Mất nghiệp vì … nhiệt tình
Ngày 24/2, TAND thành phố Hà Nội đưa vụ án Bắt người trái pháp luật ra xét xử và tuyên phạt Đinh Thành Tuấn (SN 1977, trú tại huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) 18 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo.
Cùng chung số phận, Đỗ Văn Sự (SN 1987, trú tại huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) lĩnh án 12 tháng tù; Đào Duy Anh (SN 1992, trú tại huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, nghề nghiệp lái xe thuộc Tiểu đoàn Cảnh sát bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt – Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động, Bộ công an) lĩnh 12 tháng tù nhưng được hưởng án treo.
Quá trình mở tòa, hành vi phạm tội của các bị cáo được thể hiện như sau: Xuất phát từ mâu thuẫn giữa Đinh Thành Thuấn và anh Hoàng Văn Bình (SN 1976, ở huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) về việc tìm kiếm mẫu đất nhiễm quặng sắt để làm chất phụ gia bán cho các công ty sản xuất xi măng, nên Thuấn nảy sinh ý định bắt giữ anh Bình về Hải Dương để giải quyết mâu thuẫn.
Thuấn đã nhờ Đỗ Văn Sự cùng đi bắt giữ anh Bình. Sự đồng ý và rủ thêm Đào Duy Anh, Phạm Thành Đồng (SN 1989, trú tại huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) cùng tham gia bắt giữ anh Bình.
Ngày 21/5/2018, Thuấn đã bàn bạc và phân công cụ thể công việc đối với Sự, Đồng, Đào Duy Anh để thực hiện hành vi dùng vũ lực khống chế, khóa còng số 8 vào tay Hoàng Văn Bình để ép anh Bình lên xe ô tô để đưa về tỉnh Hải Dương.
Khoảng 10h30 phút cùng ngày, Thuấn cùng Duy Anh, Đồng và Sự đưa anh Bình đến quán nước ở thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Tại đây, tất cả đã đưa anh Bình lên xe ô tô để bắt giữ. Anh Bình ra khỏi xe bỏ chạy thì Duy Anh hô: “Công an đây, bắt nó đưa về Đồn”.
Sự và Đồng liên tục dùng dùi cui điện dí vào người anh Bình làm anh này ngã dúi dụi xuống nền đất. Duy Anh dùng hai tay khống chế anh Bình.
Trước tình thế nguy cấp, anh Bình cố gắng chống cự và luôn miệng hô “cướp”, “chúng nó không phải công an đâu”.
Chính vì vậy, người dân mới bắt giữ được Duy Anh và báo Công an huyện Quốc Oai đến giải quyết; còn Thuấn cùng Đồng và Sự lên xe bỏ chạy.
Ngày 07/10 và 08/11 năm 2019, lần lượt Đinh Thành Thuấn và Đỗ Văn Sự đã đến cơ quan cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đầu thú.
Đối với Phạm Thành Đồng hiện đang bỏ trốn và đã bị cơ quan điều tra quyết định truy nã và quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Sự hối hận muộn màng
Quá trình đưa vụ án ra xét xử, cả 3 bị cáo đều lí nhí thừa nhận tội trạng như cáo trạng truy tố.
Bị cáo Sự nói: “Bị cáo không mâu thuẫn với anh Bình, nhưng là hàng xóm, quen biết anh Thuấn nên nhận lời giúp. Bị cáo không suy nghĩ chín chắn, do bồng bột nên mới gây ra sự việc như ngày hôm nay”.
Đáng tiếc hơn là trường hợp của Đào Duy Anh, nguyên là lái xe thuộc Tiểu đoàn Cảnh sát bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt – Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động, Bộ công an, cấp bậc Trung úy.
Ở cái tuổi còn quá trẻ, tương lai đang rộng mở cùng một mái ấm gia đình; song vì nông nổi, Duy Anh đã đánh mất tương lai và sự nghiệp.
Áy náy vì làm liên lụy đến đồng bọn, Đinh Thành Thuấn trình bày: “Sự việc xuất phát từ mâu thuẫn từ cá nhân của bị cáo. Do nóng giận, xử sự không đúng mực nên mới gây ra cơ sự này, lại còn làm ảnh hưởng đến Sự và Duy Anh, bị cáo mong tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo”.
Trong lời nói sau cùng, các bị cáo đều mong nhận được bản án khoan hồng từ HĐXX, có cơ hội được ở ngoài xã hội để làm tròn trách nhiệm của một người con, người chồng, người bố.
Về phía HĐXX nhận định: Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền tự do của người khác, gây mất trật tự trị an trong quần chúng nhân dân nên cần phải chấp hành hình phạt tương xứng với mức độ, tính chất hành vi phạm tội.
Xét trong vụ án, bị hại cũng có một phần lỗi, có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên mới dẫn tới hành vi của các bị cáo.
Thuấn phải chịu trách nhiệm cao nhất trong vụ án vì là người khởi xướng, Sự là người thực hành tích cực. Tuy nhiên, Các bị cáo có nhân thân tốt, địa chỉ cư trú rõ ràng nên được xem xét cho hưởng chế định án treo. Riêng Sự có lệnh truy nã nên không được hưởng chế định này.
Do đó, Tòa cấp sơ thẩm đã quyết định tuyên phạt các bị cáo mức án lần lượt nêu trên.