Đàn khỉ hoang dã chung sống

Đàn khỉ hoang dã chung sống "hòa đồng" với người

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Đã hơn 20 năm qua, trên con đường lên đỉnh núi Lớn, đàn khỉ có hơn 50 con, sống quần tụ như một đại gia đình và có đầu đàn dẫn dắt, bảo vệ.

"Hoa Quả Sơn" ở núi Lớn

Chùa Tam Bảo, "Hoa Quả Sơn" của đàn khỉ hoang dã, nằm lưng chừng giữa ngọn núi Lớn hùng vĩ của phố biển Vũng Tàu.

Nhiều người chọn cách leo núi để tận hưởng không khí trong lành, không quên tay xách theo túi nilon đựng đầy trái cây cho lũ khỉ trên chùa Tam Bảo. Mỗi khi đi qua đây, nhân viên của công ty du lịch trên đỉnh núi Lớn cũng dừng lại cho đàn khỉ ăn và trêu đùa với chúng.

Chị Ngọc Minh, một trong những kẻ "mắc nợ" đàn khỉ này chia sẻ: "Nhà chị ở dưới núi nhưng ngày nào cũng đem chuối lên cho tụi nhỏ (cách gọi mấy con khỉ của chị Minh-PV) ăn đỡ đói. Núi Lớn cũng có nhiều trái cây dại nhưng chắc không ngon bằng món khoái khẩu này".

Chị dặn chúng tôi: "Cho tụi nhỏ ăn, mấy em cứ đưa từ từ, mấy nhỏ đưa tay lấy, đừng có sợ giật lại, nó tưởng mình bắt nó, nó nhe răng ra khẹc tụi em đó".

Những quả chuối ngọt từ khách qua đường chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong việc hình thành "Hoa Quả Sơn" có nhiều hoa thơm trái ngọt của đàn khỉ ở núi Lớn. Đa phần, trái cây nuôi đàn khỉ xuất phát từ đồ cúng dường và lễ Phật của khách thập phương.

Hòa thượng Thích Thắng Phước, trụ trì chùa Tam Bảo cho biết: "Trước đây, mỗi ngày 3 lần vào tầm 6h sáng, 11h trưa, 16h chiều, đàn khỉ đều nhanh nhảu xuống sân chùa tìm thức ăn. Nhưng thời gian gần đây chúng xuống thất thường, tùy hứng vì nhà chùa đang xây dựng lại, nên phải đóng cổng không cho chúng vào. Chúng mà vào được đây sẽ quậy ghê lắm, lấy cắp trái cây, chọc ghẹo khách viếng chùa, gây gổ đánh nhau ở sân chùa, làm rộn cả một góc sân".

Xã hội - Đàn khỉ hoang dã chung sống 'hòa đồng' với người

Người qua đường cho khỉ ăn chuối.

"Mặc dù đàn khỉ quậy tưng bừng nhưng ngày nào không có chúng chùa vắng lạnh và tẻ nhạt. Nhờ chúng mà người đến viếng chùa cũng đông hơn đó, khách du lịch nghe người địa phương bàn tán về đàn khỉ vui tính, hòa đồng nên tò mò tìm đến nhiều lắm. Chùa trồng nhiều cây ăn trái như mít, xoài, đu đủ đều là thức ăn ưa thích của mấy chú khỉ nên chúng tôi dần dà xem đây giống như Hoa Quả Sơn trong truyện Tây Du Ký" - anh Bảy, chủ quán nước trước cổng chùa Tam Bảo chia sẻ nguyên nhân người dân nơi đây chọn biệt danh chùa Khỉ, hay "Hoa Quả Sơn" mỗi khi nhắc về ngôi chùa tọa lạc nơi núi Lớn.

Được biết, anh Bảy sống dưới chân núi, mỗi ngày đều lên chùa bán nước, cũng là người thường xuyên chăm sóc, cho khỉ ăn. Ngồi trò chuyện với chúng tôi mà tai anh lúc nào cũng dành lắng nghe động tĩnh của đàn khỉ. Sau tiếng hú gọi của anh Bảy, con khỉ đầu đàn xuất hiện, đứng dõng dạc trên nóc nhà kho của chùa Tam Bảo. Khỉ đầu đàn to lớn và già dặn, quan sát cẩn thận, ngó trước nhìn sau rồi mới lục đục gọi đàn khỉ con kéo xuống.

