Cuộc hạnh ngộ độc nhất vô nhị của hai cha con mang dòng máu Việt-Mỹ

Cuộc hạnh ngộ độc nhất vô nhị của hai cha con mang dòng máu Việt-Mỹ

Thứ 6, 10/02/2017 | 13:43
0
Hơn nửa thế kỷ trước, tại chùa Hải Đức (TP Nha Trang, Khánh Hòa) họ tình cờ gặp nhau rồi chính thức nhận nhau là cha con thế nhưng bí ẩn đằng sau cuộc kỳ ngộ ấy cho đến nay vẫn chưa tìm được lời giải

Cuộc hạnh ngộ mang tên định mệnh

Ngày cuối đông, trời bắt đầu hửng nắng, những cánh én đầu tiên cũng đã vút lượn trên tầng không, báo hiệu mùa xuân đang về, rất gần. Thả hồn mình trong không gian tĩnh lặng tại chùa Hải Đức, PV được Hòa thượng Thích Minh Châu, kể cho nghe câu chuyện về cuộc hạnh ngộ kì lạ, có thể là độc nhất vô nhị trong lịch sử Việt Nam về chữ “Duyên”.

Từ tốn rót chén nước chè xanh cho khách, trụ trì Thích Minh Châu chỉ vào bức ảnh chân dung hai người thầy tu một già, một trẻ, một người Việt, một người ngoại quốc, nhưng có khuôn mặt, dáng hình giống như tạc được treo trang trọng trên tường, chậm rãi kể: “Người mặc áo nâu, đang ngồi xếp bàng, khoan thai là hòa thượng Thích Phước Huệ (1875 -1963), nguyên trụ trì chùa Hải Đức, còn người đàn ông mang áo lam là ông Frank M. Balk, một kỹ sư người Mỹ”.

 

Người Việt bốn phương - Cuộc hạnh ngộ độc nhất vô nhị của hai cha con mang dòng máu Việt-Mỹ

 Đường dẫn lên Chùa Hải Đức.

Chuyện xảy ra vào đúng 16h30, ngày 27/4/1958. Hôm đó, có một người Mỹ tên là M. Balk, một viên kỹ sư làm việc trong tòa giao thông công chánh đến thăm chùa Hải Đức. Khi người này mới bước lên bậc tam cấp, dẫn lên chùa, tất cả các tiểu tăng có mặt tại chùa lúc đó đều ngỡ ngàng, không hiểu chuyện gì xảy ra. Bởi lẻ, từ khuôn măt, vầng trán, dáng hình cho đến nụ cười của viên kỹ sư đều giống trụ trì Phước Huệ y đúc. Thái độ của các vị tiểu tăng khiến cả viên kỹ sư người Mỹ cũng đứng sững người, ngạc nhiên. May mắn là trong chùa lúc đó có một số vị sư thầy giao tiếp được tiếng Anh nên chân tướng mọi việc nhanh chóng được hóa giải.

Nghe viên kỹ sư tâm sự về ý định của mình khi đến thăm chùa Hải Đức, các sư thầy thông dịch càng kinh ngạc, liền tức tốc vào bẩm báo cho vị sư cả trụ trì ngôi chùa là hòa thượng Thích Phước Huệ. Hòa thượng lúc ấy đã bảy mươi đang ngồi tụng kinh trước bàn thờ Phật.

Ngay phút giây chạm mặt nhau, cả hòa thượng Thích Phước Huệ lẫn viên kỹ sư người Mỹ đều ngớ người, không tin vào mắt mình. Trước mặt họ là một phiên bản khác của chính bản thân mình, chỉ khác về độ tuổi, quốc tịch. Sự lạ lùng này không chỉ xảy đến trong nội tâm chàng trai Mỹ và sư Phước Huệ mà các tăng sĩ chung quanh chứng kiến hiện tượng, cũng cảm thấy rất đỗi lạ lùng! Là vì: hai người kia, một tăng một tục, một già một trẻ, một Việt Nam một Hoa Kỳ, sao mà họ giống nhau như hai giọt nước…

Khi nghe người thông dịch thuật lại câu chuyện mà viên kỹ sư người Mỹ đã kể từ lúc gặp gỡ ở bậc tam cấp lên chùa thì vị mắt vị hòa thượng già nhòe lệ, ôm chầm lấy chàng trai Mỹ. Nội dung cuộc đối thoại không được tiết lộ nhưng kết thúc cuộc gặp mặt này, sư Phước Huệ và chàng kỹ sư Frank M.Balk đã nhận nhau làm cha con”.

Hai tuần sau, một buổi lễ quy y cho M.Balk đã được tổ chức trang trọng tại chùa Hải Đức. Sư Phước Huệ ban cho đệ tử mình pháp danh là Chơn Trí.

