Nước mắt sau
hào quang sân khấu


Tôi nghĩ rằng, cứ để cho tôi lên sân khấu đi, tôi sẽ biết cách làm cho quý vị bị mê hoặc, bị cuốn hút bởi hàng ngày, tôi luôn cảm thấy có ai đó nói vào tai: "Nhất định phải nổi tiếng, mày sẽ là một người khác" – Đàm Vĩnh Hưng.


Góc khuất sau ba chữ Đàm Vĩnh Hưng đầy quyền lực


Kiêu hãnh và đầy quyền lực, ba chữ “Đàm Vĩnh Hưng” đã trở thành một thương hiệu hàng đầu trong nền giải trí Việt Nam suốt 20 năm qua.

Đàm Vĩnh Hưng tên thật là Huỳnh Minh Hưng, quê gốc ở Điện Bàn, Quảng Nam trong một gia đình có cha là một thầy giáo, còn mẹ anh là một bác sĩ.

Nói về mẹ, Đàm Vĩnh Hưng nghẹn ngào: “Bà là người phụ nữ giỏi bằng hai người đàn ông”.

Năm cậu bé Minh Hưng vừa tròn 10 tuổi thì gia đình gặp biến cố. Ba anh bán căn nhà hạnh phúc khi xưa để trả cho khoản nợ kếch sù và bắt đầu bươn chải cuộc sống đầy khó khăn tủi hờn.

Mỗi lần về nhà, Đàm Vĩnh Hưng lại chứng kiến những lần cãi vã, những lời to tiếng quát nạt. Và hạnh phúc dần tan vỡ, cậu bé cứ mải mê nhặt nhạnh những mảnh ghép hạnh phúc rồi thở dài đầy tiếc nuối.

Không có ba, mình mẹ nuôi Đàm Vĩnh Hưng khôn lớn và trưởng thành. Tất cả tình thương và sự lo toan bà dồn hết vào cậu con trai hiếu thảo, hiểu chuyện.

“Ông hoàng nhạc Việt” nhớ lại vào năm học cấp 3, điều anh ao ước nhất chính là bộ quần áo trắng để hát trong một sự kiện.

Biết được mong muốn ấy, mẹ anh đã chắt chiu đồng tiền bèo bọt từ nồi bún bò Huế, bất chấp cảnh nghèo để mua cho anh một xấp vải trắng.

Cuộc sống cứ thế trôi dài, không biết tự bao giờ người phụ nữ vốn mảnh mai trở nên tự cường đến đáng thương, bà một mình gánh vác cả những công việc vốn dĩ thuộc về đàn ông.

Hình ảnh đó trở thành nỗi niềm day dứt trong tâm trí của cậu thanh niên sau ngày trở thành “ông hoàng nhạc Việt”.

Ngày chưa nổi tiếng anh từng làm rất nhiều nghề khác nhau để tồn tại. Từ nghề tóc đến bán quần áo, mỹ phẩm hay trang điểm cô dâu.

anh mẹ con đàm vĩnh hưng

Anh cũng không ngại tiết lộ thời điểm khó khăn nhất: “Khi tôi và em gái trở về Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi không có cha mẹ bên cạnh. Bởi lúc ấy mẹ tôi vào tù còn ba phải về với mẹ cả. Tôi nương tựa bà ngoại và một mình bươn chải lo cuộc sống”.

Nhưng cho dù ở hoàn cảnh nào, Đàm Vĩnh Hưng vẫn ôm ấp một tình yêu cháy bỏng với nghệ thuật, với cái đẹp đặc biệt là tình yêu dành cho âm nhạc.

Ở một bài báo nào đó, Đàm Vĩnh Hưng từng trút bầu tâm sự rằng anh chưa bao giờ nghĩ sẽ mưu sinh bằng nghề ca hát.

Anh chỉ muốn bước lên sân khấu bởi sự thèm khát và đam mê. Không cần trả lương, thậm chí nhịn đói, nhịn khát nhưng chỉ cần được đứng trên sân khấu Đàm Vĩnh Hưng như sống là chính mình.

