Dân thành phố đổ về quê

Dân thành phố đổ về quê "săn" thực phẩm sạch

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Sau những thông tin thịt lợn nhiễm chất tạo nạc, hoa quả nhiễm hóa chất người dân ra chợ nhìn món gì cũng sợ. Để đối phó với thực phẩm bẩn, nhiều bà nội trợ đã lặn lội về các vùng quê để tuyển thực phẩm sạch.

Chị Hương, một người dân TP. Hà Nội cho biết, chị "đặt hàng" tại vườn của một người dân ở Hoài Đức với giá cao. Ngoài ra chị còn nhờ người chăn gà giúp. Cứ đến cuối tuần, chị Hương lại về quê lấy hàng một lần.

Thậm chí, theo chị Hương, người dân Hà Nội hiện nay còn tự trồng rau và nuôi gà để không phải phụ thuộc vào hàng chợ.

Xã hội - Dân thành phố đổ về quê 'săn' thực phẩm sạch

Được biết, Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm vừa công bố nhiều con số khiến cho người dân phải rùng mình: Trên thị trường có đến 27% số nước tương, tương ớt nhiễm vi sinh, 50% số nước đóng bình nhiễm vi sinh, 33% số bột ớt, hạt dưa nhiễm Rhodamine B, 100% số mứt đóng gói nhiễm hóa chất tẩy trắng công nghiệp…

Điều đáng lo ngại là nhiều loại thực phẩm phổ biến hằng ngày nhưng mức độ nhiễm hóa chất và vi khuẩn rất lớn. Cụ thể, 67% thịt quay có phẩm màu độc hại và ô nhiễm vi sinh vật; 36% xúc xích, lạp xưởng, jambon bị nhiễm vi khuẩn hoặc chất cấm…

Hàng loạt vụ thực phẩm bẩn bị phát hiện

Cuối tháng 2 vừa qua, Đội Cảnh sát Kinh tế Môi trường quận Cẩm Lệ (TP. Đà Nẵng) tịch thu, tiêu hủy khoảng 300 kg đuôi bò bốc mùi hôi thối được vận chuyển trên một xe khách. Trước đó, Công an Quảng Trị cũng bắt giữ hàng loạt vụ vận chuyển phụ phẩm gia súc, gia cầm hư thối trên đường chuyển vào TP.HCM tiêu thụ. Tại Hà Nội, cơ quan chức năng cũng đã bắt giữ rất nhiều vụ vận chuyển hàng không có nguồn gốc xuất xứ, trong đó lớn nhất là vụ tiêu hủy 30 tấn thịt thối tại một kho chứa trên địa bàn... Tương tự như các thành phố lớn, TP.HCM cũng chìm trong thực phẩm bẩn. Được biết, lực lượng QLTT đã kiểm tra 141 vụ vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm trái phép, trong đó đã xử lý gần 19 tấn thịt gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc.

Kết quả kiểm nghiệm trên như đổ dầu vào lửa, khiến người dân vốn đã lo lắng nay còn hoang mang hơn nữa. Họ không biết mình phải lựa chọn ăn gì, uống gì để đảm bảo cho sức khỏe và an toàn tính mạng.

Hiện nay, thực phẩm bẩn tràn lan không chỉ ở Hà Nội, TP.HCM mà ở cả các thành phố lớn khác. Mới đây, thông tin xuất hiện gạo giả và trứng giả cũng khiến nhiều người lo lắng. Trong khi giá cả hàng hóa tăng chóng mặt thì họ lại không có biện pháp nào để tự bảo vệ mình.

Trao đổi với PV Người đưa tin, ông Vũ Vinh Phú - chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng: "Thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường là do công tác quản lý chưa tốt". Ông Phú cũng cho rằng, hiện nay chế tài xử phạt chưa nghiêm minh, nên không răn đe được các cá nhân, doanh nghiệp thiếu trách nhiệm.

Hơn nữa, việc sản xuất thực phẩm hiện nay không có quy trình sản xuất khép kín. Thông thường, để cho ra một sản phẩm sạch, các nhà quản lý phải có trách nhiệm từ khâu sản xuất đến bán lẻ. Tuy nhiên, thị trường thực phẩm của Việt Nam chưa làm được điều ấy.

Xã hội - Dân thành phố đổ về quê 'săn' thực phẩm sạch (Hình 2).
Ông Vũ Vinh Phú

Số vụ bị phát hiện chỉ là 1% thực tế

Ông Vũ Vinh Phú, chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, ở nước ta, việc chế biến thực phẩm vẫn là nhỏ lẻ, manh mún, nên mạnh ai nấy làm. Thậm chí, vì lợi nhuận nên người ta cho đủ thứ hóa chất vào thức ăn mà không cần biết hậu quả với người tiêu dùng. Đây chính là lỗi hệ thống, từ nhà sản xuất, doanh nghiệp phân phối, đến cơ quan quản lý. ông Phú cho biết, những vụ thực phẩm bẩn công bố trên báo giới chỉ là 1% con số thực trên thực tế.

Lạc Thành