Cách đây vài ngày, có một cư dân mạng ở Trung Quốc kể lại câu chuyện mình chứng kiến lên mạng. Theo đó, cô đang ăn ở McDonald's thì có 2 mẹ con bước tới gần. Người con trai tầm 30 tuổi đang gọi đồ ăn. Một lúc sau, người mẹ ở bên cạnh hỏi con trai: “Con đã gọi món chưa?”
Người con trai trả lời chưa gọi món và đang đợi mua kem. Nghe những lời này, người mẹ tỏ ý khinh thường: “Kem? Thà ăn đào còn ngon hơn”.
Vừa nói, người mẹ vừa lấy trong túi ra một quả đào và nói với con trai: “Ăn một quả đào đi”.
Người con trai từ chối, người mẹ hỏi: “Vậy con muốn ăn gì, đào ngon lắm”.
Người con trai lại từ chối và nói rõ: "Con không ăn".
Mẹ dường như không nghe, vẫn nói tiếp: “Đào ngon lắm đó con”.
Người con trở nên mất kiên nhẫn và trả lời: “Con không thích ăn đào”.
Người mẹ thấy vậy liền nhét quả đào vào tay con trai và nói: “Quả đào này đã được rửa sạch, chúng ta ăn đi”.
Ảnh minh họa.
Nghe đoạn hội thoại này của 2 mẹ con, cô cảm thấy người mẹ cố tình phớt lờ những gì con trai nói, bắt ăn đào cho bằng được. Người con trai đã 30 tuổi nhưng đi McDonald's vẫn chưa chọn được món mình muốn ăn, bộc lộ rõ ràng thái độ không thích đào nhưng vẫn bị mẹ bắt ép ăn.
Cư dân mạng đọc xong câu chuyện này đều tỏ thái độ bất bình: “Thật quá ngột ngạt. Cha mẹ kiểu này thực sự khiến người khác phát điên”.
Quả thật những gì người mẹ này thể hiện là kiểu muốn kiểm soát con cái điển hình. Họ không quan tâm con mình muốn gì, làm gì, chỉ muốn con mình ngoan ngoãn, làm những gì mình cho là đúng.
Xuất phát từ tình yêu nhưng kết quả lại phản tác dụng
Những bậc cha mẹ như vậy hầu như luôn nhấn mạnh: “Mẹ làm vậy vì lợi ích của con” hay “Con phải nghe lời mẹ”. Có lẽ nhiều người đã quá quen thuộc với 2 câu này.
Trong chương trình “Trò chuyện tuổi trẻ” ở Trung Quốc, có một cậu bé đã đứng dậy và nói với mẹ: “Sau này mẹ đừng cho con ăn táo và trứng nữa”.
Cậu bé cho biết, từ khi học tiểu học, mẹ bắt cậu ăn 1 quả táo mỗi ngày. Sau khi học cấp hai, cậu buộc phải ăn 1 quả trứng mỗi ngày.
“Mặc dù nó rất bổ dưỡng nhưng cháu không muốn ăn nó mỗi ngày như vậy”, cậu bé chia sẻ.
Nhưng người mẹ không nghĩ việc mình làm có gì là sai, luôn cho rằng đó mới là cách chăm sóc con tốt nhất.
Đây là suy nghĩ điển hình của các bậc cha mẹ: "Con thì biết cái gì? Những gì mẹ yêu cầu con làm bây giờ là tốt cho con. Con có thích hay không không quan trọng".
Trong chương trình còn có một học sinh tiểu học, cậu rụt rè đứng dậy và nói với mẹ: “Con mệt quá, mẹ đừng bắt con phải học nhiều như vậy được không”. Nhưng phản ứng đầu tiên của mẹ cậu là giải thích: “Mẹ muốn con sau này sẽ tốt hơn nên mới bắt con học nhiều như vậy”.
Làm cha mẹ không hề dễ dàng, chúng ta thường cho rằng mình làm mọi thứ là vì thương con, muốn mang lại mọi thứ tốt đẹp cho con. Thế nhưng, con cái chỉ cảm thấy mình bị ép buộc, áp bức, không hề cảm nhận được tình yêu này của cha mẹ.
Nếu đứa trẻ không thể cảm nhận được mà cha mẹ tiếp tục cho đi và ép buộc nó phải chấp nhận, đó không gọi là tình yêu mà gọi là mệt mỏi và gánh nặng.
Trên thực tế, tất cả những gì đứa trẻ mong muốn là cha mẹ thấu hiểu nhu cầu và tôn trọng cảm xúc của chúng. Cha mẹ tưởng rằng việc làm của mình là vì lợi ích của con cái, vì yêu thương nhưng thực tế lại mang lại tổn hại cho con cái.
Phan Hằng (Theo QQ)