Cuối năm lên vùng biên 'xem' hàng lậu

Cuối năm lên vùng biên 'xem' hàng lậu

Thứ 5, 03/01/2013 | 10:44
0
Đến Lạng Sơn những ngày cuối năm này, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy từng đoàn cửu vạn mang vác hàng đi lại trên sườn đồi, qua những lối mòn mà người ta quen gọi là đường tiểu ngạch. Đó là những con đường đưa hàng lậu vào Việt Nam. Hàng vào đến khu kinh tế mở Tân Thanh (Lạng Sơn) được gom trong những kho hàng ngay giáp chợ, và từ kho ra đến chợ rồi "tiến" sâu vào nội địa không còn là chuyện khó.

Đột nhập "thủ phủ" hàng lậu

Không khí mua sắm sầm uất bao trùm lên khu chợ trung tâm của khu kinh tế mở cửa khẩu Tân Thanh. Tại đây, hàng chục chiếc xe đang nối đuôi nhau làm thủ tục qua cửa khẩu. Dòng người hối hả với đủ các nét mặt, những gánh hàng lậu thản nhiên đi qua đi lại trong khu vực, ngay trước mắt các cơ quan chức năng. Việc đầu tiên chúng tôi tính tới là tìm người dẫn đường, và người được chọn là Phong (tên nhân vật đã được thay đổi - PV) một người quen cũ đã hành nghề vác hàng lậu ở đây được 7 năm. Phong tiết lộ, những gánh hàng lậu kiểu cò con này không đáng "dính mép" đội chống buôn lậu, người ta để cho gom thành kho hàng lớn rồi "hốt" một lần đỡ tốn công. Chúng tôi đặt vấn đề nhờ Phong đưa qua bên Pò Chài, khu kinh tế của khẩu của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), không chần chừ, Phong nhận lời với một điều kiện, không mang theo đồ nghề cồng kềnh.

10h sáng, chúng tôi để hành lý tại nhà trọ của Phong, vật dụng duy nhất chúng tôi đem theo là chiếc máy ảnh nhỏ để trong chiếc túi nilon rách nát và vài chục nghìn đồng. Đưa chúng tôi đến quán nước ngay giáp đường biên ngồi, theo giải thích của Phong là để quan sát xem lực lượng "hình sự" (cách gọi đội chống buôn lậu chuyên mặc dân phục - PV) của Hải quan có "lảng vảng" hay không. Tôi tò mò, đã mặc thường phục thì làm sao nhận ra được, Phong cười, dân buôn lậu ở đây đã "học" thuộc mặt từng người trong đội. Nói rồi Phong hất đầu chỉ cho chúng tôi 4 thanh niên đang đi bước bộ trên đường dọc biên và 2 người đang ngồi bàn bên cạnh. Quả thực, nếu không được chỉ có lẽ chúng tôi sẽ cho đó là những tay buôn lậu, từ kiểu tóc, dáng đi đến cách nhìn ngang không khác gì kẻ đang làm việc mờ ám.

Uống nước đợi đội "hình sự" đi khỏi, Phong gật đầu: "Chim về tổ!". Chúng tôi đi như lao về phía con đường mòn phía sau cửa hàng miễn thuế, đó là con đường dẫn sang bên Pò Chài và được che lấp bởi những lùm cây nhỏ. Con đường chỉ cách trạm gác cửa khẩu khoảng 20m. Ngược chiều chúng tôi là những gánh hàng vừa đi vừa chạy. Vừa ló đầu ra khỏi tầm che khuất của cửa hàng miễn thuế, tôi vội gọi giật lại: "Không an toàn, còn lối khác không?". Phong nhìn tôi thông cảm và gật đầu.

Xã hội - Cuối năm lên vùng biên 'xem' hàng lậu

Điểm tập kết hàng lậu ở Lạng Sơn.

