Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương ngày 16/3 có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine. Ảnh: AP
Hãng AP đưa tin, trong cuộc điện đàm hiếm hoi với người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba ngày 16/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương nói rằng Bắc Kinh lo ngại cuộc xung đột gay gắt kéo dài hơn một năm giữa Ukraine và Nga đang vượt khỏi tầm kiểm soát và kêu gọi Kiev đàm phán về một giải pháp chính trị với Moscow.
Ông Tần Cương nói với người đồng cấp Ukraine rằng Trung Quốc "luôn duy trì lập trường khách quan và công bằng về vấn đề Ukraine, cam kết thúc đẩy đàm phán hòa bình, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán hòa bình", tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ.
"Chúng tôi hy vọng các bên sẽ giữ bình tĩnh, kiềm chế và khôi phục các cuộc đàm phán hòa bình càng sớm càng tốt. Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng nhằm đạt được lệnh ngừng bắn, chấm dứt giao tranh, giảm thiểu khủng hoảng và khôi phục hòa bình", tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Tần Cương.
Ngoại trưởng Ukraine Kuleba sau đó đã đăng trên Twitter rằng đã cùng ông Tần Cương "thảo luận về tầm quan trọng của nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ".
"Tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của kế hoạch hòa bình mà Tổng thống Ukraine đưa ra nhằm khôi phục hòa bình ở Ukraine", ông Kuleba viết.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Ukraine có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết: "Hai Ngoại trưởng đã thảo luận tình hình mới nhất trên chiến trường và sự ủng hộ kiên định của Mỹ với Ukraine".
Năm 2022, Trung Quốc tuyên bố quan hệ đối tác "không giới hạn" với Nga và từ chối áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow liên quan tới xung đột ở Ukraine. Bắc Kinh còn lên án các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow và cáo buộc NATO cùng Mỹ kích động buộc Nga phải mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Trung Quốc cũng cáo buộc phương Tây "đổ dầu vào lửa" khi cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Trung Quốc và Ukraine vẫn giữ quan hệ ngoại giao nhưng các quan chức cấp cao của 2 nước chỉ có vài cuộc liên lạc lẻ tẻ, theo AP.
Vào tháng 2, Trung Quốc đưa ra một đề xuất hòa bình ở Ukraine, thúc giục Moscow và Kiev ngừng bắn để đàm phán. Đề xuất này được Nga hoan nghênh nhưng phương Tây bác bỏ, còn Ukraine thì tiếp cận thận trọng. Gần đây, giới chức Mỹ cáo buộc Bắc Kinh đang cân nhắc việc cung cấp vũ khí cho Nga để sử dụng ở chiến trường Ukraine.
Trung Quốc đã tìm cách thể hiện uy tín của nước này với tư cách một bên trung gian hòa giải độc lập, có thiện chí sau khi tổ chức các cuộc đàm phán vào tuần trước giữa Iran và Ả Rập Saudi. Hai quốc gia thù địch lâu năm đã đồng ý khôi phục quan hệ ngoại giao toàn vẹn sau các cuộc đàm phán.
Nguyễn Thái - AP