“Trong khoảng thời gian khi còn công tác tại Việt Nam, viên kỹ sư này đã thiết kế và xây dựng một ngôi bảo tháp bên cạnh chùa Hải Đức. Sau đó, M.Balk buộc phải trở về Mỹ, trước lúc lên đường đã diễn ra một chia ly thật vô cùng cảm động. Hai cha con nắm chặt tay nhau, rưng rưng nước mặt. Tình đời ý đạo, nói khôn cùng. Về nước, M.Balk vẫn thường xuyên liên lạc với sư Phước Huệ. Đến ngày rằm tháng tư năm 1963, sư Phước Huệ viên tịch. Nhà chùa có đánh điện qua báo tin cho viên kỹ sư, nhưng vì điều kiện lịch sử M.Balk đã không thể sang nhìn mặt cha lần cuối. Và đó cũng là lần cuối chùa liên lạc được với M.Balk”, sư Minh Châu chia sẻ.

Nhận cha từ…giấc mơ

Câu chuyện nghe qua đượm màu tâm linh nhưng hoàn toàn là một câu chuyện có thật xảy ra tại Nha Trang và được truyền tụng nổi tiếng khắp năm châu. Tuy nhiên, ít ai biết được nội dung cuộc hội thoại khiến sư Phước Huệ và kỹ sư M. Balk nhận nhau làm cha con.

Mới đây, trong một cuộc đàm đạo, hòa thượng Thích Minh Châu, đương kim trụ trì chùa Hải Đức đã hé lộ chân tướng xung quanh sự việc này. Sư Minh Châu chia sẻ: “Không phải tình cờ mà M. Balk có mặt tại Chùa Hải Đức vào ngày 27/4/1958 mà suốt hai năm trước đó, chàng trai này đã lặn lội khắp nơi để tìm kiếm “người cha tiền kiếp” của mình. Thực tế cha mẹ, ông bà của M. Balk đều là người Mỹ, chẳng có bất cứ mối liên hệ nào với mảnh đất Việt Nam xa xôi cả. Tuy nhiên, bỗng dưng một đêm nọ, Balk nằm mơ thấy một người đàn bà mặc áo trắng hiện đến bên giường và cất tiếng bảo rằng: “Người hãy mau mau đến một đất nước có tên là Việt Nam để tìm gặp lại vị cha tiền kiếp của mình. Hiện ông là một nhà sư đang sống trong một ngôi chùa tọa lạc trên một ngọn đồi gần thành phố. Ngươi mau đi ngay!”.

Người Việt bốn phương - Cuộc hạnh ngộ độc nhất vô nhị của hai cha con mang dòng máu Việt-Mỹ (Hình 2).

 Chùa Hải Đức ngày nay.

Chàng kỹ sư Frank M.Balk giật mình tỉnh giấc, tự lấy làm ngạc nhiên về giấc mơ kỳ lạ của mình. Thoạt đầu, Frank M.Balk nghĩ đây là chuyện mộng mị linh tinh. Nào ngờ cái “kịch bản” trong cơn mơ nọ cứ lặp đi lặp lại, khiến chàng trai Mỹ, cuối cùng, phải đành tin là thật. Cơ duyên vào thời điểm này, tại Mỹ, người ta có tổ chức nhiều đoàn chí nguyện đến công tác ở Việt Nam. Sẵn cơ hội tốt, Balk liền quyết định đăng ký.

Trong một thời gian ngắn, Frank M.Balk đã “công du” qua nhiều tỉnh, từ Sài Gòn, An Giang, Tây Ninh… Và đến bất cứ nơi đâu, chàng kỹ sư cũng tranh thủ để tham quan từng “ngôi chùa đồi”, hy vọng sẽ, cuối cùng, tìm được “người trong mộng”. Tiếc thay, qua ngần ấy dốc, ấy đồi, bóng chim tăm cá của người cha tiền kiếp vẫn biệt tăm.

Cho đến một ngày M.Balk ra tận xứ Nha Trang. Sau 2 ngày lặn lội mà chẳng nên công cán gì; đến ngày cuối trên đất Nha Trang, chợt trong tâm linh viên kỹ sư nghe như có một tiếng gì réo gọi. Anh chàng cứ việc thả bộ, đi, đi mãi theo tiếng gọi kỳ bí ấy…Cho đến lúc dừng chân, thì đã thấy mình đứng trước một ngọn đồi rất tráng lệ, trước mắt, một cổng tam quan có 3 chữ Nho rất đẹp và chính ở đó M. Balk đã tìm được “người cha tiền kiếp của mình”.