Chúng tôi quay ngược ra đường to chạy dọc biên đi xuôi xuống cách đấy khoảng 50m, một con đường chạy men theo vách núi đá lộ ra. Nhìn những tảng đá đã mòn đi nhiều có lẽ con đường này phải in dấu chân người hàng chục năm rồi. Sầm uất hơn lối đi trước, những bao hàng "tấp nập" đi vào Việt Nam. Đi khoảng 20m Phong cho biết, đã sang đến đất Trung Quốc. Đi thêm khoảng 10m, chúng tôi chạm phải bức tường màu xanh, đây là bức tường khu ki ốt cho thuê bán hàng, trên bức tường có một khoảng được phá ra làm lối đi. Một người phụ nữ đứng chặn lối đi thu tiền, 10 nghìn đồng/người, chúng tôi chui tọt qua lối đi và đặt chân lên đất Pò Chài.

Ra khỏi khu ki ốt Phong cho biết, chúng tôi ăn mặc "sạch" quá người ta biết là dân đi chơi, nếu không đi cùng Phong thì mỗi người ít nhất phải mất 50 nghìn mới qua được. Người đàn bà thu tiền qua cửa tên là Thu, nhà ở Đồng Đăng sang đây thuê ki ốt này chỉ để thu tiền qua lại và làm địa chỉ tập kết hàng rồi tuồn về Việt Nam. Xem ra cuộc "vượt biên" của chúng tôi quả là đơn giản.

Phong dẫn chúng tôi đến gặp một người Trung Quốc tên Lâm (tên nhân vật đã thay đổi - PV), chủ một cửa hàng điện tử lớn nằm ở khu B chợ Pò Chài. Phong giới thiệu chúng tôi là chủ hàng bên Việt Nam sang tìm hàng đưa về bán trong dịp tết. Với vốn tiếng Việt của mình, Lâm khẳng định muốn bao nhiêu cũng được nhưng chúng tôi phải tự đưa hàng qua biên giới. Lâm giới thiệu với chúng tôi những mặt hàng anh ta có. Mặt hàng nào cũng có hai dòng, hàng trung ương và hàng địa phương, chất lượng và giá cả khác xa nhau. Nói rồi Lâm đưa ra hai chiếc đầu DVD hiệu Quingseng giống nhau, chỉ tay vào chiếc đầu dán đầy băng dính bảo vệ Lâm cho biết, đây là hàng nhái của địa phương.

Quả thực, người không biết sẽ cho rằng chiếc đầu được bao bọc cẩn thận là đồ tốt. Giá hai loại chênh nhau khoảng 200 nghìn đồng, nhưng khi sang Việt Nam chúng được đánh đồng giá cùng nhau, vì thế người mua đồ của Trung Quốc thường mua theo kiểu tù mù, may mắn thì được hàng tốt. Gọi là hàng trung ương nhưng thực ra đều do các nhà máy nhỏ lẻ nằm ở các tỉnh biên giới Trung Quốc sản xuất, chỉ những hàng đạt chất lượng tốt mới được tiêu thụ tại các thị trường lớn trong nước. Tôi hỏi về vấn đề bảo hành, Lâm thẳng thắn, bán sang tay không có bảo hành nhưng anh ta có thể cung cấp cho chúng tôi những chiếc tem bảo hành để dán lên sản phẩm khi bán.

Sau một hồi giới thiệu, Lâm đưa chúng tôi tới dãy nhà nằm cạnh khu B chợ Pò Chài. Chiếc cửa sắt được kéo ra, một căn phòng rộng gần 50m2 chất đầy hàng điện tử. Lâm bảo, những lô hàng này đã có chủ bên Việt Nam đặt mua, đang chuyển dần về. Nếu chúng tôi lấy số lượng lớn, anh ta sẽ cho để trong kho cho đến khi chuyển về hết. Chúng tôi đi dọc theo dãy nhà và nhẩm đếm trên 20 phòng kho chứa hàng như vậy. Nhìn qua khe cửa sắt, tất cả các kho đều đầy hàng. Phong cho biết, những thùng hàng này sẽ được chuyển từng chuyến nhỏ lẻ về Việt Nam theo đường tiểu ngạch, rất ít khi được chuyển qua cửa chính vì phải chịu thuế cao. Hiện ở Pò Chài có hai dãy kho chứa hàng như vậy, đó là chưa tính đến nhiều nhà dân, cửa hàng hay lượng hàng không qua lưu kho mà chạy thẳng từ Bằng Tường vào Việt Nam...

