Đà Nẵng: Sẵn sàng các phương án cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đặc biệt

Huy Cường - Nhâm Thân

Các F1, f2 sẽ được thi riêng. Các phách thi được khử khuẩn. Tất cả thí sinh cùng lực lượng tham gia phục vụ kỳ thi phải được xét nghiệm.

Đảm bảo tuyệt đối an toàn

Trong 2 ngày 31/8 và 1/8, Đà Nẵng tiến hành xét nghiệm SARS-CoV-2 cho toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên, y tế, bảo vệ, phục vụ, thanh tra… tham gia vào tất cả các khâu của kỳ thi và đặc biệt là các thí sinh.

Trước khi đến điểm thi THPT Phan Châu Trinh làm thủ tục thi và xét nghiệm virus SARS-CoV-2, em Nguyễn Thị Thu Hương lo lắng vì những thông tin về tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, khi đến nơi, nỗi lo vơi đi phần nào khi thấy lực lượng công an chốt chặn trước cổng, đội ngũ đoàn viên tự nguyện đo nhiệt độ, nhắc nhở các thí sinh phải thực hiện giãn cách.

Thí sinh được lực lượng tình nguyện hướng dẫn vào bàn tiếp đón, bố trí tại khu vực khoanh vùng trong sân, tránh gây cản trở, ách tắc trước cổng thi. Thí sinh được yêu cầu gỡ khẩu trang đang đeo bỏ vào sọt rác rồi rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, nhận rồi mang khẩu trang mới tại bàn đón tiếp. Sau khi được đo thân nhiệt bằng nhiệt kế hồng ngoại, thí sinh di chuyển vào phòng thi.

Khi được gọi vào phòng thi, thí sinh được yêu cầu đảm bảo giãn cách, gỡ khẩu trang để cán bộ coi thi kiểm tra, sau đó đeo khẩu trang lại vào phòng thi. Sau khi nghe quy chế thi, lần lượt thí sinh ở các phòng thi ra sân, được gọi tên để xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

“Với những gì đang diễn ra, em cảm thấy an toàn hơn khi thi”, nữ thí sinh nói. Và, đây cũng là ý kiến chung của tất cả thí sinh được PV Người Đưa Tin Pháp Luật phỏng vấn. Đồng thời, theo ghi nhận, khi gặp gỡ bạn bè tại các điểm thi, các thí sinh tự giác biết giãn cách nên chỉ chào hỏi bằng việc đứng cách xa.

Bác sĩ Nguyễn Văn Đông, Phó Giám đốc bệnh viện quận Hải Châu, đến các điểm thi trực tiếp chỉ đạo, lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho thí sinh, cán bộ coi thi, bảo vệ… Ông cho hay, kỳ thi lần này, việc lấy mẫu xét nghiệm là một trong những vấn đề được quan tâm đặc biệt nhằm đảm bảo kỳ thi an toàn tất cả mọi người.

Xét nghiệm virus SARS-CoV-2 là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong kỳ thi lần này.

Theo ghi nhận của PV, cán bộ y tế làm việc hết tốc lực. Vào buổi trưa và chiều tối, cán bộ y tế phải rà soát xem có trường hợp nào chưa tự giác đến điểm thi lấy mẫu xét nghiệm. Đối với đối tượng này, sẽ được lực lượng chức năng liên hệ, thông báo lấy mẫu xét nghiệm tại các điểm trung tâm y tế của địa phương.

Thí sinh thuộc F1, F2 và ở các khu vực cách ly y tế sẽ được liên hệ ở nhà và các khu tập trung. Các đối tượng đã được lấy mẫu xét nghiệm phải tuyệt đối ở nhà. Cơ quan chức năng sẽ thông báo đối với các đối tượng dương tính và điều trị trước 12h ngày 2/9. Các trường hợp không được thông báo, tức âm tính, tiếp tục tham gia kỳ thi.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Bích Thuận, Giám đốc sở GD&ĐT TP.Đà Nẵng cho biết, trường hợp thí sinh hoặc cán bộ, nhân viên có biểu hiện sốt, ho, khó thở, phải báo ngay cho cán bộ y tế phụ trách tại điểm thi; yêu cầu người có biểu hiện sốt, ho, khó thở mang khẩu trang, di chuyển đến phòng y tế (phòng dự phòng) tại điểm thi để được theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình trạng sức khỏe.

