Cựu giáo chức bức xúc vì trợ cấp bèo bọt, thiếu công bằng

Cựu giáo chức bức xúc vì trợ cấp bèo bọt, thiếu công bằng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
0
Hầu hết giáo chức tỏ ra bất bình khi dự thảo về chế độ trợ cấp đối với giáo viên nghỉ hưu đã đánh vào miếng cơm manh áo của những người đã dành cả đời cống hiến cho giáo dục.

"Cách làm tùy tiện,thiếu công bằng"

Ngày 4/10, Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo "Quy định về chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu". Ngay sau khi đọc dự thảo này, nhiều người đã tỏ ra bất bình bởi những điểm bất hợp lý. Nếu dự thảo này đi vào thực tiễn, quyền lợi của hàng nghìn nhà giáo về hưu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Xã hội - Cựu giáo chức bức xúc vì trợ cấp bèo bọt, thiếu công bằng

Dự kiến cách đãi ngộ "bèo bọt" đang làm phiền lòng các nhà giáo.

Theo nội dung dự thảo, những giáo viên đã có thời gian trực tiếp giảng dạy từ 5 năm trở lên, có quyết định nghỉ hưu từ 1/1/1994 đến 1/5/2011 sẽ được hưởng trợ cấp từ 2 triệu - 3,5 triệu đồng/người, tùy theo thời gian giảng dạy và trợ cấp này được trả một lần. Trong đó, nếu nhà giáo nghỉ hưu giai đoạn từ 1/1/1994 đến 12/1/1998 sẽ được nhận mức trợ cấp thấp nhất 2 triệu đồng/người.

Ở mức thứ hai, nhà giáo sẽ được nhận 3 triệu đồng/người nếu nghỉ hưu từ tháng 1/1999 đến 12/2003. Ở mức cao nhất, đối với nhà giáo về hưu từ tháng 1/2004 đến 5/2011 sẽ được trợ cấp 3,5 triệu đồng/người. Cách tính này được nhiều người đánh giá là mang tính công bằng không hợp lý. Hơn nữa, những nhà giáo nghỉ hưu trước năm 1999 là những người gắn bó với nền giáo dục nước nhà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thậm chí là đã từng cầm súng chiến đấu. Thế nhưng bộ phận này lại là những người được hưởng trợ cấp bèo bọt nhất.

Bác Nguyễn Minh Quang, một giáo viên về hưu tại TP. Hồ Chí Minh phân tích: Khoản trợ cấp này chính là phụ cấp thâm niên 25% được tính vào lương hàng tháng, nhưng với những nhà giáo nghỉ hưu như tôi thì chỉ được trả một lần cao nhất là 3,5 triệu đồng. "Theo cách tính này thì quả thật rất bất công đối với giáo viên về hưu trong giai đoạn 1994 - 2011. Điều đó là khó chấp nhận được đối với những người đã dành mấy chục năm cống hiến cho giáo dục. Khoản trợ cấp này chỉ bằng 1 tháng trợ cấp đối với người đang đứng lớp. Chẳng lẽ mức trợ cấp cho 30 năm thâm niên nghề lại bèo đến như vậy?", bác Quang bức xúc .

Có một cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này, GS - NGND Nguyễn Xuân Hãn cho rằng: "Đây là mức đề xuất không thể chấp nhận được và cách giải quyết đó là không công bằng".

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Phương, trưởng ban Đời sống Hội Cựu giáo chức Việt Nam bày tỏ nhiều băn khoăn về quyền lợi của cộng đồng nhà giáo. Bản thân ông Phương là thành viên Ban soạn thảo nhưng lại không được tham gia vào dự thảo trợ cấp lần này. "Những ngày qua, chúng tôi nhận được rất nhiều điện thoại, thư từ của nhiều nhà giáo già phản ứng dự thảo này. Thậm chí có người còn cho rằng, họ không phải là trẻ con mà cần những chiếc "kẹo mút" như vậy. Tôi cho rằng, trong việc này cách làm Bộ GD& ĐT là tùy tiện và không phù hợp. Bộ nên xem lại", ông Phương nhấn mạnh.

Xã hội - Cựu giáo chức bức xúc vì trợ cấp bèo bọt, thiếu công bằng (Hình 2).

PGS. Văn Như Cương.

"Sửa sai bằng cách đãi ngộ kỳ quái?"

Đó là nhận định của PGS. Văn Như Cương, một trong những người gắn bó lâu năm với giáo dục nước nhà. Theo PGS. Văn Như Cương thì việc không được tính phụ cấp thâm niên công tác là một thiệt thòi rất lớn và gây nhiều băn khoăn bức xúc với những người từng đứng lớp miệt mài với phấn trắng bảng đen. Bây giờ, Bộ GD&ĐT lại mới có dự thảo về quy định chế độ phụ cấp cho nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu.