Sau bữa cơm trưa, chúng tôi quay về Tân Thanh qua đường cũ. Lúc này ki ốt của bà Thu đã chất đầy hàng, chỉ chừa một lối đi nhỏ. Bên ngoài chiếc cửa dẫn sang Tân Thanh, hàng chục cửu vạn đang đứng đợi hàng...

Lắt léo những con đường buôn lậu

Sau khi thoát khỏi cánh cửa hẹp, chúng tôi hoà vào đám đông cửu vạn đang đứng đợi hàng. Trong câu chuyện lan man bên đường biên, chúng tôi biết được lô hàng cần đưa sang trưa nay là bát đĩa, ấm chén. Số hàng này được một chủ hàng người tên Hải thuê, các cửu vạn có trách nhiệm đưa hàng về khu nhà tạm gần bến xe, ở đó sẽ có người nhận hàng và trả tiền công. Nếu bị bắt hàng, cửu vạn phải chịu trách nhiệm và bỏ tiền túi ra trả tiền hàng. Hàng được đưa từng thùng xuống bằng sợi dây thừng, ở dưới có người đón và đưa lên vai cửu vạn.

Đứng khoảng 10 phút, chúng tôi đếm được 5 thùng hàng chuyển xuống. Đúng lúc đó có một thanh niên đi ngược lại báo: "Có hình sự ngoài đường...". Đám cửu vạn quay lại những tảng đá to ngồi, Phong giật chúng tôi lại: "Ngồi đợi một lúc, ra hình sự nó tóm đấy!". Giải đáp thắc mắc của tôi về việc phát hiện "hình sự" từ xa, Phong cho biết, cứ một đoạn khoảng 30m trên con đường lại có một "chim lợn" (cách gọi những người làm hoa tiêu - PV) án ngữ. Ngay cả trụ sở của đội chống buôn lậu cũng luôn nằm trong tầm ngắm của "chim lợn". Các chủ hàng chuẩn bị vận chuyển hàng về sẽ phái "chim lợn" theo sát từng bước chân của đội "hình sự" và các lực lượng chức năng... Gần 20 phút sau, có tin báo vào đường đã thông, chúng tôi cùng đám cửu vạn lập tức lên đường. Những thùng hàng nặng phóng như bay về phía Tân Thanh.

Đến khi ngồi an vị trong quán nước, chúng tôi mới an tâm. Hết chén nước, chúng tôi lại chui vào phía sau cửa hàng miễn thuế, khu vực dành đỗ xe công nông và ba gác. Nơi đó có con đường mòn nhỏ mà những cửu vạn vận chuyển những mặt hàng giá trị thấp như giấy vệ sinh, giày dép... thường đi qua. Thấy ống kính máy ảnh, đám cửu vạn thập thò rồi lùi vào đám cây. Cách đó khoảng 30m, những cán bộ biên phòng vẫn cần mẫn canh gác.

