"Cuộc đời ông, quý nhất cái tên do Bác Hồ đặt"

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
0
Trước khi nhắm mắt xuôi tay (6/11/1992), ông còn dặn vợ và các con rằng: "Cuộc đời ông, quý nhất là cái tên Lê Hiến Mai do Bác Hồ đặt"..."

Cố Trung tướng Lê Hiến Mai, tên thật là Nguyễn Văn Phường, sinh ngày 23/11/1918, quê ở xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây cũ (nay là xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ, TP.Hà Nội).

Cố Trung tướng Lê Hiến Mai

Viết lịch sử Đảng trong tù

Bà Ngô Duy Liên, vợ Trung tướng Mai kể lại: Ông sinh ra trong một gia đình trung nông giàu có nhưng khi mới lên 4 tuổi, cha qua đời, ông qua ở với bác gái, được bác nuôi ăn học. Đến năm 18 tuổi, ông đi dạy học để tự nuôi thân.

Năm 1939, tình cờ gặp nhà cách mạng Phan Trọng Tuệ, được nhà cách mạng này giác ngộ, dìu dắt, từ đó cuộc đời ông rẽ sang một con đường mới, đó là con đường làm cách mạng. Năm 1941, trong một lần đi hoạt động gây cơ sở, ông bị đế quốc Pháp bắt, chúng giam ông ở Sơn Tây rồi đưa ra Hà Nội. Năm 1942, ông bị đưa đi đày ở Sơn La. Hồi đó, các chiến sỹ cách mạng Song Hào, Trần Thế Môn, Nhị Quý, Lê Trung Đình cũng bị giam cầm ở nhà tù Sơn La".

Bà Liên tiết lộ: "Chính ở cái nơi tăm tối và gian khổ đó, ông Phường đã viết cuốn lịch sử Đảng Cộng sản Đông Dương. ông kể với tôi rằng, để kỷ niệm 12 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/1942), anh em trong tù đã chọn ông là người chắp bút, ghi lại lược sử Đảng Cộng sản Đông Dương, vì mọi người tín nhiệm ông văn hay, chữ đẹp. Trong điều kiện bị tra tấn, tù đày nhưng các bạn tù vẫn gom được khoảng 50 mẩu giấy bé bằng lòng bàn tay, do cơ sở bí mật đưa vào. Ông Phường đã lấy chỉ đen đóng lại thành cuốn sổ to bằng bao diêm để ghi chép lịch sử Đảng. Bà Liên giải thích: "Hồi đó bao diêm lớn lắm, phải bằng bao thuốc lá, chứ không nhỏ xíu như bây giờ".

"Trong điều kiện bị tù đày, ông Phường tranh thủ viết mỗi ngày một ít. Trong nhà lao tối om, ông phải dò từng chữ một. Cho đến khi hoàn thiện cuốn lược sử Đảng, ông chuyển để Chi bộ chỉnh sửa. Các bạn tù bảo ông: "Có công mài sắt, có ngày nên kim". Nội dung cuốn sổ là cả một pho lịch sử Đảng Cộng sản Đông Dương từ khi thành lập cho đến khi tròn 12 tuổi. Ngày 11/10/1944, ông cùng 12 người khác được đồng chí Song Hào tổ chức vượt ngục".

Bà Liên nhớ lại: "Ông nhà tôi rất quý cuốn sổ đó, trong suốt thời gian công tác tại Việt Bắc, ông luôn mang theo cuốn sổ trong người để làm tài liệu học tập và tuyên truyền. Cho đến tháng 8/1967, khi ông được bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Ủy viên thường trực Quân ủy Trung ương, một lần đến thăm Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam), ông đã trao tặng bảo tàng cuốn lịch sử Đảng do chính ông viết trong tù".

Được Bác Hồ đặt tên

Bà Liên kể: "Tại Tỉn Keo, Định Hóa, Thái Nguyên, ngày 28/5/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì lễ phong hàm cấp tướng đầu tiên của Việt Nam”. Tại đó, ông Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng, ông Nguyễn Bình được phong Trung tướng và các Thiếu tướng: Trần Tử Bình, Văn Tiến Dũng, Lê Thiết Hùng, Trần Đại Nghĩa, Lê Hiến Mai, Hoàng Sâm, Nguyễn Sơn, Hoàng Văn Thái, Chu Văn Tấn.

Cuốn sổ ghi chép lịch sử Đảng của Cố Trung tướng Lê Hiến Mai

Trong số các vị tướng được phong hồi đó, duy nhất có ông Phường nhà tôi bị răng hô, mọi người gọi đùa là "mái hiên". Biết chuyện, Bác Hồ đã cho gọi chú "mái hiên" lên rồi đặt tên cho ông theo cách nói ngược lại của từ mái hiên là Hiến Mai. Nghe Bác nói xong, ông thích quá. Ông bảo, cái tên Bác đặt quý quá, thành ra cứ sử dụng nó cho đến cuối đời.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, tướng Lê Hiến Mai luôn là người được Đảng, Nhà nước và bạn bè tín nhiệm. Ông từng giữ những cương vị cao như: Bộ trưởng Bộ Thủy lợi và Điện lực; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp; Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; ủy viên thường trực Quân ủy Trung ương, kiêm Bộ trưởng, Bí thư Đảng Đoàn Bộ Nội vụ.

Năm 1974, ông được thăng quân hàm Trung tướng; Bộ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội; Chủ nhiệm ủy ban Y tế - Xã hội của Quốc hội, kiêm Chủ nhiệm ủy ban Điều tra tội ác chiến tranh xâm lược... ông là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa III và IV; Đại biểu Quốc hội các khóa III, V, VI và VII.

Ngoài ra, ông cũng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất và nhiều huân, huy chương khác.

Trước khi nhắm mắt xuôi tay (6/11/1992), ông còn dặn vợ và các con rằng: "Cuộc đời ông, quý nhất là cái tên Lê Hiến Mai do Bác Hồ đặt"...

Nguyễn Hường