Dân diệt chuột trừ hậu họa virus Hanta gây chết người

Dân diệt chuột trừ hậu họa virus Hanta gây chết người

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Kết quả kiểm nghiệm của Viện Pasteur TP.HCM bất ngờ phát hiện, chuột cống tại TP.HCM chứa virus Hanta gây bệnh suy gan, suy thận cấp, thậm chí có thể khiến bệnh nhân tử vong đã làm người dân hoang mang.

Phát hiện gây hoang mang người dân

Trước sự lo lắng của người dân, PV đã tìm hiểu và được được biết, vào đầu tháng 10/2012, Bệnh viện Phú Nhuận (TP.HCM) đã cấp cứu cho ông N.V.T. (55 tuổi, ở quận Phú Nhuận, TP.HCM) trong tình trạng sốt cao, ho nhiều, giảm tiểu cầu trong máu và nổi mẩn đỏ khắp người.

Tại đây, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị sốt xuất huyết nên đưa ra phác đồ điều trị. Tuy nhiên, sau thời gian điều trị, triệu chứng bệnh của ông T. vẫn không thuyên giảm. Nhận định ông T. có thể mắc "bệnh lạ", bệnh viện Phú Nhuận đã chuyển bệnh nhân qua bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM điều trị.

Trước nhiều triệu chứng kỳ lạ, các bác sĩ tiến hành làm các xét nghiệm cho bệnh nhân. Kết quả cho thấy, ông T. dương tính với virus Hanta, một loại virus ở chuột có khả năng gây suy gan, suy thận cấp và có thể khiến bệnh nhân tử vong.

Xã hội - Dân diệt chuột trừ hậu họa virus Hanta gây chết người

Ông T. sau thời gian được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM đã bình phục sức khỏe và xuất viện về nhà. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo, nếu có biểu hiện tương tự, ông T. phải nhanh chóng quay trở lại viện điều trị.

Để tìm hiểu về loại bệnh này, PV đã tìm đến nhà ông N.V.T để tìm hiểu nguyên nhân. Trao đổi với PV, ông T cho biết: "Khu dân cư nơi tôi ở, chuột xuất hiện nhan nhản khắp nơi và thường xuyên tấn công người nếu không kiếm được thức ăn. Khoảng một tháng trước, trong khi nằm ngủ tôi bị chuột cống cắn vào ngón chân. Vì chủ quan nên tôi không đi tiêm phòng.

Đến khi tôi phát bệnh, người nhà cho rằng, tôi bị sốt xuất huyết chứ không nghĩ do chuột cắn. Đến khi được chuyển viện cấp cứu tại bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM, tôi mới hiểu được nguyên nhân mình mắc bệnh. Cũng trong thời điểm này, con trai tôi cũng 2 lần bị chuột cắn chảy máu ngón chân, lên cơn sốt cao. Tuy nhiên, con tôi may mắn không bị nhiễm virus Hanta".

Trao đổi với chúng tôi, BS. Lý Huỳnh Kim Khánh, phụ trách khoa động vật côn trùng y học viện Pasteur TP.HCM cho biết: "Trước căn bệnh mà ông T. mắc phải và nhằm đánh giá, truy tìm nguồn gốc của bệnh, các bác sĩ thuộc Viện Pasteur TP.HCM đã xuống nơi ông T ở. Tại đây, chúng tôi đã bắt ngẫu nhiên 25 con chuột gồm chuột cống và chuột nhắt sống xung quanh nhà bệnh nhân.

Sau khi kiểm tra, kết quả cho thấy 3 mẫu chuột cống đã được phát hiện mang virus Hanta. Các bác sĩ cho biết, kết quả này đúng với thực tế, bởi so với chuột nhắt vốn sống trong nhà thì chuột cống cư ngụ dưới cống rãnh nên có nguy cơ truyền bệnh cho con người nhiều hơn".

TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết: "Trước kết quả 3 mẫu chuột cống trong 25 mẫu lấy từ nhà bệnh nhân T. nhiễm bệnh, Viện Pasteur sau đó tiến hành xuống nhiều khu phố khảo sát và bắt được một số chuột và mang đi xét nghiệm. Tại các mẫu này, viện cũng phát hiện có virus Hanta. Trước tình hình này, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM phải yêu cầu 24 quận huyện chú ý loại chuột cống có nguy cơ gây bệnh mà viện Pasteur vừa phát hiện.