Ngoài hai con đường mòn được coi là lộ liễu nhất này khu vực Tân Thanh còn có một con đường sôi động không kém là Thác Đá. Muốn lên Thác Đá phải đi qua một xóm nhà tạm của gần 400 hộ thuộc diện KT3, KT4 mà người ta quen gọi là "xóm liều". "Xóm liều" là nơi ngụ cư của những tay cửu vạn và buôn lậu. Đây là những căn nhà tạm được xây lên với mục đích cho thuê trọ nhưng hầu hết chúng đều được cải tạo thành nơi chứa hàng. "Xóm liều" tựa lưng vào vách núi đá, nơi bắt nguồn của con đường mòn Thác Đá nên khá thuận tiện trong việc vận chuyển và cất giữ hàng. Hàng từ bên kia biên giới về, sau khi vượt đường mòn trên vách núi sẽ nhanh chóng được chuyển vào nhà cất giấu. Vì nằm ngay kề chợ Tân Thanh và bến xe nên ở "xóm liều", việc biến hàng lậu thành hàng buôn bán trong chợ khá đơn giản. Chỉ cần bước qua đường là hàng vận chuyển lậu thành hàng vận chuyển theo đường chính ngạch.

Muốn đưa hàng lậu thâm nhập nội địa các tay buôn lậu phải qua công đoạn tiếp theo là chuyển hàng ra khỏi khu vực khu kinh tế mở Tân Thanh và án ngữ đâu đó đợi thời cơ đưa tiếp vào thành phố Lạng Sơn. Những chiếc xe chở khách 12, 15 và 24 chỗ vào ra liên tục, bến xe nằm liền kề "xóm liều" nên việc đưa hàng ra xe không mấy khó khăn. Hàng lậu được găm vào gầm xe, cabô... tất cả những nơi nào có thể găm được. Khâu kiểm tra hàng nơi cửa ra vào khu kinh tế mở Tân Thanh làm khá sơ sài, thậm chí có nhiều xe "được" bỏ qua. Theo quy định, mỗi khách du lịch vào Tân Thanh được đem về một lượng hàng nhất định, thế là những tay buôn lậu thuê hẳn một đội giả làm khách du lịch ngồi ôm hàng trên xe, qua cửa kiểm soát lại quay vào ôm chuyến khác... Có khá nhiều cách để đưa hàng lậu qua cửa kiểm soát vào sâu trong nội địa, nhưng có lẽ cách làm an toàn và hiệu quả nhất là... làm luật.

Trời về chiều, chúng tôi rời Tân Thanh xuôi về Đồng Đăng, hàng chục chiếc xe Mink, xe ô tô đang nối đuôi nhau ăn hàng. Tại Thác Ném, những bao hàng lao vù vù từ trên núi xuống, bên dưới, những chiếc xe đợi sẵn chất hàng lên và lao đi như tên bắn. Đúng lúc đó, một chiếc xe của đội chống buôn lậu chạy qua, đám cửu vạn, quái xế hàng lậu lao xe vào những nhà dân bên đường đứng nhìn, tất cả chìm vào yên lặng, lại sạch bóng người...

Không chỉ Lạng Sơn, cuối năm, tại các vùng biên, buôn lậu lại "vào mùa"...                                           

Uyên Na

Theo “đại ca” vùng biên đột nhập “điểm đen" buôn lậu

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
Mỗi chuyến hàng lậu trị giá cả trăm triệu đồng được tuồn vào Việt Nam mỗi ngày. Tuy nhiên, không đột nhập vào sào huyệt tại đây thì khó có thể tưởng tượng được những gì diễn ra tại đây.

Đột nhập “thiên đường” cờ bạc “quý bà” vùng biên

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
Dọc biên giới Tây Nam, hàng chục casino mọc lên, kéo theo hàng chục ngàn người vượt biên tham gia đánh bạc. Nhiều gia đình tan nát, để lại hậu quả cô vùng thảm khốc như trường hợp vụ án nhà báo Hoàng Hùng. Ở nông thôn miền Tây Nam Bộ bao đời hiền hòa, nay có thêm rất nhiều “bà Liễu” khác đang ngày đêm vùi đầu trong sòng bạc.

Đi chợ vùng biên "săn" hàng giá rẻ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
Lên các chợ cửa khẩu để mua hàng là thú vui của nhiều người Hà Nội. Có người còn "ăn chực nằm chờ" nhiều ngày tại các chợ vùng biên để “săn” hàng... giá rẻ.