“Chúng tôi tin rằng, sẽ tổ chức kỳ thi trong an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và thực hiện nghiêm túc nguyên tắc phòng, chống dịch tại địa bàn TP.Đà Nẵng”, bà Thuận nói.

Bí quyết thi tốt

Để có được kết quả thi tốt trong điều kiện kỳ thi khá đặc biệt, ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó Giám đốc sở GD&ĐT TP.Đà Nẵng nhận định, các thí sinh cần 3 yếu tố tâm lý, sức khoẻ và kiến thức. Thời gian kỳ thi diễn ra không còn nhiều, đây không phải là thời gian “chạy hết tốc lực” tập trung vào ôn thi vì não đang rơi vào trạng thái bão hoà. Thay vào đó, thí sinh nên xem lại nhẹ nhàng những lưu ý, những chỗ mà mình thường sai khi làm bài tập và có thể đọc lại lý thuyết.

Đặc biệt, thí sinh nên chú ý đến sức khoẻ, tinh thần. Trước đây, đã có nhiều trường hợp, do ôn tập với cường độ cao dẫn đến kiệt sức, nên đã ngủ quên, muộn thi hoặc không thể tiếp tục khi làm bài. Chỉ còn 1, 2 ngày nữa sẽ bước vào kỳ thi, thí sinh có thể làm những việc mình thích hoặc hoạt động thể thao đơn giản ở nhà và phải ngủ sớm để tinh thần minh mẫn.

Một vấn đề khác rất quan trọng trong lúc này, là phải chuẩn bị một túi hồ sơ bỏ hết tất cả những vật dụng, đồ dùng được mang vào phòng thi. Chuẩn bị giấy tờ, bút, dụng cụ cần thiết như giấy báo, giấy chứng nhận tốt nghiệp, thẻ dự thi, chứng minh nhân dân… Đã có các trường hợp ngay sáng đi thi mới chuẩn bị những thứ này nên phải cuống quýt tìm kiếm dẫn đến nản lòng.

Bà Nguyễn Thị Bích Thuận, Giám đốc sở GD&ĐT TP.Đà Nẵng

Theo ông Lê Phước Bình, trưởng điểm thi trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, thí sinh có thể mang theo dung dịch rửa tay nhanh để sử dụng lúc cần thiết. Do đây là kỳ thi đặc biệt, đang trong lúc dịch bệnh phức tạp, các thí sinh đặc biệt chú ý đến việc giãn cách, không nên đưa tay lên sờ mắt, mũi, miệng và cần bỏ thói quen cắn bút chì, dụi mắt, ngoáy tai…

Giáo viên Nguyễn Thị Son, giáo viên tại điểm thi trường THPT Phan Châu Trinh đưa ra lời khuyên, thí sinh trước ngày thi không nên ăn thức ăn lạ, tránh trường hợp đau bụng. Một số vật dụng không cấm trong quy chế thi nhưng rất có hiệu quả mà thí sinh có thể mang vào phòng thi đó là chai nước lọc, đã xé nhãn và một vài viên kẹo socola. Lúc lo lắng, uống nước khiến cơ thể tỉnh táo hơn. Riêng kẹo socola có khả năng kích não tức thời, phục hồi năng lượng cho não.

Theo lãnh đạo sở GD&ĐT TP.Đà Nẵng, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cho các thí sinh trên địa bàn diễn ra từ 2/9 đến 4/9. Lãnh đạo ngành giáo dục TP.Đà Nẵng nhìn nhận, đây là một kỳ thi quan trọng, diễn ra trong một thời điểm hết sức đặc biệt, đầy khó khăn, thử thách do dịch bệnh Covid-19.

Theo tìm hiểu của PV, hiện tại TP.Đà Nẵng có khoảng 11.000 thí sinh bước vào kỳ thi này. TP.Đà Nẵng phân chia 25 điểm thi chính thức, 478 phòng thi, 31 phòng chờ và 6 điểm thi dự phòng.

H.C - N.T