"Tôi nghĩ rằng, đây cũng là một chính sách sửa sai đối với những nhà giáo nghỉ hưu đúng giai đoạn không được hưởng phụ cấp thâm niên. Tuy nhiên, khoản trợ cấp một lần từ 2-3,5 triệu đồng cho một người đã nghỉ hưu như trong dự thảo thì quả thật là một cách đãi ngộ rất kỳ quái. Bản thân tôi không thể hiểu nổi vì sao lại có con số phụ cấp "bèo bọt" đến vậy. Tôi thực sự không hiểu dựa trên cơ sở lý luận nào mà Bộ GD&ĐT dự thảo ra quy định ấy?", PGS. Văn Như Cương phân tích.

Theo PGS. Văn Như Cương, việc tính trợ cấp cho nhà giáo về hưu thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đông đảo đội ngũ những người làm công tác giảng dạy. Thế nhưng việc trợ cấp như thế nào cũng cần tính toán sao cho hợp lý, công bằng. Các cơ quan soạn dự thảo làm sao khi mọi người cầm số tiền đó cũng thấy thoải mái, phù hợp với công sức mình bỏ ra. Cách tính hiện nay của Bộ GD&ĐT là không hợp lý khi đưa ra một khung trợ cấp rất bèo bọt. Nhiều giáo chức vui vẻ khi nghe tin sẽ được hưởng tiền trợ cấp, tuy nhiên niềm vui ngắn chẳng tày gang khi số tiền nhận được quá ít ỏi và thiếu công bằng.

Liên quan đến những bức xúc của nhà giáo khi nhìn vào số tiền trợ cấp, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, GS. Phạm Minh Hạc, chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam tỏ ra đồng cảm với những bức xúc đó. Bản thân GS. Hạc cũng không đồng tình với cách tính trong dự thảo của Bộ GD&ĐT. Theo cựu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, hiện nay cả nước có gần 19 vạn giáo viên về hưu thuộc diện được hưởng trợ cấp. Tuy nhiên, việc chỉ dùng 565 tỉ đồng để giải quyết trợ cấp cho họ là không phù hợp.

"Cách trả cho các nhà giáo như dự thảo đưa ra là cách làm bần tiện, không thể chấp nhận được. Vì khoản tiền đó không bằng một tháng phụ cấp thâm niên của người đương chức, người đang đứng trên bục giảng", GS. Phạm Minh Hạc cho biết.

Xã hội - Cựu giáo chức bức xúc vì trợ cấp bèo bọt, thiếu công bằng (Hình 3).

GS. Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD, chủ tịch Hội cựu Giáo chức Việt Nam.

Trao đổi với Người đưa tin, PGS. Văn Như Cương không dấu nổi sự bức xúc khi đọc bản dự thảo về trợ cấp mà Bộ GD&ĐT đưa ra: "Tôi cũng là người thuộc diện về hưu trong khoảng thời gian đó. Bản thân tôi có thể chịu thiệt thòi khi không truy lĩnh khoản tiền phụ cấp trước 1/5/2011. Nhưng kể từ bây giờ nên để tôi được lĩnh tiền phụ cấp hàng tháng cộng vào tiền lương hưu. Còn bây giờ cho tôi một cục 2, - 3 triệu đồng như thế là rất khó hiểu?".

Không chỉ bức xúc với số tiền được trợ cấp, PGS. Văn Như Cương cũng không đồng ý với cách tính trợ cấp. Theo vị này, đáng lý ra, nếu công bằng thì phải cho ông và nhiều người khác cùng thế hệ được truy lĩnh phụ cấp thâm niên hàng tháng từ năm 1994 cho đến năm 2011. Mặt khác, nếu không như thế được thì bắt đầu từ thời điểm này trở về sau, cũng nên cho ông hưởng phụ cấp thâm niên cùng với những người nghỉ hưu sau 1/5/2011 cho đến khi nào không còn được lĩnh lương hưu nữa. "Ví dụ như với mức lương của tôi hiện tại, nếu được tính theo phụ cấp thâm niên hàng tháng thì phải được thêm 2 triệu đồng nữa", PGS. Văn Như Cương phân tích.

Giáo viên tham gia kháng chiến quá thiệt thòi

Ông Nguyễn Xuân Phương, trưởng ban Đời sống Hội Cựu giáo chức Việt Nam phân tích, hầu hết những nhà giáo về hưu trong giai đoạn 1994 - 1999 đều ở độ tuổi khá cao. Bản thân những người này đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục trong giai đoạn đất nước khó khăn nhất. Có giai đoạn nhiều nhà giáo khó khăn quá phải bỏ nghề nhưng những người này vẫn bám trụ, vẫn cống hiến cho giáo dục. Thậm chí, có người còn trực tiếp cầm súng chi viện cho chiến trường miền Nam. Thiết nghĩ, sự cống hiến của thế hệ giáo viên lão thành này đã rất rõ ràng. Nếu nói đến quyền lợi thì phải xem xét đến bộ phận này đầu tiên. Thế nhưng, không hiểu vì từ đâu mà Bộ GD& ĐT lại đưa ra một mức trợ cấp "chết đói" như vậy?.

Dương Thu - Quốc Triều