Trao đổi với PV, trụ trì Thích Minh Châu cho biết: “Có thể nhiều người cho rằng cuộc gặp gỡ này chỉ là trùng hợp nhưng suy cho cùng cuộc hội ngộ tương phùng của hai cha con, một Việt một Mỹ, một tăng, một tục này dù muốn dù không cũng đã khắc một dấu ấn tuyệt vời lên cõi tâm linh Việt. Những người Việt ta, ai đã có nhân duyên chứng kiến chuyện này hoặc nghe biết chuyện này, thảy đều cảm nhận được một niềm hoan hỉ mang tính thiền duyệt, do thỏa mãn được niềm tin về chánh pháp, về đạo lý luân hồi”.

Người Việt bốn phương - Cuộc hạnh ngộ độc nhất vô nhị của hai cha con mang dòng máu Việt-Mỹ (Hình 3).

 Bức ảnh chụp chung giữa hai cha con sư Thích Phước Huệ và ông M.Balk

Với trường hợp của câu chuyện “Người cha tiền kiếp”, thì vị đạo nó nằm ở trong mối tình cha con của sư Thích Phước Huệ và chàng M.Balk vậy. Bởi với cái mối tình cha con của họ, những người sống lặng về tâm linh, hiển nhiên phải có một cái gì đó sâu đậm hơn các mối tình cha con thông thường khác. Ấy là vì: đạo vị vốn “trường” hơn, sâu lắng đậm đà hơn thế vị - vị đời. Cho nên dù cách biệt tuổi, cách xa nửa vòng trái đất, hai cha con họ vẫn tìm thấy và nhận ra nhau.

 

Chứng nhân của lịch sử

Trao đổi với PV, hòa thượng Thích Minh Châu, trụ trì chủa Hải Đức (TP Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết: “Trong quảng thời gian lưu lại Việt Nam, sư Phước Huệ và ông M.Balk đã chụp chung một tấm ảnh kỉ niệm. Nhìn tấm ảnh, ai cũng ngạc nhiên thấy sự trùng hợp lạ lùng về hai con người xa lạ. Người góc biển, kẻ chân trời nhưng lại có hai gương mặt, từ mắt, mũi, miệng, tai… cho đến cả khuôn mặt đều giống nhau như tạc. Hiện dưới tấm ảnh còn đề hai hàng chữ một bằng tiếng Pháp, một bằng tiếng Việt, như sau:  “Le fils perdu et retrouvé. Dimanche, le 27 Avril 1958, 4h30. Và: Đứa con mất đã tìm lại được. Chủ nhật 27-4-1958 – 4h30 chiều”.

Tấm ảnh này đã được phóng lớn và treo ở hai ngôi chùa cùng tên là Hải Đức, một ở Nha Trang và một ở Huế. Ngày nay, du khách đến Nha Trang hay Huế, nếu ghé thăm hai ngôi chùa Hải Đức nói trên ắt sẽ thấy tấm ảnh treo ở nhà khách của chùa.

 
   

 

Bạch Hưng

Cùng tác giả

Khởi tố Giám đốc khách sạn 4 sao chứa gái mại dâm ở Nha Trang

Thứ 6, 05/01/2018 | 19:12
Ngày 5/1, nguồn tin từ VKSND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Đinh Tiến Sử, Giám đốc công ty TNHH Sản xuất, thương mại, dịch vụ Bạch Việt về hành vi chứa mại dâm.

Phú Yên: Hơn 7.000 tấn cát chất đống, cảng Vũng Rô thành… bãi chứa

Thứ 2, 11/09/2017 | 09:00
Từ tháng 6/2017, xuất phát từ lệnh cấm của UBND tỉnh Phú Yên, hơn 7.000 tấn cát xây dựng đổ đống, phơi trần tại khu vực cảng Vũng Rô khiến nhiều hoạt động tại cảng bị ngưng trệ.

Quảng Ngãi: Dân bức xúc vì chính quyền xã quyết đổi rừng lấy... rau?

Thứ 7, 09/09/2017 | 06:30
Những cánh rừng dương bạt ngàn ở xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi sẽ chỉ còn là hoài niệm khi chính quyền nơi đây tiếp tục phá rừng để trồng rau an toàn.

Gần 200 người nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn tiệc cưới

Thứ 2, 28/08/2017 | 16:05
Tính đến trưa 28/8, bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận vẫn đang điều trị cho 75 trường hợp, trong đó có 18 trẻ em, nghi ngộ độc thực phẩm khi đi ăn cưới.

Ninh Thuận: Nguy cơ tràn dầu ở vùng biển trọng điểm du lịch

Thứ 7, 26/08/2017 | 11:00
Tàu chở hàng Việt Hải 06 chứa 21.000 lít dầu đang trên hành trình từ Vũng Tàu ra Thanh Hóa bất ngờ bị phá nước, hỏng máy buộc phải thả trôi trên biển. Thiếu thiết bị chuyên dụng và nhân lực, chính quyền tỉnh Ninh Thuận “cầu cứu” Trung ương vào cuộc trước sự cố tràn dầu đang hiện hữu.