Đã đến lúc cần có Luật sức khỏe tâm thần?

Đã đến lúc cần có Luật sức khỏe tâm thần?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề người tâm thần còn nhiều mặt hạn chế. Nếu có, cũng là những quy định đơn lẻ, chưa được liên kết lại thành một hệ thống. Thực tế, khi người tâm thần gây án, mối quan tâm đầu tiên là hung thủ có thuộc diện miễn truy cứu trách nhiệm hình sự? Hay vẫn bị truy cứu? Song về mặt tác động xã hội, việc xem xét đó là quá muộn cho một vụ án đã được báo trước...

Không chỉ có 300 mã bệnh tâm thần "truyền thống"

Trong quá trình tìm hiểu về quy trình điều trị, khám chữa bệnh cho người tâm thần, PV Nguoiduatin.vn cũng đã có buổi làm việc với TS. Nguyễn Hữu Chiến - phó giám đốc bệnh viện Tâm thần Trung ương I. Qua thực tế, cũng như thông tin thu thập được, càng phản ánh rõ một thực trạng là "lỗ hổng" pháp lý lớn nhất hiện nay chính là việc chúng ta chưa có Luật về chăm sóc sức khỏe tâm thần. Từ đó, thiếu những quy định cần thiết khác liên quan trực tiếp đến việc điều trị cho người tâm thần.

Xã hội - Đã đến lúc cần có Luật sức khỏe tâm thần?

Một bà mẹ đang cho hai đứa con tâm thần ăn cơm. Ảnh báo NNVN.

Được biết, hiện tại ở viện Tâm thần trung ương I, những bệnh nhân tâm thần phân liệt và động kinh vào viện không phải đóng tiền thuốc - những loại thuốc theo quy định của Nhà nước, tiền giường bệnh... (chỉ phải đóng tiền ăn -PV). Tuy nhiên, những loại thuốc, biệt dược đắt tiền, thì bệnh nhân phải cùng chi trả. Còn những bệnh nhân không phải tâm thần phân liệt, động kinh thì người bệnh phải trả tiền thuốc, dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu, nhưng các khoản tiền khác không phải đóng (trừ tiền ăn-PV.) Tuy nhiên, theo như ông Chiến trao đổi thì hiện nay cũng chưa có quy định nào của Nhà nước xác nhận cứ người tâm thần là được miễn và những loại thuốc nào sẽ được miễn?!. Chỉ riêng vấn đề này, cũng cho thấy đang thiếu một quy định rất cơ bản trong điều trị cho người tâm thần.

Khía cạnh đáng quan tâm nữa là lộ trình điều trị cho người tâm thần. Được biết, hiện Bộ Y tế cũng chưa đưa ra quy định cụ thể về lộ trình điều trị bệnh nhân tâm thần. Và trên thực tế, trong quá trình điều trị, không thể đưa ra số ngày cụ thể là dài hay ngắn, vì quá trình điều trị là theo chế độ bệnh lý. Những người tâm thần phân liệt thường tiến triển bệnh mạn tính, nên thời gian điều trị kéo dài, thậm chí cả cuộc đời.

Bên cạnh việc điều trị bệnh nhân tâm thần ở địa phương và tuyến trên, còn có chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần quốc gia. Được biết, qua chương trình này, việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt đã được triển khai ở 70% số xã và tương ứng quản lý được 70% bệnh nhân. Tỷ lệ bệnh nhân được chăm sóc ở cộng đồng được nâng cao. Tuy nhiên, còn một thực tế khác, là các vụ án do người tâm thần gây án vẫn diễn ra. Thậm chí, vụ sau còn tàn độc hơn vụ trước. Việc quản lý ở cộng đồng là một phương pháp, theo đó xem việc hòa nhập cộng đồng là điều kiện cần thiết. Song oái oăm cũng vì thế mà không tránh được những nguy cơ tiềm ẩn. Chính điều đó vẫn khiến dư luận luôn nhức nhối mỗi khi đề cập đến một đối tượng gây án trớ trêu: Người tâm thần!

Qua tìm hiểu còn thấy rõ một bất cập nữa hiện nay là nguồn nhân lực ít, việc chăm sóc ở cộng đồng chưa thể phủ sóng rộng khắp các vùng sâu, vùng khó khăn, việc phát hiện bệnh nhân còn hạn chế. Nhiều tỉnh chưa có viện tâm thần, cán bộ ít, số bệnh nhân được điều trị hạn chế nên nhiều khi cứ "dồn" lên tuyến trên.

TS Chiến cho biết, cơ cấu bệnh tật trong tâm thần có tới hơn 300 mã bệnh, song bệnh nhân vào viện điều trị nội trú chủ yếu là tâm thần phân liệt, dạng bệnh nhân này chiếm đến 50-60%, còn lại các bệnh khác nhiều nhất là động kinh.

