưu thông bình thường.

"Tui làm việc tốt nhưng vẫn bị người ta nói nhiều lắm. Họ nói tôi ăn no cứ đi làm việc không đâu. Tôi vẫn giữ lập trường của mình, tôi làm là làm chung cho xã hội chứ đâu có riêng cho nhà tôi. Xem như mình làm để cái đức lại cho con cho cháu". Lời tâm sự chân tình, mộc mạc như chính con người ông vậy.

Bà Nguyễn Thị Đẹp, vợ ông Bảy cho biết: "Ban đầu gia đình phản đối không cho ông làm việc này vì sợ mùi hôi thối sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng rồi trước quyết tâm của ông và thấy việc làm này có ích cho cộng đồng, nên gia đình lại quay sang ủng hộ hết mình để ông toàn tâm lo cho công việc xã hội".

Nghĩa cử cao đẹp của ông cụ 73 tuổi đã khiến mọi người xung quanh cảm kích. Từ đó nhiều gia đình bảo nhau ý thức giữ gìn môi trường và không xả rác tùy tiện xuống dòng kênh.

Bà Huỳnh Thị Lành, sống ở khu Cầu Mé hơn 20 năm qua cho biết: "Cứ mỗi lần mưa to hay triều cường là y như rằng cả trăm ngôi nhà ở đây bị ngập trong nước kênh đen vì cống bị nghẹt rác không thoát được. Tuy nhiên từ khi ông Bảy làm việc này mà tình trạng ngập úng mới bớt dần đi...".

Mặc dù nghe nhiều người "gàn" là việc làm của mình chỉ như muối bỏ biển, bởi số lượng rác thải theo thủy triều mang về con kênh này ngày càng nhiều, song ông Bảy không một chút nản lòng. Ông bảo: "Tôi sẽ tiếp tục vớt rác cho đến khi không còn sức nữa mới thôi. Chỉ cần mỗi người một ý thức không đổ thêm rác ra kênh rạch thì sẽ có ngày chúng lại trong xanh".

Hiện tại ước muốn lớn nhất của ông Bảy là có một thùng rác đặt ở đầu con kênh Cầu Mé để mọi người có chỗ bỏ rác sẽ không vứt bừa bãi xuống kênh. Ông Bảy đã trình bày ý kiến này với UBND phường, Chủ tịch phường 3 đã hứa sẽ cho xe vệ sinh xuống chở các loại rác không thể đốt được đang còn chất đống trên bờ đi.

Với những việc làm ý nghĩa của mình, ông Bảy Tân được tuyên dương "Người tốt, việc tốt" trong lễ tổng kết cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh ở khu dân cư, và nhiều năm liền được nhận danh hiệu "Người tốt, việc tốt" của UBND phường 3. Cảm kích trước tấm lòng hết mình vì cộng đồng của ông Tân, ngày 9/9, đại diện Tập đoàn C.T Group đã trao cho ông giải thưởng "Trái tim Sài Gòn", kèm số tiền trị giá 60 triệu đồng. Giải thưởng này nằm trong hoạt động nhằm động viên, khuyến khích các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực vào việc gìn giữ và bảo vệ môi trường xanh cho cộng đồng.

Noi theo tấm gương của ông Bảy, nhóm "Vì thành phố sạch đẹp" được thành lập nhằm kêu gọi sự tham gia chung tay bảo vệ môi trường của tất cả người dân thành phố.

Thu Thúy - Minh Nghĩa

Tag: Kênh 14