Ý tưởng không mới
Trong tháng 7 này, nghị sĩ Đức Christian Schmidt thuộc đảng Liên minh Xã hội Kitô giáo (CSU) cho biết vấn đề Nga gia nhập liên minh quân sự NATO một lần nữa sẽ được đưa vào chương trình nghị sự. Vào những năm 1990, một kịch bản như vậy từng được xem xét giữa bối cảnh cần thiết phải có một hệ thống an ninh toàn cầu mới.
Nhận xét này được đưa ra sau khi Washington rút ra khỏi một loạt các hiệp ước phòng thủ và kiểm soát vũ khí vốn là nền tảng cân bằng sức mạnh giữa các siêu cường quân sự. Hiệp ước START mới, thỏa thuận kiểm soát vũ khí duy nhất còn lại giữa Nga và Mỹ, sẽ hết hạn vào tháng 2/2021.
"Nếu tôi không nhầm, cựu thị trưởng Moscow, Yury Luzhkov thậm chí từng không loại trừ việc Nga gia nhập NATO. Điều này đã được thảo luận nghiêm túc. Sau đó, Đạo luật Sáng lập Nga-NATO được ký kết. Viễn cảnh như vậy cần thảo luận một lần nữa", nghị sĩ Christian Schmidt, người từng nhiều năm giữ vai trò bộ trưởng của Đức cho biết.
Ý tưởng về việc Nga trở thành thành viên của liên minh quân sự đã được một số chuyên gia và chính trị gia đưa ra kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ trở lại vào năm 1991 trong khuôn khổ Hội đồng Hợp tác Bắc Đại Tây Dương (sau đổi tên thành Hội đồng Đối tác Euro-Atlantic).
Mối quan hệ giữa khối và Moscow đã có nhiều cải thiện sau khi Hội đồng NATO-Nga thành lập vào năm 2002, với mục đích xem xét các vấn đề an ninh và các dự án chung. Hội đồng đã bị đình chỉ vào năm 2014 sau cuộc khủng hoảng Ukraine.
Trong cuộc phỏng vấn với đạo diễn người Mỹ Oliver Stone vào năm 2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận rằng ông từng đề nghị với Tổng thống Mỹ lúc đó là Bill Clinton về việc Nga gia nhập liên minh quân sự do Washington lãnh đạo.
Trong lịch sử 30 năm mối quan hệ giữa NATO và Nga, đã có nhiều chính khách từ các quốc gia trong khối đề nghị Nga gia nhập, như Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radoslaw Sikorski lên tiếng vào năm 2009, cũng như một số chuyên gia quốc phòng Đức, bao gồm cả Volker Rühe, người từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Đức từ 1992-1998.
Vào cuối năm 2019, truyền thông Anh nổi lên thông tin cho rằng Nga đã suýt trở thành một thành viên liên kết với NATO vào năm 1995 khi Bộ trưởng Quốc phòng Anh Malcolm Rifkind đưa ra đề xuất.
Lời đề nghị được đưa ra bốn năm sau khi Liên Xô sụp đổ, được cho là nhằm giảm bớt sự nghi ngờ của Moscow về việc bành trướng của NATO về phía Đông, gần biên giới Nga hơn.
Kịch bản xa vời
Trong khi những suy đoán về việc Nga gia nhập liên minh quân sự đã được thảo luận nhiều lần trong những năm 1990, thì bây giờ nó "hoàn toàn chỉ là giả thuyết", Hugo Klijn, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Clingendael (Hà Lan), nói với Sputnik.
"Ngoài những đề xuất thỉnh thoảng, không có sự hứng thú nào ở hai bên trong việc nghiêm túc thực hiện ý tưởng này. Cho đến khi nào một loạt các vấn đề kiểm soát vũ khí và tranh chấp lãnh thổ vẫn chưa được giải quyết, ngay cả một mối quan hệ ấm lên còn khó khả thi", ông nói.
Theo chuyên gia này, chỉ có một chút khả năng Nga sẽ gia nhập khối, đó là trong trường hợp liên minh NATO sẽ điều chỉnh chương trình nghị sự để tạo ra sự thay đổi về môi trường an ninh một cách đáng kể, cũng như thay đổi cái tên NATO. Nhưng một lần nữa, đây là những viễn cảnh xa vời.
Trong khi đó, Sven Biscop, chuyên gia châu Âu tại Viện Quan hệ Quốc tế Hoàng gia (Bỉ), tin rằng quan hệ mang tính xây dựng là khó có thể trừ khi Nga thỏa hiệp về vấn đề Ukraine với các đối tác phương Tây và ngừng tìm cách tạo ra "một lĩnh vực lợi ích độc quyền".
Hiện tại, vào năm 2020, mối quan hệ giữa Nga và NATO khó có thể được gọi là thân thiện. Liên minh hiện coi Nga là mối đe dọa lớn và tiếp tục tăng cường sự hiện diện quân sự ở Đông Âu, chủ yếu ở Ba Lan, Cộng hòa Séc và các quốc gia Baltic. Nga đã nhiều lần lên án kế hoạch mở rộng của NATO ở châu Âu và việc triển khai cơ sở hạ tầng quân sự gần biên giới Nga.
Các cuộc tập trận gần đây của Ukraine-Mỹ có tên Sea Breeze-2020 ở Biển Đen đã trở thành chướng ngại vật mới nhất cho một sự liên kết giữa NATO và Nga. Cuộc tập trận có sự tham gia của 27 tàu chiến, 19 máy bay và hơn 2.000 quân nhân từ bảy quốc gia NATO (Bulgaria, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Romania và Na Uy) và các đồng minh (Georgia và Ukraine).
Phát biểu với Sputnik hồi đầu tháng 7, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nói rằng cuộc tập trận sẽ có tác động tiêu cực đến an ninh trong khu vực.
Bộ Quốc phòng Nga đang theo dõi chặt chẽ các máy bay và tàu thuyền tham gia cuộc tập trận. Tuần trước, máy bay chiến đấu Su-27 của Nga đã xuất kích đánh chặn một máy bay trinh sát của Mỹ bay qua Biển Đen.