Bên cạnh những bệnh nhân "truyền thống" này, hiện nay có một vấn đề nổi lên đó là các dạng rối loạn tâm thần do rượu. Nó không quá mới, nhưng là một nguy cơ tiềm ẩn trong việc kiểm soát và mất kiểm soát hành vi. Theo thống kê, loạn thần do nghiện rượu chiếm tỷ lệ rất lớn. Ngoài ra, còn phải kể đến loạn thần cấp, nhất thời như: Rối loạn cảm xúc, trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực; rối loạn nghiện chất (ma túy...); rối loạn lo âu sau tai nạn; loạn thần tuổi già... Đây cũng được xem là một mối nguy cơ có khả năng dẫn đến án mạng do người tâm thần gây ra mà không biết phải ngăn chặn, hay kiểm soát từ đâu.

Xã hội - Đã đến lúc cần có Luật sức khỏe tâm thần? (Hình 2).

TS. Lý Ngọc Kính.

Cần có luật!

Trao đổi với PV, Bà Nguyễn Thị Khá - ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho các bệnh nhân trong cộng đồng cần có sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn và cộng đồng. Bởi điều trị bệnh tâm thần, đặc biệt là những bệnh tâm thần tiến triển mạn tính tại các cơ sở điều trị nội trú chỉ là một giải pháp điều trị nhất thời của thời kỳ tiến triển cấp tính, nó chỉ chiếm một thời gian không đáng kể trong quá trình điều trị người bệnh. Người bệnh được điều trị và phục hồi chức năng tâm lý, xã hội chủ yếu tại cộng đồng; Nếu tại cộng đồng chỉ biết sử dụng thuốc cho bệnh nhân uống đều đặn hàng ngày, vẫn chưa đủ bởi vì mục tiêu của Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần quốc gia là điều trị bệnh và giúp đỡ cho người bệnh hòa nhập cộng đồng. Để đạt được mục tiêu đó, chúng ta cần phối hợp nhiều liệu pháp điều trị, phối hợp nhiều tổ chức trong xã hội, phối hợp cùng với gia đình và đặc biệt là sự hợp tác của người bệnh trong suốt quá trình điều trị...

Thời gian qua, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng và sẽ có đề xuất với Chính phủ lập dự án Luật sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, dự án Luật là do Chính phủ giao cho các bộ ngành chuyên môn phải lập dự án luật và trình Chính phủ; các ủy ban của Quốc hội không có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu, tổng hợp, đánh giá tình hình hình thực tế... mà chỉ có góc độ thẩm định đề án mà cơ quan chuyên môn- Bộ y tế đã kiến nghị. Hiện nay, phần lớn các nước trên thế giới đều có Luật chăm sóc sức khỏe tâm thần, Việt Nam là 1 trong số 35 nước chưa có Luật này. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của khía cạnh pháp lý trong chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Hiện nay, có nhiều người không hiểu hết khái niệm sức khỏe tâm thần và khi nhắc đến sức khỏe tâm thần người ta cứ ngầm hiểu là những người bị "điên". Thời gian qua, tỷ lệ bệnh nhân tâm thần tăng cao (thực tế đang giảm) bởi vì người ta chỉ hiểu một góc độ của sức khỏe tâm thần thôi chứ người ta không hiểu hết mọi góc cạnh. Sức khỏe tâm thần không đơn thuần hiểu là người bị tâm thần phân liệt, động kinh mà phải kể đến cả nhưng bệnh nhân trầm cảm, thậm chí là stress do công việc căng thẳng... Vì thế, chăm sóc sức khỏe tâm thần là giải pháp cốt lõi, khi có tư vấn sớm, chăm sóc sớm thì sẽ phát hiện và ngăn chặn sớm, kịp thời. Sức khỏe tâm thần đâu có phải chỉ là "điên" đâu. Vấn đề chăm sóc tại cộng đồng, được mọi người quan tâm, có tư vấn tốt, chăm sóc tốt, tạo mọi điều kiện để họ được ổn định bệnh...

Cũng theo quan điểm của bà Khá thì, vấn đề điều trị, chăm sóc sức khỏe người tâm thần thì dù là đối tượng nào cũng cần phải điều trị. Tuy nhiên, về vấn đề quản lý những người có hành vi, hành động cụ thể (có nguy cơ gây ra những hành vi nguy hiểm cho người khác) thì phải có quy định bắt buộc điều trị, còn những trường hợp khác thì chúng ta khuyến khích gia đình, bản thân họ điều trị để ổn định sức khỏe... Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là việc nghiên cứu, xem xét, để tiến tới xây dựng và ban hành luật về chăm sóc sức khỏe người tâm thần. Đó là cơ sở, hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng nhất khi xem xét tất cả các vấn đề liên quan.

Quang Trung