Anh nói: “Tôi chỉ là người cắt tóc thôi, ai biết đâu mà mời, mà mướn. Để được hát, tôi đi theo mấy ca sĩ có show để hát chào hàng. Hát xong được mời thì hát tiếp, không thì thôi, nhưng ít nhất tôi cũng được lên sân khấu hát rồi”.

Năm 1991, Đài truyền hình Thành phố bắt đầu tổ chức cuộc thi Tiếng hát Truyền hình. Cũng như bao ca sĩ trẻ thời đó, Đàm Vĩnh Hưng hăng hái đăng kí với hi vọng đem về cho mình một giải thưởng nào đó.

Nhưng không hiểu sao, lận đận chuyện thi cử thế nào mà Đàm Vĩnh Hưng không đem về một giải thưởng nào cho mình. Mùa thi năm sau cũng vậy.

đàm vĩnh hưng

Cuối năm 1996, Đàm Vĩnh Hưng bắt đầu bước lên sân khấu. “Cát-xê hồi đó được 15.000, tôi lấy nghề tóc nuôi nghề hát. Đó là khoảng thời gian ghê lắm. Người ta nhìn mình còn không muốn nhìn chứ đừng nói đến chuyện nghe mình nói cái gì”, nam ca sĩ trải lòng.

Năm 1997, Đàm Vĩnh Hưng mới có giải thưởng đầu tiên cho riêng mình, anh chia sẻ: “Thời gian đó, cứ ở đâu có cuộc thi là tôi lại lao đến, không phải ham hố giải thưởng hay gì, mà đơn giản tôi chỉ muốn được đứng trên sân khấu, được hát cho mọi người nghe sau những giờ miệt mài ở tiệm cắt tóc. Khi tôi tham gia thi ở Đầm Sen, tôi mới được giải thưởng đầu tiên trong đời mình, đó là giải khuyến khích, mà cũng là thí sinh cuối cùng được gọi lên nhận giải. Thế mới biết đời tôi không có duyên với những giải thưởng được.

Con đường ca hát của Đàm Vĩnh Hưng cứ gặp trắc trở, vì muốn được hưởng cảm giác thăng hoa của âm nhạc, Đàm Vĩnh Hưng không ngần ngại đi hát lót cho các ca sĩ như Tuấn Hưng, Thu Phương, Như Quỳnh, …

Ngoài việc phải hát lót, trước đó Đàm Vĩnh Hưng cũng không ngại ngần kể lại khoảng thời gian mình phải đi xe máy hát đám cưới, phòng trà với mức cát-xê 20.000 - 30.000 đồng bèo bọt.

Mr Đàm buồn vui tủi hờn bên nhánh
kim ngân

Người ta nhìn vào Đàm Vĩnh Hưng là nhìn thấy sự sung túc giàu sang. Những món quà hàng hiệu đắt đỏ, những chuyến bay hạng sang cùng những viên kim cương lấp lánh.

Nhưng mấy ai biết được rằng, đằng sau hội chợ phù hoa là một bãi bồi cô đơn nơi người lạ không được phép chạm tới.

Cuộc sống đẳng cấp của Mr Đàm khiến không ít người ghen tị, đố kỵ và cảm thấy "bất công"

Để rồi bất kì câu chuyện nào có liên quan tới tiền bạc, họ đều mặc định đó là những chuyện vặt vãnh với Mr Đàm.

Hơn ai hết, Đàm Vĩnh Hưng là người quý trọng công sức và những đồng tiền anh kiếm được.

Họ bĩu môi khi nghe Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ về khó khăn tiền bạc, về nợ nần anh phải gánh hộ người thân.

Bất kì trường hợp khó khăn nào, họ cũng đều réo tên Mr Đàm vì "anh giàu quá mà, sao không làm từ thiện?".

Người ta cứ nghĩ rằng là nghệ sĩ, mặc định phải giàu có, kiếm tiền dễ như một chiếc máy in tiền và chia sẻ thật nhiều, như một cách lấy lại chút "công bằng" với đám đông.

Quả thật, những ngôi sao cỡ như Mr Đàm chắc chắn sẽ sở hữu khả năng kiếm tiền gấp trăm, gấp ngàn lần người bình thường khác. Có điều, chẳng có điều gì là "bất công" hay dễ dàng như không ít người từng tưởng tượng.