Người người, nhà nhà quyết diệt chuột

Theo ghi nhận của PV, sau khi thông tin chuột cống nhiễm virus Hanta xuất hiện người dân tại TP.HCM vô cùng, lo lắng. Bởi TP.HCM được xem là "thành phố chuột" lớn nhất trong cả nước. Tại rất nhiều khu dân cư, nhất là gần kênh rạch, chợ tự phát... bất kể ngày đêm, chuột xuất hiện liên tục và kéo vào nhà dân kiếm ăn như chốn không người. Ban đêm, những con chuột rụng hết lông, mình lở loét chạy loạn xạ ngoài đường. Nhiều con còn chạy thẳng vào nhà dân để tấn công người vì đói. Đặc biệt, trong lòng cống ngầm tại TP.HCM do tập trung nhiều rác thải chính là nơi chuột sinh sôi, phát triển mạnh nhất.

Xã hội - Dân diệt chuột trừ hậu họa virus Hanta gây chết người (Hình 2).

Chuột do người dân bẫy được.

Ám ảnh trước sự lộng hành của chuột, chị Đinh Thị Giang (30 tuổi, công nhân Khu chế xuất Linh Trung II, quận Thủ Đức, TP.HCM) cho biết: "Khu dân cư nơi tôi ở lúc nào cũng thấy chuột chạy, đa số là chuột cống. Chúng rất hôi và to. Chuột ở đây khá dạn người. Chúng thường xuyên vào nhà cắn phá đồ đạc. Mấy bịch rác vứt vào thùng, sáng hôm sau dậy thể nào cũng bị lũ chuột bới tung lên. Có lẽ chính nguồn thức ăn ở các bãi rác làm cho chúng sinh sôi mạnh nên chuột xuất hiện ngày càng nhiều. Vừa qua, nghe thông tin chuột lây vi rút Hanta cho người nên gia đình tôi vô cùng lo lắng".

Sau khi trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM phát động diệt chuột trên diện rộng, nhiều người dân tỏ ra hưởng ứng. Tuy nhiên, nhiều người xác định, cuộc chiến diệt chuột là một bài toán vô cùng nan giải và khó khăn. Trước tình hình chuột lộng hành tại các khu dân cư, người dân dù biết khó khăn nhưng phải lao vào diệt chuột để tự bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Ghi nhận của PV, những ngày qua tại nhiều khu vực dân tại các quận Thủ Đức, quận 10, quận Tân Bình, quận 5, quận 9... người người, nhà nhà áp dụng mọi cách có thể để tiêu diệt tận gốc số chuột tại đây.

Chữa trị bệnh do virus Hanta không khó, nếu phát hiện kịp thời

Theo TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, virus Hanta có trong chất bài tiết của chuột như nước tiểu, phân, nước bọt. Khi niêm mạc (mắt, mũi, miệng) hoặc vùng da bị tổn thương của con người tiếp xúc trực tiếp các chất bài tiết này cũng như hít vào đường hô hấp thì đều bị mắc bệnh. Đã có một số trường hợp nhiễm bệnh do bị chuột cắn. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM thỉnh thoảng vẫn tiếp nhận bệnh nhân nhiễm loại virus này và tất cả đều có tiếp xúc với chuột cống. Hiện nay, người nhiễm virus Hanta có thể được điều trị khỏi bệnh sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, điều nguy hiểm ở các bệnh này là chưa có thuốc đặc trị. Đặc biệt, y văn ghi nhận không ít trường hợp nhiễm virus Hanta tử vong rất nhanh do chứng suy gan suy thận cấp. Tuy nhiên, theo TS.BS Siêu, không phải bất cứ con chuột nào cũng nhiễm loại vi rút này nên người dân không cần phải hoang mang lo sợ. Hơn nữa, nếu phát hiện kịp thời thì công tác chữa trị cũng không phải là khó khăn.

Cảnh giác với món "chuột cống thành chuột đồng"

Theo ghi nhận của PV, những năm gần đây, thịt chuột trở thành món ăn phổ biến của người dân tại TP.HCM. Không những ở nông thôn mà tại các thành phố lớn, thịt chuột trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều dân nhậu. Chính vì vậy nguồn cung cấp thịt chuột sạch (chuột đồng) trở nên khan hiếm và không đáp ứng được nhu cầu. Nhiều quán ăn bù đắp nguồn nguyên liệu thiếu hụt bằng cách thay thế chuột đồng bằng chuột cống. Thực khách không hề thấy chuột được chế biến như thế nào, có an toàn không nhưng tại các quán nhậu, họ vẫn thưởng thức thịt chuột rất nhiều.

Công Đại - Công Thư