Đại gia đình Tôn Ngộ Không đang bị đe dọa

Đại gia đình khỉ núi hoang dã trú ngụ núi Lớn ngày càng thưa thớt cả về số lượng lẫn giống nòi. Dường như nguồn thức ăn tại "Hoa Quả Sơn" đã cạn kiệt vì nắng mưa miền biển thất thường, khắc nghiệt.

Những con khỉ già chậm chạp giành lấy phần thức ăn trước nhất, bọn khỉ con khép nép, e dè, đợi đàn anh ăn xong mới dám lấn tới trước xin ăn. No nê, đàn khỉ tách ra, mỗi con chọn một cách để thư giãn. Một chú khỉ nhảy phắt lên dây điện ngồi gảy tai, đung đưa trước gió, rồi làm trò cùng du khách. Cách đó một quãng xa, một con khỉ mẹ cho khỉ con bú, tay nó mân mê vuốt ve đám lông có phần khô sơ của đứa con bé bỏng, chốc chốc dừng lại khi phát hiện ra ký sinh bám trên cơ thể và đưa vào miệng cắn lép nhép.

Đàn khỉ vô cùng hiếu động, chúng chuyền hết cành cây này sang cành cây khác, ngạo nghễ ngồi chót vót trên cây mít cổ thụ trước sân chùa. Chú khỉ đầu đàn luôn dạn dĩ và ngông nghênh nhất. Các sư chùa Tam Bảo cho biết, con khỉ đầu đàn này do người dân cứu thoát khỏi bẫy của những kẻ săn khỉ tàn độc. Chú khỉ này được con người nuôi dưỡng và thuần hóa cho đến khi trưởng thành rồi đem thả trở lại rừng nên chú khá thân thiện với con người.

Cô Đơn là tên của khỉ đầu đàn được các sư đặt cho, vì thời gian đầu khi chưa hòa nhập được với cuộc sống hoang dã, một mình đương đầu với nhiều thử thách của tự nhiên. Sau nhiều trận quyết chiến tại sân chùa, Cô Đơn là người chiến thắng và thay thế vị trí của những thủ lĩnh trước đây bị đánh bại. Từ đây, Cô Đơn bắt đầu dẫn dắt đàn khỉ hoang dã của mình đến gần với con người hơn.

Dù hiếu động và chẳng sợ con người nhưng lũ khỉ vẫn rất ngoan ngoãn, chưa bao giờ khách tham quan bị đàn khỉ cắn, giựt thức ăn, có con còn nằm ngoan ngoãn trong vòng tay của du khách, cho họ vuốt ve, nựng nịu. Ngày nào được cho ăn ngon, no nê chúng ngả lăn ra sân chùa đùa giỡn, ngủ nghỉ trên mái chùa, trên cành cây cổ thụ.

Như bất cứ loài động vật hoang dã nào, đàn khỉ ở chùa Tam Bảo cũng không có khả năng chống chọi lại lòng ham muốn và khát máu động vật của những kẻ săn bắt thú rừng. Đôi lúc, sự dạn dĩ và thân thiện của đàn khỉ với con người lại là bất lợi, có những cái chết oan ức của khỉ bắt đầu sự hồn nhiên dễ mến của chúng.

Hòa thượng Thích Thắng Phước cho biết: "10 năm qua, số lượng khỉ về chùa ngày càng giảm, hiện chỉ có khoảng 10 con cái trưởng thành. Số khỉ con được sinh ra không bù vào được số khỉ bị con người săn bắt. Nhiều người dân đi kiếm củi trên núi thường xuyên phát hiện những chiếc bẫy khỉ hoặc bắt gặp ánh mắt mệt mỏi đau đớn, cầu cứu của khỉ bị sập bẫy. Số ít khỉ thoát khỏi bẫy cũng mang thương tật về sau, có con bị rụng hết ngón tay, ngón chân hay những vết sẹo trên lưng khi cố vùng vẫy khỏi bẫy".

Năm 1974, con người đã phát hiện ra đàn khỉ đuôi dài sống ẩn dật trong rừng núi Lớn. Từ đó đến nay, đàn khỉ ngày càng thân thiện với con người bao nhiêu, số lượng khỉ bị săn bắn càng tăng theo tỷ lệ thuận, số người yêu quý và nuôi dưỡng chúng có cố gắng mấy cũng không bảo vệ chúng trước sự bạt ngàn của núi rừng và sự tham lam của con người.

Ngọc Lài - Hà Nguyễn