Sự phán xét của đám đông khiến Đàm Vĩnh Hưng cảm thấy mỏi mệt, nổi khùng. Vốn là người nóng tính, háo thắng, hung dữ, mạnh mẽ, lì lợm, Đàm Vĩnh Hưng không ít lần lên gân với mọi người để rồi gánh chịu mọi sự chỉ trích.

Đàm Vĩnh Hưng

Nỗi cô đơn, áp lực của người nghệ sĩ vẫn cứ được hiển hiện rõ trong khoảnh khắc "nghỉ ngơi" của “ông hoàng”.

Bệnh tật, ốm đau một mình chịu đựng, nhất là khi đi kèm với những lời tâm sự đầy những nỗi niềm của Mr Đàm.

Rất nhiều người biết giá cát-xê của Đàm Vĩnh Hưng là cả trăm triệu cho một show, nhưng rất ít người biết lịch chạy show của anh kinh khủng tới mức nào.

Rất nhiều người biết tới biệt thự nguy nga, bộ sưu tập đồ hiệu tiền tỷ của Đàm Vĩnh Hưng, nhưng không nhiều người biết chỗ ăn, ngủ quen thuộc nhất của Đàm Vĩnh Hưng lại là chiếc xe hơi.

Đàm Vĩnh Hưng

Người ta gọi anh là “ông hoàng”, là gã ngông, là "đại gia nghệ sĩ", nhưng chỉ những người thân thiết với Đàm Vĩnh Hưng mới biết tên gọi chính xác nhất về anh là ai.

Không ai biết rằng, nơi ấy, dưới ánh đèn hào quang ấy, có một người nghệ sĩ chỉ lén lau những giọt mồ hôi rớt lên cánh áo để hát liên tục hàng chục bài cống hiến cho khán giả.

Đâu đó bóng dáng của Mr Đàm ăn vội lát bánh mì trên bàn tiệc khi tranh thủ đi sự kiện, một “ông hoàng nhạc Việt” của đời thường cô đơn một mình truyền nước biển. Nhưng chỉ cần hễ đứng trước khán giả, nụ cười gượng vẫn toả sáng rực rỡ trên môi mà không một chút mỏi mệt hay khó chịu.

Đỉnh điểm của nỗi đau đó chính là anh phải công khai làm “công tố viên” tố cáo mẹ mình thay vì làm luật sư bao che góc khuất kinh hoàng ấy.

Đàm vĩnh hưng

20 năm đi hát gánh trên vai món nợ 20 tỷ, tài sản anh có duy nhất chỉ còn căn nhà ở quận 10.

Song gạt đi nỗi đau để chia sẻ chuyện đời trên mạng, người thương anh thì ít kẻ hả hê thì nhiều. Thậm chí họ còn nhẫn tâm nói anh là kẻ bất hiếu.

Là một người nghệ sĩ có trí óc và sự nhạy bén, Đàm Vĩnh Hưng là người hiểu hơn ai hết cái giá của việc bị dư luận công kích, nỗi đau sẽ càng chồng chất bởi sức mạnh đến từ những câu nói.

Chẳng dễ dàng chút nào khi người nghệ sĩ mở lòng để để nói về những điều xấu của gia đình. Nhưng nếu không lên tiếng, Đàm Vĩnh Hưng chấp nhận sống chung với món nợ chẳng biết khi nào trả hết.

Dư luận đa chiều, họ có quyền bình luận chen chân vào đời tư của nghệ sĩ mà không cần biết họ ra sao, như thế nào. Đứng ngoài rìa câu chuyện, họ phán xét và trút lên đầu anh cả tỷ điều lạ lùng.

20 năm trải qua nếm đủ cay đắng, sỉ vả thậm chí tẩy chay. Thế đó mà “ông hoàng nhạc Việt” vẫn cất vang tiếng hát khắp đủ các phòng trà, show kín từ trong đến ngoài nước.

Ai bảo nghệ sĩ là sướng. Phía sau cụm từ “sung sướng” là cả một hành trình cực nhọc, cay đắng mà người nghệ sĩ chân chính phải “đánh đổi” và mang đến cho khán giả những bức tranh sinh động đầy ý nghĩa mang tên nghệ thuật.