Ngày 7/10, Ban chỉ đạo Phát triển đối tượng BHXH, BHYT, BHTN đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN 9 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2020 dưới sự chủ trì của ông Trần Văn Miên, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, Trưởng ban Chỉ đạo.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, trong 9 tháng đầu năm 2020, Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, trong đó tái dịch lần 2 từ cuối tháng 7, dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, tạm ngừng hoạt động, người lao động không có việc làm, phải nghỉ việc, nghỉ không lương hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động. Công tác tuyên truyền, vận động người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; công tác thanh tra, kiểm tra phải hạn chế do thực hiện giãn cách xã hội, thu nhập của người dân, người lao động giảm gây khó khăn cho công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Tính đến ngày 30/9, Đà Nẵng có 2.188 doanh nghiệp tham gia BHXH bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 với 47.173 lao động giảm tham gia BHXH bắt buộc; trong đó, lao động ngừng việc là 21.627 người, lao động nghỉ không lương là 24.608 người, tạm hoãn hợp đồng, nghỉ ốm đau… 938 người. Hầu như, các chỉ tiêu về đối tượng tham gia đều giảm so với năm 2019 và đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch. Tổng số người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc 209.421 người, đạt 80,37% kế hoạch, so với cùng kỳ năm trước giảm 32.033 người, giảm 13,3%; 202.625 người tham gia BHTN, đạt 79,82% kế hoạch, so với cùng kỳ năm trước giảm 31.716 người, giảm 13,5%; 1.024.969 người tham gia các loại hình BHYT, đạt 94,09% kế hoạch, so với cùng kỳ năm trước giảm 10.279 người, giảm 1; độ bao phủ BHYT toàn dân giảm còn 94,1%; mặc dù BHXH tự nguyện so với cùng kỳ năm trước tăng 1.788 người, tăng 38,3%, nhưng mới đạt 51,23% kế hoạch...
Ban Chỉ đạo xác định, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, kiện toàn tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp thành phố, quận, huyện sau Đại hội; tăng cường công tác tham mưu, phối hợp giữa các cấp, các ngành; thực hiện thanh tra, kiểm tra liên ngành và đột xuất, xử lý vi phạm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nâng cao chất lượng phục vụ; chủ động rà soát, giao chỉ tiêu cụ thể thực hiện từng tháng, tuần, gắn với phát động các phong trào thi đua, phân loại, đánh giá, nhận xét các tập thể, cá nhân liên quan…
Ông Trần Văn Miên, nhận định, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của thành phố, doanh nghiệp và gây khó khăn công tác ngành bảo hiểm. Mặc dù vậy, toàn ngành đã nỗ lực, phấn đấu, đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ. Dự báo, tăng trưởng GDP 2020 của thành phố âm khoảng 9,26, tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ tiếp tục gặp khó khăn... Vì vậy, các sở, ngành thành viên Ban chỉ đạo cần chủ động hơn nữa trong công tác tham mưu, phối hợp với BHXH thành phố; tiếp tục khắc phục khó khăn, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp mới phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Trước mắt, BHXH thành phố chủ trì, tham mưu hợp nhất, thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam tại Công văn 3036/BHXH-BT ngày 24/9/2020; tập trung phối hợp các sở, ngành tham mưu cơ chế hỗ trợ từ ngân sách địa phương cấp thẻ BHYT đối với người cao tuổi dưới 80 tuổi, nâng mức hỗ trợ BHXH tự nguyện, BHYT HSSV từ ngân sách địa phương; cơ chế ngân sách hỗ trợ phần chênh lệch chi phí khám chữa bệnh BHYT đối tượng hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn thành phố; thực hiện cấp thẻ BHYT 100% đối với hộ cận nghèo, HSSV; triển khai phát triển đối tượng tham gia BHYT nhóm chức sắc, chức việc và nhà tu hành theo quy định; hỗ trợ đơn vị sử dụng lao động có lao động giảm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BHTN kịp thời theo quy định; đổi mới phương thức tuyên truyền vận động, giao chỉ tiêu đến từng nhân viên để phát triển bền vững BHXH...
Kim Oanh